Vì sao ta mày mò trong tình yêu? (thức)
Vì sao ta mày mò trong tình yêu? (thức)
Sự vấn vương và mặc cả của tình yêu
Khi tình yêu đang có mặt, người hãy sống hết lòng vì tình yêu đó. Nhiều người may mắn tìm thấy được tình yêu nhưng cũng có người cứ mãi mày mò trong tình yêu. Tình yêu dường như nằm ngoài tầm kiểm soát nên người có những lo toan và sợ hãi. Lo toan vì làm sao để nắm giữ và níu kéo tình yêu và sợ hãi không biết tình yêu sẽ kéo dài bao lâu. Khi chưa yêu thì muốn đi vào vòng yêu, yêu rồi thấy sao khổ quá, nếu có hạnh phúc thì cũng khá chập chờn nên muốn thoát ra. Tình yêu như vòng kim cô đính trên đầu của Tôn ngộ không, nó quấn chặt bằng những lời nói hoa mỹ, ngọt ngào, khiến người trong cuộc đau đầu, khổ sở. Vào những ngày đặc biệt hay một dịp nào đó, đôi tình nhân tặng nhau những bông hoa tươi thắm. Ngày lễ tình nhân (Valentine’s Day) nhắc những người đang yêu nhau dành trọn vẹn ngày này đến hướng về nhau. Còn những ngày khác, 344 ngày còn lại, làm thế nào để giữ sự trọn vẹn của ngày tình nhân. Thật khó phải không? Vì còn biết bao nhiêu chuyện phải làm và bao nhiêu điều phải nghĩ tới. Vậy tình yêu chiếm bao nhiêu thời gian trong hai mươi bốn giờ? Liệu rằng tình yêu mà người đang hướng tới có tinh khôi và nồng nàn như hai mươi bốn giờ đang ban tặng sự tinh khôi? Người nói là người đang yêu nhưng tình yêu trong người có thực sự tinh khôi 100%, hay trong đó vẫn có những tính toán, những mày mò, những đau khổ, hay những hạnh phúc đượm buồn?
Một lần chợt nghe nhà kế bên mở một bản nhạc do Mỹ Tâm hát có câu, Tình yêu đến em không mong đợi gì – Tình yêu đi em không hề hối tiếc. Không hiểu nhạc sĩ muốn nói gì nhưng người trong cuộc không thấy mong đợi và không hối tiếc gì đến tình yêu đã từng biểu hiện. Lời hát có vẻ trách móc và hờn giận, giống như lời nói lẩy, chứng tỏ người vẫn còn vấn vương trong tình yêu. Có câu, Tình cũ không rủ cũng tới. Đơn giản vì duyên nợ chưa hết, nên đã xa nhau rồi lại tìm đến với nhau. Lần tìm đến thứ hai này nhiều khi còn mặn nồng hơn trước. Cũng tùy theo sự đầu tư tình yêu của người trong cuộc, do không chịu nổi sự cô đơn, do không tìm thấy ai ngoài người đó, do thấy chỉ hạnh phúc khi bên cạnh người đó sau một khoảng thời gian tạm xa nhau.Người lớn nhiều khi như trẻ con, làm đủ trò để hạnh phúc và khổ đau. Nói là trẻ con quậy phá, nhưng dù quậy phá cỡ nào cũng không bằng người lớn, người lớn quậy phá có chiến lược, nên ghê gớm hơn nhiều. Trẻ con mà khóc thì một lát sẽ nín, rồi lại vui cười. Người lớn mà khóc thì năng lượng khổ đau tỏa ra rất mãnh liệt, nó có thể làm đứng tim, ngộp thở, ngất xỉu hay đột quị. Có những người mất hết tài sản, nhưng không đau đớn bằng mất người yêu hay mất một vị hôn phối vì nỗi đau lớn quá, như ai đó cắt đứt da thịt của mình. Bao nhiêu kỉ niệm tuôn chảy ra trong tâm trí và trong phút chốc nghĩ về hiện tại, những điều kiện xây đắp kỉ niệm mới với người đó không còn nữa, lòng người đau như cắt, thậm chí có người khóc tức tưởi vì sao người đó bỏ người đi quá nhanh. Trong bài thơ Hai sắc hoa tigôn của TTKH có đoạn, Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời – Ái ân lạt lẽo của chồng tôi – Mà từng thu chết, từng thu chết – Vẫn giấu trong tim một bóng người. Đoạn thơ nghe buồn quá, yêu mà buồn như thế thì sao gọi là yêu được. Lại còn nói, Yêu là chết trong lòng một ít – vì mấy khi yêu mà chắc được yêu – cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu. Yêu nhưng chỉ đi bên cuộc đời chứ vẫn chưa đi vào đời, đã nếm mùi khổ đau của tình yêu nhưng vẫn chưa nhìn ra bản chất đích thực của tình yêu. Do dính mắc vào ái ân của người chồng hiện tại, người không thấy thỏa mãn đời sống hôn nhân, nên mùa thu đang có mặt đó, hoa lá vàng đang rơi đẹp như vậy, người chết theo mùa thu, cái tâm đang chết nên nhìn mùa thu sống động cách mấy cũng nhuốm màu khăn tang. Và người ngoại tình tư tưởng, mơ ước đến hình ảnh của người tình xưa hoặc vẽ ra một người tình lí tưởng. Người sống được nhờ vẽ vời như thế, thậm chí có người còn nói rằng khi tôi gần gũi vợ, tôi phải liên tưởng đến người khác thì mới gần được.
“Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu” minh chứng cho tình yêu vẫn có sự mặc cả, vẫn có đổi chác, theo kiểu có qua có lại mới toại lòng nhau. Có vẻ như có sự trả vay trong tình yêu. Tôi cho anh tình yêu của tôi thì anh cũng phải hiến dâng tình yêu của anh cho tôi. Giống như bản hợp đồng hôn nhân, không phải theo kiểu hợp đồng về tài sản trước và sau hôn nhân, mà hai người đi vào hôn nhân trong một sự cam kết lẫn nhau, bất thành văn, tức là chỉ hứa thôi, mà lời hứa này nếu thành thì tốt mà nếu không thành thì lại có oan trái. Chàng trai ngồi trước vầng trăng mà thề, Anh thề với em có vầng trăng chứng giám, anh sẽ yêu em suốt đời cho dù thịt nát xương tan. Hoặc quỳ trước bàn thờ tổ tiên hay trong nhà thờ rồi thề thốt, Dù giàu sang hay nghèo nàn, khỏe mạnh hay bệnh tật chúng con vẫn nguyện yêu nhau suốt đời. Cái này có khác gì hợp đồng hôn nhân, được kí kết bằng lời hứa và người phải thực hiên lời hứa đó. Nếu thực hiện không được thì nợ, nợ không trả thì lãi phát sinh, lãi dồn vào nợ thì biết bao giờ mới trả xong. Người muốn trả hết nợ, chấm dứt nợ hay tiếp tục trả nợ? Kiếp này trả không xong thì kiếp sau trả tiếp, đời người như trả nợ. Nợ ở đây là nghiệp đấy.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến khổ đau trong tình yêu là tri giác sai lầm. Người có tri giác sai lầm về người kia như người kia chắc là không thương mình đậm sâu lắm, người kia đang thờ ơ với mình, người kia đang có mối quan hệ nào đó ngoài mình. Do không chịu trò chuyện và chia sẻ, đồng thời chấp ngã quá lớn, sự thấu hiểu là gì đó rất nhỏ bé và người khiếm khuyết trong việc lắng nghe. Ai mà chẳng có lỗi lầm, hãy chấp nhận và tha thứ để tình yêu có dịp tung cánh trở lại. Người lúc nào cũng có lỗi trong đó. Người đã làm gì khiến cho người kia không còn thương người nữa? Chúng sinh thường bị dính mắc vào những hào nhoáng của thế gian, cái đẹp hình thức bên ngoài, tiếng âm thanh ngon ngọt hay những cảm giác cô đơn trong nhất thời không thể kiềm chế được. Người muốn có ai đó ở bên cạnh để chia sẻ, để chăm sóc, để yêu thương, để có cảm giác không cô đơn. Người chăm sóc hình dáng của mình rất kĩ lưỡng, để tạo nội kết với người kia. Thậm chí bây giờ có rất nhiều thuốc men, thức ăn, nước uống cung phụng cho việc tăng cường sinh lực, và xem đó như một yếu tố níu giữ hạnh phúc. Đọc các báo điện tử, ngoài những trang tin thường nhật, còn có những trang tin liên quan đến hôn nhân gia đình, nhưng những lời tư vấn nhằm duy trì hạnh phúc rất ít, mà thay vào đó là những lời tư vấn về tình dục, và người ta viết những bài như thế để thu hút độc giả. Bệnh viện thẩm mỹ ra đời cũng để phục vụ nhu cầu tô điểm vẻ hào nhoáng bên ngoài, nhưng thân thể này làm gì có sự bất tử. Dù có đổ bao nhiêu tiền làm thẩm mỹ vẫn không thóat được móng vuốt của già nua và cái chết. Có người cho đời người như một cái máy, sinh ra, lớn lên, lập gia đình, sinh con rồi chết, răm rắp như một cái máy. Nếu thực sự sống an vui trong mỗi thời kì hay mỗi phút giây của sự sống, người vẫn sống, vẫn yêu, vẫn vun bồi hạnh phúc lứa đôi, vẫn có con cái thì phẩm chất của đời sống được nâng cao hơn. Bằng không, người chỉ lăn lộn trong thất tình lục dục. Cho tình dục là bản năng của con người chỉ đúng một phần thôi vì con người còn có bản năng tiết chế dục tình. Bằng chứng là vẫn có loại giới tính gọi là vô tính, tức là sự ham muốn hầu như không hoặc rất thấp, dù là với người khác giới hay người cùng giới. Một số người tự hào về năng lượng tình dục mạnh mẽ nhưng lại có người rất khổ sở vì nó. Một số người khác sợ hãi vì khả năng tình dục yếu kém nhưng lại có người chẳng quan tâm tới nó. Công nghệ tăng cường năng lượng tình dục vì thế cũng ra đời và được xem như phương cách bảo vệ hạnh phúc gia đình được đo lường bằng giá trị của sự thỏa mãn, một sự thỏa mãn hết sức ngắn ngủi.
Tỉ lệ li hôn ở Việt nam ngày càng gia tăng. Phóng viên Ben Bland của tờ Financial Times cho biết, từ năm 2005, tỉ lệ li hôn đã tăng lên khoảng 50%. Người phụ nữ đã có tiếng nói hơn trong gia đình, khả năng độc lập tài chính và quyền bình đẳng nam nữ khiến những truyền thống trong gia đình vốn ràng buộc con người sẵn sàng bị phá bỏ. (4) Thời ông bà xa xưa, việc ăn đời ở kiếp được xem là truyền thống. Ngày xưa làm gì có chuyện li dị. Ông bà ngoại tôi ăn ở với nhau, có đến gần chục đứa con, nhưng đâu phải tự nhiên quen nhau mà do ông bà cố chỉ định, đặt đâu con cái phải nghe theo. Ấy vậy mà ăn đời ở kiếp. Ông ngoại mất sớm, bà ngoại vẫn không tái giá, sống với con cháu đến hết đời. Còn ngày nay, người tự ban cho mình cái quyền tìm hiểu trước hôn nhân, quyền con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó, nhưng tỉ lệ li dị lại gia tăng. Phẩm chất tình yêu đang xuống dốc hay cái gọi là quyền tự do trong hôn nhân của người trẻ khiến tình yêu có vẻ rất đậm sâu nhưng thực ra rất phai mờ. Tình yêu toan tính nhiều quá nên tình yêu không còn muôn thuở, dù rằng con người yêu nhau và duy trì nòi giống, nhưng tình yêu hiện đại có mặn nồng như tình yêu thời ông bà của người không. Có khi người tưởng đó là tình yêu, thật ra có thể nó không phải là tình yêu. Người cho là chúng ta vô tình đi qua nhau, chúng ta vô tình thương nhau rồi chúng ta vô tình cưới nhau. Không có gì vô tình đâu, tất cả đã được sắp đặt, như tại sao người lại gặp người kia mà không gặp người này. Sự sắp đặt không do đấng tạo hóa, ông tơ bà nguyệt hay mũi tên bắn của thần tình yêu, mà do chính người đã sắp đặt, từ trong kiếp này và hằng hà sa số kiếp trước. Nhiều kiếp trôi qua, người chuẩn bị rất kĩ lưỡng để sự kiện gặp người kia diễn ra trong kiếp này. Đây có thể gọi là nhân duyên vậy.
Người có những đòi hỏi cho riêng mình và muốn người khác đòi hỏi những thỏa mãn ấy. Cái tôi hay bản ngã lên ngôi và người trở nên xa lạ trong tình yêu. Hóa giải chính mình để lắng nghe người yêu thương và chấp nhận cái được cho là sự khác biệt. Nhiều người không hợp tính tình nhưng vẫn sống với nhau đấy thôi, con đàn cháu đống và đi hết quãng đời còn lại. Một người nói nhiều thì phải có người ít nói ngồi nghe, còn hai người nói nhiều quá thì ai nghe. Tình yêu như khỏa lấp sự thiếu hụt của nhau. Người nóng nảy được xoa dịu bởi người nóng tính và dễ chịu. Hai vợ chồng mà nóng tính hết thì chiến tranh gia quyến, con cái chịu khổ, chịu không nổi thì bắt chước, rồi vợ chồng li dị, rồi con cái bơ vơ hay thiếu sự giáo dục. Thực phẩm của hạnh phúc là lắng nghe, chia sẻ, chấp nhận, tha thứ, một lòng chung thủy, một dạ sắc son. Thực phẩm của khổ đau là vọng tưởng, lấp đầy, không buông bỏ, hiềm hận, ngoại tình và buông thả thân tâm. Tình yêu bị giãy chết có thể xuất phát từ nguyên nhân của ngã chấp. Do không ai nhường nhịn nhau nên tình yêu bị bào mòn bởi những ngã chấp đó. Lắng nghe là phương thuốc hữu hiệu nuôi dưỡng tình yêu. Có hiểu mới có thương mà muốn hiểu thì phải lắng nghe và khi lắng nghe thì học cách chấp nhận và chia sẻ. Cuộc đời bên ngoài có những mệt mỏi và lo toan thì trong tình yêu hãy dành cho nhau những phút giây ngọt ngào, hà cớ gì phải trì triết nhau nữa. Người thương không đáng phải bị như thế mà họ đáng được chăm sóc hơn. Âu cũng là nghiệp tình yêu. Luyến ái trong tình yêu là một thứ nghiệp và người khổ thôi. Người chọn cái khổ cho chính người chứ không ai ban phát cả, không có ông trời nào ngồi ban phát hay đối tượng nào ban phát. Tuy nhiên, tình yêu vẫn có sự bình yên, chủ yếu là do cách suy nghĩ và thái độ trong tình yêu. Thực tập bình yên giúp trượt qua nghiệp và những khổ đau sẽ được lắng dịu. Khổ đau có thể vẫn còn đó nhưng nhờ biết bình yên mà phẩm chất khổ đau giảm đi và khổ đau từ từ được vượt qua. Nếu người cứ mãi huân tập nghiệp trần gian hay nghiệp luyến ái thì người sẽ mãi ở trần gian, mãi làm chúng sinh, mãi rơi vào lưới của ái tình. Ái tình là một cái lưới chứ không phải là một lối thoát. Không ai ví ái tình và chấp nhận ái tình là lối thoát cả. Khi còn gặp nhau tức là còn nợ và khi phải trả nghiệp tức là đang không được tha thứ. Người chỉ có thể tha thứ chính mình bằng cách chuyển nghiệp như chấm dứt tâm luyến ái, chuyển hóa tâm chúng sinh. Đất Phật thì Phật ở và đất chúng sinh thì chúng sinh ở. Cũng vậy, tâm Phật thì tâm giải thoát và tâm chúng sinh thì tâm luyến ái. Luyến ái sâu dày thì mãi làm chúng sinh. Làm chúng sinh mà không tu thì không vui gì mấy.
Ta về đây chung một mái nhà
Cất tiếng ca một dạ sắc son
Cùng thề nguyện sông cạn đá mòn
Lòng chung thủy dù lên biển hay non.
Ta trôi lăn trong dòng cảm xúc
Đến rồi đi bởi những buồn vui
Lời hứa xưa nay tan biến rồi
Chỉ còn lại nỗi đau muôn thuở.
Ta ngồi yên lắng nghe nhịp thở
Có chi mà diệt diệt sinh sinh
Trong phúc chốc nhìn lại chính mình
Thấy cuộc đời vẫn chưa dừng lại.
TG.Minh Thạnh
Sachminhthanh.wordpress.com
Phật Pháp Ứng Dụng