Phàm người lúc lâm chung tứ đại chia lìa, mọi nỗi khổ dồn dập, nếu chẳng phải là người đã chứng tam muội từ lâu ắt chẳng dễ gì tự chủ. Huống hồ quyến thuộc chẳng hiểu lợi hại, thường dùng tình cảm thế gian phá hoại chánh niệm, sắp thành công lại bị thất bại.
Khổ thay! Ðau thay! Nếu trong khi ấy, được người khác khai thị, hướng dẫn trợ niệm, dẫu là người bình sinh chưa từng niệm Phật cũng dễ sanh lòng tin. Tai nghe Phật hiệu, tâm duyên Phật cảnh, nhất tâm chánh niệm liền có thể cảm được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Phải đặc biệt chú ý lúc quan trọng tối khẩn yếu này! Ở đây, tôi trích lục các pháp yếu lo liệu việc lâm chung của các cổ đức và nghi thức trợ niệm, khuyên mọi người hãy tuân theo ngõ hầu được vãng sanh.
1. Trích lục bài Lâm Chung Chánh Niệm Vãng Sanh của đại sư Thiện Ðạo
Phàm người lâm chung muốn vãng sanh Tịnh Ðộ thì chẳng được sợ chết, thường nghĩ thân này lắm khổ, ác nghiệp bất tịnh bao thứ vấn vương. Nếu thoát được thân dơ bẩn này, siêu sanh Tịnh Ðộ, hưởng vô lượng vui, thoát khổ sanh tử thì thật là điều vừa ý, như cởi cái áo rách đổi lấy y phục quý báu. Hãy nên buông thân tâm xuống, đừng sanh lòng luyến tiếc!
Hễ khi nào bị bệnh liền nghĩ đến vô thường, một lòng đợi chết, lại dặn dò người nhà và người chăm sóc mình: bất cứ khi nào đến trước mình đều vì mình niệm Phật, chẳng được nói những chuyện tạp nhạp trước mắt hay chuyện lớn nhỏ trong nhà, cũng đừng dùng lời nhỏ nhẹ an ủi, cầu chúc an lạc. Ðó đều là những lời hoa hòe vô ích!
Nếu bịnh nặng sắp chết, thân thuộc chẳng được nhỏ lệ khóc lóc và phát ra tiếng than thở, áo não, hoặc loạn tâm thần khiến người bịnh bị mất chánh niệm. Chỉ nên đồng thanh niệm Phật để giúp người ấy vãng sanh. Ðợi đến lúc người ấy tắt thở lâu rồi mới nên buồn khóc. Hễ có chút mảy may tâm luyến tiếc thế gian sẽ thành trở ngại, chẳng được giải thoát. Nếu có người hiểu rõ pháp môn Tịnh Ðộ lui tới khuyến khích thì thật là may mắn lắm! Nếu làm đúng như lời dạy này sẽ quyết định siêu sanh.
Lúc đầu, dùng thuốc men chẳng trở ngại gì, nhưng nếu sát hại sanh mạng loài vật làm thuốc để chữa lành bệnh hay cúng tế quỷ thần cầu phước thì chỉ tăng tội nghiệp, ngược lại bị tổn mạng nữa! Tăng, tục, nam, nữ, người chưa niệm Phật dùng đến pháp này đều được vãng sanh. Chuyện lớn sống chết, cả nhà phải dốc sức mới được. Một niệm lầm lạc muôn kiếp thọ khổ, ai chịu thế cho? Hãy suy xét lấy!
2. Trích lục Lâm Chung Tam Nghi Tứ Quan của ngài Từ Chiếu Tông Chủ
“Tam nghi” là:
a. Một là nghi mình lúc sống nghiệp nặng, thời gian tu hành ít ỏi, sợ chẳng được vãng sanh.
b. Hai là nghi tâm nguyện chưa trọn, tham – sân – si chưa dứt, e chẳng được vãng sanh.
c. Ba là nghi mình tuy niệm Phật, lúc lâm chung Phật chẳng đến đón tiếp.
Có ba điều nghi này thì nhân nghi thành chướng, đánh mất chánh niệm, chẳng được vãng sanh. Vì vậy, người niệm Phật cần phải tin chắc chắn, hiểu rõ ý chỉ kinh Phật, đừng sanh lòng ngờ. Kinh dạy: “Niệm A Di Ðà Phật một tiếng diệt được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”. Thượng thì nhất tâm bất loạn, hạ thì mười niệm thành công, nối bước lên chín phẩm sen, giã từ ngũ trược. Nếu có thể tâm tâm bất muội, niệm niệm vô sai thì nghi tình vĩnh viễn đoạn tuyệt, quyết định vãng sanh vậy! Nay dùng ba thuyết để phá tan tam nghi:
a. Một là nghiệp vốn hư vọng; tâm tịnh nghiệp liền thành không,
b. Hai là tình như mộng huyễn, tỉnh dậy nào có nữa, tự chịu ngưng khởi động tình tưởng thì tham sân si vĩnh viễn đoạn mất.
c. Ba là công chuyên niệm thiết thì tự tâm Phật hiện, đều chẳng phải nghi nữa!
“Tứ quan” (bốn ải) là:
a. Phàm phu tuy có tín tâm niệm Phật nhưng hoặc là do túc nghiệp chướng trọng, lẽ ra phải đọa địa ngục, nhưng nhờ Phật lực nên đổi nặng thành nhẹ. Nếu nhân lúc bệnh khổ, thân tâm hối hận, chân thành quy hướng nơi Phật thì sẽ sanh Tịnh Ðộ. Kẻ vô trí chẳng hiểu điều này cứ bảo: “Do tôi nay niệm Phật nên bị bệnh khổ”, trở lại phỉ báng Di Ðà. Do một niệm ác tâm ấy vào ngay địa ngục. Ðó là một ải.
b. Tuy trì giới niệm Phật nhưng miệng bàn Tịnh Ðộ, tâm lại luyến tiếc Sa Bà, chẳng trọng thiện căn xuất thế, chỉ cầu lợi ích tục duyên, đến khi lâm chung mắc bệnh, sợ chết tham sống, tin quàng đồng cốt, giết chóc sanh mạng, van vái quỷ thần. Bởi tâm tà ấy, không Phật nào dắt dìu, trôi lạc tam đồ. Ðấy là hai ải.
c. Hoặc do uống thuốc, hoặc do bị khuyên lơn, cưỡng bức bèn phá giới ăn mặn, vùi lấp thiện căn. Lâm chung tự đến trước Diêm Vương, bị Vương phán tội. Ấy là ba ải.
d. Lâm chung khư khư nghĩ đến gia tài, mến tiếc quyến thuộc, tâm không bỏ được, mất cả chánh niệm, đến nỗi đọa vào đường quỷ, hoặc làm rắn, chó để giữ của cho gia đình giống hệt như lúc còn sống. Ấy là bốn ải.
Vì thế, quan Ðề Hình họ Dương nói: “Ái chẳng nặng, chẳng sanh Sa Bà; niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Ðộ”. Người tu Tịnh Nghiệp nên chọn thật, bỏ hư, nghĩ chuyên, tưởng lặng, niệm niệm Di Ðà, buông bỏ toàn thân, chỉ giữ chắc một niệm này thì mới có thể phá nát bốn ải, thì đài sen Tịnh Ðộ mới chẳng xa vời vợi vậy!
3. Trích lục Lâm Chung Cảnh Sách của đại sư Ưu Ðàm
Phàm người niệm Phật muốn sanh Tịnh Ðộ thì nên thường nghĩ thế gian hết thảy vô thường, đã thành ắt phải hoại, có sanh ắt có tử. Nếu chẳng được nghe Phật pháp thì xả thân, thọ thân, luân hồi ba cõi, tứ sanh, lục đạo, không ngày giải thoát. Nay ta hữu duyên được nghe chánh pháp, được tu Tịnh nghiệp, chỉ nghĩ đến Phật, bỏ báo thân này sẽ sanh Tịnh Ðộ, vào trong thai sen hưởng các khoái lạc, vĩnh viễn thoát sanh tử, Bồ Ðề bất thối. Ðấy chính là việc làm bình sinh của bậc đại trượng phu.
Vừa mới nhuốm bệnh cứ vẫn tinh tấn, lặng trong thân tâm, chớ sanh lo ngờ. Phải nên ngồi ngay ngắn hướng về Tây, chuyên tưởng A Di Ðà Phật và Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí Bồ Tát và vô số hóa Phật hiện ra trước mặt, nhất tâm niệm Phật, tiếng tiếng chẳng dứt. Ðối với hết thảy sự việc thế gian chẳng được nghĩ nhớ tham luyến. Nếu như tâm niệm khởi lên, hãy gấp niệm Phật hiệu. Trong mỗi niệm trừ diệt tội chướng.
Nếu bệnh nhân hôn mê chẳng thể tự niệm thì người trông bệnh hãy nên phương tiện nhắc nhở, khuyên dụ. Dụng tâm như thế giúp cho người ấy đến hết mạng vẫn chỉ có một niệm này, quyết định vãng sanh Tịnh Ðộ. Nếu mạng chưa hết thì liền được an ninh; chớ vọng khởi tâm lưu luyến. Hễ còn sống sẽ tự sống; còn phải chết sẽ chết, chỉ lo việc vãng sanh, cần chi lo ngờ?
4. Trích lục bài Nhân Sanh Chi Tối Hậu của đại sư Hoằng Nhất
Bệnh chưa đến lúc trầm trọng thì có thể dùng thuốc, nhưng phải tinh tấn niệm Phật, đừng mơ tưởng uống thuốc sẽ lành bệnh. Ðến lúc bệnh nặng, có thể chẳng uống thuốc nữa. Ngay khi đó, hết thảy việc nhà và tự thân đều buông bỏ hết, dốc lòng niệm Phật, nhất tâm cầu sanh Tây Phương. Nếu làm được như vậy thì nếu như thọ mạng đã hết sẽ quyết định vãng sanh; còn như thọ mạng chưa tận, bệnh sẽ đổi thành chóng lành vì tâm chuyên thành diệt trừ được ác nghiệp túc thế.
Nếu bị đau đớn quá đỗi chớ nên kinh hoàng vì sự bệnh khổ ấy chính là do nghiệp chướng túc thế hoặc là nỗi khổ tam đồ ác đạo trong mai sau sẽ chóng được trả hết vì nay ta đã chịu nỗi khổ nhẹ. Nếu thần thức vẫn còn tỉnh táo, hãy nên thỉnh thiện tri thức vì người đó thuyết pháp, tận lực an ủi, nêu lên những điều lành người bệnh đã làm trong đời này, mỗi mỗi điều đều khen ngợi tường tận khiến kẻ ấy tâm sanh hoan hỷ, không còn lo ngờ, tự biết mình sau khi mạng chung sẽ nương vào thiện nghiệp ấy quyết định sanh về Tây.
Lúc khỏe mạnh nên viết sẵn di chúc, giao cho người khác giữ kỹ. Lúc lâm chung chớ có vặn hỏi di chúc, cũng đừng nói chuyện lung tung, e tình cảm bị chao động, tham luyến thế gian, trở ngại việc vãng sanh! Dù nằm hay ngồi đều cứ tùy ý. Nếu biết người bệnh khí lực suy nhược cứ để nằm. Lẽ ra nên để nằm bên hông phải, mặt hướng về Tây, nhưng nếu người bệnh đau khổ quá, cứ để mặc họ tự nhiên, đừng có miễn cưỡng. Nếu người bệnh đòi tắm rửa, thay áo thì mới thuận theo ý nguyện mà thi hành; nếu không thì đừng cưỡng làm để người ấy khỏi bị đau đớn quá đỗi, phá hoại chánh niệm, chẳng thể vãng sanh. Lúc đại chúng trợ niệm nên thỉnh tượng “A Di Ðà Phật tiếp dẫn” thờ trong phòng ngủ của bệnh nhân để người ấy nhìn ngắm.
Theo kinh nghiệm của tôi, người bệnh thần kinh suy nhược, lúc bệnh rất sợ nghe tiếng khánh và tiếng mõ nhỏ vì tiếng của chúng sắc nhọn gây căng thẳng thần kinh khiến tâm thần đâm ra chẳng ổn, chỉ có cách vận dụng âm thanh trợ niệm là ổn thỏa nhất. Hoặc là đổi sang dùng chuông khánh lớn, mõ lớn vì tiếng của chúng vang xa, trang nghiêm, dễ khởi lên ý niệm cung kính. Niệm sáu chữ hoặc bốn chữ, niệm gấp hoặc thong thả đều nên hỏi trước người bệnh, thuận theo người bệnh lúc thường quen tu và ưa thích như thế nào mà thử làm coi. Nếu chưa thích hợp sẽ tùy thời cải biến, muôn phần đừng cố chấp!
Trước và sau lúc lâm chung, người trong nhà vạn phần chẳng được khóc lóc, nên tận lực trợ niệm thì kẻ mất mới được ích lợi. Nếu muốn khóc thì nên chờ đến sau khi người chết đã mất tám tiếng rồi mới khóc. Mạng chung, niệm Phật xong nên khóa cửa phòng lại để ngừa người khác không biết, cứ đụng chạm người chết. Sau tám tiếng đồng hồ mới nên tắm rửa, thay áo. Nếu khớp chân tay đã cứng chẳng thể chuyển động được thì nên dùng nước nóng thấm đắp, dùng vải nhúng nước nóng bao quanh khủy tay, khớp chân, chẳng lâu sau chúng sẽ hoạt động được như khi còn sống. Áo liệm nên dùng đồ cũ, áo mới đem thí cho người khác để người chết được phước. Chẳng nên dùng quan tài gỗ tốt, đắp mộ to, làm vậy bất lợi cho người chết.
Trong bốn mươi chín ngày thỉnh Tăng siêu tiến vong linh, lấy niệm Phật làm chính. Còn như các pháp sự như tụng kinh, bái sám, Diệm Khẩu, Thủy Lục v.v… tuy có công đức chẳng thể nghĩ bàn, nhưng hiện nay Tăng chúng mắt lướt nhìn kinh văn, tụng niệm hời hợt cho xong, hiếm khi có lợi ích thật sự. Trong bộ Văn Sao của Ấn Quang đại sư, ngài đã nhiều lượt răn cấm! Nếu chuyên niệm Phật thì ai cũng niệm được cả, rất là thiết thực, đạt được đại lợi. Gia tộc cũng nên niệm theo, nhưng đàn bà nên ở trong phòng mình hoặc khuất sau bức màn để khỏi bị đàm tiếu. Ðãi cơm người đến viếng nên dùng đồ chay, vạn phần chẳng được dùng đồ mặn đến nỗi phải sát sanh hại mạng, bất lợi cho vong nhân. Lúc đưa đám chớ có phô trương khiến vong giả mất phước. Sau bốn mươi chín ngày cũng thường nên truy tiến để tận dạ hiếu kính.
Lúc lâm chung là lúc tối hậu của đời người, nếu chưa sắp sẵn tư lương vãng sanh cho ổn thỏa ắt sẽ chân tay hoảng loạn, ác nghiệp nhiều đời cùng lúc hiện tiền, giải thoát sao được? Tuy cậy vào người khác trợ niệm, các việc đúng như pháp, cũng cần phải tự mình thường ngày tu trì thì lúc lâm chung mới được tự tại. Hãy sớm tu trì sẵn mới tốt!
5. Trích lục nghi tiết dành cho việc Trợ Niệm Lúc Lâm Chung
Tượng Phật tiếp dẫn hướng mặt về phía Ðông, toàn thể đại chúng ngồi hai bên bàn Phật, một người trong gia thuộc thay mặt hành nhân thắp hương lễ bái. Hành nhân mặt hướng về Tây, nằm hay ngồi đều được, chắp tay nghe niệm theo, niệm ra tiếng hay niệm thầm đều được.
Thứ nhất là tổng niệm: chiếu theo những chương trước bàn về nghi thức công khóa sớm tối để niệm tụng đôi ba lượt.
Hai là phân ban niệm: Ban đầu tiên niệm từ kệ tán Phật, nhưng sau khi đổi ban, chỉ niệm một câu Phật hiệu.
Ba là lúc ngưng niệm cuối cùng, tức là lúc hành nhân đã không còn hơi nóng, toàn thể đại chúng cùng niệm Phật hiệu, ba danh hiệu Bồ Tát và Kệ Hồi Hướng xong, niệm thêm:
Công đức trợ niệm hạnh thù thắng
Vô biên phước quý đều hồi hướng
Nguyện khắp chúng sanh đang chìm đắm
Mau sanh cõi Phật Vô Lượng Quang.
Thập phương tam thế hết thảy Phật, hết thảy Bồ Tát Ma Ha Tát, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.
Nhận định:
Ấn Quang đại sư nói: “Ðây là nghi thức dành cho lúc chưa lâm chung, nếu là lúc lâm chung thì chỉ khởi kệ tán Phật, rồi niệm tiếp Phật hiệu”. Nhưng hành nhân niệm Phật công phu sâu cạn chẳng đồng, khó lòng biết trước lúc nào sẽ đi. Nếu bị bệnh nặng trong một thời gian dài, thỉnh người trợ niệm thì khó lòng duy trì được lâu. Còn đợi lúc lâm chung mới thỉnh người trợ niệm thì sợ đã mê man. Vả lại nhà nhỏ hoặc nằm trong bệnh viện chẳng tiện trợ niệm, hoặc sống ở làng quê, ít người niệm Phật, gia thuộc trợ niệm hoặc ít có hoặc chẳng có ai, nhân duyên trợ niệm khó bề gặp gỡ. Nếu dùng máy niệm Phật hoặc băng niệm Phật xem ra tiện hơn, vì có thể niệm suốt ngày đêm, chẳng lo bị gián đoạn, đã giữ được lâu, lại ít tốn sức. Nếu lúc chẳng có bạn lành trợ niệm thì băng niệm Phật chính là bạn lành trợ niệm chẳng khác gì tăng, tục trợ niệm vậy.
Nếu gặp khi bệnh nặng thì nên thường diễn tập cách trợ niệm vãng sanh trước giường để khi lâm chung khỏi bị hoảng loạn. Xin hãy đề xướng rộng rãi, thực hành phổ biến thì thật là phương tiện tối thắng trong các phương tiện thành tựu sự vãng sanh cho hành nhân. Như lần lượt đề xướng, dạy bảo lẫn nhau khiến khắp thiên hạ đều biết được lợi ích này, ai nấy làm theo thì tất cả hành nhân đều được thần siêu cõi Tịnh, vĩnh viễn thoát khỏi biển khổ. Ấy là công đức chỉ Phật biết nổi!
Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập
Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Nguon: tinhdo.net