Nhìn vào một con người, yếu tố đầu tiên chiếm được thiện cảm của chúng ta là nét hiền lành đức hạnh của người ấy. Người xưa nói: “Tâm ư trung xuất hình ư ngoại”, nghĩa là ở trong tâm thế nào thì hiện ra hình tướng bên ngoài thế ấy. Người có gương mặt phúc hậu hiền lành, cũng nói lên được phần nào đặc tính bên trong. Cho nên chúng ta tu tập để có nội lực vững vàng, có sức mạnh, nhà Phật gọi là đạo lực.
Tại sao gọi sức mạnh của sự tu hành là đạo lực? Bởi vì sức mạnh này khác với sức mạnh thế gian. Người đời hay nói ỷ mạnh hiếp yếu. Người tu mạnh không phải để ăn hiếp người khác, mà là để an ủi, đem lại nguồn vui cho chính mình và mọi người. Nhà Phật có câu: “Thông minh bất năng địch nghiệp”, nghĩa là người thông minh lanh lợi không thể chống lại nghiệp lực một khi nó trổ quả. Nhưng đạo lực có thể thắng được nghiệp lực. Vì vậy, công việc quan trọng của người tu là chuyển hóa nghiệp lực thành ra đạo lực. Nhờ sức mạnh của đạo lực, chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách bên ngoài và diệt trừ những nghiệp tập phiền não bên trong.
Trước ngày Hòa thượng Ân sư nhập thất, chúng tôi tu hành bình thường và cảm thấy cuộc sống mình an ổn. Nhưng từ khi Ngài tuyên bố nhập thất, chúng tôi cảm thấy bơ vơ lạc lõng, mất chỗ tựa, mặc dù mình không còn ở tuổi phải tựa. Từ đó tôi nhận thấy, bình nhật mình không có đạo lực, cho nên gặp duyên thay đổi không như ý muốn, ta cảm thấy hẫng tức thì. Sự an ổn trước kia chỉ là sự ỷ lại vào thầy tổ mà thôi, không phải cái an ổn thật sự của tự thân. Nếu nội tâm vững vàng chúng ta sẽ bình thản hoặc chỉ chao nhẹ khi các duyên thay đổi. Rõ ràng lúc trước mình tu tà tà cho nên bây giờ Thầy buông tay, mình thấy lo sợ. Lo sợ điều gì? Lo sợ té, vì đôi chân của mình quá yếu, vì mình không chịu tập đi một mình hồi còn có Thầy ở bên.
Thầy chúng tôi bảo, người tu trước phải hướng dẫn cho đàn em tu sau hoặc các phật tử nương về. Nhưng cái chân của mình què quặt thì bản thân đi không được, còn hướng dẫn ai nữa? Cho nên là một tu sĩ bắt buộc đôi chân phải mạnh, phải vững và không được đi sai lạc. Hòa thượng Ân sư suốt một đời giáo hóa lợi ích chúng sinh, làm không biết bao nhiêu phật sự, thế mà Ngài nói công việc của Ngài chưa rồi. Bây giờ Ngài nhập thất với hai lý do, thứ nhất là vì Thầy, thứ hai là vì tăng ni, phật tử. Vì Thầy nên Thầy phải nuôi dưỡng đôi chân mạnh mẽ cứng cỏi để đi cho hết con đường của mình. Vì tăng ni tứ chúng nên Thầy phải nắm tay chúng ta cùng đi. Muốn thế phải có sức mạnh gấp đôi.
Người tu khác gì một tướng quân xung trận, chỉ được chiến thắng chứ không được thua. Thua là chết. Đạo lực chính là sức mạnh từ sự tu tập, chư Tổ và các bậc cao tăng thạc đức đã dùng đức độ này cảm hóa biết bao nhiêu chúng sinh.
Có nhiều người từ phương xa, chưa từng biết mặt Hòa thượng, chỉ nghe băng thôi, thế mà vừa gặp Ngài, họ khóc ngon lành. Khóc vì xúc động trước bậc Thầy có đạo lực, phật tử như được cảm hoá ngay phút ban đầu gặp Thầy. Không cần nói, chỉ cần nhìn mặt và nụ cười khinh an của Thầy, quí vị tự hóa giải bao nhiêu muộn phiền ở trong lòng.
Hồi xưa, mới đi tu tôi rất là con nít. Chuyện đáng cũng buồn, chuyện không đáng cũng buồn. Mỗi lần buồn là xin về núi, lúc đó Thầy ở Chân Không núi Lớn Vũng Tàu. Định bụng gặp Thầy sẽ kể lể rất nhiều việc, nhưng khi lên tới thất, đảnh lễ Thầy xong phiền não rụng đâu hết, mặc dù Thầy chưa nói câu nào. Đó là gì? Là đạo lực. Sức mạnh của người tu không phải là sức mạnh ngàn cân, sức mạnh của người tu là sức mạnh tâm linh. Làm sao ta có thể nhận chịu được tất cả thuận cũng như nghịch cảnh. Có đạo lực là để chịu đựng, chịu khó những chuyện khó chịu. Thế nên sức mạnh của người tu là sức mạnh thầm lặng bên trong, chứ không phải biểu hiện ra ngoài như phùn mang trợn mắt. Làm như vậy dễ sợ lắm, mà chưa chắc đã mạnh. Chỉ là hù doạ con nít thôi.
Bây giờ làm sao để có sức mạnh đó? Phải tập, tức là tu. Hòa thượng thường nhắc nhở tăng ni chúng tôi: Có ba hạng thầy: Một là thầy tụng, tức các thầy chuyên lễ bái tụng niệm. Hai là thầy giảng, tức các thầy chỉ nghiên cứu kinh sách rồi đi thuyết giảng, chứ không dồn thời gian vào việc tu. Ba là thầy tu, tức các thầy chuyên tu. Tu là sao? Là sửa. Một chữ sửa này trần ai chớ không phải dễ đâu. Muốn sân sửa lại không sân, muốn buồn sửa lại không buồn, muốn đòi cái này cái kia sửa lại không đòi. Như vậy là tu. Chỉ có thế. Nhưng không dễ là vì tập nghiệp của chúng ta sâu đậm quá, nó bắt trớn cho mình lao theo thói quen cũ, không thắng lại được, thành ra sửa hoài không xong.
Muốn sửa phải có cái trớn mới, cái trớn hay sửa, nghĩa là đạo lực phải mạnh hơn nghiệp lực. Chẳng hạn chúng ta đâu muốn sân làm gì, nhưng ai đụng tới mình quát lên trước cái đã, rồi tính gì tính. Đó là nghiệp sân mạnh quá, ta thắng không kịp nên rơi xuống vực sân. Chúng ta không muốn tham sân si, mà trớn nghiệp quá mạnh nên cái thắng phải ăn. Phật dạy lấy trí tuệ kiểm tra lại bộ thắng của mình xem nó thế nào để lo chỉnh sửa cho an toàn. Vì vậy sức mạnh của người tu y cứ trên trí tuệ, nhà thiền chuyên dùng trí tuệ Bát Nhã để chấn chỉnh bộ thắng của mình. Bộ thắng chính là đạo lực để đối lại với nghiệp lực.
Như có ai xúc phạm, mình không nổi sân gây với họ, đó là bộ thắng ngon rồi. Sắm bộ thắng này không tốn tiền, chỉ là thắp sáng ngọn lửa trí tuệ nơi chính mình thôi. Trí tuệ này có sẵn, nếu ta nhớ thắp thì nó sáng, không nhớ thì nó tối. Nhà Phật gọi là tỉnh thức hay tỉnh giác. Muốn trí tuệ thường chiếu soi, sức tỉnh giác phải liên tục. Con người có bệnh hay quên, bây giờ muốn nhớ phải tự nhắc mình liên tục. Như sáng nay đi chợ, ta muốn mua tương nhưng biết mình hay quên thì trên đường ra chợ, phải lẩm nhẩm “nhớ mua tương” để đừng quên. Chuyện gì quan trọng thì phải khắc ghi trong lòng. Chuyện mua tương mà còn nhắc như vậy, huống nữa chuyện trọng đại cả cuộc đời mình mà chúng ta không nhắc thì làm sao nhớ, làm sao tu.
Vừa hơi có phiền não thấy buồn bực liền thắp ngọn đuốc trí tuệ lên, tự nhắc buồn làm chi, đâu có lợi ích gì. Nhắc tới nhắc lui hoài, tự nhiên sẽ bớt buồn. Tâm trạng mặc cảm cũng làm chướng đạo không ít. Phật dạy có bảy thứ mạn, trong đó ti liệt mạn là loại mạn cho mình thấp kém hơn người rồi sinh phiền não. Đó chính là tâm trạng mặc cảm. Người ti liệt mạn tự bọc mình trong cái vỏ thấp kém và ai động đến là nước mắt cứ rỉ ra. Thấy thì như hiền lành mà thật ra đó là si, một loại mạn bảo vệ mình bằng sự tủi thân, thương cảm, ai oán… rất khó tháo gở. Đó cũng là một cách thể hiện bản ngã, không muốn ai đụng tới mình.
Trong ba gốc tham-sân-si, si độc nhất, khó nhổ nhất. Người thấy hiền mà cứ than thân trách phận hoài là người si, chứ không phải thật hiền. Phật bảo phải sửa lại, xả bỏ tâm trạng và những tư tưởng ấy mới tu được. Chúng ta tu hành cần phải sáng suốt vui vẻ, mát mẻ thanh lương cho mình và cho mọi người. Khi mình mát mẻ vui vẻ, mọi người thấy cũng vui theo mát theo. Còn mình nóng quá người ta cũng nóng theo, không ai dám gần vì sợ bị cháy. Cho nên người tu phải tâm tâm niệm niệm không buồn, không sân, không tham. Tự nhắc nhở mình thường xuyên là tạo bộ thắng vô địch, làm cho đạo lực mạnh hơn nghiệp lực, phá tan ba nghiệp tham-sân-si.
Trên cuộc đời này có những nỗi khổ không phải do bên ngoài đem đến cho mình, nhà Phật nói rất rõ sinh, lão, bệnh, tử, oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc và ngũ ấm xí thạnh khổ, tám thứ khổ căn bản này không do ai đem đến cho con người. Vì nghiệp riêng của chúng sinh, đã thọ thân thì có khổ. Con người rất dễ khổ vì dễ buồn dễ giận dễ tham. Không cần ai chọc ghẹo, tự mình vọng tưởng là có thể khổ được rồi. Phật bảo chúng sinh si mê lầm chấp nên chìm trong thống khổ. Có những nỗi khổ cơ bản bắt buộc ta phải chịu đựng thì đã đành, còn có những nỗi khổ lẽ ra không khổ cũng được, mà ta cố ôm vào để khổ thì quả thật là si mê.
Trở lại vấn đề bốn thứ khổ căn bản sinh, lão, bệnh, tử. Con người chào đời bằng tiếng khóc “khổ quá khổ quá”, chứng tỏ sinh là khổ. Đến già lão thì thấm thía nỗi khổ mất sức khoẻ, nỗi khổ lực bất tòng tâm. Già mà còn khỏe mạnh chưa thấy khổ lắm, nhưng khi cơ thể bắt đầu sa sút, cái khổ hiện rõ nhất ở giai đoạn bệnh. Cho nên nói già khổ, bệnh khổ. Có những bệnh uống thuốc hết, có những bệnh uống thuốc không hết. Nhiều người tiền như núi vẫn không trị được bệnh tật, bởi nó còn lệ thuộc nghiệp quả đã gây tạo đời này và những đời trước.
Đời trước sát sinh hại vật thì đời này thân thể yếu đau, bệnh tật liên miên, thuốc thang trị không khỏi. Với những trường hợp như vậy, vừa uống thuốc vừa sám hối nghiệp cũ, làm các việc phước thiện, cứu giúp chúng sinh ngõ hầu giảm nhẹ tội nghiệp đời trước mà thuyên giảm bệnh tật. Hiểu Phật pháp và biết chấp nhận nghiệp quả mình đã tạo, trả hết nghiệp thì bệnh cũng hết theo.
Hồi nhỏ, lúc mới học cấp hai, tôi bị một chứng bệnh rất khó trị, đó là nấm dưới chân. Nó hành đau nhức suốt ngày đêm. Tôi uống không biết bao nhiêu thuốc trụ sinh, thoa xức đủ thứ thuốc xanh, đỏ, trắng đen… vẫn không hết. Lúc đó tôi khổ lắm, da thịt lở nứt, nước vàng chảy ra, không đi đứng bình thường như các bạn, cứ nhón gót mà đi. Sau này đi tu, không biết do gánh nước tưới rẩy hay nhờ Phật độ mà cái chân hết ghẻ hồi nào không hay. Tôi nghĩ có lẽ mình đã trả xong nghiệp cũ. Cho nên bệnh tật khó trị là một dạng báo chướng, ngoài thuốc thang thông thường còn phải nhờ công đức tu tập chuyển đổi.
Pháp hành là phương cách trị tâm bệnh rất hay. Một khi tâm bệnh được lành lặn, thân bệnh cũng theo đó khỏe mạnh. Chúng tôi nhờ sống trong đại chúng, vui vẻ tu tập theo huynh đệ mà sức khoẻ được cải thiện. Có những khó khăn đến với mình, chúng ta nên chào đón nó một cách vui vẻ vì đây là cơ hội để ta trả nghiệp, không nên sợ hay lo. Nhờ trí lực và đạo lực vững mạnh ấy, ta sẽ vượt qua tất cả một cách dễ dàng. Người mình chưa bao giờ gặp, chưa bao giờ làm phiền lòng họ mà họ không thích mình, đó là dấu hiệu của nghiệp quá khứ. Ta cứ vui vẻ trong ứng xử, thế là trả xong nghiệp cũ. Ngược lại, mình khó chịu, tỏ thái độ không tốt với họ, chẳng những không giải quyết được nợ cũ mà còn gây tạo thêm nghiệp mới. Như vậy biết bao giờ mới trả cho xong?
Chúng ta tu tốt hay không là do bộ thắng. Sắp sửa xảy ra chuyện xấu là thắng liền. Bộ thắng tốt mới không tuột dốc còn bộ thắng xấu sẽ xuống hố thôi. Khi dùng trí tuệ quán chiếu, biết mọi việc đều do phước nghiệp của mình mà ra, ta tự chịu trách nhiệm, vui vẻ hóa giải, nó sẽ hết. Bởi vì thật ra nghiệp cũng không thật, nếu coi nó như không thì nó sẽ thành không. Nếu thấy nó quan trọng thì nó sẽ thành có, thành khó, dù thực chất nó chỉ có trong huyễn hóa mà thôi. Cho nên sức mạnh của người tu là sức mạnh chịu đựng được mọi hoàn cảnh một cách nhẹ nhàng, an vui, chứ không phải cố gắng chịu đựng, khổ sở chịu đựng.
Chúng ta tu hành không khéo, nhẫn lực sẽ kém hơn các vị cư sĩ có sức nhẫn cao. Lần đó tôi đi Đại Ninh trong một chiếc xe con cũ kỹ. Khởi hành tại thiền viện lúc ba giờ khuya, tôi thiu thiu tới năm giờ sáng, mở mắt ra thấy mới tới Hố Nai. Tôi để ý các xe khác đều qua mặt xe mình. Cho tới Honda cũng qua mặt, rồi xe đạp đua cũng qua mặt luôn. Tôi bắt đầu sốt ruột không biết quý thầy cô đi trước có đợi mình không? Bác tài xế nhìn qua kính chiếu hậu thấy mặt tôi méo xẹo, ông cười. Thấy ông cười, tôi càng tức hơn. Tôi nghĩ bác tài này không biết điều, mình nóng như hơ mà ông cứ chạy tà tà, thật khó chịu. Lát sau, chiếc xe thồ qua mặt chúng tôi luôn. Chịu hết nổi, tôi thở hắt ra một tiếng, đủ cho ông biết tôi đang bực mình vì cái tốc độ lạ lùng của ông. Biết tình hình căng thẳng, ông nhỏ nhẹ nói:
– Để con kể cô nghe chuyện này nha.
Đang bực, không muốn nghe gì cả, tôi thúc:
– Chú lo chạy đi, khỏi kể.
– Không được, con phải kể cho cô nghe mới được. Cô nghe nóng máy, con chạy mới nhanh.
Tôi nghĩ thôi kệ, việc gì phải làm mếch lòng bác tài, rủi ông không thèm chạy nữa thì sao? Tôi đành miễn cưỡng mà nghe:
– Cô, hồi nào tới giờ cô có biết đá gà không?
Từ bực mình, tôi chuyển sang lo ngại, chẳng lẽ bác tài không bình thường? Tại sao lại hỏi ni cô một câu lạc đề vậy nè.
Tuy nhiên, tôi vẫn trả lời:
– Không biết.
– Vậy cô có thấy bò đá chưa?
Tôi dằn lòng vì không dám gây chuyện với ông:
– Chưa.
– Nè, con kể cô nghe chuyện này là thiện chí nghen. Lợi ích lắm đó. Cô biết không, gà đá cũng vậy mà bò đá cũng vậy. Con nào thua con đó bỏ chạy, con nào còn lại con đó ngon.
Tôi cũng thây kệ, ông muốn nói gì thì nói, tôi không để ý làm chi. Lúc đó có một chiếc xe Honda chạy ngang, ông bảo: Một thằng thua. Tôi cũng không biết thua cái gì, một hơi có chiếc xe đạp chạy qua, ông nói: Hai thằng thua. Tôi bắt đầu theo dõi, ông nói:
– Cô coi, còn một thằng nữa sắp sửa thua.
– Thằng nào?
– Thằng đi bộ.
– Thua ai?
– Thua thằng già này. Nãy giờ cô thấy bao nhiêu xe đều qua mặt mình là tụi nó thua mình đó. Không có thằng nào chơi lại mình.
Tôi mới vỡ lẽ, thì ra nãy giờ xe tôi đang tham gia trò chơi đá gà của ông. Bỗng nhiên tôi bật cười. Bác tài thấy tôi đã bớt căng thẳng, liền thừa thắng xông lên: “Bốn thằng thua, năm thằng thua”. Bỗng xe Thường Chiếu chạy qua cái vèo. Ông thích thú: “Sáu thằng thua. Thằng này thua đậm nên chạy nhanh quá”. Tôi giật mình:
– Bác tài! Xe của quý thầy Thường Chiếu đó. Sao dám kêu bằng thằng!
– Ờ, ờ! Không thằng thì thầy. Thầy cũng thua luôn.
Tự nhiên tôi thấy bác tài vui tính, tếu thật có duyên. Cả xe bốn năm cô đều quên bực và cười thoải mái với cách diễn trò của bác. Khi thấy chúng tôi dễ chịu rồi, bác thư thả nói:
– Cô, không phải là con chạy nhanh không được. Xe con chạy vẫn được chứ. Nhưng nếu chạy nhanh, quý cô và con sẽ mệt hơn chạy rề rề như vậy.
– Sao kỳ vậy?
– Tại vì chỉ cần rồ lên một cái, nó vọt chừng năm cây số là nằm dẹp luôn. Xe quá date cô ạ. Không tin, con vọt cho cô coi.
– Thôi, thôi. Chạy như vậy cũng được.
Tự nhiên lúc đó tôi chợt tỉnh cái phước của mình chỉ đủ để đi vận tốc của con rùa, chứ không thể đi vận tốc của đại bàng. Khi chấp nhận hiện cảnh của mình, chúng tôi thấy rất thoải mái, không còn trông ngóng hay bực bội gì cả. Quả là chỉ cần đổi một cái nhìn, thì ta hoán chuyển được nỗi khổ, được an ổn ngay. Xe chạy với vận tốc chậm mà mình muốn chạy nhanh hơn, nó sẽ hư. Chừng đó mình không đi được tới đâu, còn khổ hơn là cứ đi từ từ rồi cũng sẽ tới nơi.
Sức nhẫn của bác tài đã làm cho tôi thấy hổ thẹn. Người cư sĩ lại bình thản hơn mình. Tôi tu mà chẳng có chút đạo lực, nhẫn lực. Mình ngồi không mà cảm thấy mệt, thấy bực, trong khi bác tài lái xe đã nhọc, chiếc xe còn chạy chậm nữa, lẽ ra ông rất bực mà lại không bực. Phát hiện ra điểm dở của mình, tôi đổi từ quạu quọ khó chịu sang vui vẻ dễ chịu. Bác tài cũng vui theo, xe chạy tới Đại Ninh hồi nào không hay. Nhờ bác tài là người phật tử có trí tuệ, ông khéo chuyển đổi tình hình căng thẳng, làm cho chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái. Cách ứng xử sáng suốt ấy, giúp ông thành công, mặc dù chiếc xe vẫn cứ chạy chậm rì như cũ. Chỉ cần một tâm hồn tươi mát sẽ chuyển đổi được hoàn cảnh chung quanh tươi mát theo.
Các pháp duyên sinh như huyễn, do chúng sinh si mê chấp cứng thành có. Đã có thì khổ vui đầy đủ. Một khi tỉnh giác, biết rõ nó không thật, trở về tánh Không ban đầu thì khổ vui cũng tự dứt. Tổ Huyền Giác dạy: “Chẳng trừ vọng tưởng cũng chẳng cầu chân”. Chẳng trừ mà vọng tưởng tự mất, chẳng cầu mà chân tánh tự hiện. Chúng ta khởi niệm trừ thì càng không thể trừ. Sở dĩ mình khó chịu khi gặp nghịch duyên là vì thấy có ta, có nỗi khổ của ta, có lời khen để ta vui, có tiếng chê để ta buồn. Nếu thấy không có ta thì mọi thứ như hoa đốm trong hư không, huyễn sinh huyễn diệt, đâu có gì để nói.
Thế nên chúng ta tu là làm sao nhận chân được thật tướng các pháp. Phiền não vốn không thật, lời khen tiếng chê không thật, nỗi buồn niềm vui không thật. Chúng chỉ là ảo giác thôi, không có thật để ta phải vui buồn. Tâm xưa nay vốn bình yên, do ta bất giác khởi vọng tưởng, rồi tạo nghiệp từ thân-khẩu-ý. Bây giờ biết các pháp không thật, chỉ cần đừng nghĩ tới nó nữa thôi, không cần dụng công trừ diệt làm chi, nó sẽ tự lặng. Cũng như hoa đốm trong hư không không thật có. Ta biết như vậy nên chẳng thèm nhìn, chẳng thèm lầm nó là được rồi, đâu cần phải diệt trừ. Mà nó cũng chẳng có cho ta diệt trừ. Chỗ này rất sâu sắc và rất thực tế, cách tu nằm ở đây.
Cứ cố gắng dẹp tan nỗi buồn là còn có nỗi buồn để mình dẹp, như vậy càng làm tăng trưởng nỗi buồn. Giống như hoa đốm vốn không thật, mình lại lấy bao chụp cho nó hết, càng chụp càng thêm hỗn loạn. Một hiện tượng mà hai lớp lầm. Lớp lầm thứ nhất do dụi mắt khiến thấy trong hư không có hoa đốm. Lớp lầm thứ hai là muốn chụp hoa đốm đem bỏ. Chúng ta cũng thế, lầm ban đầu là do bất giác khởi vọng tưởng tạo nghiệp nên thọ thân, có chúng sinh, nghiệp lực… Lầm lần sau là muốn dẹp bỏ hết những gì đang có bằng pháp tu này pháp tu khác, mặc dù nó không thật. Bây giờ chỉ dừng vọng tưởng, đừng làm khổ mình khổ người, đừng tham-sân-si nữa, tự nhiên chấm dứt sinh tử.
Phật bảo chúng sinh thương cũng gặp, mà ghét cũng gặp. Thương gặp trong cảnh thuận, ghét gặp trong cảnh nghịch. Muốn không gặp nữa thì đừng thương cũng đừng ghét, nghĩa là dứt vọng tưởng, dứt mầm phiền não, dứt mầm sinh tử mới giải thoát được. Người biết cách tu thì không buồn, không vui, không tính toán, không suy nghĩ, sống vô tư hồn nhiên hết đời này là thôi. Nhà thiền thường nói tu mà không tu, mới thật tu. Cách dụng công của người tu thiền rất nhẹ, các pháp thế nào thấy biết thế ấy, không nghĩ tưởng thêm bớt gì cả. Dùng trí Bát Nhã quán chiếu soi thấy thân, tâm, cảnh đều không thật, buông xả dễ dàng. Hành giả sử dụng trí tuệ nhuần nhuyễn rồi, trong bốn oai nghi đều ở trong chánh định, vọng tưởng lặng xuống, tâm an ổn thanh tịnh. Cũng như khi không dụi vào mắt nữa thì hoa đốm tự diệt, chứ không phải làm thêm gì cả.
Chúng ta khổ vì lời khen tiếng chê, hoặc thương hoặc ghét, bây giờ thương cũng được ghét cũng được. Vô tư. Người như vậy là người mạnh số một, bởi không ai chọc ghẹo được hết. Chúng ta có quyền giận cũng có quyền không giận, có quyền buồn cũng có quyền không buồn. Vậy tại sao không lựa cái tốt cho sướng, lại chọn làm chi cái xấu cho khổ, cho mệt. Xả hết mọi kiến chấp, kể cả thân mình cũng buông là xong ngay. Chúng ta thường rất dễ buồn người thân, vì nghĩ họ là của mình. Ví dụ con cái người hàng xóm hư đốn chúng ta không khổ, mà con cái chúng ta hư đốn chúng ta khổ. Do đó cần phải buông hết, buông đến không còn gì để buông thì tự tại giải thoát. Đó là người có sức mạnh số một, người vô địch. Tu tập được thế thì già, bệnh không khổ.
Già bệnh đã không khổ thì chết có gì khổ, có gì đáng sợ chứ! Thật ra trong bốn thứ sinh, lão, bệnh, tử, con người sợ tử nhất. Ai cũng sợ chết, điều đó không thể chối cãi được. Nhưng xét kỹ, giai đoạn bệnh chịu đựng đau đớn, người ta sợ là phải, còn chết rất mau, tại sao lại sợ? Thật ra chết rồi có biết gì nữa mà sợ, nhưng vì con người tham sống sợ chết nên không muốn chết thôi. Lúc sắp chết, đáng sợ nhất là bị bức bách, nhưng ngang khúc đó cũng gọi là bệnh, chứ không phải chết. Nói đúng hơn không phải “chết khổ” mà là “sợ chết mới khổ”. Bệnh đôi khi trải dài năm tháng chúng ta vẫn chịu được. Có người sống bao nhiêu năm là bệnh bấy nhiêu năm, họ cũng chịu nổi. Nếu chịu không nổi là chết rồi. Ngoài ra nhiều người chết rất nhẹ, các thiền sư có câu: “Sinh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”. Bởi vì các ngài đã tự tại nên đi qua cửa này rất nhẹ. Đối với các ngài cái chết không đáng sợ, chỉ có người ham sống thấy chết mới sợ.
Sinh-lão-bệnh-tử là khổ thuộc về thân. Cầu bất đắc, oán tắng hội, ái biệt ly, ngũ ấm xí thạnh là khổ thuộc về tinh thần. Do cầu không được nên người ta khổ, cho nên không cầu vẫn hơn, cầu chi cho mệt. Bởi vì như đức Phật dạy mỗi người có phước riêng, phước mình có năm đồng thì sống với năm đồng, phước mười đồng thì sống mười đồng. Có cầu, có bươn chải mấy cũng chỉ tới đó thôi, thành thử cứ sống thản nhiên. Quý vị lớn tuổi, có kinh nghiệm sống sẽ rất thấm thía về điều này. Nhiều người cả cuộc đời vất vả, tất bật, nghèo vẫn hoàn nghèo. Còn có người làm ăn thật dễ, làm ít mà được nhiều. Đó là do phước nghiệp sai biệt mà ra. Chúng ta cứ sống tùy duyên, giữ tâm chân chính ngay thẳng là tốt. Không mong cầu nên không thất vọng, sống vô tư an ổn.
Hôm Hòa thượng Ân sư chuẩn bị vô thất, tôi thưa:
– Bạch Thầy, trước khi Thầy vô thất, con xin Thầy một lời khuyên để con theo đó làm yếu chỉ tu hành.
Hòa thượng dạy thế này:
– Con cứ làm tất cả việc nhưng đừng dính mắc tất cả việc.
Một câu nói tròn đủ, lý sự viên dung. Làm tất cả việc mà không dính tất cả việc, tức là dứt hết nhân ngã bỉ thử, vô cầu, vô nhiễm. Làm thì cứ làm, thành công cũng được, thất bại cũng được, vì không cầu nên không buồn không lo. Nhờ thế không sinh phiền não nên công đức tròn đủ.
Phật bảo ái biệt ly khổ tức người mình thương mà phải xa thì khổ. Oán tắng hội khổ tức người mình ghét mà phải gặp gỡ hoài cũng khổ. Nói thế không có nghĩa đạo Phật không có tình thương. Đức Phật rất thương chúng sinh, nhưng tình thương của Phật là tình thương không biên giới, không có điều kiện, thương mà không mong cầu được đáp lại. Còn chúng ta thương với điều kiện người được thương phải tốt với mình, phải đáp lại tình thương của mình. Nếu họ không tốt, không đáp lại tình thương của mình thì khổ. Khổ vì cái giá phải trả đó.
Tình thương với mong muốn đáp lại, suy cho cùng là thương chính mình, chứ chẳng phải thương ai hết. Chúng sinh thương ghét lập cước trên bản ngã của mình. Đối tượng nào thỏa mãn được bản ngã của ta thì ta thương, mất người đó bản ngã không được thỏa mãn thì ta buồn. Đối tượng nào không thỏa mãn hoặc chống lại bản ngã của ta thì ta ghét. Tình thương chân thật không có bóng dáng bản ngã trong ấy. Cứ thương mà không có yêu cầu nào. Điều này nói trên lý thì dễ nhưng trên sự, tức là trong cuộc sống thì khó. Làm gì chúng ta không có người thương kẻ ghét. Tại sao? Vì nhân quả nhiều đời vay mượn, ân oán với nhau nên vừa gặp lại đã có thương ghét rồi.
Khi học hiểu Phật pháp, chúng ta biết nhân quả có thể chuyển được nên không tạo thêm những nghiệp nhân xấu, vui vẻ trả những nghiệp quả mình đã gây tạo từ nhiều đời trước. Đừng nuôi dưỡng thêm tình cảm thương ghét nữa, để tránh họa khổ trong đời này và những đời sau. Đã biết luật nhân quả mà cứ tiếp tục thương ghét là biết mà cố phạm, nuôi dưỡng chủng tử đi trong luân hồi sinh tử. Chúng ta hiểu đạo rồi, đối với người thương kẻ ghét nên mở rộng lòng ra, đừng thương ghét thêm vì như thế sẽ gặp gỡ nhau nữa. Mỗi lần gặp gỡ trong sinh tử là thêm một lần thọ khổ, có gì vui sướng đâu. Sao chúng ta không nhớ đến nỗi khổ ấy mà cố gắng tu tập để vượt thoát!
Sự nghiệp của người tu là trí tuệ. Dùng trí Bát Nhã chiếu soi là tất cả vấn đề rụng xuống hết, không riêng gì nỗi khổ. Hòa thượng Ân sư nói chỉ có trí tuệ Bát Nhã mới hay trị tất cả bệnh thế gian. Gõ chùy Bát Nhã một cái là tất cả phiền não rơi xuống hết, không còn nghi ngờ gì nữa. Trí tuệ này chúng ta có sẵn, chỉ vì quên mất nên không thể dùng. Như vậy khi ta đang giận, có ai nhắc mình đừng nạt người ta, phải cảm ơn mới đúng, đó là thiện tri thức xé phụ cái bản ngã của mình. Trên đường tu có hai hạng thiện hữu tri thức, luôn hỗ trợ ta vượt qua những chướng ngại, thử thách để thành tựu đạo nghiệp của mình. Thứ nhất là thuận tri thức, thứ hai là nghịch tri thức.
Thường chúng ta thích thuận tri thức hơn nghịch tri thức, nhưng chính nghịch tri thức mới tạo sức bật cho ta tiến đạo mạnh mẽ. Vì nghịch tri thức không nuông chiều bản ngã, nếu nhận được sự chỉ giáo của các bậc này, chúng ta sẽ mau đến gần chỗ chân thật hơn. Chúng ta đừng lệ thuộc vào một thiện tri thức cố định, tu sao miễn trí tuệ khai mở, thành tựu giác ngộ giải thoát là quý nhất. Có khi tri thức nghịch duyên là người hy sinh tạo nghiệp bất thiện để đưa chúng ta đến chỗ cứu kính. Phải biết tôn kính, quý trọng và nhớ ân những vị này, nhờ đó mà chúng ta tăng thêm sức mạnh trên đường tu hành.
Ngũ ấm xí thạnh khổ là năm ấm không hòa hợp, tăng giảm bất thường làm cho thân tâm chúng ta bất an nên khổ. Người tu phải khéo điều hòa thân tâm, không nên phóng túng buông lung, cũng đừng thái quá bất cập. Tu tập đều đặn, sống thiểu dục tri túc để giữ gìn sức khoẻ. Không nên khi tu thì tu suốt ngày suốt đêm, khi không tu thì thả lỏng chẳng chút thời khoá công phu. Giữ tâm thanh thản, sống hồn nhiên vô tư, không phải thích thú sao? Việc gì phải ưu tư lao lự, vọng tưởng lăng xăng cho phiền não phát sinh. Đó là vượt qua ngũ ấm xí thạnh khổ.
Chúng ta phát tâm tu hành, mục đích để được giải thoát khỏi các triền phược, cho nên chỉ có tháo gỡ chứ không vướng mắc trói buộc thêm vào. Làm sao đứng vững trên đôi chân của mình, mới có thể đi suốt con đường Phật đạo, ra khỏi trầm luân sinh tử. Cho nên cần phải chuẩn bị cho mình một sức mạnh đạo lực kiên cố, vững bền.
Trích từ cuốn sách “Phật Ở Trong Tâm” (Xuất bản tại Hoa Kỳ)
(Ni sư Hạnh Chiếu
Nguồn link: https://thuvienhoasen.org/a26036/suc-manh-cua-tu-hanh)