Niềm yêu thương vô bờ

Trên đây là giới thứ nhất trong Năm Giới thực tập dành cho Cư sĩ.

Là người con Phật, chúng ta cần thực tập không sát sinh, bảo vệ sự sống dưới mọi hình thức, đến tận cùng tế bào. Nếu vì một lý do nào đó mà một sinh vật bị tước đi quyền được tồn tại trên cuộc đời này thì oán khí sẽ nảy sinh.

Các chúng sinh được sinh ra trên trái đất, không có chúng sinh nào không sợ chết, sợ khổ đau và bệnh tật. Trong đó, con người là sinh vật cao cấp nhất và cũng là loài tham sống sợ chết, ra sức gìn giữ mạng sống của mình. Một chúng sinh được sinh ra từ sự kết hợp của tinh cha và huyết mẹ. Nhưng dưới con mắt nhân quả thì đó là thời khắc mà chúng sinh ấy hội tụ đủ nghiệp duyên để tái sinh. Tái sinh vào cõi nào phụ thuộc vào nghiệp báo của chúng sinh đó. Các chúng sinh cõi trời khi hưởng thụ hết phước có thể tái sinh vào làm người. Con người nếu gây ra nhiều tội ác từ kiếp này hay kiếp trước có thể sẽ tái sinh vào những đường dữ.

Chúng ta được sinh ra làm người trong kiếp này nhưng không thể biết kiếp trước của mình hay của người thân như thế nào. Cho nên những loài động vật mà chúng ta hay ăn thịt như heo, bò, gà, vịt… đều có thể là hiện thân trong kiếp này của ông, bà hay người thân của mình từ hằng hà sa số kiếp trước.

Thuở Phật còn tại thế, đi ngang một ngôi làng thì bị một con chó sủa. Người chủ của con chó ấy không hài lòng về Phật nên phàn nàn thì được Phật dạy rằng con chó ấy chính là cha của ông ta đầu thai thành. Vì thương con nên khi mất đi, ông tái sinh thành chó để canh giữ hủ vàng cho con. Nay để cầu cho cha thoát được kiếp chó, Phật khuyên người con mang số vàng đi làm phước và hồi hướng tất cả cho cha mình. Người con y theo lời Phật dạy thì sau khi con chó qua đời, ông được cha mình báo mộng là đã thoát khỏi kiếp súc sinh và khuyên con theo Phật tu tập.

Có câu “Vật dưỡng nhân” dùng để chỉ các con vật sinh ra trong cuộc đời là để làm thực phẩm cho con người. Khi nghe câu này tôi tự hỏi nếu đó là sứ mạng của các loài vật thì lẽ ra chúng phải hoan hỷ, vui cười khi bị làm thịt, không phải đau khổ, chạy trốn, gào thét khi bị bắt? Và nếu sống chỉ để làm thức ăn cho người thì tại sao các con vật ấy lại hạnh phúc, vui sướng tột cùng khi được thả tự do? Phải chăng chúng cũng có cảm xúc, cóniềm đau và nỗi khổ giống chúng ta? Thử tưởng tượng chúng sinh hoảng hốt, đau đớn, giãy giụa trên thớt, dưới dao, máu tuôn thế nào thì khi chúng ta lâm vào hoàn cảnh đó cũng khổ đau như thế ấy. Chúng ta chăm sóc, bảo vệ cơ thể mình đến móng chân, móng tay nhưng lại cắt cổ một sinh vật đang vui sống trên đời như vậy thì thật không công bằng.

Ăn mặn, dù không trực tiếp giết hại nhưng chúng ta cũng bị cộng nghiệp trong đó vì chúng sinh ấy bị giết để phục vụ nhu cầu ăn của con người. Nếu mỗi ngày không có lượng cầu thực phẩm từ thịt thì sẽ không có nguồn cung từ các loài súc sản bị giết. Ngày xưa Đức Phật đi khất thực, thí chủ cúng dường gì Ngài ăn nấy vì vị ấy ngẫu nhiên thấy Phật, sanh tâm hoan hỷ dâng tặng những vật thực mà mình đang có, không phải vị ấy cố tâm biết thời gian, địa điểm Phật đi ngang để giết heo, bò, gà… dâng Phật. Là vật cúng dường nên Đức Phật cũng không phân biệt thực phẩm chay hay mặn. Ngài có gì dùng đó để duy trì sinh mạng tu tập và tạo phước cho thí chủ thực tập hạnh bố thí.

Tuy nhiên, trong đời sống ngày nay, nếu có khả năng kiểm soát được nguồn cung cấp thực phẩm hàng ngày thì chúng ta nên chuyển hóa dần thói quen ăn mặn thành ăn chay, ăn vừa đủ để kiểm soát tâm tham khi ăn của mình. Còn nếu trong trường hợp bất đắc dĩ như ở trại quân đội hay phải ăn cơm chung với gia đình với thức ăn mặn thì trước khi ăn mình nên cầu cho các chúng sinh bị giết thịt làm thức ăn trên bàn hôm nay sẽ sớm được siêu sanh, trọn thành Phật đạo. Đồng thời mình cũng rải tâm từ đến các chúng sinh đó để phần nào xoa dịu oán khí khi bị giết của chúng.

Sát sinh là cái nhân của bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn. Chúng ta mượn thân xác loài khác để sống thì cũng đến lúc chúng ta phải trả bằng thân xác. Muốn không sát sinh, chúng ta hãy chế ngự và khắc phục tâm mình, đừng chạy theo sự ăn ngon của khẩu nghiệp mà tạo tội lỗi. Quán chiếu nỗi khổ của chúng sinh cũng là nỗi khổ của mình để dừng lại. Chim được sống vui mừng bay nhảy, cá khỏi chết hớn hở lội bơi. Không sát sinh mà tăng cường phóng sinh chính là nuôi dưỡng lòng từ bi, giúp ta dần dần đoạn được các tâm bất thiện, tránh được nghiệp báo oán thù và góp phần gìn giữ cân bằng môi trường sinh thái.

Khi còn nhỏ, ba tôi và tôi rất thích ăn hải sản và thịt rừng nướng. Ba tôi hay mua thịt, hải sản về nhà chế biến hay dẫn tôi ra ngoài ăn trong suốt một thời gian dài. Đến năm 2012, thì ba tôi phát hiện bệnh gout do dư canxi, tay chân nổi lên các khối u gây đau nhức và có thể ảnh hưởng đến tim mạch. Hai năm sau đó, mặt tôi bỗng dưng bị nổi nhiều nốt đỏ, da rát và ngứa vô cùng do dị ứng, phải chạy chữa hơn một năm mới thuyên giảm nhưng vẫn chưa dứt hẳn. Bên cạnh đó, bệnh viêm xoang mũi của tôi cũng trở nặng mãi không hết do kỵ với hải sản. Sức khỏe ba và tôi sa sút, không thể tiêu thụ thêm các món hải sản hay các loại thịt có tính phong mà phải chuyển sang ăn chay trường. Quả của sát sanh tùy nghiệp duyên mà trổ ra ngay khi chúng ta còn sống hay sau khi chúng ta mất đi. Nếu quả trổ lúc còn sống thì người sẽ bị nhiều bệnh tật và sớm yểu mạng, còn không may chết đi thì vong linh sẽ bị các oan gia trái chủ đến đòi nợ.

“Con quý trọng thân mạng mình và của kẻ khác dù ở trong bất cứ trường hợp nào.”

Số vong linh được làm người như nắm lá mùa thu trên tay. Do đó, việc xâm phạm đến thân mạng người mang ý nghĩa phạm giới nghiêm trọng. Đặc biệt, tự sát là tội nặng nhất, sẽ bị đọa xuống địa ngục. Bởi vì, tứ ân: ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia, ân chúng sanh chưa trả, trách nhiệm chưa tròn mà tự sát là coi nhẹ thân mạng, khiến cho gia đình đau lòng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người xung quanh, là tội đặc biệt nghiêm trọng. Một phen mất thân người, vạn kiếp khó có lại được. Được làm người là rất khó, cho nên chúng ta phải biết quý trọng thân mạng mình và của người khác dù ở trong bất cứ trường hợp nào. Câu này cũng bao gồm hàm ý không được giết người, biết bảo vệ thân mạng mình và tất cả những người khác và đặc biệt là không được phá thai vì phá thai cũng là giết người. Khi hình thành, bào thai đã có tâm thức. Việc hủy hoại sự sống của thai nhi sẽ gieo oan trái giữa cha mẹ và con cái, làm tổn thương một sinh linh bé bỏng, vô tội là con mình. Trong các bài thuyết giảng, Sư cô Tâm Tâm cũng đề cập đến nhiều trường hợp cha mẹ bị vong nhập, vong theo phá, phải đến chùa nhờ các sư làm lễ là do các bé bị cha mẹ bỏ, sanh tâm oán hận, không thể siêu thoát.

Người tu sĩ khi đi kinh hành luôn lưu ý tránh giẫm đạp, làm chết cây cỏ. Cỏ cây mà chúng ta còn không muốn làm tổn hại, ăn chay để không sát sinh thì lẽ nào lại đan tâm giết đồng loại của mình. Nếu vì một lý do nào đó mà sinh mạng người bị chết dưới tay mình thì sự oán hận của họ tràn trề khó dập tắt được. Họ sẽ ôm lòng căm hận, chờ dịp báo thù. Oan trái đã gieo chắc chắn có ngày phải trả. Chưa kể quả nhận được sẽ lớn hơn gấp trăm ngàn lần nếu mình làm cho gia đình người ấy phải đau khổ. Như một gia đình mà mất đi người đàn ông trụ cột thì ông bà, mẹ con sẽ bơ vơ và lâm vào tình trạng túng quẫn. Chưa kể các con không được nuôi dạy tốt sẽ sa vào tệ nạn làm khổ nhiều người khác. Giết mạng thì phải đền mạng, thậm chí phải đền rất nhiều mạng, đó là luật nhân quả. Càng tạo nghiệp sát, càng lao mình vào vòng khổ đau, mãi xoay vần trong bể khổ sanh tử.

“Con biết chỉ có thực tập yêu thương mới xóa bỏ hận thù, thân tâm nhẹ nhàng, giấc ngủ an lành và nét mặt hiền hòa.”

Hận thù như một ngọn lửa trong tâm. Ôm ấp hận thù chẳng khác nào nuôi lửa thiêu đốt thân tâm mình. Trong Kinh Diệt Trừ Phiền Giận, tôn giả Xá Lợi Phất có nói: “Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì gọi là dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.” Chúng ta thường hay yêu thương người có hành động dễ thương, lời nói dễ thương và có một tâm hồn dễ thương. Nhưng nếu đó là một người hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì gọi là dễ thương, là người tu, chúng ta phải thực tập yêu thương luôn cả những cái không dễ thương ấy, vì hẳn nhiên đó là “một người rất đau khổ, người này chắc chắn đang đi về những nẻo đường xấu ác cực kỳ, nếu không gặp được thiện tri thức thì người ấy sẽ không có cơ hội chuyển hóa và đi về các nẻo đường hạnh phúc.” Do đó, là người trí, ta nên “mở được lòng thương xót và lân mẫn, diệt trừ được sự phiền giận của ta và giúp được cho kẻ kia.”

Khi phiền giận một người nào đó, chính là ta đang giận tâm tham sân si của người ấy, không phải giận thân xác của người ấy đang hiện hữu trước mặt. Khi phát hiện một làn sóng bạo động trong tâm, ta biết tình thương trong mình đang thiếu nên ta phải thực tập tình thương bằng cách  ôm ấp cơn giận ấy lại, dùng tất cả năng lượng từ bi để xoa dịu cơn giận ấy như người mẹ đang ôm đứa con của mình. Sau đó, quán chiếu lại bản thân, nguyên nhân gây ra phiền muộn ấy và hóa giải dựa trên tình thương và lòng từ bi.

Sau một thời gian hùn vốn kinh doanh cùng một người bạn, chúng tôi thất bại và xảy ra xích mích. Vì bị tâm sân sai sử nên tôi đã nói lời không hay, làm tổn thương bạn ấy. Tình hình trở nên tồi tệ. Tôi bị mất tiền mà tình chị em cũng không còn. Khi tĩnh tâm lại và nghe lời thầy giảng, tôi đã suy ngẫm và sám hối ba nghiệp thân khẩu ý và sáu tâm độc. Sau đó, tôi đã chủ động xin lỗi bạn ấy. Nhờ có học tu, người ấy cũng mở lòng hoan hỷ và cùng tôi giải quyết những việc còn lại. Qua đó, tôi nhận ra rằng lúc nào mình cũng phải sống trong tỉnh thức, có chánh niệm, đừng để sự việc xảy ra rồi mới hối hận và sám hối vì biết đâu ngày mai mình hay người ấy ra đi thì cơ hội sửa sai cũng không còn.

Thầy tôi luôn dạy: “Người sống trong hận thù luôn không yên, lúc nào cũng mệt mỏi, chán nản, luôn căng thẳng, sợ hãi và đau khổ. Lấy hận thù để trả cho thù hận thì chẳng bao giờ có thể giải quyết được, điều đó chỉ làm cho cả hai bên ngày càng đau thương mà thôi. Buông bỏ những điều này thì an lạc xuất hiện, niềm thương yêu vô bờ xuất hiện.”

Tường Lam

Sachminhthanh.wordpress.com

Theo Phật Pháp Ứng Dụng