Con người thì luôn bị bản năng dục vọng chi phối điều động, luôn bất an, bức xúc, từ chuyện làm ăn, tạo dựng địa vị xã hội cho đến tình nghĩa vợ chồng con cái đều nóng bức như cái lò lửa, gọi là phiền não trược. Nhận thức của con người thì đầy những sai lầm về những giá trị sống, coi trọng tiền tài hơn tình nghĩa, vật chất hơn tinh thần, lấy sự lừa đảo dối trá như là lẽ sống được nhiều người chấp nhận, coi đó là khôn ngoan, thông minh, biết sống…, gọi là kiến trược hay văn hóa trược. Mạng sống con người luôn bị đe dọa bởi tai ương hoạn nạn, bệnh tật nan y, môi trường sống trở thành tác nhân nguy cơ của sinh mệnh, tuổi thọ không cao, gọi là mạng trược. Con người xã hội cũng đầy phức tạp bất an, ích kỷ hại nhân đến nỗi người xưa đúc kết lại như là một thái độ sống đừng tin tưởng vào một ai:“Dò sông, dò biển dễ dò/Nào ai bẻ thước mà đo lòng người”, đó gọi là chúng sanh trược. Sự xấu ác hiện hữu trong mọi góc cạnh của cuộc sống nên kinh Phật gọi thế giới này là ngũ trược ác thế.
Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy các Phật tử cần có cái nhìn rõ về bản chất của đời sống. Ngài dạy: “Nhìn đời như bọt nước/Nhìn đời như ảo ảnh/Hãy nhìn đời như vậy/Thần chết không bắt gặp” (PC,170). Đây là một phương pháp quán chiếu về thực chất của cuộc đời để vượt qua thế giới trược uế này, cách nhìn thế giới là ô trược trong kinh A Di Đà cũng có tác dụng “Thần chết không bắt gặp” như vậy. Sự nhận thức đưa đến thấy rõ sự thật bao giờ cũng có tác dụng giải thoát khỏi các ảo ảnh. Thông thường ta sợ hãi vì ta không thấy rõ, khi thấy rõ rồi thì không còn sợ nữa, giống như khi ở trong một căn phòng tối, ta cảm thấy sợ hãi nhưng khi bật đèn sáng thì ta không còn sợ nữa, lý do đơn giản là vì ta thấy rõ sự vật nên nỗi sợ tan biến. Cũng vậy, khi quán chiếu về thế giới nếu thấy rõ thực chất của nó ta sẽ thoát khỏi sợ hãi, bất an. Không còn sợ cái chết nữa thì gọi là “Thần chết không bắt gặp”. Ta không sợ chết do: Một là, biết rõ sự chết là quy luật tất yếu không ai tránh được, đây là một định luật, sợ cũng vô ích nên không sợ nữa mà có thể sống chung với chúng. Hai là, sự tham muốn bám víu vào đời sống không còn mạnh nên thoát ra mọi trói buộc của tham lam, chấp thủ; tâm đã không tham thì thoát khỏi vòng sống chết. Tiêu điểm của vấn đề là nhận thức đúng, còn gọi là tuệ quán. Khi thấy rõ thì không bị dao động, khi tâm không còn bị tác động bởi những thăng trầm của cuộc đời thì tâm đạt được bình an, tâm bình an thì thế giới bình an. Cách dùng tuệ quán để vượt qua sống chết có thể gọi đó là vãng sanh Tịnh độ theo đạo lý “Tâm tịnh độ tịnh” trong kinh Duy Ma.
Công thức giải thoát trong Kinh tạng Nguyên thủy, thường đề cập như sau: Biết rõ đưa đến nhàm chán, nhàm chán đưa đến ly tham, ly tham đưa đến đoạn diệt, đoạn diệt đưa đến Niết-bàn (Kinh Trung Bộ). Pháp môn Tịnh độ cũng có phương thức để đạt được vãng sanh Tịnh độ tương tự ở bước đầu: Trước hết, phải có cái nhìn về cõi Ta bà là uế trược và nhàm chán chúng, sau đó hướng tâm về thế giới trong lành mát mẻ của cõi Tịnh độ, tiếp theo là phát nguyện tha thiết nương vào nguyện lực của Đức Phật A Di Đà để thoát khỏi Ta bà, vãng sanh Tịnh độ. Căn bản của vấn đề là giác ngộ về bản chất của đời sống, chính sự giác ngộ ấy làm cho lòng tin được tăng trưởng và tâm nguyện của hành giả tương ứng với nguyện lực của Phật, đây là một công trình lớn lao và khó nhọc; vì vậy, không thể nói hành giả Tịnh độ hoàn toàn nương vào tha lực. Sự khác biệt về con đường tu tập trong đạo Phật không phải là sự khác biệt căn bản của lộ trình mà là sự khác biệt về xu hướng tâm thức hay còn gọi là sự khác biệt về căn tánh của chúng sanh.
Cõi Tây phương ở đâu? Trong một tác phẩm nghi lễ Phật giáo có hai bài kệ nói về Tịnh độ ở đâu, như sau:
1- “Mạc đạo Tây phương cận/Tây phương thập vạn trình/Di Đà thùy tiếp dẫn/Vô tử diệc vô sanh“. Tạm dịch: Chớ bảo cõi Tây phương là gần, hành trình về Tây phương xa xôi đến mười vạn dặm đường. Đức Phật A Di Đà thương mà tiếp dẫn mới giải thoát khỏi tử sanh.
2- “Mạc đạo Tây phương viễn/Tây phương tại mục tiền/Thủy lưu quy đại hải/Nguyệt lạc bất ly thiên”. Tạm dịch: Chớ bảo cõi Tây phương xa xôi, cõi Tây phương ở ngay trước mặt. Như nước chảy về biển cả, như trăng lặn không ra khỏi bầu trời.
Bài thứ nhất, nói lộ trình về Tịnh độ rất xa, con số tượng trưng là mười vạn dặm, cần được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn để đạt đến chốn không tử không sanh. Như vậy, yếu tố chính để về Tây phương là nhờ Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn. Bài kệ này nhấn mạnh về tha lực. Có sách lý giải rằng, đi về Tây phương phải trải qua 10 vạn dặm đường là tượng trưng cho 10 căn bản phiền não, mười vạn là nói đến những biểu hiện vi tế của 10 phiền não trên. Ý nghĩa là, khi chưa đi qua 10 căn bản phiền não thì Phật chưa tiếp dẫn được, phải vượt qua 10 vạn dặm phiền não thì cảm ứng được với Phật; hoặc có Phật tiếp dẫn thì mới đi qua được 10 căn bản phiền não, cả hai nghĩa đều đúng. Nhưng nghĩa thứ hai khiến người ta quan tâm hơn, vì phiền não quá nhiều nên để vượt qua chúng đòi hỏi nhiều công phu và thời gian, chưa kể chuyện bị lầm đường lạc lối, được Đức Phật tiếp dẫn đi và được sống trong môi trường thanh tịnh thì mới mau chóng và không lầm lạc, dễ dàng và chắc chắn.
Bài thứ hai, nói lộ trình về Tịnh độ không xa, thậm chí là rất gần, ngay trước mắt. Bởi lẽ, cõi Tây phương chính là cõi tâm của mình, cõi tâm ở đây chỉ cho bản tâm thanh tịnh của mỗi chúng sanh. Trăm sông đều về biển cả, sông thì nhiều và hẹp nhưng nơi có thể dung nhiếp tất cả là biển rộng mênh mông, cũng như trăng mọc rồi trăng lặn, dù mọc hay lặn trăng cũng không thoát khỏi bầu trời bao la. Biển cả mênh mông hay bầu trời bao la chính là cõi tâm thanh tịnh, là bản thể an bình của vạn loại chúng sinh. Phật cũng ở tâm, chúng sanh cũng ở tâm, có sự khác biệt về thể tướng nhưng không có sự khác biệt về thể tánh. Vậy, Tây phương chính là tâm thanh tịnh của mỗi người.
Nói Phật tại tâm hay nói Tâm tịnh độ tịnh là nói về lý lẽ, nhưng làm cho Phật hiển lộ ở trong tâm hay tâm được thanh tịnh để có cảnh tịnh, cần phải có công phu tu tập lâu dài. Con đường tu tập ấy có hai yếu tố cần thiết là: đúng chân lý và thiện tri thức trợ duyên. Điều này, không chỉ đúng trên con đường đạo mà đúng cả trong cuộc sống đời thường, nếu ta hoạt động mà không phù hợp với quy luật vận động thì sẽ thất bại và nếu hoạt động mà không có môi trường cũng như con người trợ giúp thì cũng thất bại. Hai bài kệ đều đúng vì nói lên hai yếu tố “lý” và “cơ” ở trên. Tâm phải tịnh thì cảnh mới tịnh là đúng chân lý, tịnh hay không tịnh do tâm. Nhưng nếu không có môi trường tu tập thuận lợi thì sự tịnh tâm khó bền vững, con người luôn có tính xã hội nên yếu tố tha lực đóng vai trò rất lớn trong vấn đề hình thành nhân cách và định hướng cuộc đời. Trên con đường tu tập ngoài nỗ lực cá nhân, nếu được Đức Phật và cộng đồng Thánh chúng trợ duyên thì sự thành tựu là chắc chắn.
Tóm lại, vãng sanh về Tịnh độ cần nhất tâm và có sự tiếp dẫn; khi có nhất tâm thì có cảm ứng tiếp dẫn của Phật, như người xưa thường nói: “Ái bất trọng bất sanh Ta bà/Niệm bất nhất bất sanh Tịnh độ”, cả hai yếu tố thực chất chỉ là một thôi. Mỗi người đều có khả năng làm hiển lộ Đức Phật trong tâm khi ta nhớ Phật, hướng tâm về Phật trong mọi hoạt động của mình. Và ý nghĩa của vãng sanh chính là đi qua cuộc sống ô nhiễm, sống với cuộc sống thanh tịnh an vui, từ ác thế chuyển hóa thành thiện thế bằng cách tịnh hóa cõi tâm.
Thích Viên Giác
(Giác Ngộ)