Càng khôn lớn con cái càng trở nên vô tâm và có những thói quen tưởng chừng rất nhỏ trong cuộc sống cũng vô tình đẩy chúng ta rời xa vòng tay mẹ, kiến người phải buồn lòng.
Ít về nhà ăn cơm cùng gia đình
Cuộc sống bộn bề với nỗi lo về công việc, khiến chúng ta đôi khi bị cuốn vào vòng xoáy tiệc tùng: tiếp khách, sinh nhật sếp, chào mừng đồng nghiệp, liên hoan công ty… Những lí do khác như tụ tập bạn bè, hẹn hò với người yêu, shopping mua sắm… thì lại thuộc về những mối quan tâm cá nhân mà chúng ta có thể chủ động thu xếp để dành thời gian cho gia đình.
Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản: nhắn một tin nhắn cho mẹ “tối nay con không về ăn cơm” là xong, nhưng bạn có biết rằng mẹ sẽ buồn thế nào nếu bữa cơm mà mẹ đã chuẩn bị với bao nhiêu yêu thương, cuối cùng lại chỉ “thui thủi hai thân già với nhau”, còn con cái đều vắng mặt vì muôn vàn những lí do riêng? Nếu một tuần 7 ngày mà đến 4 ngày bạn không ăn cơm cùng bố mẹ, hãy xem lại mình đi nhé!
Mẹ là người đã mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày để sinh ra ta, nếu không có mẹ thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có cuộc sống này. Trong khi bạn lại quên mất sinh nhật của mẹ thì thật là vô tâm và vô lý!
Phàn nàn rằng mẹ thật phiền hà
Mẹ là người đã hi sinh cả đời cho gia đình và dù chúng ta đã hoàn toàn trưởng thành, đủ lông đủ cánh thì trong mắt mẹ, con cái mãi vẫn là những đứa trẻ cần được dõi theo. Thế nên đừng khó chịu khi một ngày mẹ gọi điện vài lần chỉ để hỏi xem bạn đang làm gì, mấy giờ thì về nhà, bao giờ dẫn người yêu về để bố mẹ xem mặt…
Nếu bạn thường xuyên phàn nàn rằng mẹ thật phiền hà, thậm chí là “quê mùa”, mẹ sẽ bị tổn thương và cảm thấy cô đơn vì con cái đã không còn cần đến mình. Đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu khiến người già bị trầm cảm, sống khép mình và suy giảm tuổi thọ, nên đừng làm những điều khiến sau này bạn phải cảm thấy hối tiếc!
Hiếm khi nói những lời yêu thương với mẹ
Chắc chắn ai trong chúng ta cũng yêu thương và kính trọng mẹ, nhưng liệu có mấy ai khi trưởng thành đã từng ôm lấy mẹ, dụi mặt vào bờ vai của người và nói “con yêu mẹ”? Bạn có nhớ lần cuối mình chuyện trò tâm sự, nhổ tóc bạc hay “làm nũng” với mẹ là khi nào không? Vì sao chúng ta có thể nhắn tin, gọi điện thoại và “buôn dưa lê” trên facebook với người yêu của mình suốt ngày, mà lại luôn cảm thấy ngại ngùng khi nói những lời yêu thương với mẹ?
Yêu thương luôn cần phải nói thành lời, hãy dành cho mẹ những câu nói dịu dàng và kính trọng khi còn có thể, bởi khi mẹ đã không còn có thể nghe bạn nói nữa thì tất cả đều chỉ là vô nghĩa!
(st)