Trưởng giả Tu Ðạt Ða là một nhà từ thiện, thích làm chuyện phước đức, thích bố thí. Ông thường cứu giúp người nghèo khó, hay đem cơm gạo, quần áo bố thí cho họ. Trong toàn khu vực thành Xá Vệ, không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ, cứ hễ nghèo khổ, không nơi nương tựa, một khi kêu gọi đến ông là ông vui vẻ giúp đỡ ngay. Vì thế mọi người đều đặt tên ông là “trưởng giả Cấp Cô Ðộc”.
Một hôm, trưởng giả Tu Ðạt đến nhà ông trưởng giả Thủ La ở Vương Xá Thành để bàn bạc việc hôn nhân cho con trai út, thì ngẫu nhiên được diện kiến với đức Phật và được nghe pháp âm của Ngài. Ông quá đỗi vui mừng, liền phát tâm ngay tại chỗ xây một tinh xá để thỉnh đức Phật và chư tỳ kheo đến Xá Vệ Thành giáo hóa chúng sinh ở đấy. Ðức Phật hoan hỉ nhận lời, khi nào tinh xá xây dựng xong thì Ngài sẽ đến.
Trưởng giả Tu Ðạt quay về Xá Vệ Thành, lập tức đi nhìn xem để tìm một địa điểm thích hợp. Ông đi tìm hỏi khắp mọi nơi, trong số các nơi ấy có vườn cây của thái tử Kỳ Ðà, vô cùng rộng rãi, có sông có nước, có đồi có núi, có hoa thơm cỏ lạ cảnh đẹp như tranh, thật là một khung cảnh thanh tịnh, u mỹ. Nếu dùng chỗ này để xây dựng tinh xá, để cúng dường đức Phật về đấy thuyết Pháp, và chư Tỳ kheo về đấy an trú thì không có chỗ nào tốt đẹp hơn. Nhưng đây là khu vườn mà thái tử Kỳ Ðà yêu thích nhất, trưởng giả Tu Ðạt không biết phải làm cách nào để thái tử chịu nhường khu vườn cây này cho ông. Ông suy nghĩ nát óc và tuy biết là sẽ rất khó khăn nhưng không có cách nào hơn là đi tìm gặp thẳng thái tử Kỳ Ðà để xin thái tử vui lòng bán lại khu vườn cho mình.
Nói sao thì nói, thái tử Kỳ Ðà cũng không chấp thuận. Khi nghe trưởng giả Tu Ðạt nài nỉ tới lần thứ ba, thái tử cảm thấy khó mà cự tuyệt mãi một người danh tiếng lừng lẫy toàn quốc như ông trưởng giả này, bèn nghĩ kế đòi một số tiền rất lớn, khiến trưởng giả không thể nào mùa nổi. Nghĩ thế rồi, thái tử bèn nói:
– Tôi thật sự không muốn nhường khu vườn này cho ông, nhưng thấy ông cứ nài nỉ mãi như thế, thôi thì thế này. Tôi bằng lòng bán đất với điều kiện như sau: ông hãy lấy vàng trải đầy khắp mặt đất của khu vườn, số lượng vàng ấy sẽ là giá tiền ông phải trả cho tôi. Ông có khả năng làm được việc này thì tôi nhường đất cho ông.
Có ngờ đâu thái tử vừa đưa ra giá tiền xong, trưởng giả Tu Ðạt vui mừng khôn xiết, lập tức trở về gọi người nhà đem hết xe này đến xe khác chở vàng đến trải đầy khắp mặt đất. Thái tử Kỳ Ðà ban đầu tưởng bắt bí được trưởng giả Tu Ðạt khiến ông này không mua nổi đất, bây giờ thấy tận mặt sự việc như thế, không khỏi lấy làm cảm động, nên đến hỏi trưởng giả Tu Ðạt rằng:
– Ðất thì coi là của ông rồi đó, nhưng cây cỏ hoa lá trong vườn thì tôi chưa hề bán cho ông. Ðức Phật là người như thế nào mà ông lại đối với ngài ta nhiệt tâm đến thế ? Thôi thì bây giờ, ông bằng lòng cho tôi cúng dường mấy gốc cây trong vườn cho đức Phật không?
Trưởng giả Tu Ðạt nghe thái tử Kỳ Ðạt hỏi như thế bèn nói rõ tường tận sự tôn quý của đức Phật cho thái tử nghe. Cả hai đều vô cùng cảm động, hết sức hân hoan và yên tâm. Tinh xá xây xong, trưởng giả Tu Ðạt lập tức nghênh thỉnh đức Phật và chư tăng về. Bởi vì tinh xá là do trưởng giả Cấp Cô Ðộc cúng vườn và thái tử Kỳ Ðà cúng các gốc cây nên đức Phật lấy tên hai người này mà đặt tên cho tinh xá, tức là “Kỳ thọ Cấp Cô Ðộc viên”.
Trưởng giả Tu Ðạt vốn thích bố thí, ham làm việc thiện, lại thêm chuyện xây tinh xá khiến ông đã phải xuất vốn quá nhiều, nên ông khánh kiệt cả gia sản, tay trắng không còn một đồng một chữ hộ thân, đến mức sắp chết đói. Ông nhặt được trong đống rác một khúc gỗ, đây là gỗ chiên đàn vốn là một thứ gỗ vô giá, nhưng vì không được sạch sẽ nên khi ông đem đi bán, rất ít người muốn mua.
Cuối cùng có người miễn cưỡng đổi với 4 thưng gạo trắng. Trưởng giả Tu Ðạt phu nhân đong một thưng gạo đem đi nấu, thì ngay khi ấy có tôn giả Xá Lợi Phất đứng ngay trước cửa, ôm bình bát khất thực. Phu nhân vô cùng hoan hỉ, bà đem thưng gạo đã nấu thành cơm ấy mà cúng dường hết cho ngài Xá Lợi Phất. Sau đó bà đong một thưng gạo khác đem đi nấu, cơm vừa chín thì có ngài Mục Kiền Liên đến khất thực. Bà cũng lại đem cơm mới nấu ra cúng dường cho ngài Mục Kiền Liên. Lần thứ ba nấu cơm, bà cúng dường cho ngài Ca Diếp. Còn thưng gạo cuối cùng, vừa chín tới thì đức Phật đến. Bà nghĩ “Mình chỉ còn một thưng gạo mới nấu chín thì Thế Tôn lại đến, có phải chăng là quả báo xấu đã đến kỳ chấm dứt, quả báo tốt đã đến lúc sắp trổ rồi chăng?”
Nghĩ thế xong, có bao nhiêu cơm trong nồi, bà cúng dường trọn lên cho đức Phật. Ðức Phật thấy vợ chồng trưởng giả Tu Ðạt có lòng như thế, nên từ kim khẩu chúc nguyện rằng:
– Tội diệt phúc sinh, từ nay trở đi, phúc đức vô tận, không còn khốn khó.
Chỉ trong vòng một sát na, gia nhân chạy đến báo tin mừng: “Vàng bạc, tiền tài, châu báu trong nhà, cơm gạo, lụa là vải vóc trong kho không biết làm sao mà chất đầy như núi, so với lúc trước thì bây giờ nhà ta giàu có hơn nhiều !”.
Trong tâm, trưởng giả Tu Ðạt biết rõ đây là do đức Phật thương xót mà ban cho, nên vội lập đàn thật lớn để cúng dường đức Phật và chư tăng, thỉnh Thế Tôn thuyết pháp cho mọi người được nhiều pháp lạc. Ðem của cải mình có ra bố thí cho người, thấy thì như mất đi nhưng như hạt giống vùi trong lòng đất, sớm muộn gì cũng sẽ có ngày hái được quả ngọt.
Trích “Phật Giáo Cố Sự Đại Toàn” / Việt Dịch: Diệu Hạnh Giao Trinh