Chỉ có cái khóc và cười thôi cũng làm cho cả đời người loay hoay mệt nhoài với nó. Một ngày, tôi mơ, một giấc mơ chiêm nghiệm sự hiển hiện cái sự khóc, sự cười của cuộc đời tôi, hai từ khóc cười đó dệt nên một tấn kịch cuộc đời vừa bi, vừa hài, chỉ có hai sự khóc cười, không thêm, không bớt, không có sự khởi đầu và phải chăng nó không có sự kết.
Không biết tôi đã khóc cười từ khi nào, chỉ biết ngày nọ, trong một gia đình có đủ cả cha và mẹ, tôi đã khóc để chào đời trong cái cười rạng rỡ hân hoan của cả cha lẫn mẹ, thật nực cười là khi sinh ra, mọi người cười còn tôi thì khóc, có lẽ là tôi đã linh cảm rằng đây là màn khóc để khai màn mở kịch thôi chứ cuộc đời đâu chỉ có khóc! Đằng sau đó còn có cả tiếng cười vui nữa chứ không chỉ có khóc, tôi nhớ bài thơ Nghinh Nguyên đã tả:
Ngỡ ngàng chăng?
Lỡ làng chăng?
Một kiếp người!
Chưa mở mắt đã thấy đời buồn đau
Chào đời tiếng khóc theo sau
Ấu thơ điểm xiếc sắc màu ưu tư
Oe..oe ..điệp khúc mãi ru
Tiếng chào đời đó – thiên thu kiếp người
Chào đời ta khóc – người cười
Sống khi nhắm mắt
Ta vui
Đời còn..?
Tôi chẳng thể biết sinh ra là để cười hay để khóc, để lại ưu tư phiền lo cho đời hay để lại niềm vui cho đời. Thế rồi sau màn khóc đó, tôi được chăm bẵm, tôi nhận ra thế giới xung quanh nhiều điều thú vị, những khi được mọi người xung quanh nựng nịu, pha trò, tôi đã biết cất tiếng cười, tiếng cười khanh khách, ngây thơ chưa hàm chứa sự toan tính nào và những khi tôi thấy trong người khó ở mà không biết nói, tôi lại khóc ré lên để bày tỏ sự ấm ức, cứ như vậy, tôi lớn dần lên cùng với sự cười khóc trong vòng tay của cha mẹ.
Tôi hân hoan đón nhận niềm vui cuộc sống của đời con trẻ, khóc cười liên miên ngày qua ngày, hết khóc lại cười được ngay, nhà tôi thường nói: Mày đúng là đồ giòn cười – tươi khóc! Thế rồi niềm vui con trẻ không được bao lâu, cuộc chiến tranh biên giới phía bắc 1979 nổ ra, cha tôi qua đời, nghe mẹ khóc, bà khóc, dì khóc….tôi cũng đã buồn khóc dù cho giọt nước mắt đó chưa thấu hiểu được cái cảnh tử khổ của đời người, chưa hiểu thế nào là biệt ly khổ, chưa hiểu thế nào là sự mất mát, nhưng tôi đã khóc…
Đến bây giờ tôi đã hiểu:
Có mất mát nào bằng, khi con trẻ mất cha
Đầu trắng khăn tang, gọi cho trong vô vọng
Cha ở nơi đâu, sao cha vẫn còn ngủ mãi
Thức dậy đi cha, đưa con kịp đến trường.
Than ôi, có nỗi đau nào bằng nỗi đau ly biệt
Có mất mát nào bằng khi vĩnh biệt người thân !
Chiến tranh kết thúc, nhà tôi quay về nơi cũ sinh sống, tôi lại cắp sách đến trường trong tiếng cười ngây thơ của con trẻ, cười rộn rã khi được cô cho điểm chín mười, khóc thút thít khi điểm kém bị mẹ rầy la, cứ cười, cứ khóc qua cái tuổi học đường mà không mảy may toan tính vọng cầu.
Cái sự học của tôi bắt đầu gián đoạn khi tôi học hết phổ thông lớp 12, vì gia cảnh nên tôi không muốn học tiếp, tôi quay về nhà giúp mẹ làm nông nghiệp, vui cười như địa chủ được mùa và buồn với cảnh mùa mất, tôi bắt đầu cảm nhận được cái sự mưu sinh khổ, làm lụng vất vả mà chẳng đi đến đâu, nhưng dù sao cái cảnh nhà nông cũng ít mưu toan vọng cầu, nên cuộc sống cứ êm đềm trôi đi, tôi trưởng thành dần trong cái thôn quê miền núi đó.
Rồi một ngày nọ, chú rể tôi làm công chức trên huyện, vì thương gia cảnh tôi, chú hướng cho tôi đi học tiếp, tôi lại lên đường về Hà Nội đi học chuyên nghiệp theo ngành của chú tôi, cuộc đời sinh viên kể ra cũng vui, những lúc vui là những khi có tiền nhà gửi, hay những lúc tôi đi xay đá thuê kiếm chút tiền công về, bạn bè gặp gỡ, những lúc buồn là lúc nhớ nhà, hết tiền, nhịn đói ngủ từ sáng đến tối, đến câu nói cũng tiết kiệm sợ tốn kalo, rồi vui vì có người yêu, rồi buồn khi thất tình, cứ buồn, cứ vui rồi cũng đến ngày ra trường.
Cầm tấm bằng về nhà trong niềm vui hân hoan, thứ nhất là hết chuyện buồn lo vất vả đời sinh viên, thứ hai là đón nhận tương lai mới, tôi còn đi một vòng để hưởng thụ cái niềm vui đó cho trọn vẹn rồi mới về quê. Tôi về quê chờ đợi, một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng…nóng lòng chờ tìm việc làm, chờ mãi không được tôi buồn lắm, tôi bỏ đi lên rừng đốt than củi bán, đi xẻ gỗ kiếm tiền, làm đủ mọi việc mong kiếm cuộc sống tốt hơn, thế rồi cũng bắt đầu kiếm được chút tiền bán gỗ, anh em vui lắm, rồi một ngày nọ, ông anh họ đem bán tất cả gỗ lạt, đồ nghề của bọn tôi tiêu xài mà chẳng trả đồng nào, tôi lại quay về với cái cảnh mùa màng nhà nông, đúng là “Chưa vui lại thật là buồn”!.
Hơn một năm trôi qua, chú tôi xin cho tôi được một công việc trong cơ quan nhà nước, tôi vui lắm, từ bây giờ mình thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, có thể ngẩng mặt với đời, thế rồi tôi cắp tráp đi làm công sở, những ngày đầu thật là vui trong sự chào mừng xã giao, mọi thứ đều mới mẻ, một ngày, hai ngày…tôi bắt đầu hiểu rõ sự mệt mỏi, áp lực công việc đè nặng, mối quan hệ nhằng nhịt, tôi bắt đầu lo, lo mình bị thất thế, lo bị thủ trưởng thù ghét, lo tranh giành, gạt mối lo sang một bên tôi bắt đầu phấn đấu có một vị trí tương đối tốt, làm việc năng động, tôi được cơ quan chú ý nâng đỡ, niềm vui đó chưa được bao lâu, tôi bị bệnh tràn dịch phổi, nằm viện mất một năm, bao nhiêu toan tính, cơ hội thăng tiến tan thành mây khói, những ngày nằm viện thật cực nhọc, tôi mới thấu hiểu thế nào là bệnh khổ.
Sự nghiệp mờ mịt trước mắt, nỗi đau thân xác giằng xé, những khi một mình nghĩ lại sự đời mà nước mắt cứ giàn dụa. đúng như lời một bài thơ nào đó đã tả:
“Bệnh tật đeo theo để khổ đời
Con người vì bệnh phải mòn hơi
Bệnh xui quân tử không tròn chí
Bệnh khiến nam nhi phải lỡ thời
Bệnh chuyển trần gian thành địa ngục
Bệnh mờ non nước áng mây trời
Phải chăng không bệnh là hy hữu
Nên mộng xuân hồng phải tả tơi”.
Phải nói rằng tôi cũng là một con người đầy nghị lực, sau cơn bệnh tôi ra viện về nhà, tôi dùng hết sức bình sinh tập luyện, quên đi những cơn vật vã, rồi tôi cũng vượt qua hoạn nạn, tôi quay lại cơ quan làm việc hết mình, chính những cơn hoạn nạn đã rèn tôi thêm ý chí, tôi lại bắt đầu cũng cố được vị trí, rồi tôi được cất nhắc lên một vị trí lãnh đạo, lấy vợ, tích góp mua được nhà, cuộc sống thật là vui khi khổ đau qua đi.
Tôi được làm cha khi vợ chồng tôi sinh bé gái xinh xắn, ngày con cất tiếng khóc chào đời là ngày tôi cười reo vui, con tôi lớn dần, nó cũng vừa khóc vừa cười như tôi ngày nhỏ, còn tôi làm cha cũng vừa cười vừa khóc, những lúc con khỏe thì cười, những lúc con ốm đau lại buồn, cứ vậy cuộc sống gia đình lo toan bộn bề, nhưng dù sao cũng ổn định, có thu nhập kha khá.
Rồi cái cười chưa được bao lâu, chợt một ngày nọ tôi thấy người đau khó chịu, tôi đi khám viện K, tôi đã khóc ròng một mình khi người ta đưa cái kết quả dương tính, ung thư thì khác nào treo cho tôi cái án tử hình, tôi giấu gia đình, chỉ nói là tôi bị khối u, vì tôi biết dù có cho mọi người biết thì cuộc sống của tôi cũng chỉ thế thôi, trong cái bệnh khổ tôi bắt đầu liên tưởng đến mình, con thì còn nhỏ, mẹ già, anh em thì nghèo, mọi sự chán chường, khổ chồng lên khổ, một lần nữa cái khổ lại như lời thách đố với cái thân tôi.
Tôi quyết tâm không chịu đầu hàng, tôi chạy chữa khắp nơi, nghe đâu chữa đó, tôi bắt đầu tiêu tán tiền tài cho chữa bệnh, của cải, nhà cửa dần ra đi theo con bệnh, tôi phải thuê nhà để sống, công việc cơ quan tạm gác lại, có những lúc trong tay không còn một đồng phải chạy vạy vay mượn khắp nơi kiếm tiền chữa trị, càng chữa nó càng đi đến đường cụt, phát sinh thêm hết bệnh nọ đến bệnh kia, một ngày tôi thực sự chán nản, nghe theo chị nói có vị Hòa thượng trụ trì tu hành miên mật, có khả năng hướng dẫn chữa bệnh, tôi tìm đến xin vào chùa ngồi thiền với niềm hy vọng cuối cùng nhỏ nhoi, tôi gặp sư trưởng, tôi ngỏ ý xin sư cho tôi vào chùa một thời gian, dù có không giảm bệnh cũng là chút an ủi cuối cùng trong cuộc đời tôi vậy.
Sư trưởng đặp tay lên đầu tôi, tự nhiên tôi thấy một niềm an lành tràn ngập cơ thể, tôi nghe giọng sư trầm ấm bên tai: ” Bệnh ở tại tâm con ạ, nghiệp đời nặng như trái núi trước mặt, an tâm thì an bệnh!”.
Tôi thấy an lòng, tiếng chuông chùa lẳng lặng bên tai làm cho tâm tôi lắng dịu, sư chọn cho tôi một cái cốc cạnh chùa hàng ngày tôi ngồi tĩnh tâm điều hòa hơi thở, cứ vậy, ngày hai bữa cơm chay và ngồi thiền, tôi ngồi quên đi thời gian, từng ngày qua ngày tôi thấy cơ thể nhẹ dần, tôi đi lại tốt hơn, cuộc sống tự nhiên thấy cái gì đó tươi mới như mình vừa lột xác, tôi trở về nhà, điều kỳ lạ là đi kiểm tra lại, các khối u giảm dần, chỉ số trong máu ổn định, tôi quyết tâm theo đuổi thiền, thế rồi cơ thể dần mạnh khỏe lại, thêm vào đó, thân tâm thấy an lạc, không còn lo lắng, buồn phiền mặc dù hoàn cảnh của tôi rất khó khăn.
Tôi thầm cảm ơn mình vẫn có một gia đình hạnh phúc, con cái ngoan hiền, có người vợ đảm đang, rồi chị tôi xuất gia đi tu, chị để nhà cho vợ chồng tôi ở để làm ăn, thoát khỏi cảnh đi ở thuê, dần dà cuộc sống cứ thế trôi đi, tôi lại đón nhận cái cười khóc của đời người.
…..Một ngày, giật mình nhìn lại, tôi già đi nhanh chóng, cái cảnh nhăn nheo xấu xí ập đến, con cái thì đi xa, những cơn bệnh hoành hành, không làm được gì quanh quẩn với nỗi buồn lão khổ, buồn bực vì cuộc đời không chiều theo ý mình, tiếc vì cái đã qua, nghĩ lại thì cũng không biết mình sinh ra trên cuộc đời này đem lại ý nghĩa gì, buồn hay là vui, những vọng cầu toan tính giờ đây chẳng ích gì, mình cũng sắp hết kiếp người, chất chồng với những nhục vinh, vui buồn….
Thế rồi ! Cuộc đời cho trăm năm để vào chết một ngày. Một ngày chẳng lành, tôi ra đi trong sự buồn khổ của người thân, tôi nghe tiếng vợ con, người thân khóc ròng, tôi sợ lắm, chẳng lẽ tôi sinh ra giờ lại chết ư? Sao phải chấp nhận cái nghiệt ngã đó, tôi luyến thương gia đình, thương vì họ đã giành tình cảm cho tôi mà tôi chưa đền đáp, thương vợ thương con, thương anh em nghèo túng bần hàn, thương chính thân tôi, tôi tiếc cuộc sống, tôi hận vì mình đã sống và hận vì mình sao phải chết, tôi bỏ đi rất nhanh, vừa cười vừa khóc, ôm theo mối vọng cầu nhân gian, tôi lạc vào chốn mông lung, vì mải cười khóc cho nên lạc lối, tôi bay vút vào chốn nào không hay, để rồi tôi ở đó tôi loay hoay tìm đường thoát ra, để rồi vô lượng kiếp sau, tôi lại tìm về chốn nhân gian để lại khóc, lại cười , thực hiện một tấn vở bi hài kịch mới của đời tôi!
Tiếng chuông tỉnh giấc, hóa ra tôi đang ngồi thiền hôn trầm ngủ gật, tôi lấy đôi dép lê quèn quẹt quanh phòng, thơ thẩn đi lại ngâm nga câu thơ của Thiền sư Thích Thanh Từ:
Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng
Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng.
Trần Hoài Ngọc – tháng 10 năm 2014