Hiện pháp là những gì đang xảy ra bây giờ và ngay ở đây. Lạc là hạnh phúc, và trú là an trú, là sống. Đây là giáo lý mà Đức Thế Tôn thường nhắc đi nhắc lại. Tại sao chúng ta phải đợi tới tương lai mới có an lạc? Ta có thể có an lạc ngay trong ngày hôm nay. Giáo pháp của Đức Thế Tôn là giáo pháp đẹp đẽ và mầu nhiệm, có thể đem lại an lạc ngay lúc bắt đầu thực tập.
Khi ta bắt đầu ‘‘thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười’’ và bước những bước chân thanh thản và nhẹ nhàng thì lúc đó ta đã có an lạc rồi. Đâu phải cần tám năm sau mới có an lạc? Tám năm sau chắc chắn là có an lạc, nhưng bây giờ và ở đây cũng đã có an lạc.
Vì vậy cái búp sen kia ta có thể làm cho phát sinh và nở bất cứ lúc nào. Bằng mỗi nụ cười, mỗi hơi thở, mỗi bước chân, ta làm cho búp sen lớn lên, nở ra. Ta không cần đợi đến tương lai. Và ta có thể gom những bài giảng này về kinh A Di Đà và làm thành một cuốn sách, gọi là A Di Đa kinh thiền giải. Không phải là Tổ sư thiền, Như Lai thiền hay là Như Lai thượng thượng thiền. Không phải thiền Công án hay thiền Mặc chiếu. Thiền này là thiền của đạo Bụt Nguyên thủy. Thiền của kinh Quán Niệm Hơi Thở, của kinh Niệm Xứ, của kinh Người Bắt Rắn, của kinh Người Biết Sống Một Mình. Theo các kinh này, Bụt dạy rằng hạnh phúc có thể có ngay bây giờ, và Tịnh độ có thể có ngay bây giờ trong khung cảnh này. Ta có thể đưa Thiền và Tịnh tới với nhau.
Ngày xưa, có nhiều người nói: Tu thiền thì khó thành, tu Tịnh độ thì dễ thành. Thực ra theo cái nhìn của chúng ta thì Tịnh độ là một loại thiền tập, Tịnh độ mà không có thiền tập thì đó chỉ là một sự đầu tư vào tương lai mà thôi. Còn nếu có thiền trong Tịnh độ thì ta có Tịnh độ ngay bây giờ. Và giáo nghĩa Tịnh độ đi rất đúng vào tinh thần của đạo Bụt nguyên thủy. Mỗi chúng ta đều đã có hoa sen, ta không cần phải đi qua bên cõi Tây phương để xem, hoặc nhờ người đem cái máy video sang đó để thâu hình, xem thử nó đã lớn được chừng nào. Tại vì hoa sen ấy đang có mặt trong ta, cho nên búp sen lớn chừng nào thì ta phải biết chứ, phải không? Bông sen của mình mà mình không tự thấy thì uổng biết mấy.
Ta có thể đem đóa sen ấy trở về với ta. Trong kinh Pháp Cú, Bụt dạy: “Trong tất cả các pháp, tâm là chủ”. Trong kinh Hoa Nghiêm, Bụt dạy: Tất cả đều do tâm, ‘‘Tâm như họa sư, năng họa nhất thiết hình tượng’’.
Bài kệ kinh Hoa Nghiêm như sau:
‘‘Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo’’.
Nếu người nào muốn thấy và muốn hiểu được tất cả các Đức Bụt trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai thì người ấy nên quán chiếu rằng: trong bản chất của pháp giới, tất cả đều do tâm của mình tạo ra. Vì vậy, Tịnh độ cũng là một sáng tạo của tâm thức, tâm thức của chư Bụt cũng như tâm thức của chúng ta. Cũng như đạo tràng Mai Thôn và Tăng thân này cũng là một sáng tạo phẩm của tâm thức; chúng ta đã cùng nhau cộng tác để tạo ra Tăng thân và đạo tràng này. Nó từ tâm ta mà ra, do lòng ước muốn nương tựa vào nhau để tu học.
Đóa sen ở trong tim mình cũng là do tâm tạo ra. Đóa sen biểu tượng được cảnh Tịnh độ. Tịnh độ cũng do tâm mà địa ngục cũng do tâm. Chúng ta ai cũng biết địa ngục nóng như thế nào rồi. Chúng ta đã từng ở địa ngục, đã từng bị lửa giận, lửa phiền não, lửa tuyệt vọng đốt cháy. Chúng ta cũng đã biết rằng tất cả những đau khổ của địa ngục đều từ ở trong tâm mình đi ra chứ không phải từ ở ngoài đi vào. Tịnh độ cũng vậy. Chúng ta có khả năng chế tác ra Tịnh độ, chế tác bằng hơi thở, bằng bước chân, bằng câu niệm Bụt. Và nếu ta muốn cho búp sen tượng hình là nó tượng hình, ta muốn búp sen lớn thì nó lớn. Và khi bông sen ở trong trái tim ta lớn rồi thì ta bước đi tới đâu là Tịnh độ hiện ra ở đó. Nó tự trình bày ra, chứ mình không cần phải đi qua phương Tây mới có được. Khi Bụt nói đến phương Tây thì đó chỉ là một cách nói mà thôi.
Với bông sen trong ta, ta có thể nhận rằng thật ra những bậc gọi là Thượng thiện nhân, và Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, họ có ở xa đâu. Các ngài đang có mặt xung quanh ta. Tại ta mê mờ nên ta khổ đau; tại ta ganh tỵ nên ta không nhận ra được các ngài thôi. Đức Thích Ca Mâu Ni đã không chọn một chỗ nào khác, mà chọn ngay chỗ này. Ngài cũng thành Phật ngay cõi này.
Trong kinh Pháp Hoa có phẩm ‘Tùng địa dõng xuất’, (từ dưới đất mà đi lên). Từ trái đất này vô số Bồ tát đã từ dưới đất xuất hiện. Bụt Thích Ca nói với các vị Bồ tát đã đến từ mười phương: Các vị Bồ tát này đều là những người học trò của tôi. Nghe vậy, các thầy Ca Diếp và A Nan quá đỗi ngạc nhiên. Thầy Ca Diếp và thầy A Nan cùng một số đệ tử của Bụt nói: ‘‘Chúng con không ngờ rằng Đức Thế Tôn mới hành đạo 45 năm trên trái đất mà đã có nhiều học trò như vậy’’. Tại vì các thầy chưa biết nhìn bằng con mắt của các vị Bồ tát cho nên chưa thấy đó mà thôi.
Khi các vị Bồ tát từ mười phương đến nói rằng:‘‘Đức Thế Tôn cho phép chúng con ở lại đây để giúp Thế Tôn hành đạo trong cõi Ta bà ác trược này’’ thì Đức Thế Tôn mỉm cười, nói:‘‘Xin cám ơn quý vị, ở trái đất chúng tôi cũng có đủ người hành đạo rồi’’. Và Ngài cho họ thấy sự có mặt của các vị Bồ tát tùng địa dõng xuất ấy.
Vì vậy ta đừng nói rằng cõi này không có ai. Những vị như Bồ tát Trì Địa, Bồ tát Thường Bất Khinh, Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Đại Thế Chí v.v… đang có mặt rất nhiều chung quanh ta. Họ đều là những đứa con của trái đất.
Trong giáo lý Tịnh độ, ta nghe nói rằng đứng bên tay phải Bụt A Di Đà là Bồ tát Quan Thế Âm, và đứng bên tay trái Ngài là Bồ tát Đại Thế Chí. Nếu tâm trí hẹp hòi, nghe thế chúng ta sẽ buồn. Ta tưởng là Bồ tát Quan Thế Âm đang ở biển Nam Hải, không ngờ Ngài lại đang ở bên đó. Nhưng thực sự Tịnh độ và Ta bà chỉ là một mà thôi. Những nhà khoa học vật lý nói rằng một điện tử vừa có mặt ở đây mà cũng vừa có mặt ở bên kia. Đó là một lời tuyên bố căn cứ trên sự thực nghiệm. Một điện tử vừa có thể có mặt ở đây và vừa có mặt ở bên kia, vừa có thể là một làn sóng vừa có thể là một chất điểm. Trí óc thông thường của ta cho rằng nếu là làn sóng thì chỉ có thể là làn sóng thôi chứ không thể vừa là làn sóng mà cũng vừa là chất điểm. Nhưng ở đây, khoa học có thể chứng nghiệm rằng nó có thể là cả hai và nó đồng thời vừa ở đây mà cũng vừa ở bên kia. Vì vậy mình có thể thấy được Đức Quan Thế Âm cũng đang có mặt ngay tại đây. Đức Quan Thế Âm là một người con của trái đất, do trái đất sinh ra. Mình cũng vậy. Cố nhiên Bồ tát Quan Thế Âm muốn ở lại phục vụ cho những loài chúng sanh đang chịu khổ ở đây, thì ta cũng vậy. Ở chung quanh ta có bao nhiêu bậc đại nhân và bao nhiêu vị Bồ tát. Nếu ta không bị vô minh che lấp, nếu ta không có tâm ganh tỵ và tâm hận thù thì ta có thể nhận diện được các vị một cách rất rõ ràng. Ngay trong Tăng thân của chúng ta đây cũng có những vị Bồ tát, những vị Bồ tát lớn tuổi và trẻ tuổi. Bồ tát xuất gia hay Bồ tát tại gia đều có mặt. Nói đúng hơn ở trong mỗi chúng ta, ai cũng có một vị Bồ tát, nhưng cơ hội biểu hiện chưa có, nên ta chưa phải là Bồ tát đích thực và toàn thời gian mà thôi.
Cách đây chừng 15 năm, dạy ở tu viện Kim Sơn về Thiền và Tịnh, trong một bài pháp thoại, tôi có nói:
‘‘Tịnh độ mà không thiền
Tịnh độ của tương lai
Tâm ta là đất tịnh
Thiền với Tịnh không hai’’.
Bài thơ này đã giúp cho thiền sinh khóa ấy khá nhiều. Đem con mắt của thiền tập mà quán chiếu vào giáo lý Tịnh độ, ta hiểu sâu được giáo lý Tịnh độ. Giáo lý Tịnh độ có thể thực tập để Tịnh độ hiển bày ra ngay bây giờ và ở đây. Các thầy ngày xưa đã từng dạy: ‘‘Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ’’, tức là Tịnh độ nằm trong tâm và Di Đà là tự tánh. Biết bao nhiêu nhà chú thuật, biết bao nhiêu nhà bình giải, biết bao nhiêu nhà trước thuật đã nói tới giáo lý Duy tâm Tịnh độ. Búp sen kia đang nằm trong trái tim mình. Mình phải làm cho nó lớn lên mỗi ngày. Chính bông sen đó sẽ làm cho Tịnh độ được biểu hiện trong đời sống hàng ngày của mình để mình được thừa hưởng và để cho những người bạn tu của mình được thừa hưởng. Bông sen càng lớn chừng nào, thì cái hỏa lò càng nhỏ chừng đó. Hỏa lò tức là địa ngục trong lòng mình.
Lấy con mắt của thiền quán mà nhìn Tịnh độ như thế thì Tịnh độ không còn là một mơ ước viễn vông mà là một giáo lý rất thực tiễn. Tịnh độ là những gì mà ta sống trong đời sống hàng ngày và ta thấy ta có liên hệ đến Tịnh độ một cách rất mật thiết. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi lời nói, mỗi cái nhìn đều phải có tác dụng tạo ra Tịnh độ. Sự thực tập xây dựng Tăng thân của ta được đồng nhất với sự thực tập xây dựng Tịnh độ. Có một thầy tuyên bố là thầy ấy chỉ có thể chấp nhận cái lý của Tịnh độ mà không thể chấp nhận cái sự của Tịnh độ. Lý tức là lý thuyết. Lý của Tịnh độ là Tịnh độ duy tâm, Di Đà tự tánh. Nhưng còn chuyện có một cõi Tịnh độ ở Tây phương và chỉ cần niệm Bụt đến bất thối chuyển để sau khi mạng chung được sanh sang cõi đó, thì thầy không chấp nhận. Thầy ấy chấp nhận lý mà không chấp nhận sự. Nhưng nói như vậy chưa ổn, vì lý mà không đi đôi được với sự, lý đó chưa phải là chân lý và sự không đi đôi với lý thì sự đó chưa phải là chân sự. Ở đây, sự và lý, cả hai đều phải có mặt trong nhau và không thể tách rời nhau. Sở dĩ ta thấy hai cái không đi đôi với nhau là vì trong hai cái mà ta thấy, chưa có cái nào chín cả. Cái thấy về lý cũng chưa chín mà cái thấy về sự cũng chưa chín. Nếu quả thật cái thấy về sự và về lý đã thuần thục rồi, thì chúng sẽ luôn luôn đi đôi với nhau và dung hòa nhau. Niệm Bụt và làm cho bông sen lớn lên và nở ra trong đời sống hàng ngày đó là sự. Thực tập không phải là lý nhưng tất cả những lý mà chúng ta đã nêu lên để thực tập đều phù hợp một cách tuyệt đối với sự. Sự thực tập về Tịnh độ là sự thực tập hàng ngày và cái hưởng thụ cũng là cái hưởng thụ hàng ngày, ta không phải đợi đến chết mới bắt đầu có sự hưởng thụ. Cách đây chừng 15 năm, giảng tại một nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Philadelphia, tôi có tuyên bố một câu: ‘‘Anh đâu cần phải chết mới được đi vào nước Chúa’’. Nếu anh có niệm, có định, có tuệ, thì anh có thể mở trái tim của anh ra và nước Chúa sẽ biểu hiện và anh có thể đi vào nước Chúa trong giây phút hiện tại.
Ở đạo tràng Mai Thôn, chúng ta tập đi thiền hành như thế nào để mỗi bước chân của chúng ta giẫm lên được Tịnh độ. ‘‘Mỗi bước chân đi vào Tịnh độ’’. Đó là sự thực tập của chúng ta. Trong sự thực tập ấy, sự và lý đạt được đến mức tuyệt hảo. Nếu sự và lý chưa thực sự đi đôi với nhau là vì sự chưa được chín muồi, lý cũng chưa được chín muồi. Nói khác hơn, hai cái chưa dung thông được với nhau, chưa quyện được vào nhau.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
(Trích Thiết lập Tịnh độ, Kinh A Di Đà thiền giải)