21. Nhắn tin cho người lạc đường – Những Trái Tim Đồng Dạng

Những trái tim đồng dạng (P5)

Nhắn tin cho người lạc đường

         Người lạc đường giữa trận đồ sa mạc, miệng khát khô vì không tìm ra nổi một dòng sông con suối hay ít nhất vài giọt sương đọng trên lá. Người cứ đi như thế, đồng cỏ xanh rì đâu, làng mạc quê hương đâu, người thân thương đâu, người nào có thấy. Dưới đất là cát nóng phỏng da, trên đầu mặt trời chiếu rát cả mặt. Ban ngày, thân tâm như thiêu đốt, ban đêm lạnh lẽo rên xiết khôn nguôi. Đâu rồi chăn ấm nệm êm, đâu rồi thức ăn ngon, đâu rồi lời nói yêu thương, đâu rồi bến bờ quê hương. Sao người vẫn cứ đi mê mải, dù biết rằng mình đã lạc đường.  Sau những trận đua từ kiếp này sang kiếp khác người còn lại gì, tấm thân tàn tạ, tinh thần héo hon và đôi bàn tay trắng. Người nhớ đến mẹ, người đàn bà ngồi chờ đứa con nhiều năm lạc đường vẫn không thấy trở về. Bà khóc đến không còn nước mắt, sao mà con mình vụng dại quá. Người nhớ đến anh em, tình máu mủ ruột thịt bao năm chia ngọt sẻ bùi, người trần trùng trục tắm mưa trong buổi chiều hè. Anh em vẫn còn đó nhưng hình bóng sao xa quá, người muốn với tay ôm lấy tình thâm nhưng đôi cánh tay yếu ớt không vẽ lên nổi một hình hài. Người nhớ đến bình yên, không như ngôi sao băng, không như dòng nước chảy, không như tiếng kệ lời kinh, mà điều gì đó thôi thúc người không đi lạc nữa. Biết rằng con đường đang đi chỉ là ảo ảnh, nhiều khát vọng thì cũng nhiều khổ đau, buông bỏ khát vọng thì sa mạc hóa đồng bằng. Đức Phật đang thuyết pháp sao người không nghe thấy, vạn vật đang thuyết pháp sao tâm người không cảm được, thực tại đang hiện tiền sao người không chạm tới. Có phải người đang cô đơn không, người không biết đang đi đâu phải không, hay người đi hoài mà vẫn chưa tìm được chính mình.

         Những cơn say làm cho người lạc đường, không phải vì say nắng, say gió, say mưa mà say tình, say tiền, say công danh sự nghiệp. Vì say nên không biết mình đang say, người càng uống nhiều cho thỏa men say và càng thỏa bao nhiêu người càng khát bấy nhiêu. Khi say, người quên hết, quên cha mẹ, quên bạn bè, quên tình thâm nghĩa nặng, quên hình bóng quê nhà. Hỡi những trái tim lạc lối, có bao giờ thật sự cô đơn, có bao giờ biết yêu thương? Đừng làm tình làm tội thân tâm này, chúng đã yếu ớt và non nớt lắm rồi. Người lạc đường nên mãi đi vòng quanh, ngôi nhà Như Lai không vào mà lại chọn ngôi nhà cháy, nên đáng thương quá, chúng sanh đáng thương quá, cõi hồng trần đáng thương quá. Hãy dừng lại một chút để xóa tan những mê lầm, giúp ta bà biến thành tịnh độ nhân gian. Vì say, người bị chuyếnh choáng, bị đè nén, bị đau khổ và cơn say đó đè người chết. Những cái say to như bầu trời, sập xuống dìm người xuống địa ngục sâu thẳm, như sa mạc cằn cỗi, ngay cả tiếng yêu thương cũng không có, chỉ có tiếng ai oán kêu than. Cuộc sống như tờ thực đơn có nhiều món ăn. Chọn món ăn có chất say, người sẽ say; chọn món ăn có chất tịnh lạc, người sẽ tịnh lạc. Như người đầu bếp biết cách chọn các thành phần dinh dưỡng chế biến món ăn, người biết chọn con đường mà biết rằng đi vào con đường đó, người sẽ được nuôi dưỡng, sẽ hạnh phúc, sẽ chan chứa niềm vui, sẽ sống lâu và biết cách phụng sự. Những thứ gọi là mới lạ không còn cám dỗ được người vì con đường đang đi là con đường của sự vững chãi, của an lạc, của thảnh thơi, của từ bi không biên giới. Không còn con đường nào khác ngoài con đường hành trì chánh pháp.

          Người mới tu có tâm lý sợ lạc đường, chưa có niềm tin vững chãi vào con đường đang đi nên cần nương tựa các bậc thiện tri thức, các vị tôn túc, những người thực sự giỏi để có thể khất thực pháp đích thực. Âu cũng là nhân duyên, khi nhân duyên đủ, không cần tìm kiếm gì người sẽ gặp được đúng người chỉ đường và nhờ thế mà tiến hoài không lui. Có khi phải đi tiếp và có khi phải dừng lại. Đi tiếp con đường đúng đắn và dừng lại con đường không đúng đắn. Bằng tình thường, người quyết tâm đi ra khỏi ngôi nhà cháy và làm bạn với thiện pháp. Tình thương cảm hóa được hết, ngay cả tên tử tù với tâm địa ác độc nhất. Chăm sóc đất tâm bằng tình thương thì đất tâm sẽ màu mỡ, đơm hoa, kết trái. Nếu không, tâm cần được cải tạo, cần được giáo hóa để mảnh đất khô cằn ngày nào có dịp trổ tài, bắt mạch sự sống. Mưa dầm thấm lâu, ban đầu người có nhiều phản kháng nhưng đến lúc nào đó cũng sẽ mềm ra cho mảnh đất được vun xới và cấy cày. Tâm vốn đẹp nhưng đường đi nhiều hiểm trở và chông gai, hãy dùng ý chí như cây cuốc dọn dẹp những vật cản đường. Trong biết bao lầm lỗi do ngu si, do vô minh che lấp, vẫn còn biết bao ngọt ngào, biết bao trìu mến. Đời cay đắng nhưng vẫn có nhiều yêu thương. Mang yêu thương lấp đầy khổ đau để khổ đau trở nên yêu thương hơn, và vì muốn yêu thương, người không đành đoạn gây thêm khổ đau nào nữa. Trời se lạnh nhưng lòng ấm áp. Khắp căn phòng tràn ngập tia nắng của tình thương. Cánh hoa trong bình cũng ánh lên niềm vui, chào đón sự sáng trong của tâm mới, tâm bình yên.

         Sóng gió nổi lên trong lòng thì người đang lạc lõng giữa sự sống vì lạc đường lâu quá, chạy chi mà chạy mãi đến xa tít chân trời. Có câu, Núi cao chi lắm núi ơi – Núi che mặt trời không thấy người thương. Những ngọn núi của danh vọng khiến người phải chạy và chính danh vọng che mất hình ảnh người yêu thương. Dời trái núi đi, bao nhiêu yêu thương đều ôm trọn trong vòng tay. Khi đến ngõ cụt, người lại không chịu quay đầu mà cứ thế cầm cái búa đục đẽo, mở lớn thêm con đường khổ đau. Điều gì đã khiến người xa lánh sự sống, phải bươn chãi, phải bào mòn sức lực nhiều như vậy. Có người lên facebook nói, ước rằng tôi không tồn tại. Hồi nào tới giờ có tồn tại đâu mà ước không tồn tại. Hình dáng này chỉ là sự biểu hiện, đời sống này chỉ là sự biểu hiện, là kết hợp của tinh cha huyết mẹ và nghiệp đưa đẩy cái gọi là kết hợp để tái sinh. Chẳng có gì gọi là đàn ông hay phụ nữ mà giới tính cũng là biểu hiện của nghiệp và nghiệp thì không có giới tính. Tồn tại hay không tồn tại, không phải là câu hỏi vì có gì tồn tại đâu, có gì không tồn tại đâu. Hình thể của người đàn ông là sự biểu hiện và khi không biểu hiện nữa, nó sẽ tan rã để chuẩn bị cho hợp nhất mới. Có lạc đường mới biết sự đau đớn của kẻ hành khất mất định hướng, nhờ vậy người mới cần một con đường, một cuộc hành trình biết yêu thương khổ đau. Biết con đường đang đi ra sao, người sẽ quẹo cua hay đi tiếp, đừng để hoàn cảnh đẩy đưa mà bản thân hãy cải thiện hoàn cảnh. Hoàn cảnh không tô điểm bằng những tiện nghi hay lạc thú phi thời mà cần quán chiếu xem có đáng dính mắc, có đáng tham cầu hoàn cảnh này không. Nếu giữa phố đông mà vẫn thấy lạc lõng thì coi chừng, người đang đi lạc đường. Sự cô đơn ảo sẽ khiến bạn xây những trái núi che mất người thương.

         Người lạc đường sẽ đặt câu hỏi, đâu là lối ra, đâu là dấu hiệu để “exit” vì khổ đau đã thấm lắm rồi, thân xác đã mệt mỏi và tiều tụy lâu quá, người chỉ muốn nghỉ ngơi và an giấc, nhưng lúc đó người đã già, một câu niệm Phật cũng không nổi, rồi ngoảnh lại nhìn con đường đã đi, sao thấy ngày xa xưa ấy mình ngu dại, nhưng không phải ai cũng nhìn thấy mình ngu dại. Người nương tựa vào những cái rồi sẽ tàn hoại nên đánh mất niềm tin và không còn biết tin vào điều gì vì thế đi mà không biết đi đâu. Người đã lạc đường. Lối ra không tùy thuộc vào con đường, lối ra tùy thuộc vào mình. Mình chính là lối ra. Hãy xem điều người cần là gì, có phải hạnh phúc không. Nếu cần hạnh phúc, người có cần hạnh phúc mãi mãi không? Có một con đường giúp người tìm về hạnh phúc mãi mãi, rất nhiều người gọi đó là con đường thực tập hạnh phúc đích thực, hành trì tám con đường chân chính. Nói là tám con đường nhưng thực tập cùng một lúc và đích đến chỉ có một. Không có đau khổ nào gọi là bế tắc, hay vô lối mà đã có khổ đau thì có con đường và có con đường thì có hạnh phúc. Dĩ nhiên hạnh phúc này phải có sự hành trì. Đừng lầm tưởng hạnh phúc của thế gian như có vợ đẹp, con ngoan, công danh sự nghiệp rỡ ràng. Hạnh phúc thế gian mong manh và trôi đi mau như làn gió thoảng. Không tìm được đường đi nên cứ loay hoay và loay hoay mãi nên mỏi mệt mãi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu, Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Đi vậy thì chóng mặt là cái chắc. Tôi trò chuyện với nhiều bạn trẻ, cơm áo gạo tiền kéo họ đến mức ngơ ngác, rồi đến chữ tình, chữ sự nghiệp, chữ giải trí, chữ tôi dập lên mặt họ biết bao nhiêu ngơ ngác nữa. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những bạn trẻ, đôi mắt thật sáng trong, biết buông bỏ, biết yêu thương sự sống, thật là đẹp. Đẹp trai đẹp gái không phải là đẹp hình đẹp dáng, mà đẹp ở thái độ trân quý sự sống và sống vì cái đẹp đích thực của cuộc đời. Tâm lạc lối nên không còn chất dinh dưỡng nào để canh tác, vì vậy đất tâm bị xói mòn. Tâm cần tưới nước, cần chăm sóc, cần nuôi dưỡng.

         Tin nhắn cho người đi lạc là, nếu lạc đường, xin đừng đi tiếp mà hãy quay đầu lại. Quay lại, người có cơ hội bắt đầu lại từ đầu, tránh không buông lơi và tiếp tục chìm sâu. Dừng chân ven đường, suy gẫm tại sao không thấy đâu là bến bờ. Dừng chân chút xíu thôi, người cũng đã thấy khỏe, còn hơn đi hoài rồi mãi mãi không về. Những yêu thương vẫn kiên nhẫn ngồi đây chờ người, sẵn sàng giang rộng đôi tay đón nhận người, chỉ cần người quay đầu lại. Anh thanh niên trở về từ nhà tù. Cha mẹ thấy anh thay đổi nhiều lắm. Anh trông già đi nhiều so với trước nhưng chững chạc hơn trong yêu thương. Khổ đau nhiều trong cuộc sống giúp người vững chắc và biết yêu thương đậm sâu. Ngày trở về, anh quyết chí tìm lại sự sống, đi đúng con đường, nối lại yêu thương. Hành trình sự sống luôn là những chuỗi của những bắt đầu, bắt đầu sinh, bắt đầu diệt, bắt đầu chuyển hóa, bắt đầu bình an. Người chỉ lạc đường thôi mà, có gì ghê gớm đâu, bây giờ đã có con đường đích thực để đi lại, đâu có gì phải lo sợ nữa. Trên đường thấy toàn người lạ, dấu hiệu lạc đường đã rõ. Người lạ không phải là người đang không quen biết mà các yếu tố đang cố tình gây khổ đau như người tham, người sân, người hờn dỗi… Trên đường thấy toàn người quen, dấu hiệu của đường không nguy hiểm. Người quen là người buông bỏ, người tha thứ, người an lạc, người dễ thương… Đừng bao giờ đi vào con đường hiểm nạn, hãy ngăn trừ các sự độc hại đến từ trong tâm. Khi tâm mình lạc lối, quay về chánh niệm mà thoát khỏi nguy nan.

         Đôi khi tâm mình lầm lỡ để cho nó lạc lối, mình thấy buồn thương và tội nghiệp bản thân. Tuy nhiên, người không biết làm thế nào cho tâm ngay thẳng lại. Tâm mình vẫn tròn trịa như thuở ban sơ, chỉ cần buông bỏ những thứ làm nó méo mó. Ai chạy thì cứ chạy, mình đi thảnh thơi. Ai tranh giành thì cứ tranh giành, mình mỉm cười thảnh thơi. Ai khóc cười thì cứ khóc cười, mình chấp nhận thảnh thơi. Hãy làm cho tâm thành đạt. Khi biết tĩnh lặng trong mọi trường hợp, biết mỉm cười trong mọi trường hợp, biết chấp nhận mọi trường hợp, người được tốt nghiệp. Khi đã tốt nghiệp, người tự do, tự do của kẻ giải thoát, không con đường nào khiến người lạc đường, ngay cả con đường từng cho là đích thực. Tâm này gọi là tâm đoàn viên, đã trở về nhà, đã gặp gỡ người thân, đã được cứu cánh, không còn xa cha mẹ nữa. Vì không còn xa cha mẹ, người được bảo vệ, được đùm bọc, được chở che, hạnh phúc tíu tít suốt ngày đêm. Chú tâm vào con đường đi để không bao giờ hờ hững nữa, không bao giờ dằn vặt nữa. Hãy tu ngay bây giờ. Có con đường nào đẹp như con đường tu đâu. Muốn thấy hoa nở, muốn nghe tiếng chim, muốn biết rạng rỡ của sự sống, chỉ có tu thôi. Hôm nay học trò trường Kent hỏi tôi, thầy có đề tài khảo sát marketing nào cho em để làm đồ án marketing đi thầy. Tôi cười trả lời, em hãy khảo sát nhu cầu thiền tập của doanh nhân Việt Nam để thành lập một trung tâm thiền ở Sài Gòn. Cậy ấy cười rồi chào tôi ra về. Tôi cũng cười vì chắc chắn cậu sẽ không khảo sát đề tài này, nhưng biết đâu một ngày nào đó sẽ có một sinh viên dám đứng ra làm một cuộc khảo sát để biết xem người lạc đường cần quay trở về có được bao nhiêu. Nhưng thay vì ngồi chờ, tôi tìm đường về trước đã. Người cũng vậy nhé.

Khi tâm mình lạc lối
Xung quanh biết bao điều lạ lẫm
Hỏi thăm đâu là đường trở về nhà
Nhưng than ôi người đã đi quá xa.

Dưới chân bao nhiêu sinh vật lúc nhúc chạy
Trên đầu bao nhiêu mây trắng lặng lẽ trôi
Trời mưa sấm sét bủa giăng
Từ xa những sát khí đằng đằng.

Mà đường về nhà cứ dài đăng đẳng
Bởi đi hoang như tiếng chim kêu ngút ngàn
Giang đôi cánh sải đi ngàn dặm
Quay đầu lại hội ngộ những tình thâm.

22. Xin đại chúng hãy soi sáng cho con – Con về nương tựa Tăng – Những Trái Tim Đồng Dạng

Những trái tim đồng dạng (P5)

Xin đại chúng hãy soi sáng cho con
Con về nương tựa Tăng

         Soi sáng là pháp môn chỉ ra lỗi lầm trong sự tu tập. Xin đại chúng hãy soi sáng cho con và vì cái chỉ ra của đại chúng, con có cơ hội thực tập, duy trì các pháp thiện và thay đổi các pháp bất thiện. Kinh Tiếp Nhận Soi Sáng có đoạn, Xin các tôn giả hãy nói chuyện với tôi, hãy dạy dỗ tôi, hãy khiển trách tôi, xin đừng để tôi lâm vào tình trạng khó khăn. Nếu không được dạy dỗ và khiển trách, người bị bỏ bê và không biết con đường mình đi có đúng hay không, những tâm hành nào chưa được kiềm chế, có biết sử dụng trí tuệ để chuyển hóa khổ đau hay không. Không được soi sáng coi như người đã bị giết chết, sống trong đại chúng như sống ngoài đời vậy. Người tu bị đẩy ra ngoài đời nếu chưa vững vàng xem như đã bị giết chết bởi những vòng vây của ma dục. Nếu có người chia sẻ con, hãy chắp tay cảm tạ người đó vì nếu không có những sự rầy rà, con không biết mình đang đi đâu và hiện trạng ra sao. Con ở một mình sẽ khó giữ mình và việc hành trì dễ sai lầm. Con nên ở gần người tu, tìm kiếm bậc thiện tri thức, quỳ xuống mà cầu xin sự soi sáng. Nhìn vào một tấm gương đầy bụi, con không thể soi mình trong đó. Nhưng nếu lau sạch bụi đi, tấm gương sẽ sáng trong và con dễ dàng soi mình trong đó. Khi tâm bị sai sử bởi các tâm hành bất thiện, tâm như tấm gương đầy bụi vì không đủ sức lau sạch, con cần sự chăm sóc, dạy dỗ của người có thể giúp con, nhắc nhở con dành thì giờ mà lau tâm.

         Xin chắp tay tạ ơn người đã dành chút thì giờ và trí tuệ chỉ ra sai lầm cũng như lỗi lầm của con để con sửa lại mình trước khi không còn kịp nữa. Con đủ sự khiêm cung, lắng nghe và tiếp nhận để chào đón và hành trì lời hướng dẫn thay đổi của người. Một mình con không thể nào nhận thấy những điều chưa thành tựu, những điều còn tham đắm, những điều còn dính mắc. Người chính là mặt hồ gương trong cho con soi mình vào nên thời điểm tiếp nhận soi sáng là khoảnh khắc con nhìn lại mình, con đường mình đang đi và bắt đầu thay đổi. Xin đừng suốt ngày cứ khen tặng con. Con sẽ trở nên kiêu ngạo, ngu ngốc và hành xử kém văn minh. Con không muốn bị kẹt vào bất cứ lời khen nào, nếu không, con không biết lắng nghe, không học hỏi được gì nữa. Con vừa mới tu, tâm vẫn còn yếu, suy nghĩ còn nhiều vụng dại nên đại chúng hãy vì con mà chấn chỉnh. Nếu không ai khiển trách con, con sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi hay không được quan tâm nhưng vì muốn bình yên trọn vẹn, hãy chào đón con đi chung con đường. Giới luật rất cao siêu nhưng vì non nớt, con chưa hiểu hết được làm thế nào hành trì. Pháp bảo rất nhiệm mầu nhưng vì yếu kém, con chưa hiểu hết được làm thế nào hành trì. Khổ đau trong tâm vẫn còn nhiều, con muốn điều hòa lại, tích cực hướng tới điều tốt và người đã hứa sẽ cưu mang nên vì con mà soi sáng. Những cái tưởng trong con còn quá lớn nên tâm trí không sáng suốt. Lời dạy của người như tiếng chuông cảnh tỉnh, con không được làm như thế nữa, không được dại dột như thế nữa. Trước đây con khờ khạo, không đón nhận lời nhắc nhở nhưng bây giờ con khác rồi, con đã biết im lặng để lắng nghe.

          Tình thương giúp soi sáng cho nhau và hoàn thiện lẫn nhau. Thầy thường có quyền đánh giá học trò nhưng học trò cũng có cơ hội đóng góp ý kiến với thầy. Thầy và trò học hỏi và bổ sung cho nhau, không phải lúc nào thầy cũng thấy được mình và trò cũng thế. Không ai đều hướng thiện hoàn toàn nếu chưa phải là bậc hoàn toàn giác ngộ nên ăn năn những lỗi lầm đã phạm là điều tất yếu. Nếu giúp con hoàn thiện, con xin chắp tay cảm tạ ơn người. Dám hạ thân mình để tinh tiến dài lâu là hành vi của kẻ khôn ngoan. Hạ mình không là biểu hiện của kẻ yếm thế mà ngược lại, biết học hỏi, biết khiêm cung. Đức Phật dạy có bốn hạng người, người đi từ tối vào tối, người đi từ tối ra sáng, người từ sáng đi vào tối và người đi từ sáng ra sáng. Không biết mình ở hạng người nào, con xin nhờ các vị hiền nhân giúp đỡ. Thiếu sự dẫn dắt hay đưa đường chỉ lối, con sẽ trở nên lạc lõng, bơ vơ và mồ côi. Đây không phải là mồ côi cha mẹ, mà mồ côi tình thương, mồ côi giáo pháp. Từ bóng tối, con không có ngọn nến, bó đuốc hay ánh đèn nào, nên sự sợ hãi xâm chiếm trái tim bé bỏng, bóp chết con trong dục lạc của thế gian. Hãy vì con mà chỉ ra những sai lầm để con đủ duyên lành quay về nương tựa Tam Bảo. Con cần bạn đồng môn chân thành, không giấu diếm, không che đậy, không vị nể mà nói lên lời chỉ dạy quý báu. Với điều tốt, con xin tiếp tục phát huy, và với điều chưa tốt, con xin từ bỏ và chuyển hóa. Ánh trăng đêm làm sáng đại địa và mặt trời lên cao đem bình minh đến vạn vật, sự soi sáng của quí vị như ngọn đèn giúp con xua tan màn đêm tăm tối, không còn đi lạc đường nữa và nhất là thấy rõ ánh sáng để đi, không còn bị vấp ngã hay té đau nữa.

           Chấp nhận soi sáng của tăng thân là lời tuyên ngôn giải thoát của trái tim, đồng ý quay về nương tựa Tăng. Khi đức Phật còn tại thế, con nương tựa Phật, và khi đức Phật qua đời, con nương tựa Pháp và nương tựa Tăng. Nếu bản thân không thể tự lèo lái, con cần Tăng giúp con vượt qua những hiểm nguy, đạt tới tự do ý chí. Bấy lâu con đề cao bản ngã, chấp vào đủ thứ ý niệm và quan điểm riêng, nhưng khi đón nhận soi sáng, bao nhiêu riêng tư kia đều rơi xuống và tan chảy. Những thói quen đã nằm trong chủng tử sẽ dần dần rơi xuống và tan chảy. Con thay đổi là có sự dạy dỗ, sự cưu mang, sự đùm bọc và con không sợ hãi để bước đi đường hoàng. Đón nhận soi sáng là tinh thần của bi trí dũng. Người nhìn thấy những khổ đau và hạnh phúc mà con chưa đủ sức để nhìn thấy, nên hãy chia sẻ để con được cùng chung hành trì. Người nhìn thấy những trí tuệ do sự tu tập mang lại mà con chưa đủ sức để phát khởi vì ý chí còn yếu đuối nên con cần năng lượng tuệ giác của người để nhờ đó mà tạo nhân lành hành trì. Người có những vững chãi, mạnh mẽ và an nhiên nên đôi khi con nhờ vào tha lực mà thức tỉnh bản thân. Thật may mắn khi con được soi sáng, con muốn được chuyển nghiệp, muốn được hạnh phúc. Giây phút hiển hách nhất là lúc con quỳ xuống đón nhận sự soi sáng, là phút giây giục giã kêu gọi con quay về, không lang bạc trong khổ đau nữa. Được soi sáng là hạnh phúc, không phải lên đoạn đầu đài, mà khoảnh khắc thành tựu, thành tựu trong giai đoạn xóa bỏ mê mờ. Con trở nên bao dung, quảng đại, không phải để chống đối với lực lượng soi sáng mà chuyển hóa những tiểu từ, tiểu bi thành đại từ, đại bi. Ăn cơm có canh, tu hành có bạn, nhờ bạn mà mình biết tu và cũng nhờ bạn mà mình biết sửa nên những lúc bạn soi sáng mình, mình sẵn sàng đón nhận.

         Tăng là ruộng phước vô thượng của thế gian và là tiếp nối của các thế hệ chư Phật nên nhìn thấy Tăng như nhìn thấy Phật. Quay về nương tựa Tăng cũng là quay về nương tựa Phật. Chúng tăng là ruộng phước báo ân và ruộng phước công đức. Báo ân là hành trì Pháp bảo để tri ân công đức của chư Phật, nhờ thế mà tạo công đức, đến lúc nào đó đủ duyên để giải thoát và cứu độ chúng sinh. Đừng bao giờ đóng cửa trái tim không dám tiếp nhận soi sáng của tăng chúng. Người xuất gia hay không xuất gia không quan trọng, vấn đề là theo dõi tâm của con mà gìn giữ và chuyển hóa. Dù cư sĩ hay tu sĩ, nhiệm vụ cốt yếu vẫn là tu tập và chỉ có tu tập mà thôi. Những gì mở ra con đường tươi sáng thì mở cánh cửa đó ra, còn những gì mở ra con đường đen tối thì hãy đóng cánh cửa đó lại vĩnh viễn. Sử dụng điều ác để soi sáng điều thiện vì nhờ điều ác mới thấy điều thiện cần thiết như thế nào. Sử dụng điều thiện để soi sáng điều ác vì điều ác là điều không đáng dính mắc và không đáng tham cầu, chỉ có điều thiện mới cứu vãn được huệ mạng. Sử dụng điều thiện để soi sáng điều thiện, nhất là khi điều thiện còn yếu ớt. Khi đánh giặc, tướng lĩnh yêu cầu binh sĩ và điều động binh sĩ đánh vào tổng hành dinh hay cơ quan đầu não của kẻ địch. Muốn chiến thắng điều bất thiện, người hãy xông pha vào trận địa của tâm để không còn run rẩy trước điều ác mà đập tan điều ác đó đi, dẹp tan bóng quân thù. Tâm là chỉ huy trưởng, an lành hay bất an đều do tâm nên điều khiển tâm theo hướng của hòa bình thì mình sẽ hòa bình. Tiếp nhận soi sáng từ tăng chúng là hạnh bố thí, theo đó bố thí lắng nghe, bố thí sự thay đổi và bố thí khiêm cung. Lắng nghe những điểm yếu của mình để phát triển trí và tuệ. Thay đổi cũng để phát triển trí và tuệ. Khiêm cung để học hỏi và phát triển trí và tuệ. Không ai soi sáng, mình như kẻ đói khát, thèm giọt nước từ bi của Bồ tát Quán Thế Âm, chỉ cần một giọt cũng đủ rưới đầy mười phương.

          Phật là không thể nghĩ bàn, Pháp là không thể nghĩ bàn và Tăng là không thể nghĩ bàn. Chúng sinh là vô lượng thì ân đức của Tam Bảo là vô lượng, nên đem công đức ra mà kể lể là phỉ báng Tam Bảo. Nương tựa và hành trì theo lời dạy của Tam Bảo, chắc chắn con sẽ không đọa vào những đường ác. Học rất nhiều và hành rất nhiều để đủ điều kiện nuôi dưỡng ý nguyện là từ bỏ pháp ác, theo đuổi pháp thiện. Con là sản phẩm của nghiệp do quả được tạo ra từ bao nhiêu kiếp, đồng thời con cũng là chủ nhân của nghiệp do nhân tạo ra chuẩn bị cho những kiếp tương lai. Nhân quả cứ thế trùng trùng điệp điệp và con đi trong nhân quả hay đi trong nghiệp không biết bao giờ mới xong. Bể khổ không bao giờ có bờ, chỉ cần quay đầu là nhìn thấy bến, thực tập để chuyển hóa nghiệp là hành trì cao thượng không thể nghĩ bàn. Người biết tu thì nghiệp nặng cách mấy sẽ trở nên dễ chịu hơn và việc trả nghiệp trở nên nhẹ tựa lông hồng, âu cũng là quả của thiện nghiệp. Con là người thừa tự của nghiệp và nghiệp là do con gây dựng, không phải tại người này hay người kia. Nương tựa Phật và thực tập tính Phật, nghiệp được chuyển hóa. Nương tựa Pháp và thực tập tính Pháp, nghiệp được chuyển hóa. Nương tựa Tăng và thực tập tính Tăng, nghiệp được chuyển hóa. Nương tựa tính không Phật và thực tập tính ma, nghiệp chồng chất. Nương tựa không Pháp và thực tập tính ác pháp, nghiệp chồng chất. Nương tựa không Tăng và thực tập tính vô chủ, nghiệp chồng chất.

         Tăng thân là đoàn thể những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức, trong sáng và cao đẹp. Không thể sống tỉnh thức, tăng không là sự tiếp nối của đức Phật. Con đường tăng đi là con đường tỉnh thức, dẫn đến sự giác ngộ và giải thoát. Bất cứ con đường nào đi theo tôn chỉ này đều là con đường của Thế Tôn. Tỉnh thức là mầu nhiệm và giải quyết được những khổ đau của cuộc đời. Nơi đâu có khổ đau, nơi đó có con đường giải quyết khổ đau và hạnh phúc hiện tiền. Đi vào tỉnh thức như đi từ nơi khô cạn của tâm hồn được tưới mát bởi những giọt nước trí tuệ và tinh khiết. Ra khỏi vùng không tỉnh thức là ra khỏi vô minh, phóng dật, u mê, tối tăm. Tiếp xúc với vùng tỉnh thức là tiếp xúc với tĩnh lặng, Niết bàn, sáng sủa, quang đãng. Nương tựa là một nhu cầu có thực và nương tựa đúng đắn, con là người may mắn và diễm phúc. Nương tựa không đúng đắn, con là người thiếu phúc và nghèo nàn. Con tạo tài sản cho chính con, tài sản này không phục vụ cho năm thứ dục lạc mà phục vụ cho vững chãi, an lạc, thảnh thơi, bảo hiểm tâm. Xây dựng tăng thân bằng giới, bằng học hỏi hành trì, bằng tình huynh đệ, bằng con đường lý tưởng, người xây dựng lối sống tỉnh thức từ trong tâm để đi như người đang đi.

Con về nương tựa Tăng
Sống một đời tỉnh thức
Làm con người mẫu mực
Thực tập những niềm vui.

Nhân thiện con dưỡng nuôi
Phước điền luôn rộng lớn
Đồng lúa trổ xanh rờn
Tâm từ bi mơn mởn.

Niềm tin thật chánh chơn
Chuyển hóa bao đau khổ
Nơi bùn hoa sen trổ
Trời đổ mưa cam lồ.

Cuộc đời dù nhấp nhô
Xô đẩy muôn lượng kiếp
Đã có đường đi rồi
Con không còn lo sợ.

23. Quyền không phán xét – Phiên tòa của sự sống – Những Trái Tim Đồng Dạng

Những trái tim đồng dạng (P5)

Quyền không phán xét
Phiên tòa của sự sống

           Không phán xét là không đưa ra lời bình phẩm, nhận xét, chê bai, khen ngợi, chỉ trích, buộc tội đối với đối tượng được tiếp xúc hay đang quán chiếu. Tất cả những lời nói như vậy đều là tưởng và nếu tưởng không đúng thực tại, điều người đang phán xét là tri giác sai lầm. Người thường hay không ngần ngại làm tổn thương người khác bằng lời nói không ái ngữ, không hàn gắn, chỉ biết gây chia rẽ và tạo xa cách. Đôi khi người quên đặt vị trí mình vào người kia hay những bốc đồng không được kiềm chế, người nói lời gây tàn hại mà không biết rằng người vừa gây khổ đau. Bằng trái tim chân thành, người biết kiềm chế, dừng lại những đòi hỏi nhìn người, để có thể thương người hơn. Thì giờ không được dùng để phán xét mà dùng để yêu thương, thay đổi và hành trì giáo pháp. Lắng nghe để học nhiều hơn còn nói nhiều có thể rơi vào ba hoa, khoe khoang và trở nên kém hiểu biết. Thành công nằm ở quán xét mình, còn quán xét kẻ khác chỉ chuốc lấy thất bại và trở nên xa cách. Mình và người có mối liên hệ tương tức với nhau và vì nhân duyên mà gặp nhau, làm việc chung, sống chung, thậm chí sống chết vì nhau. Nếu người đau, mình cũng đau, cho nên ý thức những khổ đau do lời nói phán xét gây ra, người nguyện không bao giờ nói những lời tạo tranh cãi, gây bất hòa trong đoàn thể, cộng đồng và quan hệ xã hội. Nếu không cẩn thận, người đánh chính bản thân mình đau, và cái đau ăn sâu vào nghiệp của người, đến lúc nào đó, người cũng sẽ bị phán xét y chang như vậy, thậm chí nặng nề hơn. Miệng lưỡi thế gian không có xương, muốn nói sao cũng được, mong người đừng chấp. Chấp vào lời nói như ăn phải cục đá, nhả nó ra thì khỏe. Lời nói điên đảo tạo ra cái đau và thấm sâu vào người nghe rồi chết dần chết mòn trong những tai ách của phán xét. Người đến rồi đi, mới hợp đã tan. Vậy tại sao trong lúc hợp, người hãy mang yêu thương cho nhau bằng lời nói không phán xét, để không còn giây phút cảm thấy lầm lỡ, cảm thấy nuối tiếc. Đến lúc tan, điều còn đọng lại là yêu thương, là hạnh phúc, người ra đi không buộc miệng trách cứ nhau. Dù đã xa nhau, người vẫn nhớ về nhau và khi gặp lại, người chấp nhận để còn nhìn thấy nhau.

         Không phán xét là quyền của chúng sinh, biểu hiện của quyền bày tỏ tinh thần từ bi. Không ai cấm mình nói thương mẹ thương cha và không ai cấm mình không nên không phán xét. Nếu biết rằng phán xét là biểu hiện của tham, sân, si và ngã mạn, người thấy ghê sợ chính lời phán xét của mình nên thôi không mần ăn theo kiểu phán xét nữa. Giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ biết làm chủ bản thân, không để những giây phút lấn lướt gieo nhân bất thiện cho chính người. Không phán xét là hành vi của buông bỏ, chấp nhận những điều tưởng chừng người không chấp nhận được. Có chấp nhận mới đủ sức lắng nghe và hiểu người từng ngấm ngầm, dự tính, lên kế hoạch và muốn phán xét. Ngã mạn luôn rình rập và giục giã người phán xét nhưng thử nhìn lại mình, lời người nói có thực hiện được không hay chỉ muốn che giấu sự yếu kém thông qua lời nói. Con người có khả năng không phán xét vì họ có khả năng kiềm chế thông qua việc nhìn rõ tâm tham đang biểu hiện. Lúc nhận rõ tâm tham, người thấy nó không đáng dính mắc và không đáng tham cầu nên cố ý dừng lại cái thôi thúc muốn phán xét trong người.

         Muốn nhìn người trước hết hãy nhìn mình. Phát xét người trong khi bản thân yếu đuối, lời phán xét kia thật kệch cỡm. Nói đi cũng phải suy xét lại vì người ăn mình cũng ăn, người bệnh mình cũng bệnh, người buồn vui mình cũng buồn vui, vậy mình là ai mà dám phán xét người khác. Thương những yếu kém của người để thấy mình cũng có những yếu kém như vậy. Có câu, con hư tại mẹ, cháu hư tại bà hay trò hư tại thầy, nhưng chưa đủ, mà còn, mình hư tại mình. Mẹ, bà, thầy làm sao hiểu mình bằng mình nên phán xét các đối tượng này chi vô ích, có chăng là phán xét chính mình. Mười ngón tay được dùng chỉ người, có ngón nào chỉ vào mình không. Đôi mắt thích nhìn phía trước, chạy về phía trước, theo đuổi sự ngã mạn triền miên, nhưng có bao giờ mình nhìn lại, hay ít nhất ngoảnh lại, rồi dừng lại. Phán xét là sự thọ hưởng thấp hèn, hủy hoại phước báu và là bạn bè của tâm tật đố. Thói quen chỉ trích, phê bình hay đánh giá chỉ làm đày đọa bản thân và khi quá lấp đầy thân tâm, nó tạo ra tập khí đóng cục, đóng vẩy trong tâm, đến lúc nào đó, người không thể chịu nổi lời phán xét của kẻ khác quay lại phía mình. Đừng bao giờ trách cứ ai vì người đã làm hết khả năng của người chưa hay lời phán xét đưa ra để đánh trống lảng những suy nghĩ hời hợt, thân tâm run rẩy, phước báu nghèo nàn. Nói cách khác, phán xét là biện pháp tận cùng của xã hội, thể hiện ở người không biết yêu bản thân, thích gây sự chú ý và rất đáng thương vì cô đơn ngập tràn.

         Không phán xét để tiếp xúc tự do đích thực mà hóa thân trong muôn hình vạn trạng chúng sinh, sống nơi chúng sinh, yêu thương chúng sinh và vì chúng sinh mà độ đời. Phán xét là quả của những toan tính chằng chịt mà người phán xét là người sập bẫy, bị mắc kẹt, không thoát ra được bến bờ tự do, tự cầm tù mình trong những tiêu chuẩn, đòi hỏi và ích kỷ. Quyết định ngưng phán xét không bằng từ lời nói, mà từ trong tâm, như con cá đang quằn quại trên nước cạn lấy hết sức lực nhảy xuống sông, tìm lại niềm vui tự do. Đặt vị trí của mình vào vị trí của người mình sắp sửa phán xét để nhìn thấy những khổ đau, những hạnh phúc mà người đang gánh chịu hay thọ hưởng, rồi biết đồng cảm với người, ôm ấp những khổ đau hay hạnh phúc của người và bằng sức lực đưa ra sự chia sẻ. Không phán xét là đã giúp người, chấm dứt bạo động trong tâm, không gây chiến tranh bằng lời nói, không tạo chia rẽ trong mối quan hệ. Người có thể hóa thân trong muôn hình vạn trạng chúng sinh khi có thể hòa nhập được với tất cả chúng sinh. Người không tự né tránh ai, không tự xa cách ai và không tạo nghiệp bất bình với ai. Đây gọi là quyền bày tỏ từ bi. Vì thương nên chỉ muốn đem hạnh phúc đến người, vì thấu hiểu nên muốn hóa giải những khổ đau trong tâm. Pháp ô nhiễm đẩy người vào con đường tội lỗi trong phán xét, do phóng dật ngày càng tăng trưởng và hiển lộ ra ngoài thành khổ đau. Vậy chấm dứt pháp ô nhiễm thì chấm dứt phóng dật và phán xét là một torng những hiển lộ nặng nề của phóng dật. Người không phán xét gì nữa cả thì an trú trong tâm bình an, những gì thực hành là đúng đắn, đi theo hướng tiến lên phía trước. Người như vậy đáng chắp tay cung kính để xá chào. Tiếp xúc được với người biết nhìn như thế là may mắn, đáng làm bạn, đáng gần gũi, hỗ trợ nhau tăng trưởng các tâm thiện. Nếu nhịp tim gia tăng, ăn không ngon, ngủ không yên, đối tượng kia kích thích tâm phán xét người, nếu nhận biết, hãy quay về hơi thở, quán chiếu tính không đáng dính mắc và không đáng tham cầu trong việc phán xét, biết rằng những bất thiện phát sinh đều là quả của tâm bất thiện. Phán xét không bao giờ là biểu hiện của tâm thiện, nhiều khi lại làm gia tăng tính xảo quyệt và nham hiểm trong tâm, giàu có sự bất mãn.

          Người đời có nói đến ngày phán xét, theo đó người chịu tội sẽ bị đem ra xét xử, chỉ còn lại người hiền trí, nhưng ngày phán xét không đợi vào ngày mai hay sau này mà xảy ra vào lúc này, tại chỗ này, diễn ra trong từng ngõ ngách, từng phút giây, từng sát na. Chẳng có ai là người phán xét, có chăng người chính là người phán xét. Chẳng có ai phán xét ai, vì nếu có chăng thì đó cũng là hành động tạo nghiệp hay quả của nghiệp. Những hấp lực mạnh mẽ quyến rũ người tạo tác, phạm sai lầm hay không phạm sai lầm, nhưng dù làm gì, chạy đâu cũng không tránh khỏi việc phán xét đang diễn ra. Người đang phán xét chính người mà không biết và cái người sở hữu là nghiệp, nghiệp điều hành ngày phán xét nên làm nghiệp lành, hưởng quả lành, làm nghiệp ác, thọ quả ác, ấy chính là phán xét vậy. Không ai phán xét ai và không ai thay thế ai để phán xét. Ngày phán xét không phải là một biến cố mà là tiến trình của sự sống, như cái chết, cái bệnh, cái đau, cái hoại, cái sống, cái khỏe, cái lành, cái thành tựu… cũng là biểu hiện của sự phán xét. Vậy chẳng cần phán xét gì cả, phán xét vẫn diễn ra như luật nhân quả, lý duyên khởi, tính vô thường, vô ngã, vô tướng, Niết bàn. Nhân quả là phán xét, gieo nhân nào gặt quả nấy. Duyên khởi là phán xét, đủ nhân duyên thì hiện tượng biểu hiện và đủ nhân duyên hiện tượng không biểu hiện. Vô thường là phán xét, vì không ai ngăn cản được sự biến hoại. Vô ngã là phán xét như cái chết vì chẳng ai không thể sống mà không nương tựa. Vô tướng là phán xét vì chỉ trong tích tắc, mọi thứ đã biến đổi. Niết bàn là phán xét vì khi tĩnh lặng, mọi thứ tắt ngấm. Phán xét chính là không phán xét và không phán xét là phán xét, đến khi chẳng có gì gọi là phán xét hay không phán xét. Đôi khi không nói gì cả lại là lời phán xét sấm sét, cái im lặng khiến cho mọi giông bão chùn bước vì khả năng im lặng đậm sâu là lời phán xét tích cực cho việc không đi theo tiếng gọi hoang dã của những pháp bất thiện trong tâm. (18)

          Cách người sống, cách người suy nghĩ, cách người hành động, cách người nói… sẽ tạo lập phiên tòa của sự sống mà người đang biểu hiện trong đó. Sống sót qua thời đại hay không là sự lựa chọn của người, không ai lựa chọn cho mình, không ai áp đặt mình. Mình chính là thẩm phán đưa ra phán quyết xem đời sống này phải sống như thế nào để đáng sống, đáng trân quý, đáng phụng sự. Nếu chọn con đường tà dục, người phán cho mình ngục tù, xiềng xích, dằn vặt, đau đớn, khổ sở. Người sống, dành nhiều thời gian để sống nhưng chẳng bao giờ quán chiếu được sự sống, vì vậy sự sống chết dần chết mòn trong thân phận ngục tù. Nếu chọn con đường chánh pháp, người phán cho mình con đường của an lạc, thảnh thơi, lối sống giản đơn, thiểu dục và tri túc. Cũng là sống nhưng cách sống khiến cho ngục tù thưa thớt hay chật hẹp hơn. Tự do hay không là do người, người đi có nhiều tự do hay bị gò bó bởi những tham đắm. Một số người chạy nhưng lại tự do và một số người đi chậm nhưng lại không có tự do. Tự do không biểu hiện ở hình tướng mà biểu hiện ở tâm. Tâm không bị ràng buộc bởi thiện hay ác, bởi phán xét hay không phán xét thì tâm được tự do, bỏ đi những rối rắm, dây mơ mớ rạ. Hãy mở phiên tòa cho chính mình.

         Phán xét là biểu hiện của nghi ngờ, độc tài và kỳ thị, biểu hiện của tâm non nớt, cô đơn và đầy sợ hãi. Không phán xét là biểu hiện của chấp nhận, đồng cảm và yêu thương, biểu hiện của tâm vị tha, hạnh phúc và đầy vững chãi. Người là cả một công trình, lúc nào cũng cần sự gia cố, nhằm đủ sức đương đầu với phong ba bão táp để không thể sụp đổ. Nếu thiếu sự chăm sóc, chỉ cần một cái búng tay, công trình đó sụp đổ như một bãi cát sa mạc bị cơn gió thổi đi không còn gì nữa cả. Phán xét làm mất thì giờ, còn đâu mà đầu tư xây dựng nhà Như Lai, tòa Như Lai, thân Như Lai và tâm Như Lai. Người thích đi vào cõi ma, xem những bộ phim ma, đọc sách ma và kể chuyện ma, nhưng lại tiêu cực với cõi Phật, xem phim Phật, đọc sách Phật và kể chuyện Phật. Tham đắm trong những huyền bí mà quên đi thực tại hiện tiền. Không phán xét là quyền đặc xá bản thân, cho mình thoát ra khỏi ngục tù, không bị bức bách, không bị đói khát nữa. Những gì xa cách được nhìn thấy nhau, dù chỉ một lần cũng đã thấy vui, thấy hạnh phúc. Dùng tình thương mà làm tan chảy song sắt ngục tù, buông bỏ những tham đắm, cho từ ái và thiện trí sống dậy, chấm dứt những gọng kìm bất hạnh bấy lâu gây sóng gió trong tâm.

Ai là người phán xét
Và ai phán xét ai
Khi tâm trí hình hài
Vẫn còn vô minh mãi.

Nếu người không phán xét
Là đặc xá bản thân
Chấm dứt những nợ nần
Lập phiên tòa sự sống.

Lồng ngực trái tim nóng
Đóng cửa tâm hoài nghi
Gia cố thêm từ bi
Tình thương được tăng trưởng.

Đời sống này vô thường
Có chi mà vấn vương
Dừng lại tâm phán xét
Vẽ nét đẹp khiêm nhường.

24. Chánh niệm mối quan hệ – Những Trái Tim Đồng Dạng

Những trái tim đồng dạng (P5)

Chánh niệm mối quan hệ

         Chánh niệm mối quan hệ là lựa chọn mối quan hệ lành mạnh, tiếp xúc với các đối tượng lành mạnh và sống trong môi trường lành mạnh. Mối quan hệ lành mạnh không lôi kéo người vào quan hệ tà dục, tạo ra những hệ lụy đau khổ. Các đối tượng lành mạnh không dẫn dắt người vào quan hệ tà dục, bê tha bản thân và đánh mất mình. Môi trường lành mạnh không tạo ra những hoàn cảnh khắc nghiệt khiến người yếu đuối đột quỵ trong khổ đau. Hình ảnh con người không thể hiện ở vẻ bề ngoài hay ấn tượng thoáng qua mà cần thời gian để hiểu một người, để biết gần gũi thiện tri thức và tránh xa kẻ ác. Nhìn người bằng vẻ đẹp bên ngoài là chấp vào hình tướng và chấp chỉ dẫn đến sự bất mãn và đau thương. Nếu không thể sống độc cư, người cần sáng suốt lựa chọn bạn hay đối tượng sống chung nhằm định hình quan hệ gần gũi. Buông thả trong mối quan hệ hết sức nguy hiểm, dễ bị lợi dụng và lạm dụng, đánh mất thì giờ tu học của người. Chánh niệm mối quan hệ sẽ tạo lối sống từ ái, cộng đồng bền vững và đem lại niềm vui cho bản thân. Dù quen bạn hay đồng nghiệp mà không có chánh niệm, người chỉ biết toan tính và sử dụng nhau. Có câu, chọn bạn mà chơi, nhìn người mà biết bạn thế nào và nhìn bạn mà biết người thế nào. Không phải xa lánh những người không tương hợp với mình, nhưng người cần sáng suốt tiếp xúc thường xuyên với bậc thiện tri thức, những người không gây cản trở con đường tu học, ngược lại lúc nào cũng khuyến khích, động viên, thúc đẩy người tinh tấn. Sống với người xúi giục mình ăn chơi, phạm giới và hun đúc phiền não, tại sao cứ ở mãi trong môi trường như thế. Sống với người thỉnh cầu mình tri túc, giữ giới và tăng trưởng các tâm thiện, tại sao còn chần chừ không đi vào đó. Phân chia giai cấp không giải quyết được những khổ đau của chúng sinh, nên tập tâm bình đẳng, mọi chúng sinh đều trân quý. Người còn non nớt lắm, hãy lựa chọn đúng đối tượng mà nương theo. Minh bạch trong mối quan hệ, chân thành trong ứng xử, giữ uy tín trong hành vi, người đang tìm kiếm thâm giao, biết người, biết mình, tôn trọng lẫn nhau xây dựng tình cảm đẹp. Thế giới đang bạo động và sợ hãi vì thất niệm trong các mối quan hệ, nên họ nghi ngờ nhau, bực tức lẫn nhau và làm hại nhau. Chỉ cần biết rõ mối quan hệ này sẽ dẫn người đi đến đâu, người sẽ quyết tâm đi tiếp hay dừng lại. Sinh ra ở đâu, thuộc giai cấp nào không quan trọng mà cách hành xử và sự tiến bộ thanh cao của thân tâm mới là đáng xem xét trong việc chọn bạn mà chơi. Chơi bạn xấu, người tốt cách mấy không vững cũng thành xấu. Chơi bạn tốt, người xấu cách mấy đến lúc nào đó cũng phải rung động và hết lòng chuyển hóa. Nhiều mối quan hệ biết rằng sẽ nguy hiểm, sẽ khổ đau, nhưng sự bức bách của tà dục trong tâm, người không đủ sức thoát ra được.

         Chúng sinh nương nhau mà sống, dù sống một mình cũng không thể tránh các mối quan hệ, đã có quan hệ thì có va chạm, vấn đề người tu thế nào để những va chạm đó trở nên dễ chịu, người không tu một va chạm nhỏ sẽ trở thành thù hằn và chiến tranh. Sự nhường nhịn rất quan trọng, một câu nhịn chín câu lành, nhiều khi va chạm ban đầu và nhờ lắng nghe nhau, người trở thành bạn của nhau. Tình cảm hay cảm xúc cần được kiểm soát và học cách kiềm chế, bằng không nó sẽ trở thành sự bám víu, sự dính mắc không rời ra được. Hai vị đồng tu có mối quan hệ đồng môn, sống chung và biết tôn trọng, nhưng không vì thế mà dẫn đến tình cảm luyến ái, bất cứ sự luyến ái nào phát sinh không được nhận biết thì khó tu, dẫn đến phạm giới rất nhanh. Đặt mối quan hệ thì không đặt điều kiện vì quan hệ có điều kiện là quan hệ giãy chết, người chỉ đang toan tính mà thôi, không một chút tôn trọng gì với đối tượng muốn bang giao.

         Hình thức bên ngoài không thể khỏa lấp tâm bất thiện, nếu có chăng đó là ngụy quân tử. Ngụy quân tử luôn có ở trong người nên chánh niệm thế nào để biết chánh tà, bằng không mình núp bóng trong sự trá hình, do bản thân quá yêu quí cái ngã. Quan hệ với người ngã quá lớn, người ít khi hoặc chẳng bao giờ được lắng nghe, thậm chí bị đưa đẩy vào tình trạng khổ sở. Người vô đạo đức thường hay xuất hiện trong bộ áo của đạo đức, bộ áo này được thiết kế và trang điểm rất đẹp, có thể thu hút và đánh lừa những con thiêu thân, bay vào ánh sáng nước một cách điên cuồng, rồi sau đó chỉ có chết mà thôi. Tính ngụy quân tử khiến người khác không thể hiểu rõ được và tâm bệnh rất ngặt nghèo. Nếu không sáng suốt nhận biết, người dễ dàng bị đồng hóa, mãi mãi không nhận thấy bệnh trong tâm. Hành động ga lăng, lời nói dịu êm hay tài năng cốt cách không bao giờ nói lên một con người nếu như tâm người bệ rạc. Những ấn tượng ấy chỉ có tạo ra nội kết, sự hâm mộ hay thần tượng. Khi thần tượng sụp đổ, niềm tin vào mối quan hệ xuống đến tận cùng, những chắt chiu cho việc thỏa mãn hình thức trở nên khô cằn đến nỗi người đau đớn như sợi dây kẽm gai cắt đứt từng da thịt. Sống chung với một người cả đời cũng không thể hiểu hết họ, thì thời gian ngắn ngủi làm sao hiểu được. Sự che dấu có thể tạo nên trong cuộc trò chuyện chóng vánh ấy. Quyết định nhanh chóng một mối quan hệ là bồng bột và nông nỗi. Giây phút bồng bột phải trả giá cả đời và giây phút nông nổi phải trả giá muôn kiếp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người gia tăng mối nghi ngờ về đối tượng tiếp xúc mà chỉ cần đối xử bằng tình thương của bản thân, quan hệ bằng tình thương của bản thân để cư xử đúng đắn và hòa nhã với mọi đối tượng. Tình thương này không mang dáng dấp của sự luyến ái vì tình thương đích thực biết tôn trọng và gìn giữ cho nhau.

         Sự đùa cợt trong mối quan hệ sẽ nhận lại những đùa vui. Đau khổ đến thì đừng oán trách và sự bơ vơ sẽ thui chột những tâm hành thiện mong muốn quan hệ lành mạnh. Quan hệ phải có gắn bó, nhưng gắn bó không có nghĩa là trói buộc và xiềng xích nhau. Sống chung mà hành hạ như vậy thì cõi sống đó là địa ngục. Không thể không nói đến giữ gìn giới luật. Sát sinh là quả của quan hệ toan tính. Không sát sinh là quả của quan hệ biết yêu thương. Dối trá là quả của quan hệ lợi dụng. Nói lời sự thật là quả của quan hệ tôn trọng. Tà dâm là quả của quan hệ có điều kiện. Tránh xa sự tà dâm là quả của quan hệ không điều kiện. Đi vào thế giới ảo là quả của quan hệ mong manh, thiếu phương hướng. Không đi vào thế giới ảo là quả của quan hệ bền vững, có định hướng rõ ràng. Trộm cắp là quả của quan hệ vì tiện nghi vật chất và tiện nghi tinh thần. Không lấy của không cho là quả của quan hệ vì nhau, không vì những thứ gì khác. Quan hệ phải có trí tuệ, là hành xử văn minh, không đặt trên nền tảng của bản năng thú tính. Người nên can đảm để phá bỏ mối quan hệ khiến cho sự đau khổ có thể đang chập chờn bóp nghẹt trái tim người, và cũng can đảm để chỉ tiếp xúc với người mà có thể giữ giới, mở rộng cánh cửa tâm linh, làm cho nó mỗi ngày một phát sáng. (19)

         Khi xác lập mối quan hệ, hãy xem xét bốn yếu tố thích hợp sau đây nhằm tăng trưởng chánh niệm. Thứ nhất, xem xét người có đầy đủ niềm tin vào tâm linh và hành trì giáo pháp hay không. Niềm tin thôi vẫn chưa đủ mà người đã từng cam kết và đang hành trì các phương thực tập hạnh phúc nơi thân và tâm. Thứ hai, xem xét người tôn trọng và gìn giữ giới luật, đối với cư sĩ có Năm giới cư sĩ, với tu sĩ có Mười giới Sadi và 307 giới khất sĩ. Việc thọ và giữ giới là nền tảng của chế tác hạnh phúc, quan hệ với người này đảm bảo sự tinh tấn và phát triển sức mạnh nội tâm. Thứ ba, xem xét người biết điều phục và theo dõi tâm hành, bảo hiểm tâm, quyết chí đi về nẻo thiện, lắng nghe các bậc thiện tri túc. Người thường xuyên rủ rê mình nghe pháp thoại, hành thiền, làm từ thiện, trao dồi tâm ý thì nên làm bạn, còn rủ rê bàn chuyện phím, ăn chơi, đi vào thế giới ảo, xúi giục phạm giới thì nên tránh xa và hết sức cẩn thận trong giao tiếp. Thứ tư, xem xét người biết tha thứ, bao dung, nói lời ái ngữ, biết thông cảm và đồng cảm. Người hờn ghen chất chồng, thù hằn đằng đẳng, nói lời ác ngữ, chỉ biết chất chứa những đau khổ trong thân và tâm thì khó lòng có nhiều bạn, hiếm khi có an ổn. Mối quan hệ tạo khuyến khích rốt ráo hành trì chánh pháp, là do nhân duyên nhiều đời làm bạn bè của nhau và kiếp này tiếp tục như thế, sẵn sàng thúc đẩy và soi sáng lẫn nhau để tiến hóa về mặt tâm linh, ngày càng hướng thượng. Người có nhân duyên và nghiệp tương tự hay sống chung với nhau, người tu sống với người tu và người không tu sống với người không tu. Người tu phải gặp những người không tu vì họ đang được thử thách, nếu không vượt qua được thử thách, người tu sẽ bị ngã ngay. Khuyến tấn người biết tự kiềm chế, tự kỷ luật, tự nguyên tắc trước những cám dỗ bên ngoài và bên trong. Con người thường sống vì những gì diễn ra trước mắt hơn là kiểm soát những gì đang diễn biến trong tâm. Biết người sắp sửa phạm giới hay có nhiều điều kiện đang biểu hiện khiến người sẽ phạm giới, can đảm lên tiếng nhắc nhở người cảnh giác trước trường hợp hay hiện tượng. Đây gọi là giúp đỡ chân chính.

         Trong gia đình có những bất đồng, kéo dài rất lâu do người trong cuộc chấp vào vấn đề liên quan đến tình cảm, tài chính, công việc hay lời nói. Sự phân biệt về yêu thương không đồng đều khiến quan hệ rạn nứt, ghen tuông và sinh ra sầu khổ. Nếu yêu thương hết lòng, dù người kia thương mình nhiều hay ít không còn quan trọng nữa. Sự phân biệt về đóng góp hay chia sẻ tài chính cũng gây xào xáo do tính toán và tham lam lấn át tình nghĩa, bất chấp nghĩa tào khang, nghĩa ruột thịt. Biết hy sinh để không vướng vào những tranh chấp, biết nhường nhịn để tránh những va chạm. Người được giao nhiều việc phân bua với người được giao ít việc hoặc không được công nhận thành tích công việc, người đau đớn tạo ra xung đột. Nói đến xung đột là chỉ nói đến đau đớn mà thôi, không nói về cái gì khác. Làm việc cho người thương và đón nhận hạnh phúc của người, mình sẽ tùy hỷ trong công việc và làm việc chính là sự hưởng thụ, tâm sẽ không còn nhảy nhót trên cái sân nữa. Tình cảm dễ dàng hun đúc qua lời ăn tiếng nói, nên quan hệ gia đình thành tựu do biết cách ăn nói, giảm thiểu những đổ vỡ có khả năng xảy ra. Người biết tu thì mời người tu với mình. Mẹ tu mời ba tu, ba tu mời con tu, con tu mời bạn bè tu. Mời nhau mà tu, tu rồi phải hành.

          Xem người già như ông bà, cha mẹ, xem người trẻ như anh chị em, bạn bè mà phát tâm tôn trọng, bảo vệ và gìn giữ cho nhau. Sở dĩ người gặp người này người kia, âu cũng là do nhân duyên, có duyên thì gặp, không muốn cũng không được, hết duyên thì không gặp, muốn cũng không được. Quan hệ dài hay lâu, âu cũng là do sự xoay vần của nghiệp. Chuyện hợp tan là chuyện thường tình, nên khi còn đang hợp, hãy trân quý sự có mặt của người kia, sống thật sâu sắc trong mối quan hệ đó để đến khi có tan, không cần phải nuối tiếc. Tấm lòng chân thật rất quan trọng, vì chân thật nên người hành xử trên từ bi, không hành xử khiến người oằn oại vì nhau. Có những duyên lành và cũng có những duyên không lành. Chúng phát sinh tạo nên cộng nghiệp, có thể cùng an vui hay cùng khổ đau. Sự sống chung làm người trong cuộc trở nên phơi phới, thích thú và an vui, trong khi người khác lại hết sức đau đớn, như sống chung với kẻ thù. Các ràng buộc trong mối quan hệ làm trợ duyên cho nhau nhưng đôi khi lại là sự thỏa mãn của tâm mong muốn chiếm hữu, độc tài và kỳ thị. Người mình thương mà không sống chung được thì làm sao sống chung với những người bên ngoài. Nghiệp là một con chip gắn kết trong mình, ngay trong tích tắc, mối quan hệ phải hợp hay tan, mà nghiệp do chính mình tạo, nên không trách và bị kẹt vào nghiệp. Mối quan hệ bị chi phối bởi tâm, tâm làm cho nó bền lâu như đá hay mau chóng tan rã như bọt nước tan. Quan hệ luyến ái sẽ dẫn đến khổ đau vì yếu tố vô thường của nó. Quan hệ bằng tâm từ bi sẽ dẫn đến hạnh phúc, không làm khó nhau, không làm khổ nhau, mà biết ban phát hạnh phúc, ban phát tình thương. Ban phát tình thương không đơn thuần là thương người, mà thương mình. Vì thương mình mà ban phát tình thương, vì năng lượng tình thương ban đi phát xuất bắt đầu từ chính mình, đó là hạnh phúc.

         Quan tâm và nuôi dưỡng tình yêu, người biết đùm bọc, chia sẻ, cưu mang và chấp nhận nhau, không rơi vào tình trạng của bóc lột, áp bức và tàn sát. Những quan hệ ràng buộc cắn xé tâm hồn trong khi những quan hệ tự do khiến tâm hồn thảnh thơi. Tự do không có nghĩa là buông thả, mà không dính mắc hay không nương tựa vào những đối tượng gây khổ đau. Phàm những gì dính mắc sẽ tạo tham ái và những hệ lụy gây khổ đau chồng chất. Quan hệ bất chính là quan hệ gây tàn hại thân tâm lẫn nhau, tạo ra sai lầm, phát khởi bất thiện. Quan hệ chân chính là quan hệ tạo phát triển các tâm thiện, bảo tồn sự sống đích thực và nuôi dưỡng các tâm hành thiện. Những ham muốn trong quan hệ sẽ dẫn đến điên đảo nên dừng lại các ham muốn để giúp mối quan hệ trong sáng hơn. Người dù sống một mình vẫn cần mối quan hệ, nhất là quan hệ với chính mình. Dừng lại mà tâm sự với bản thân, xem bản thân cần gì để những chất độc không tiết ra nữa, đồng thời chuyển hóa chúng trở nên khỏe mạnh. Nếu cha mẹ chuyển giao tài sản cho con cái về mặt di truyền thì mình cũng phải biết chuyển giao tài sản cho thế hệ mai sau. Thế hệ mai sau cũng là mình, nên phải biết cách chuyển giao công nghệ. Những khổ đau hay hạnh phúc của mai sau là hình ảnh của chính mình ngày hôm nay nên việc chuyển giao tốt đẹp thì đời sống ở hiện tại và vị lai tốt đẹp.

Đây tiếng chim, bay về phương bắc
Đây bàn tay, nắn nót hình hài
Đây dòng sông, lấp lánh những sao mai
Xin hiến tặng cuộc đời từ ái.

Đây tấm thân, tàn tạ từng ngày
Đường tu hành quyết không dang dở
Đây từ bi, trong tâm cởi mở
Đường về nhà rạng rỡ những thương yêu.

Đây mẹ cha, lo lắng trăm điều
Đây chồng vợ, tào khang xin giữ
Nhắc nhở nhau dăm đôi câu chữ
Biết hành xử hạnh phúc dài lâu.

Trong đêm thâu đâu bạn đâu bè
Dòng lẩn quẩn kéo người mê mải|
Hãy dừng lại đây sinh đây tử|
Bảo hiểm tâm thoát khỏi trầm luân.

Tài liệu tham khảo

 (1) Chứng ghê sợ đồng tính luyến ái – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

(2) Đồng tính ái là gì? – Ykhoanet, Website y khoa Việt Nam, Bác sĩ Phan Xuân Trung

(3) Quyền của người đồng tính cũng là nhân quyền – Tiến sĩ nhà tâm lý học Mark Dornbeck, Đinh Nhung dịch, Theo Tâm sự bạn trẻ

(4) Thiền Tập Cho Người Đồng Tính Luyến Ái – Thầy Pháp Dụng, Làng Mai, 29-3-2006

(5) Âm dương – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

(6) Quan Hệ Đồng Tính Luyến Ái Theo Quan Điểm Phật Giáo – Janapadaratna chuyển ngữ từ bài “Homosexuality and Theravada Buddhism” – Đồng Tính Luyến Ái và Phật Giáo Thượng Toạ Bộ, Tác giả: A. L. De Silva.

(7) Không Phân Biệt Đối Xử – Theo ETC-GRAZ.AT, không rõ tác giả.

(8) Phật giáo và hôn nhân đồng tính – Khánh Văn Việt dịch, Theo Tìm hiểu đạo Phật, Sống đời thanh thản.

(9) Cái tôi là gì? – Tăng Ngọc Thiên Kim.

(10) Tâm sự của người cha có con luyến ái đồng tính – Bên Kia Thái Bình Dương, Thời Báo Online, The Vietnamese Newspaper.

(11) Theo lời giảng của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

(12) Thái độ xã hội đối với đồng tính luyến ái – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

(13) Thân thể là đền thờ tâm linh – Trích pháp thoại của thiền sư Nhất Hạnh, thư viện Thích Nhất Hạnh.

(14) Lễ Pháp bảo – Thiền Môn Nhật Tụng, Minh Thạnh

(15) Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký – Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi, Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Minh.

(16) Phát Bồ Đề Tâm Luận – Thích Nguyên Ngôn dịch, Phẩm thứ bảy tinh tấn Ba La Mật.

(17) Lục Tổ Huệ Năng – Tâm Thái

(18) Ngày Phán Xét Nghĩa Là Gì? – Về Ha-ma-ghê-đôn, Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh Thánh), Tập 1, trang 594, 595, 1037, 1038, và chương 20 sách Thờ phượng Ðức Chúa Trời có một và thật, cả hai đều do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

(19) Quan Điểm Của Đức Phật Về Các Mối Quan Hệ – Lời Dạy Của Đức Phật Về Sự Thành Tựu Trong Gia Đình, Nơi Công Sở, Ngoài Xã Hội – Tỳ Kheo Tiến Sĩ Basnagoda Rahula, chuyển ngữ sang tiếng Việt: Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh 2010.

Trích sách Những trái tim đồng dạng – TG Minh Thạnh.

(www.sachminhthanh.wordpress.com)

Phật Pháp Ứng Dụng