Truyền thuyết rất cần, nhưng hãy tỉnh giác
* Mùa Vu lan, dân gian vẫn gọi là mùa báo hiếu. Với những người tu hành như các thầy, có thấy mỗi năm mỗi khác?
– Có khác, khác về cách thể hiện. Điều đó cũng hợp lý thôi. Cuộc sống là vậy, như một dòng sông. Nếu dòng sông không chảy nữa thì đó là dòng sông chết.
* Khác như thế nào, thưa thầy? Dường như càng khó khăn về kinh tế, bế tắc về cuộc sống, người ta càng tìm đến đạo nhiều hơn. Hình ảnh mỗi rằm hay mồng một, người đi chùa chen chúc, khói hương ngạt ngào với các thầy có phải là một tín hiệu vui?
– Đó là nhu cầu bình thường của con người. Với người Phật tử, mọi nhu cầu về sự cầu nguyện đều đáng được tôn trọng, có điều làm sao để nhu cầu của mình không ảnh hưởng xấu, gây hại cho bản thân, người khác và môi trường. Chứ mình chỉ biết mình, chỉ chăm chăm lợi ích của mình, dù điều đó được thể hiện qua việc thực hành tín ngưỡng và sự cầu nguyện thì cũng không nên.
Thế thì có vui không trước hiện tượng đó? Và nếu có chắc chắn cần phải có sự hướng dẫn. Ai nói thực hành tín ngưỡng, tôn giáo là không cần giáo dục?
* Những triết lý của Phật giáo rất khoa học, nhưng đôi khi lại được dẫn dụ bởi những màu sắc đậm tín ngưỡng, bằng nghi thức, bằng truyền thuyết… Như lễ Vu lan thì lập đàn chay cúng ở chùa hay cả phong tục cúng cô hồn mà theo chuyện nhà Phật thì được thả ra nhân xá tội vong nhân… Theo thầy, tại sao những điều đó lại cần thiết?
– Có khi một hủ tục được gắn cho cái mác là truyền thống văn hóa dân tộc. Như tục chém lợn, giết trâu… diễn ra hằng năm ở nhiều nơi trong mùa lễ hội. Nhưng chúng ta cũng cần tỉnh thức, đừng vì thế mà vơ đũa cả nắm, quy chụp mọi thứ mình không thích, hoặc chưa hiểu biết một cách tường tận là hủ tục.
Nhiều lễ nghi trong mùa Vu lan, chẳng hạn như lễ cúng cô hồn, phóng sinh, ủy lạo cho người khó khăn… là rất tốt và đầy chất nhân văn. Truyền thuyết rất cần, như thể chúng ta cần một tinh thần, một biểu tượng của Thánh Gióng; nhưng việc lấy máu của một con vật nào đó để cầu may là quá tàn nhẫn, dù việc đó được truyền lại từ xưa và được một nhóm người cổ vũ.
Tôi nhớ trong kinh Đức Phật đã từng nhắc nhở các đệ tử của ngài là hãy tỉnh giác, đại ý rằng đừng vội tin vào điều gì đó mà mình chưa có sự hiểu biết, thực nghiệm, dù điều đó được người có uy tín trong xã hội nói, được đám đông ủng hộ, được ghi trong kinh điển, được truyền lại từ xa xưa… và thậm chí là điều được Đức Phật nói.
* Nhưng chữ hiếu đâu phải đợi đến mùa Vu lan, đúng không ạ?
– Chữ hiếu vô cùng quan trọng, là giá trị căn bản để hình thành nên nhân cách con người. Đạo Phật luôn đề cao chữ hiếu, xem đó là phẩm tính cao nhất, đẹp nhất, đến nỗi chính Đức Phật là người làm gương, “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.
Hiếu thảo là sự sống biểu hiện qua từng suy nghĩ, lời nói và việc làm hằng ngày của con cái đối với cha mẹ, ông bà, không phải đợi đến mùa Vu lan mới thể hiện. Chúng ta thường có tâm lý là đền đáp công ơn cha mẹ, trả hiếu… và đôi khi cảm thấy bổn phận nặng nề, coi hiếu là việc phải làm, nhưng quên rằng đó cũng là “quyền lợi” của chúng ta.
Khi chúng ta chăm sóc cha mẹ, về cả tinh thần lẫn vật chất, chúng ta nhận lại rất nhiều, một món quà vô giá, đó là hạnh phúc, sự thanh thản, bình yên. Đời sống là bất toàn. Tôi nhớ có đọc một câu chuyện về Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV, người được trao giải Nobel hòa bình năm 1989, trả lời câu hỏi Điều gì khiến ngài ngạc nhiên nhất về nhân loại? – Con người! Ngài nói liền không một chút đắn đo.
Ngài nói thêm: Con người thật buồn cười, họ dốc hết sức khỏe để kiếm tiền, rồi khi già lại bỏ tiền ra để đổi lấy sức khỏe. Họ thường nghĩ quá nhiều về tương lai mà chẳng an trú hiện tại và không nghĩ rằng mình sẽ chết. Cuối cùng, có người chết mà chẳng bao giờ sống, không có hiện tại lẫn tương lai.
Cũng vậy, có người khi cha mẹ còn sống vì nhiều lý do đã không có sự chăm sóc, thăm hỏi mà mải lo mưu sinh, làm giàu, lo công danh sự nghiệp, đến khi cha mẹ qua đời mới bùi ngùi thương tiếc.
Trong Phật giáo có rất nhiều kinh điển nói về cách báo hiếu đối với cha mẹ. Một người con lo chăm sóc cha mẹ về mặt vật chất, thật đầy đủ, sung túc không được gọi là người con có hiếu. Hiếu còn được thể hiện qua việc chăm sóc về mặt tinh thần, nhận thức, tâm linh.
Can ngăn cha mẹ làm việc ác, bất chính, gây hại cho bản thân, cho người khác và xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chữ hiếu.
Làm người – một trong những điều khó nhất
* Thưa thầy, để sống như một Phật tử mà vẫn không từ bỏ trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội… thì những phẩm chất cần có là gì và những điều gì có thể… du di?
– Câu hỏi khó với tôi. Thường thì chúng ta hay du di, độ lượng với mình và khắt khe với người khác.
* Đi tu là rũ bỏ gia đình, rũ bỏ đời để theo Phật. Vậy với những người tu hành, chữ hiếu có còn tồn tại?
– Theo tôi, đi tu, hay làm gì nữa, trước hết và cả sau cùng vẫn là con người. Theo Phật cũng là để làm người, học Phật và thực hành Phật pháp cũng để làm người. Đạo Phật xem làm người là một trong những điều khó nhất. Thân người là quý. Bởi đó là căn bản cho sự tu hành, có được sự giải thoát, tự tại giữa các ràng buộc. Mà con người thì ai sinh ra nếu không phải là mẹ cha?
Tuy nhiên, hiếu của người xuất gia, nói một cách đúng nghĩa, không chỉ đối với cha mẹ trực tiếp sinh ra mình, mà rộng hơn nữa là đối với tất cả chúng sinh. Vì đạo Phật quan niệm rằng trong luân hồi, ai cũng có thể từng là cha mẹ của mình cả. Khi con người không hiếu với cha mẹ sinh ra mình thì làm sao hiếu được với ai khác nữa.
* Người trẻ ngày càng nhiều người theo đạo Phật, bắt đầu từ những điều đơn giản gần gũi như ăn chay, tập yoga, đi chùa trước khi quy y tam bảo. Phật giáo VN có quan tâm đến họ không và để thấu hiểu họ, các thầy đã làm gì?
– Những người tìm đến với đạo Phật với nhiều mục đích khác nhau, có ý thức, tình cảm tôn giáo, hoặc lý do sức khỏe, dưỡng sinh, thỏa mãn nhận thức, lối sống… Tôi nhớ một định nghĩa về đạo Phật trong bài viết “Đạo Phật là gì?” của một vị thầy tên là Yeshe.
Tôi xin trích đoạn đầu: “Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí chính bạn. Thay vì đề cao một thực thể cao cả siêu nhiên nào đó, Phật giáo chủ trương tập trung vào những vấn đề thực tiễn của con người, cách hướng dẫn cuộc sống, cách điều hòa thân tâm và tạo một đời sống an bình hạnh phúc cho con người. Nói cách khác, Phật giáo luôn nhấn mạnh những vấn đề mang tính thực nghiệm và khả thi trong hiện tại hơn là những quan điểm mang tính luận lý, xa rời thực tế. Thật ra, chúng ta cũng không nên xem Phật giáo như là một tôn giáo mang nặng màu sắc tín ngưỡng theo cách hiểu của phương Tây. Giáo lý đạo Phật vừa sâu sắc vừa thực tế vượt hẳn những ngành khoa học, triết học hay tâm lý học thế tục”.
Đạo Phật là một lối sống, với người có nhận thức sâu sắc hơn thì là đức tin, hoặc đơn giản chỉ là truyền thống gia đình, cảm tình… Bởi thế, trong đạo Phật có thành ngữ “Tám vạn bốn ngàn pháp môn – con đường thực hành”, những liệt kê trên chỉ chưa đếm hết trên đầu mười ngón tay.
* Vậy chữ hiếu ngày nay phải hình dung ra sao nếu các thầy truyền dạy cho những người trẻ tuổi?
– Nói bằng ngôn ngữ của người trẻ. Đừng bắt người trẻ phải nhớ và cố gắng hiểu ngôn ngữ của người già.
Cảm ơn thầy đã chia sẻ.
Cát Khuê (thực hiện)
(Tuần san Tuổi Trẻ Cuối Tuần)