Trong vô số comment vui mừng phấn khởi vì hành động cứu một chú chó bị bịt mõm sắp chết của nhóm người bảo vệ động vật, thì đâu đó lại xuất hiện những comment trái chiều, nhằm bày tỏ “đạo đức tốt” của mình:“Tình thương là đây sao? Mình thấy có nhiều cụ già, nhiều em thơ đang bơ vơ ngoài đường có ai giúp không?”. Không ai thấy tính nhân đạo được ẩn trong câu comment sáo rỗng đó! Có thể chủ nhân comment thuộc tuýp người “mê ăn thịt chó” chăng, nên không còn chút lòng trắc ẩn với những hành động cao đẹp mà những người lương thiện dành cho các loài động vật nói chung và loài chó nói riêng. Và điều này làm cho mọi người đặt dấu hỏi rằng: sẽ làm được gì cho người khổ đau khi ai đó không có một chút cảm xúc cho dù thương hại với chú chó hoàn toàn bất lực trước mọi thứ như thế?
Câu nói đó vô tình bày tỏ sự yếu kém về việc làm từ thiện (có thể chưa bao giờ làm), vì không hề biết những gì đang diễn ra mà từ cá nhân đến các hội đoàn từ thiện trong và ngoài nước đã, đang và sẽ làm cho những người nghèo khổ, kém may mắn mà chỉ đơn thuần nhằm chống đối những điều mình không thích mà thôi!?
Việc con chó bị bịt mõm chờ chết trong đau đớn nếu không ai quan tâm, không có một người nào ra tay nghĩa hiệp thì mới thật đáng sợ cho xã hội đang là. Hành động của một nhóm người bảo vệ động vật, cộng thêm sự đồng tình của đại đa số quần chúng là dấu hiệu đáng mừng cho sự lớn mạnh về tình người, lòng lương thiện, nhất là thời điểm đạo đức của người Việt Nam đang có dấu hiệu suy đồi.
Luật pháp Việt Nam cần phải có những hình phạt thật nặng về những người ái ố, nhạo báng, xuyên tạc, xỉa xói những hành động tốt, đừng vô tình tạo cớ cho những lớp người chơi ngông, phá hoại thuần phong mỹ tục của đất nước ngày đang có xu hướng lấn lướt.
Hành động cứu cá voi, cá heo, những động vật hoang dã quý hiếm… của người dân xứ biển của cộng đồng làm chúng ta thấy ý thức về môi trường sống từng bước được ngấm sâu trong một số tầng lớp nhân dân, càng làm chúng ta thấy có niềm tin hơn vào cuộc sống, càng yêu quê hương, đất nước, con người. Nếu gặp kẻ phát biểu thiếu hiểu biết rằng: sao không giết ăn cho sướng miệng, ngu vậy sao không bán lấy tiền, hoặc đạo đức giả: giết động vật còn giả bộ cứu động vật làm gì?… Trong đầu họ không phân biệt được giữa nhu cầu ăn uống và nhu cầu thẩm mỹ, tâm linh, không phân biệt cái gì nên làm và không nên làm… mà chỉ thuần nghĩ đến “cái ăn” thì xã hội đang thời kỳ “đồ đá” chứ không phải xã hội loài người văn minh.
Gã Chí Phèo của nhà văn Nam Cao nói một câu làm chúng ta cần phải suy ngẫm: “tao muốn làm người lương thiện nhưng ai cho tao lương thiện”. Bởi xã hội còn những người thiếu thiện chí như những comment trên nên góp phần đáng kể vào việc đẩy đạo đức xuống cấp trầm trọng. Chúng ta nghĩ sao nếu không còn tiếng nói động viên, khích lệ, ca ngợi những hành động cao đẹp trong xã hội nữa? Lúc đó, chắc có lẽ xã hội đang là cuộc chơi sắp tàn!? Càng ngày chúng ta càng chứng kiến quá ít những hành động đáng ca ngợi tán dương mà phần nhiều là hình ảnh phạm tội, chém giết, lừa đảo, hiếp dâm, ngoại tình, vô cảm với người hoạn nạn đầy rẫy trên các mặt báo…
Không tích cực giáo dục lòng yêu thương động vật, bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường, trách nhiệm cộng đồng mà chỉ đề cao thói ăn chơi, hưởng thụ ích kỷ của chủ nghĩa cá nhân dễ đẩy số người tiêu cực vào lối sống bất thiện vì họ cho rằng lương thiện thì được gì, dẫn đến hệ quả là hàng ngày có biết bao vụ án tàn khốc, đẫm máu, đê hèn…đã gây hoang mang cho người dân, làm băng hoại cuộc sống thuần phong mỹ tục người Việt.
May mắn thay, càng ngày càng nhiều người nhận ra nỗi khổ khi cuộc sống không còn đạo đức, càng nhận thấy giá trị tình thương yêu là điều cần thiết cho con người thế nào và càng có sự hướng tâm về đời sống nhân nghĩa, tâm linh ngày càng cao – việc số đông đã đồng tình về hành động cứu một chú chó đáng thương là một minh chứng!
Cảm ơn các bạn đã cho tôi một niềm tin; tôi yêu cuộc sống, tôi yêu con người, tôi yêu nhất là những người lương thiện quanh ta!!!
Ban Biên Tập Phật Pháp Ứng Dụng