Trước hết, chúng ta sẽ được biết đến như là một người thường gây ra sự bất hòa. Mọi người sẽ không muốn tâm sự vì họ sợ chúng ta sẽ nói với người khác, thêm thắt những lời đánh giá của ta khiến cho họ bị xem là không tốt. Thật khó tin tưởng những ai thường hay phê bình người khác.

Thứ hai, chúng ta phải đối mặt với người bị nói xấu khi họ phát hiện ra những gì bị nói, và phiền phức hơn là lúc họ nghe được những gì đã nói xấu thì những điều đó đã bị phóng đại lên nhiều lần. Người đó có thể nói với người khác về lỗi của chúng ta để trả đũa.

Thứ ba, một số người có thể sẽ bị kích động khi nghe nói về lỗi của người khác. Điều này có thể sẽ làm dấy lên việc nói xấu sau lưng gây ra tình trạng bè phái.

Thứ tư, chính bản thân ta cũng không có hạnh phúc khi mình luôn phanh phui lỗi của người khác. Khi tập trung vào những điểm tiêu cực, hoặc là những sai lầm, chính tâm của chúng ta cũng không an vui. Những ý nghĩ rằng người này xấu, người kia không tốt,… thường không có lợi cho tinh thần của bản thân.

Nói lỗi người

Thứ năm, khi nói xấu người khác tức là đã gây ra tác nhân để cho người khác nói xấu mình. Điều này có thể xuất hiện ngay trong đời này nếu người mà ta phê bình muốn hạ nhục mình, hoặc có thể xuất hiện trong tương lai khi mình bị người khác buộc tội một cách vô lối hoặc là bị vu oan. Khi chúng ta là người nghe những lời nói thô tục, cần nhớ rằng đấy là kết quả từ hành động của chính mình, vì đã tạo ra nhân, nay đã đến lúc phải nhận quả. Chúng ta đã gây ra sự tiêu cực ở trong vũ trụ và trong tâm thức của mình, bây giờ nó phản xạ trở lại . Không có lý do gì để giận hay buộc tội người khác khi chúng ta là người đã tạo ra nguyên nhân chính yếu đối với rắc rối của bản thân.

Để từ bỏ thói quen này, phải bắt đầu từ việc điều chỉnh thói quen đánh giá người khác. Thay vì đánh giá, phê bình người khác, hãy lưu tâm đến những phẩm chất tốt và sự tử tế của họ. Cần phải rèn luyện tâm mình, chỉ nhìn những điểm tốt, những điều tích cực của người khác. Rèn luyện như thế thì sẽ tạo nên sự khác biệt giữa niềm hạnh phúc, cởi mở và thương yêu của ta với sự buồn khổ, khó gần và khắt khe!

Thái độ vui vẻ và lời nói bao dung xuất phát từ việc này sẽ cải thiện những người xung quanh và sẽ nuôi lớn hạnh phúc, sự mãn nguyện và tình thương yêu ở trong ta. Vì thế, chất lượng cuộc sống của bản thân tùy thuộc vào việc chúng ta tìm thấy lỗi lầm với kinh nghiệm của mình hay là thấy những gì tốt đẹp ở bên trong nó.

Mọi người đều muốn được thương yêu – muốn được chú ý và thừa nhận những khía cạnh tích cực của bản thân, muốn được quan tâm và tôn trọng. Hầu hết chúng ta đều không muốn bị đánh giá, bị phê bình và từ chối. Việc trau dồi thói quen nhìn thấy những điều tốt đẹp của bản thân và của người khác mà có thể đem lại cho mình và người niềm hạnh phúc khiến cho chúng ta cảm nhận và mở rộng tình thương yêu. Từ bỏ thói quen nhìn thấy lỗi lầm sẽ giảm thiểu sự đau khổ cho mình và người. Vấn đề này nên được xem là trọng tâm trong Lộ Trình Tâm Linh. Chính vì lý do này mà Đức DatLai Lama đã nói: “Tôn giáo của tôi là sự tử tế’’.

Thích nữ Thubten Chodron