Vừa đọc bài “Hãy bắt tay làm” – Tác giả Diệu Nghiêm từ báo Giác Ngộ online, nơi tâm trí tôi lại hiểu thêm một điều cần thiết của người tu chúng ta trong việc tư duy nhận thức và tu tập chuyển hóa.

Xây dựng một thiên đường hay một Cực Lạc trong mơ rất là tích cực, hoàn hảo, thánh thiện, sạch đẹp, văn minh… nhưng bỏ phế thế giới chúng ta đang là một cách thiếu ý thức và trách nhiệm, như: vứt rác bừa bải, khai thác tài nguyên vô tội vạ, vô cảm với niềm đau nỗi khổ của cộng đồng … thì thiên đàng hay Cực Lạc đó chỉ là mộng ảo với người có tâm như thế.

Thông thường, chữ tu được chúng ta khuyếch đại và nhân cách hóa thành một cái gì rất to tát như một người tu tập cần phải: đoạn tận phiền não, nhập định tham thiền, niệm Phật nhất tâm, ăn uống khắc khổ… tức là những cái “lạ” hơn mức bình thường thì mới đến được Niết Bàn hay Cực Lạc. Mặc dù tu cũng cần ứng dụng như thế nhưng vì những người tu đó, họ đang tưởng tượng một cách máy móc thì liệu họ được gì từ thành quả ấy? Có đến Niết Bàn chăng? Có hết phiền não chăng? Có tự tại sanh tử chăng?… hay những ai càng chứng tỏ sự tu bằng cách ấy thì đôi khi ngã mạn càng lớn, khen mình chê người càng cao, thiếu trách nhiệm với gia đình, xã hội và cộng đồng một cách rõ ràng?

Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy: Chớ khinh việc ác hoặc thiện nhỏ, vì tất cả đều có quả báo nhất định của nó. Vì vậy, bản thân Đức Phật, Ngài không bỏ hành động thiện dù rất nhỏ như việc xâu kim cho người đệ tử mù lòa của mình. Tuy việc nhỏ nhưng lại thể hiện nhân cách và đạo đức hoàn hảo, thánh thiện của bậc Giác Ngộ

Hòa thượng Huệ Đăng, Viện Trưởng Viện Buddha Yoga, từng khuyên dạy học trò “Việc nhỏ chớ bỏ, việc lớn cố làm, không việc chớ bày”, vì từ việc nhỏ nó thể hiện cái tâm rộng lớn” 

Thật vậy, đa phần hư hại việc lớn không phải từ những cái gì to tát mà đôi khi nó là việc rất nhỏ mà mình đã không bận tâm hoặc không nhận ra. Đám cháy rừng kinh hoàng thường không phải bắt lửa từ đống lửa lớn mà đôi khi chỉ là một tàn thuốc; vỡ đê đập, đôi khi chỉ bắt đầu từ một lỗ nhỏ mà không được khắc phục kiểm soát; sập giàn giáo sàn đổ bê tông phần lớn bắt đầu từ một cây chóng đỡ cẩu thả của người làm công hay sự chủ quan của người giám sát… Cũng vậy, những phá hoại và tổn thất nghiêm trọng đôi khi xuất phát từ sự cẩu thả chủ quan từ trong ý niệm của các cá nhân hay tập thể vì nghỉ rằng nó là việc nhỏ.

Vứt Rác Đúng Cách Cũng Là Chân Tu

► Tôi đã sai khi từng vịnh cớ vào câu: “Người tận tụy với việc nhỏ thì thường trở nên bất lực với việc lớn”. Câu này cũng phản ánh đúng một phần cho những người lãnh đạo quá nhiều việc nên không thể ôm đồm từng chuyện vặt. Nhưng một người lãnh đạo mà thận trọng từ việc nhỏ, quan tâm đến chuyện nhỏ (dù là một cử chỉ bất thường của nhân viên dọn phòng cho mình) thì sẽ hạn chế gần như tuyệt đối việc thất bại hay đổ vỡ việc lớn.

Vì là một cọng rác (chai nhựa, bịt nylon…) chúng ta thấy quá bình thường, vặt vãnh. Nhưng nhiều người cho bình thường, vặt vãnh lại trở thành thảm họa lớn cho toàn cầu: Các sinh vật biển chết thảm vì thứ bình thường này, đất đai chai lỳ không trồng trọt được cũng do chuyện vặt vãnh này, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng liên quan đến chuyện vặt vãnh này, và thành phố Hồ Chí Minh luôn trở thành biển nước ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ gia đình cũng được góp phần từ những chuyện vặt vãnh này!?

Chính vì vậy, tại Đài Loan, sư bà Chứng Nghiêm đã thành lập hơn 5000 trung tâm thu gom rác thải và tái chế thành những sản phẩm cứu trợ của Hội Từ Tế trên toàn cầu: mền, dép, giỏ xách, dù, áo mưa… vừa cải thiện môi trường vừa làm lợi ích cho biết bao người.

Người vĩ đại thường cẩn thận và hoàn hảo từ việc nhỏ.

Nếu mọi người, nhất là người Phật Tử luôn có cái tâm trong từng hành động, dù vứt đi một miếng rác trong chánh niệm, ý thức rất rõ hành động vức rác bừa bãi, không đúng quy định sẽ góp phần tác hại đến môi trường, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, làm xấu đi hình ảnh đường phố, làm nhọc thêm những người lao công, hậu quả là khổ đau cho một cộng đồng… Chỉ cần có lương tâm từ một hành động nhỏ thì lợi ích cho mình cho người lớn biết chừng nào; bằng ngược lại, thiếu chánh niệm, cẩu thả, thiếu ý thức từ việc nhỏ ta đã làm nên tội lớn rồi!

Đạo đức đang xuống cấp, tệ nạn phát sinh nhiều, mất đạo đức trong chốn học đường, hành vi tiêu cực trong các mối quan hệ gia đình và xã hội… đều do nhiều thế hệ chúng ta đã xem thường những việc nhỏ trong việc giáo dục hành vi đạo đức, tính lương thiện, hiếu thảo, tình người, lòng bao dung, bảo vệ môi trường… trong đời sống hằng ngày mà nên.

♦ Đã đến lúc, muốn đất nước văn minh, xã hội đạo đức thuần lương hơn… là việc lớn, nhưng cả cộng đồng chúng ta cần phải biết quay về với cái gốc của các vấn đề, dù việc rất nhỏ,  hầu mong góp phần cải thiện các vấn đề lớn lao trong xã hội khi vẫn chưa quá muộn.

>>> Nghe thêm bài giảng: Hãy Bắt Đầu Từ Việc Nhỏ