Tối hôm ấy, một buổi tối mưa gió bão bùng cách đây năm năm, gia đình ông Hoàng tề tựu đông đủ, trên dưới hai mươi người già trẻ lớn bé của ba thế hệ.
Họ mở một cuộc họp quan trọng, nói cho đúng hơn là một toà án gói gọn trong phạm vi gia đình, tuyệt nhiên không cho một người ngoài tham dự hoặc hay biết một chút thông tin nào. Chỉ trừ một người không hề chung huyết thống, đó chính là dì Sen, người giúp việc trung thành đã nhiều năm qua cho gia đình ông Hoàng đại phú gia, chủ một tiệm vàng lớn nhất nhì thành phố. Đó là một buổi tối mà dì Sen không bao giờ quên được, khi chết chắc có lẽ dì cũng mang theo cùng…
Như một bị cáo ra trước vành móng ngựa, dì Sen quỳ dưới nền gạch hoa giữa đại sảnh, chung quanh là những người gia chủ kẻ đứng ngồi đều mang gương mặt lạnh lùng và não nề thất vọng. Dì bị kết tội ăn cắp vàng, đến hai mươi lượng “Rồng Vàng”, sau khi gia chủ lục soát rương hòm riêng của dì thấy được số vàng ấy. Đúng ra là mất đến hai mươi hai lượng. Hai lượng còn lại bay đi đâu, hiện cất giấu ở đâu chính là điều cả gia đình ông Hoàng muốn biết. Họ bắt dì khai, nhưng dì chỉ biết khóc kêu oan. Dì cho rằng ai đó đã ám hại dì, chơi trò ném đá giấu tay. Gia đình ông Hoàng chia làm hai phe. Một nửa bênh vực cho dì, kể công lao và đề cao tính thật thà chất phác của dì bao năm qua. Nửa còn lại nhất định kết tội và đòi tống khứ người đầy tớ gian manh ra khỏi nhà. Cuộc tranh cãi diễn ra gay gắt. Sau cùng, ông Hoàng với tư cách chủ gia đình quyết định: không khai báo cho công an, xử lý nội bộ để tránh phiền phức, và không đòi lại dì Sen hai lượng vàng còn thiếu, xem như cho dì, cấp thêm cho dì một triệu đồng để làm vốn trở về quê, không bao giờ được quay trở lại nơi mà dì gắn bó cuộc đời suốt hai mươi năm với thân phận gia nhân tôi tớ…
Dì Sen quệt nước mắt ra đi, nhất quyết không nhận một xu hào nào lận túi, chỉ biết nhắn gửi lại một điều: dì mong có ngày được trời cao soi xét, chư Phật và Bồ tát linh thiêng từ bi gia hộ hóa giải cho dì mối oan khuất còn kia, để khi dì có xuôi tay cũng được nhắm mắt yên lòng. Dì luôn luôn và luôn luôn tin rằng có chư Phật, chư thánh chư thiên, như chính dì đã tin vào “Phật Tại Tâm” của mình.
Khi dì rời khỏi nhà chủ, có người đứng tiễn rơi nước mắt, cũng có kẻ bĩu môi khinh bỉ rồi chửi với theo mấy câu độc địa phũ phàng…
Dì Sen mang thân phận hèn mọn lang thang đây đó kiếm kế sinh nhai qua ngày, khi thì ngủ co ro ở chợ, khi thì nằm nghỉ ở công viên, lúc thì chui vào nhà trù của các chùa làm công quả kiếm bát cơm ly nước, không dám về quê nhà ở chốn xa xăm, dù nơi ấy có những tháng ngày yên tĩnh và có bao người thương quý mong chờ mình.
Cách đây gần ba năm, dì Sen gặp được một quý nhân trong một lần đi bán máu, đó là chị Thư-bác sĩ khoa Truyền máu và Huyết học. Dì được mời về giúp việc cho bác sĩ Thư, quán xuyến mọi việc trong nhà như một quản gia vậy. Dì muốn chứng tỏ cho bác sĩ Thư biết là bác sĩ đã không tin dùng lầm người. Một sợi chỉ cây kim bé xíu dì cũng không màng thâm lạm. Chuyện oan khuất xưa kia, dì kể hết cho vợ chồng bác sĩ nghe. Nhằm người chồng của bác sĩ Thư là một cảnh sát điều tra, nên anh ta nổi máu nghề nghiệp muốn đích thân giải oan cho dì…
Chuyện giải oan cho dì chưa biết được tiến hành tới đâu thì cái duyên nợ oái oăm đã ập đến thật ngẫu nhiên, nhưng mãi sau này dì Sen mới nghiệm ra đó là một chuyện có sự sắp xếp hữu ý của duyên nghiệp. Chân lý nhân quả luân hồi của đức Phật không bao giờ suy suyển sai lệch. Còn nói nôm na như người đời, thì dì sẽ ngước mắt nhìn lên vùng mây trắng tít tận cao cao mà thốt: “Trời cao có mắt mà!”.
Nửa khuya hôm ấy, bác sĩ Thư nhận được một cuộc điện thoại của bệnh viện. Bệnh viện đang cần máu. Máu thuộc nhóm quý hiếm. Trong danh sách những người mang nhóm máu quý hiếm mà Trung tâm Truyền Máu và Huyết học cung cấp cho bệnh viện có tên… dì Sen. Bác sĩ Thư biết được điều này sau lần dì Sen đến Trung tâm bán máu lần đầu tiên. Từ khi trở thành người thân của gia đình bác sĩ Thư, dì Sen được mở rộng tầm mắt, hiểu biết thêm nhiều về những giọt máu cứu người, nên luôn luôn gìn giữ sức khoẻ của mình phòng khi hữu dụng. Dì được bác sĩ Thư chở đi ngay vào bệnh viện để cứu một mạng người đang trong tình trạng mành chỉ treo chuông. Oái oăm thay, người nhận máu của dì Sen hiến cho lại chính là… ông Hoàng. Dù đang là một đại phú gia, vàng chất cả rương, tiền chứa cả bồ, nhưng ông Hoàng vẫn không tài nào mua được vài giọt máu quý hiếm để cứu thân mạng mình sau một ca đại phẫu bị xuất huyết. Và dù gia quyến vợ con đông đảo, ông chủ tiệm vàng cũng không xin ai được một vài giọt máu cùng nhóm máu với mình, đừng nói chi đến bốn đơn vị máu quý hiếm! Sự đời oái oăm đến như vậy, ai mà dám nghĩ đến, ai mà tài nghĩ ra?
… Ông Hoàng tai qua nạn khỏi.
Khi ông đại phú gia được xuất viện trở về lại ngôi biệt thự khổng lồ khang trang hoành tráng của mình, ông quyết định cử những người thân uy tín nhất, đánh xe con đến tận nhà của bác sĩ Thư vào một chiều thứ bảy đẹp trời, để xin thỉnh rước dì Sen về lại với đại gia đình của ông.
Ban đầu, dì Sen không chịu về, dứt khoát đòi ở lại với gia đình bác sĩ Thư. Dì vui mừng thì có vui mừng khi đã được cả nhà chủ cũ nhớ đến mình, còn tin dùng mình. Nhưng bấy nhiêu đó thôi thì chưa đủ làm cho dì được thanh thản sống nốt những năm tháng còn lại của đời người. Vụ mất cắp vàng xưa kia vẫn chưa được làm sáng tỏ. Dì vẫn còn là một nghi phạm, nghi phạm số một, nghi phạm duy nhất, vậy thì mặt mũi nào mà sống với những người nghi ngờ nghi nan mình, không hiểu mình, đánh giá mình quá thấp? Không thể sống với một nghi án chưa được phá giải.
Nhưng, do hai vợ chồng bác sĩ Thư đã luân phiên nhau năn nỉ, thuyết phục, và thậm chí còn làm bộ giận lẫy đòi đuổi dì, không muốn chứa chấp dì trong nhà nữa, xem như hợp đồng thuê người giúp việc bị cắt đứt. Dì Sen biết là vợ chồng bác sĩ Thư không hề có ác ý ác cảm gì, mà chỉ muốn điều tốt đẹp an lành đến với mình sau một thời gian dài gặp sóng gió đắng cay. Họ quý dì lắm, bụng đâu có muốn dì đi, mà phải làm bộ “đoạn tình đoạn nghĩa” để đưa dì cái thế không còn đường chọn lựa. Rốt cuộc, dì phải mỉm cười đồng ý, cuốn hành trang giã biệt vợ chồng bác sĩ Thư, để quay trở về nơi cũ đầy kỷ niệm vui buồn… Chuyện tới đâu hay tới đó. Dì chợt nhớ đến mấy câu kệ trong bài phú “Cư trần lạc đạo” của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông mà dì đã từng được nghe Thượng tọa Thích Thông Giải thuyết giảng trong mấy kỳ pháp thoại tại Hải Pháp Ni Tự, nơi dì được nương náu mười ngày để làm công quả phục vụ cho khóa tu Phật Thất của những cư sĩ áo lam:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
đến thì ăn, mệt ngủ liền
Ngọc báu trong nhà thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm hỏi chi thiền!)
Hãy tùy duyên thôi. Dì chỉ biết có vậy, những điều khác còn cao siêu quá, dì không hội đủ trí tuệ để hiểu hết thâm ý. Cứ tùy duyên mà sống, tùy cơ ứng biến, chuyện đến ta tiếp đón, chuyện đi ta tiễn đưa đi, tới đâu hay tới đó, vậy cũng là bản lĩnh rồi, cần chi phải thiền nhập với thiền xuất nữa!
Khi dì Sen vừa đặt chân vào lại ngôi đại sảnh của chủ cũ, người thân của ông Hoàng, trên dưới hai mươi người đã chực chờ sẵn từ trước, đồng loạt quỳ sụp xuống mà lạy trước người tôi tớ hèn mọn mà xưa kia họ đã đuổi đi sau một vụ mất cắp chưa được làm sáng tỏ. Họ sụp lạy một cách chân thành, không chút tuồng kịch giả tạo, khiến cho dì phải bật khóc mà quỳ xuống lạy trả. Một cảnh tượng hiếm hoi, có chút kỳ quặc, có lẽ xưa nay trong phim ảnh cũng chưa từng có diễn ra…
Bấy giờ, người con trai út của ông Hoàng vì ray rứt ăn năn bao năm, nay lại biết ơn cứu tử của dì Sen dành cho cha mình, nên đã thú nhận mọi tội lỗi. Chính anh chàng út ham chơi bời phóng túng này đã cạy tủ lấy vàng, nhưng không dám lấy hết đến hai mươi hai lượng, mà chỉ lấy hai lượng để đi vui chơi Vũng Tàu với lũ bạn choai choai học đòi…Vì vậy anh chàng mới nghĩ ra cách mang số vàng còn lại giấu vào rương của dì Sen để phủi tay chạy tội. Khi dì Sen bị ra trước “toà án gia đình” của mình, chàng út đã lên tiếng bênh vực cho dì, và cũng chính anh chàng là một trong những người ra đứng trước cửa tiễn dì ra đi với nước mắt chảy ngược vào trong…
Vậy là một kết cục có hậu: Dì Sen đã được giải oan, trở lại sống thoải mái an nhiên trong ngôi nhà mà trước kia dì bị tống khứ ra khỏi như một con hủi hèn mọn.
Dì đã trở về như một vị nữ anh hùng.
Và, dì nhớ không lầm, khi cuốn hành trang chia tay giã biệt lần vừa rồi với nơi nương náu gần ba năm trời, cũng có người đứng phía sau tiễn dì với nước mắt lưng tròng. Những giọt nước mắt của bác sĩ Thư chất chứa đầy niềm vui và nỗi lưu luyến khôn nguôi…
Tâm Không Vĩnh Hữu