Vì sao tình yêu nhạt phai? (danh sắc)
Vì sao tình yêu nhạt phai? (danh sắc)
Tình yêu trong sáng
Cảm giác thất vọng về nhau có thể làm cho tình yêu nhạt phai. Xã hội có nhiều tiêu chuẩn và người cũng đi theo vòng xoáy của tiêu chuẩn. Một khi tiêu chuẩn không được thỏa mãn, người thất vọng về nhau, hoặc khi tiêu chuẩn này đã thỏa mãn, người đặt ra một danh sách các tiêu chuẩn khác nữa. Chưa bao giờ người hài lòng với những gì người đang có nên mãi kiếm tìm và khi không đạt được, người buồn lắm và than cho số phận không như ý muốn. Quan tâm là một biểu hiện của tình yêu, vì cần nhau mà quan tâm với nhau. Không phải quan tâm vào lúc khác hay mai mốt mà thể hiện vào lúc này, ngay chỗ này. Giống như ba mẹ đang còn sống thì hãy quan tâm, chăm sóc chu đáo, mai mốt ba mẹ đi xa thì lại lo làm đám giỗ linh đình, e rằng không được hay lắm. Giây phút hiện tại rất quan trọng, nó đánh dấu sự mềm mại của tình yêu và sự dễ thương của hạnh phúc. Tình yêu cũng cần siêng năng như phát triển sự nghiệp vậy. Đi làm kiếm tiền là một sự nghiệp thì tình yêu cũng đắt giá, thậm chí quan trong hơn nhiều lần so với sự nghiệp. Người đầu tư cho sự nghiệp thì cũng nên đầu tư cho tình yêu. Biết bao người theo đuổi công danh mà quên mất tình yêu nên tình yêu đi chỗ khác chơi, còn người rất giàu có về tiền bạc nhưng tình yêu thì nghèo nàn quá, đến lúc thiếu thốn thì chạy đôn chạy đáo để vay mượn, vay mượn không được thì cô đơn mình ênh hay trôi lăn trong những tình yêu chóng vánh. Có ông nhà giàu kia lo làm ăn quá mức và sự thuận lợi trong kinh doanh khiến ông chỉ muốn kiếm tiền, đến khi đầu hai ba thứ tóc thì mới thấy mình cần mái ấm gia đình, lúc này ông mới lo tuyển vợ. Cách ông tuyển vợ như một món hàng, và tình yêu đối với ông như tìm kiếm sự lấp đầy. Cái gì lấp đầy thì sẽ mau nhạt vì ngán. Có người thì sùng bái sự nghiệp và có người thì sùng bái tình yêu. Sùng bái chẳng qua là từ khác của luyến ái. Người tôn thờ tình yêu thì người kẹt vào nó và làm nhiều việc để tình yêu lên ngôi, nhưng đã lên ngôi thì phải có lúc thoái trào, không thể đòi hỏi nó ở trên ngôi mãi mãi. Một ông vua nắm giữ ngai vàng, đến lúc nào đó cũng phải nhường ngôi.
Có bao giờ người nghe đến cụm từ tình yêu trong sáng, nhẹ nhàng như cơn gió và bềnh bồng như làn mây? Vì trong sáng nên tình yêu không có tính toán hay vụ lợi, yêu chỉ để yêu thôi mà. Chàng trai nắm tay cô gái và nàng tựa vào vai chàng. Chàng nói, Anh yêu em. Nàng đáp lại, Em cũng vậy. Dẫu biết rằng phía trước còn nhiều khó khăn của cuộc sống, còn sự chấp nhận của ba mẹ, còn sự đồng thuận về mặt pháp lí, nhưng hai người vẫn ngồi đó, để không khí tình yêu ngập tràn, để cho giây phút thắm đượm hương nồng yêu thương.Tình yêu ngon lành nhỉ, như một giấc ngủ không mộng mị, không vẽ vời bao la, chỉ có phút giây hiện tại, chỉ có hai người, có hàng cây, có vầng trăng và tiếng suối chảy róc rách. Con người bên nhau, yêu thương nhau là thế, đến với nhau bằng tấm chân tình. Tình yêu không có tập cuối thì chắc là bền vững lắm. Ai chẳng muốn thế. Đời người như một bộ phim nhiều tập, có thể viết thành tiểu thuyết dày cả nghìn trang, nhưng tình yêu trong sáng không có sự kết thúc, nó vẫn ở đây, tươi tắn như hạt sương ban mai còn đọng trên cành lá xanh mướt. Hạt sương vẫn có khi còn kỳ thị, vì biết chọn cành cây xanh mà đọng, tình yêu trong sáng thì không có một kỳ thị nào, không có so sánh, không có phân biệt, và nhất là không biết toan tính. Nàng hỏi chàng, Anh yêu em vì cái gì? Nếu chàng trai trả lời, Anh không biết anh yêu em vì cái gì, anh chỉ biết là anh yêu em thôi. Cách trả lời này rất quân bình nhưng lại tỏ ra trong sáng vì nó không có so sánh trong đó và nhất là không có tiêu chuẩn. Còn nếu chàng trai trả lời, Anh yêu em vì em có đôi môi xinh, làn da trắng, mái tóc đen dài óng ả, thì trong cách nói đó có sự so sánh và đầy dẫy tiêu chuẩn. Chẳng may sau này môi em không còn xinh, làn da trở nên nhăn nheo, mái tóc đen bạc màu thì anh còn yêu em nữa không? Tình yêu của anh dành cho em có trở nên nhạt phai không?
Một lần đức Phật ngụ tại tu viên Trúc Lâm Ca Lan Đà thuộc kinh thành Vương Xá. Một buổi sáng có vị khất sĩ ra sông tắm rồi mặc y áo vào. Lúc này một vị thiên nữ xuất hiện và nói với vị khất sĩ, Thầy là người mới xuất gia, tuổi vẫn hãy còn trẻ, tóc vẫn còn xanh, giờ này đáng lý thầy phải xông ướp hương thơm, trang điểm châu báu, đeo tràng hoa thơm mà hưởng thụ năm thứ vui. Trong khi đó thì thầy lại bỏ những người thương, quay lưng với cuộc đời thế tục, chịu đựng sự biệt ly, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca sa, tin tưởng con đường xuất gia học đạo. Tại sao thầy lại bỏ lạc thú hiện tại mà đi tìm lạc thú phi thời như thế? Vị khất sĩ đáp, Tôi đâu có bỏ lạc thú hiện tại mà đi tìm lạc thú phi thời? Chính tôi đã bỏ lạc thú phi thời để tìm tới hạnh phúc chân thực trong hiện tại đấy chứ. (6) Đây là một đoạn trích từ Kinh Tuổi Trẻ Và Hạnh Phúc. Đoạn kinh nói về sự đối đáp giữa vị khất sĩ và vị thiên nữ về việc buông bỏ lạc thú phi thời để tiếp xúc với hạnh phúc chân thực trong hiện tại. Hạnh phúc chân thực là hạnh phúc không còn dính mắc, nhất là không dính mắc vào năm thứ vui của năm căn. Thu thúc các căn thì hạnh phúc chân thực sẽ biểu hiện. Có người sống chết cũng chỉ vì năm thứ vui. Người làm đủ thứ chuyện để hưởng thụ và sống chết với điều được hưởng thụ. Tình yêu cũng là sự hưởng thụ nên không ít người sống chết vì tình yêu. Nếu không chết thì cũng ngất ngư. Nhiều khi tình yêu như một con dao vô hình, nó làm người rớm máu hay tan nát cõi lòng. Chết vì yêu nghe có vẻ hay đấy nhưng với đạo thì dại dột quá. Cuộc đời này đâu chỉ có yêu hay năm thứ dục lạc kia, còn nhiều thứ để người tiếp xúc lắm. Tình yêu không đến không có nghĩa là người không yêu ai, mà do nhân duyên chưa đủ hay nhân duyên trong tình yêu thời xa xưa đã tan biến rồi. Hãy vui với cái vui độc thân. Độc thân cũng có cái hay của nó, người có thì giờ hưởng thụ hạnh phúc chân thực trong hiện tại hơn. Nhiều chàng trai hay cô gái hiện đại cho rằng họ cần yêu nhiều đối tượng để có sự lựa chọn. Lựa chọn cái gì? Lựa chọn cách mấy thì tình yêu vẫn vậy, vẫn hời hợt, không có đậm đà, thậm chí dễ phạm giới tà dâm nữa. Một cô gái yêu chàng trai đã có gia đình, biết rằng làm như vậy là sai trái, nhưng đã lậm quá rồi, dứt ra cũng không được, và đây là cái nhân nhờ duyên đẩy tới quả là chính cô gái này phải chịu kiếp chồng chung trong một thời gian nào đó hay số kiếp nào đó. Lại nữa, có cô gái yêu vị tu sĩ kia, biết là chuyện tình sẽ chẳng đi tới đâu vì vị tu sĩ đi tu rồi, cô chỉ yêu đơn phương thôi. Cô biết cô sẽ chẳng có cơ hội nào nhưng cô vẫn cứ thương, một thứ yêu thương rất nông nỗi. Thêm nữa, có trường hợp hai anh em trong nhà hay hai anh em cùng cha khác mẹ vì không biết mối liên hệ huyết thống mà yêu nhau, một thứ tình yêu rất oan trái. Luyến ái ghê gớm vậy đó, nó đẩy người đến bờ vực thẳm, của đau khổ triền miên, khi tỉnh giấc thì không còn nhận ra người nữa. Người như đang đi giữa trận đồ sa mạc của khổ đau, của đói khát, tình yêu rất nhiều nhưng vẫn cứ đói khát, tình yêu đang lấp đầy nhưng vẫn cứ thiếu thốn.
Thức sinh và thức duyên danh sắc. Tâm có sự phân biệt nên sắc có sự phân biệt và hình sắc biến hiện theo sự biến hiện của tâm, hay sự phân biệt vô tội vạ của tâm. Không phân biệt hình sắc thì tâm sẽ không bị sắc kéo đi. Sắc đẹp hay sắc không đẹp cũng do tâm dẫn. Do đam mê sắc đẹp nên có thức phân biệt với sắc không đẹp, người có khuynh hướng tìm kiếm sắc đẹp để thỏa mãn thức phân biệt. Tiếp xúc với sắc đẹp cũng là một thứ phước nhưng nếu trong cái phước này mà không có đức, người rất dễ phạm giới. Thời đức Phật có vị tỳ kheo thích 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của đức Phật nên thân cận người mà cứ luyến ái với hình sắc của người, không lo tu học. Được diện kiến hình tướng đẹp của Phật là có phước nhưng từ đó sinh ra tà tư duy hay sinh ra luyến ái thì coi như là không có đức rồi. Thử suy nghĩ sao người có sắc đẹp, vì người có tâm đẹp, có giới hạnh đẹp, có hành trì đẹp. Thức phân biệt đầy dẫy dẫn đến cái biết phân biệt, cái biết phân biệt đó là danh. Như cho rằng, đây là hình sắc đẹp và đây là hình sắc không đẹp, danh đấy. Danh gọi tên của sắc đã được phân biệt. Trong tình yêu, ngươi phân biệt liên tục không ngừng nghỉ. Nàng nấu cho chàng những món ngon mà chàng ưa thích, mặc những bộ đồ có màu sắc mà chàng ưa thích, ướp thân thể bằng những mùi hương mà chàng ưa thích, chiều lòng chàng đi tới những nơi mà chàng ưa thích… và ngược lại. Đã nói đến ưa thích là có sự phân biệt, tức là không trung tính. Giống như nghe pháp thoại vậy, người thích nghe ông thầy này giảng vì vui hay pha trò, còn ông thầy kia dạy cứ đều đều, buồn ngủ quá. Người ham thích cái vui nên tìm kiếm bài giảng vui mà nghe, cứ tưởng nghe pháp thì sẽ được phước, có ngờ đâu trong lúc nghe pháp vui vui đó, người đã không kiềm chế được cái dục của mình.
Sắc là nói tới năm uẩn và danh là sự biết về năm uẩn. Khi hành thiền minh sát tuệ, lúc thở vào hay thở ra thì bụng phồng lên hay xệp xuống. Việc phồng xệp của bụng là sắc và biết về sự phồng xệp là danh. Tùy theo cách nhìn nhận mà danh-sắc (nāma-rūpa) được tạo ra. Luyến ái dẫn đến phiền não, các tâm độc dẫn đến phiền não và phân biệt chảy tuôn như dòng suối, và thế là người cho đây là đàn ông, đây là đàn bà, đây là tình yêu, đây là hời hợt, đây là hợp, đây là tan… Do có thức phân biệt nên có danh sắc phân biệt để thỏa mãn sự phân biệt và nó che mờ tất cả mọi bình đẳng và đồng nhất, tức là không thấy được tất cả vạn vật đi vào nhau, không thấy cái này đi vào cái kia hay cái kia đi vào cái này. Thế gian của người như là thế gian của năm uẩn và tuy người đang biểu hiện dưới dạng của năm uẩn nhưng nếu đã chấm dứt phiền não hay những ý niệm, người sẽ tiếp xúc được thực tại cùng tột, một thực tại rất Niết bàn. Danh và sắc nương vào nhau mà biểu hiện, danh biểu hiện qua sắc và sắc biểu hiện qua danh. Thân không có tâm thì thân còn gì, tâm không có thân thì tâm còn gì. Sự sống biểu hiện khi thân và tâm nương vào nhau hay có mặt cho nhau. Thực tập chánh niệm là cách làm cho thân tâm nhất như, tức là đem cái tâm ở chung với cái thân. Danh như tập hợp các danh hay các tâm sở và sắc là tập hợp của các sắc hay các sắc pháp. Tình yêu với một người như tình yêu năm uẩn và tình yêu dòng chảy của tâm, nói cách khác là yêu danh sắc của người đó. Danh sắc biến đổi thì tình yêu cũng biến đổi, nếu nhiều lắm thì cũng trăm năm và chưa chấm dứt được thì đời sống tiếp theo lại gặp nhau để thỏa mãn tình yêu danh sắc. Tất cả danh sắc đều vô thường và vô ngã, tức là không thể bắt nó bất biến hay đi theo ý muốn được, nên yêu mến cái danh sắc thì phải chấp nhận cái vô thường hay vô ngã của nó, tức là tình yêu dù đậm sâu cách mấy cũng sẽ nhạt phai. Biết vậy thì không còn khổ, không kẹt vào danh sắc, tình yêu đến thì cứ đến và tình yêu đi thì cứ đi. Nghe có vẻ hời hợt nhưng sự thật là vậy, như câu thơ, Có hợp thì phải tan – Hãy tập sống đàng hoàng – Yêu thương trong hiện tại – Xá gì chuyện hợp tan. Dẫu biết rằng mai này tình yêu sẽ nhạt phai thì bây giờ hãy trân quý tình yêu người đang có và nếu sau này có tan, người không hối tiếc nữa vì đã sống sâu sắc trong tình yêu đó rồi.
Một vị tu sĩ đi tu rồi, tuy vẫn mang theo danh sắc, mang theo dòng chảy của tâm và mang theo năm uẩn nhưng vị này nương vào danh sắc để tu tập, không nương vào danh sắc để luyến ái. Mỗi ngày tu đi qua, vị ấy nhìn lại bản thân đã giác ngộ được gì và buông bỏ được gì. Tích lũy được nhiều giác ngộ thì vị ấy có đủ khả năng mua vé đi vào Niết bàn. Thực ra buông bỏ chính là giác ngộ vì buông bỏ là điều kiện để giác ngộ biểu hiện. Niết bàn có mặt đó, nhưng vì không buông bỏ được nên vẫn chưa chạm được Niết bàn. Vị tu sĩ cũng có tình yêu nhưng tình yêu này rất đặc biệt, nó không gói gọn trong một cá thể mà tất cả các cá thể. Khi bất cứ ai vị ấy cũng yêu thương thì vị ấy sẽ không kiểm duyệt tình yêu của vị ấy. Vị ấy không so đo, không hờn ghen, không oán trách, không chờ đợi và cũng không níu kéo, vì tình yêu trong vị ấy lúc nào cũng có mặt đó. Trong vị ấy không có cái gọi là tình yêu lên ngôi hay tình yêu nhạt phai, mà tình yêu của vị ấy rất bình đẳng, người ấy thực tập để bình đẳng trong tình yêu và do bình đẳng, tình yêu của vị ấy không có kẻ thù, chính lúc này, vị ấy chạm được vào nụ cười, một nụ cười hết sức bình thản, bình thản trước mọi thăng trầm của cuộc đời. Vị ấy xác định được số kiếp của mình là yêu thương hết tất cả chúng sinh, dù cho chúng sinh đó sống ở châu lục nào, hành tinh nào, quốc độ nào hay sắc tộc nào và vị ấy sinh ra là để làm bồ tát. Tâm vị ấy không còn hoang vu, không bị dằn xé bởi sự cô đơn. Vị ấy tinh tấn yêu thương ngày đêm để chấm dứt tình trạng sa mạc hóa của tâm, chấm dứt nghi ngờ, chấm dứt sự chống đối, chấm dứt những phẫn nộ và khi tất cả hoang vu chấm dứt, tâm trở nên đồng bằng hơn, hoa cỏ mọc trở lại và chim chóc bay về. Vị ấy phát khởi hoan hỷ trong tâm vì vị ấy không còn nghèo nàn trong tình yêu. Vị ấy biết mình không đơn độc mà tình yêu đang nuôi dưỡng vị ấy, một thứ tình yêu cao thượng hướng đến chúng sinh. Vị ấy cũng yêu đấy chứ, nhưng tình yêu của vị ấy rất lạ, không như tình yêu theo kiểu nam nữ mà là thứ tình yêu không còn vọng tưởng, không còn ước mơ, ngược lại nó rất tràn ngập, nó như bung ra, ôm lấy tất cả nhưng lại không ôm gì cả.
Người ra đi để lại ngàn nỗi nhớ
Nhớ bàn tay nhớ ánh mắt thơ ngây
Nhớ hạt mưa long lanh trên khóe mắt
Nhớ đồng cỏ cùng rong chơi tháng ngày.
Ta thương tiếc những mối tình tan vỡ
Những yêu thương tràn ngập ánh nắng vàng
Những ngổn ngang trong tim còn thổn thức
Những nức nở của buổi chiều lang thang.
Khi mái đầu đã không còn xanh mướt
Chợt nhận ra tình yêu quá mong manh
Những lời thương nghe rất đỗi chân thành
Cũng tan biến như hạt sương tia nắng.
Ta biết rằng không có gì bền chắc
Yêu cách mấy rồi cũng phải buông tay
Hạnh phúc khổ đau trên thế gian này.
Không có gì được xem là bất tận.
TG.Minh Thạnh
Sachminhthanh.wordpress.com
Phật Pháp Ứng Dụng