Ai cũng mong muốn người thân và ngay cả bản thân mình “sanh thuận tử an”, nghĩa là ít nhất khi lúc lâm chung được chết tại tư gia, có đông con cháu xung quanh và được các thiện tri thức hộ niệm.

Thế nhưng, không phải chúng ta muốn là được, nhiều người chứng kiến thân nhân của mình trút hơi thở tại bệnh viện. Vậy với những trường hợp đó, với vai trò  là người thân, việc hộ niệm và trợ duyên cho người đã mất diễn ra như thế nào? Bài viết là sự tổng hợp từ nhiều nguồn tại liệu của các vị cao tăng đức độ, với sự tu chứng và kiến thức uyên thâm viết nên.

1. Tìm hiểu về hộ niệm

Hai chữ hộ niệm có nghĩa là giúp cho người sắp chết có được chánh niệm. Chữ niệm nầy, có nghĩa là chánh niệm. Nói cách khác là mình giúp (hộ) cho họ nhớ (niệm) Phật, tức đồng với tâm niệm Phật, vì tâm niệm Phật là chánh nhân thành Phật. Vì muốn nhắc nhở người bệnh luôn nhớ đến Phật, mà không nhớ đến duyên trần, vì nhớ đến duyên trần là mất chánh niệm hay tịnh niệm, thì rất trở ngại cho việc vãng sanh.

Người chưa có thuần thục thì thường ngày, tín tâm, nguyện tâm lúc có lúc không, cho nên khi lâm chung rất dễ bị mê lầm, điên đảo, tham luyến tình thâm, tài sản sự nghiệp. Đây là điều vô cùng nguy hiểm. Cho nên khi lâm chung có được bạn đạo niệm Phật giúp họ cảnh tỉnh, chính là để khi lâm chung, họ quyết không quên câu niệm Phật. Quả nhiên khi nghe được câu niệm Phật này, họ cũng sẽ nghĩ đến Đức Phật A Di Đà. Được vậy họ sẽ rất may mắn, họ sẽ được vãng sanh. Khi lâm chung muốn thật sự buông bỏ thì nhất định phải nhờ vào sự trợ giúp. Nếu không có thiện tri thức cảnh tỉnh thì bạn vẫn còn vướng víu và coi như cả đời niệm Phật này kể như uổng phí, bạn không đi nổi đâu. Việc trợ niệm khi lâm chung rất là quan trọng. Niệm Phật khi lâm chung thấy Phật đến tiếp dẫn nhưng phải có sức công phu mới được, nếu không có sức công phu thì khi lâm chung vẫn có một số oán thân trái chủ hiện ra như xưa, chính vì duyên cớ này việc trợ niệm cho người lâm chung rất là quan trọng. Trợ niệm tức là giúp họ sanh khởi chánh niệm, ý nghĩa của hai chữ trợ niệm chính là ở chỗ này. Giúp họ đừng để cho quên niệm Phật. Cho nên thời khắc lâm chung là thời khắc quan trọng nhất. Bất cứ nghi thức nào cũng không cần cả. Do đó, mà người hộ niệm là chiếc phao nổi để người bệnh sắp chết nương vào.

Với vai trò là người thân, lại biết chút Phật Pháp, hiểu được sự hộ niệm và nhắc nhở người thân của mình nghĩ nhớ đến câu niệm Phật, để khi lâm chung, họ đến được cảnh giới an lành là điều mong muốn của rất nhiều Phật tử. Đôi khi, vì nhiều lý do bất khả kháng và chưa có sự chuẩn bị kịp, chúng ta chưa thể mời được các ban hộ niệm đến để hộ niệm cho người thân. Thậm chí, ngay gần tại gia đình và khu vực bạn sinh sống, người ta chưa lập ban hộ niệm. Vậy việc cần thiết lúc này chính bạn phải là người đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự vãng sanh của người thân mình. Nếu được chọn cái chết thì ai cũng muốn bản thân và thân nhân qua đời tại tư gia nhưng không phải bạn muốn là được. Trước khi chết, bạn thường phải đối mặt với biết bao bệnh tật và việc đến bệnh viện để được y bác sỹ chăm sóc là điều tất nhiên. Nhưng nếu như ngày cả y học lúc này cũng không thể kéo dài mạng sống cho người thân của bạn thì việc hộ niệm cho người thân khi mất tại bệnh viện và những lưu ý sau đó về tổ chức tang lễ là điều rất quan trọng mà bạn cần tham khảo để luôn biết cách đối mặt với mọi tình huống xảy ra sau này.

Trợ niệm cho người thân khi mất tại bệnh viện và những lưu ý trong tang lễ

2. Việc trợ niệm cho người bệnh khi họ đang điều trị tại bệnh viện diễn ra như thế nào? 

Khi chúng ta có người thân đang nằm bệnh viện và bác sĩ đã nói tình trạng bệnh của họ chỉ sống trong khoảng thời gian rất ngắn. Chúng ta nên nói với người bệnh và thuyết phục họ về nhà để bắt đầu tiến hành trợ niệm. Nếu người bệnh đang được điều trị tại bệnh viện và đang trong tình trạng nguy kịch nhưng đầu óc họ còn minh mẫn, tỉnh táo, chúng ta nên giúp họ niệm Phật. Trợ niệm vào lúc người bệnh chưa tắt thở. Đây là thời khắc quan trọng nhất. Có được thiện tri thức quan tâm bên họ, quan tâm vì điều gì? Quan tâm đừng để họ mất đi chánh niệm, chánh niệm là nhất tâm cùng niệm Phật với mọi người, toàn tâm toàn ý cầu sanh Tịnh Độ. Theo như trong kinh dạy thì sau khi con người tắt thở, thường là khoảng tám tiếng đồng hồ, thần thức mới ra khỏi thân xác. Tuy đã tắt thở tám tiếng đồng hồ rồi, nhưng thần thức vẫn chưa đi hẳn. Vì thế, sau khi người bệnh tắt hơi thì chúng ta tuyệt đối không được chạm vào cơ thể người chết và phải liên tục hộ niệm trong vòng 8 – 12g đồng hồ. Thế nhưng, nếu người bệnh mất tại bệnh viện thì điều này vô cùng khó khăn. Vì thế, khi người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch, chúng ta nên lập tức đưa người bệnh xuất viện, về nhà. Bất luận tắt thở hay chưa, nếu lúc đó chưa có ban hộ niệm, người thân phải hết sức bình tĩnh, không được khóc lóc làm người bệnh buồn rầu, hoảng hốt, chúng ta gọi tên người thân của mình, lớn tiếng niệm Phật và cũng nói bên tai người bệnh (dù họ đã tắt thở hay chưa) rằng: Con/em/cháu di chuyển thân thể của bà/cha/mẹ/anh… phải niệm Phật. Bây giờ chúng ta lên xe, xuống xe, đã tới nhà,…”

Sau khi đưa thân nhân về đến nhà, chúng ta tiếp tục tiến hành công việc trợ niệm cho người đã mất. Theo như trong kinh dạy thì sau khi con người tắt thở, thường là khoảng tám tiếng đồng hồ, thần thức mới ra khỏi thân xác. Tuy đã tắt thở tám tiếng đồng hồ rồi, nhưng thần thức vẫn chưa đi hẳn, lúc này mà niệm Phật cho họ thì cảm ứng của họ rất là mãnh liệt và việc giúp họ rất là thù thắng. An toàn nhất là, có người tám tiếng đồng hồ thần thức vẫn chưa đi hẳn, nên niệm từ mười hai đến hai mươi bốn tiếng là tốt nhất. Tốt nhất là niệm mười bốn tiếng.

Trợ niệm cho người thân khi mất tại bệnh viện và những lưu ý trong tang lễ

Trong khoảng 49 ngày, việc trợ niệm vẫn phải diễn ra liên tục. Bởi người thân khi mất nếu có thể tự niệm Phật được thì quá tốt nhưng nếu như thần trí mê man, không còn biết gì, lại thêm mất tại Bệnh viện thì thần thức người bệnh càng thêm hoảng loạn. Việc trở niệm trong vòng 49 ngày đem lại một lợi lạc bất khả tư nghì. Nếu bản thân không có sức niệm thì không thể vãng sanh được, họ sẽ thọ sanh vào sáu đường, công đức niệm Phật này có thể giúp họ tránh đọa vào ba đường ác, họ sẽ vãng sanh vào đường lành, rồi trong cõi lành đó tăng trưởng phước huệ. Đây là dịp tốt, là lợi ích thiết thực, cho nên lúc niệm Phật chúng ta phải thành tâm thành ý. Chúng ta lấy ví dụ, một người khi còn sống không có niệm Phật, chưa từng biết đến đạo Phật, sau khi chết bốn mươi chín ngày, do dựa vào sức trợ niệm rất là thù thắng nên họ cảm nhận được và cũng niệm theo, lại có thể suốt đến mãn kỳ, ngày thứ bốn mươi chín là mãn kỳ, thời điểm trọn bốn mươi chín ngày họ đã thật sự vãng sanh. Đây chính là thân trung ấm, họ có thể theo đại chúng. Tuy họ mất rồi nhưng thường thì chúng ta nói là linh hồn chưa có mất hẳn, họ vẫn có thể theo đạo tràng chúng ta  và nhất là người thân cùng tu.

3. Những điều người thân trong gia đình cần chú ý khi hộ niệm và tổ chức tang lễ

Sau khi đưa thân nhân về nhà, bên cạnh việc niệm Phật, chúng ta nên lập tức mới ban hộ niệm để tiếp tục hộ niệm cho người thân vừa qua đời. Bản thân những người thân trong gia đình khi hộ niệm cũng khi tổ chức tang lễ phải chú ý đến những vấn đề sau:

. Tám tiếng đồng hồ đầu là thời gian quan trọng nhất, tất cả mọi người nên toàn tâm toàn ý dồn hết tâm lực để hộ niệm cho người lâm chung, cầu xin Đức Phật A Di Đà từ bi thị hiện phóng quang tiếp dẫn cho người lâm chung sớm được vãng sanh cực lạc.

•    Khi hộ niệm cho người thân, chúng ta nên tránh để cho chó, mèo, côn trùng, ruồi, muỗi… chạm vào người mất. (nếu có thể thì nên nhốt chó, mèo,…lại).

•    Tránh ho, sặc, ách xì bên cạnh người mất + tránh ngồi quá gần người bệnh (cách ít nhất 2 mét), không kéo ghế, không nói chuyện… Cố gắng hết sức để cho người lâm chung lúc này chỉ còn nghe danh hiệu A Di Đà Phật là tốt nhất.

.   Khi hộ niệm cho người thân, chúng ta nên nhất tâm niệm Phật, đừng sanh tâm đau buồn, khổ não, chỉ một lòng niệm Phật. Không nên niệm quá to hoặc quá nhỏ, khi người thân đã mất chỉ nên niệm 4 chữ A Di Đà Phật là đủ rồi, nhất nhất niệm trong vòng từ 8-12 tiếng, tốt hơn nữa là 24 tiếng.

•    Khi người thân mất, chúng ta chỉ nên nhất tâm niệm Phật,  một số người được giao nhiệm vụ lo hậu sự thì cứ làm việc của mình. Tuyệt đối không tranh cãi, phân chia tài sản hay thuê các đoàn cải lương, ca nhạc, kèn, trống về phục vụ tang ma.

•    Tất cả mọi người phải ngồi ngay hàng thẳng lối, thanh tịnh trang nghiêm, không được đi qua, đi lại phía trước những người đang ngồi hộ niệm, người hộ niệm không nên ngồi dưới đất, nên ngồi trên ghế và ngồi ở tư thế phải cao hơn người được hộ niệm.

•    Gia đình không được khóc than, đụng chạm, di chuyển, chích thuốc, tắm rửa, thay quần áo, sửa tay chân, vuốt mắt người lâm chung ít nhất trong 8 tiếng đồng hồ đầu.

•    Không được tiêm thuốc hồi dương hoặc thuốc đề phòng thân sình thối ngay khi vừa tắt hơi thở.

•    Chuẩn bị một chén cơm in, một dĩa muối mè, một cây đèn dầu lửa, tất cả để trên mâm nhỏ bên cạnh hoặc phía trước đầu của người lâm chung.

•    Ở dưới đất, cách giường người lâm chung khoảng 50 cm, đốt một dĩa dầu phụng có 2 tim đèn để hút những hơi độc (nếu có).

•    TUYỆT ĐỐI CẤM sát sinh để cúng thịt cho người mất, quỷ thần. Làm thế là cả người sống và mất mang tội, đọa lạc càng nhanh.

•    Kiêng uống rượu, ăn hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ, kiệu trong 49 ngày kể từ ngày có người mất,….

•    Trong thời gian tang sự, tránh quan hệ vợ chồng, trộm cắp, tà dâm, nói dối, thêu dệt, nói đôi chiều, nói lời ác, tâm khởi niệm tham dục, nóng giận, ngu si

•    Tuyệt đối không bỏ trà, vàng, gạo vào miệng, để nải chuối trên bụng, bỏ tiền vào ống tay áo, lấy mền trùm kín từ cổ đến chân, mặt thì đắp tấm khăn, xoay đầu giường ngược trở lại,… lấy chỉ, dây cột hai ngón chân, van bái quỷ thần, tà ma, ngoại đạo…

•    Tuyệt đối không đưa người mất vào ngày nhà xác hoặc đem tử thi giao cho nhà mai táng mà không giám sát; hoặc chôn cất vật dụng của người mất.

•    Sau khi người chết không còn cảm giác nữa, tay chân cùi chõ đầu gối đã cứng, rất khó duỗi thẳng, nên dùng khăn thấm nước nóng, đấp lên cùi chõ và đầu gối thì sẽ mềm mại như cũ, thật ra tay chân cong cũng không sao, đừng nghe người thế tục nói, người chết tay chân không duỗi thẳng, thì đời sau sẽ thành tay cán giá và thọt chân. Những người nói như vậy, họ không có kiến thức, nếu người có chút hiểu biết, thì biết họ nói không đúng. Còn như người tu hành có công phu, thì họ nằm nghiêng mình sang bên phải, gọi là Cát Tường Thệ, hoặc là ngồi mà vãng sanh, đứng mà vãng sanh, họ nằm nghiêng mình sang bên phải hoặc ngồi mà vãng sanh, tay chân của họ cũng cong vậy, điều này không cần giải thích, tự mình cũng hiểu. Như Thích Ca Mâu Ni Phật nhập Niết Bàn, Ngài cũng nằm nghiêng mình bên phải vậy, cho nên thân thể của người chết cong hay thẳng, thật ra không có vấn đề.

•  Y theo Kinh Địa Tạng, người thân vì người chết trong vòng bảy thất (49 ngày), làm ‘phật sự’ một cách thành khẩn như là ăn chay, phóng sinh, cúng dường Tam Bảo, tạc tượng Phật, giữ giới, tụng kinh, niệm Phật vv… rồi lấy công đức này hồi hướng cho người mất. Trong vòng 49 ngày người sống rốt ráo làm phật sự như vậy, thì trong bảy phần công đức, người chết chỉ nhận được một phần mà thôi. Vì thế khi còn thân người, thì chúng ta nên tu tập là tốt nhất. Ai tu nấy hưởng. Tuy nhiên,  những người thân của người quá cố chí tâm tu hành như Pháp thì dù chỉ một phần công đức cho người chết nhưng họ sẽ được siêu thoát vào cõi lành (thiên, nhân) hoặc có thể về Cực Lạc Quốc của Đức Phật A DI ĐÀ.

Cái chết là điều mà bất cứ ai cũng phải một lần chứng kiến bởi ai cũng có gia đình, người thân, bạn bè nên việc chuẩn bị tinh thần và hiểu những việc cần làm cho người thân khi lâm chung và nhất là khi họ mất tại bệnh viện điều hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, mỗi người cần sống trong tỉnh thức, không đợi chờ đến lúc chết có người hộ niệm mà tự chúng ta phải chuẩn bị tư trang cho mình bằng việc thường xuyên làm các việc lành, tụng kinh, niệm Phật hàng ngày để tạo thành một thói quen. Và khi lâm chung, nhờ những công đức ấy mà chúng ta sẽ có thiện duyên gặp hàng thiện tri thức hộ niệm cũng như thần trí được minh mẫn, một lòng niệm Phật, cầu vãng sanh Tây Phương.

Nhuận Đoan tổng hợp

Theo Phật Pháp Ứng Dụng