Ba năm trước, tôi được gọi về quê vì mẹ chúng tôibệnh nặng. Mẹ đã bị tai biến hơn một năm và mẹ không muốn làm khổ con cháu phải hằng ngày lo túc trực săn sóc mình. Một hôm mẹ đã cố ý uống thuốc quá liều khi không có người thân bên cạnh. Nhưng có linh cảm không lành, em trai tôi đã trở vềnhà đứng lúc để đưa mẹ đi bệnh viện. Sau khi xổ thuốc, mẹ bị biến chứng sưng phổi (do than bột – thuốc xổ trào lên) nên phải điều trị lâu dài trong bệnh viện. Có giai đoạn mẹ bị hôn mê khá sâu, và các bác sĩ cũng không biết mẹ có thể tỉnh lại và hồi phục được hay không. Chúng tôi, những đứa con trai và con gái của mẹ thay phiên nhau ngồi bên giường bệnh ngày qua ngày túc trực. Sau ba tuần như vậy, các chị tôi bắt đầu thì thầm với nhau có nên yêu cầu bệnh viện rút các ống thở và truyền thức ăn để mẹ được ra đi nhẹ nhàng thanh thản hay không? Mẹ vẫn không có biểu hiện gì để trở về với sự sống, những bệnh nhân quanh đó lần lượt ra đi. Hầu hết họ đều là những người già trên tám mươi tuổi như mẹ chúng tôi vậy. Tuy nhiên thỉnh thỏang cũng có những bệnh nhân còn rất trẻ ra đi một các oan ức với tiếng khóc than đau đớn của cha mẹ hay anh em họ. Đó là dịp để tôi quán về cái khổ của bệnh và chết một cách thấu đáo nhất.
Vào tuần thứ ba mẹ tôi ở trong tình trạng hôn mê, vấn đề để mẹ ra đi hay giữ mẹ ở lại thế gian này với thân xác bệnh tật không còn làm chủ được các hành động của mình trở nên một vấn đề lớn đối với chúng tôi. Một số thành viên trong gia đình muốn làm tất cả những gì trong khả năng của mình để mẹ được sống lâu hơn, một số khác chỉ muốn sự can thiệp nhẹ nhàng của bác sĩ, đó chỉ là rút các ống trợ giúp trên người mẹ để mẹ được ra đi… Khi sự việc như vậy, mọi người hướng về tôi (một người tu) để đem ra quyết định cuối cùng trong vấn đề này. Tôi cũng thực sự bối rối… vì mẹ là người tôi thương nhất trên đời, dù đã ngoài bốn mươi tuổi, tôi vẫn muốn có mẹ trên đời!
Tôi ngồi xuống bên mẹ, nắm tay mẹ như bao ngày qua trong bệnh viện, thầm thì đọc bài kinh tâm từ(Karaniya sutta) bằng Phạn ngữ và Việt ngữ. Tôi yêu cầu các anh chị em tôi cùng lắng nghe và trải lòng từ đến mẹ. Chúng tôi cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp về mẹ. Riêng tôi, hầu hết các kỷ niệm về mẹ đều đẹp và cảm động…. Chúng tôi làm như vậy được ba ngày thì mẹ đột nhiên tỉnh dậy, vã mồ hôi như tắm, nhưng gương mặt hồng hào, sáng tỏa. Mẹ nhận ra tất cả mọi người xung quanh, chúng tôi mừng vui khôn xiết. Sau mấy tuần nữa điều trị trong bệnh viện, mẹ đã được xuất viện. Trong số những người con muốn được chăm sóc phần đời còn lại của mẹ, chúng tôi đã quyết định anh trai thứ, người có thời gian, điều kiện và sự ân cần nhẫn nại nhiều nhất để làm người chăm sóc mẹ.
Khi tôi chia sẻ câu chuyện về mẹ tôi cho một số bạn đạo, có nhiều ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này. Một số nói rằng khi một người đã muốn kết thúc cuộc đời (sau tai nạn hay bệnh nan y) vì không muốn trở thành gánh nặng cho người thân, chúng ta phải tôn trọng quyết định của người đó, không nên đem họ đến bệnh viện và nhờ sự can thiệp của nền y học hiện đại để kéo dài sự sống ngoài ý muốn của họ. Thậm chí có lúc người ta còn nói rằng lòng từ bi của chúng tôi chỉ làm cho cuộc đời rắc rối hơn, trở thành ghành nặng cho người khác, vv. Qua kinh nghiệm thực tế này, tôi nhận ra người ta hiểu và thực hành lòng từ bi theo những cách khác nhau, có khi là đối nghịch nhau, và thậm chí có thể đem đến xung đột về quan kiến và phương thức hành động. “Vấn đề là có quá ít sự đồng thuận về việc phải làm sao để thể hiện lòng từ bi bằng hành động trong những bối cảnh đặc biệt giữa cuộc đời đa đoan bề bộn.
Nếu bạn có bạn bè hay người thân trong gia đình đang ở trong tình trạng bệnh tật hay sắp từ giã cõi đời, tất nhiên không ai khuyên bạn phải cư xử với trái tim cứng rắn. Mọi người đều sẽ khuyên bạn hãy cư xử với khả năng từ bi và nhân hậu nhất mà bạn có thể. Với một số người, lòng từ bi là hãy giữ sự sống còn càng lâu càng tốt; với một số người khác, lòng từ bi là hãy chấm dứt sự sống khi nó đã trở nên quá đau đớn, khổ sở, và có vẻ như tàn nhẫn với người bệnh nếu để họ sống tiếp trong tình trạngnhư vậy. Và không ai trong nhóm người này thấy rằng người thuộc nhóm kia là từ bi, hay thực sự hiểu đúng về lòng từ. Nhóm thứ nhất nhìn nhóm thứ hai như tội phạm (vì họ khuyến khích tự tử và cố ý cho cái chết không đau đớn), nhóm thứ hai thấy nhóm trước như những người không có trái tim, và thậm chí độc ác để cho sự sống tiếp diễn như vậy.
Đối với những ai phải cố gắng làm việc thỏa thuận giữa hai ranh giới khó xử này của các ý kiến trái ngược nhau về lòng từ bi trong lựa chọn hành động giữa sống và chết, quả thật không có nhiều nguồn hướng dẫn đáng tin cậy.” Thời đó tôi đã ngồi tĩnh tâm lắng nghe tiếng nói tâm linh từ bên trong mình, cũng như lắng nghe những ý kiến khác nhau của người thân và lời khuyên của những bậc thầy trong đạo. Và tôi đã lựa chọn hành động theo tiếng nói cảm xúc sâu lắng nhất từ bên trong.
“Nền văn hóa của chúng ta không thích nghĩ về bệnh tật và cái chết, và kết quả là, khi phải đối diện với ai đó đang bệnh nặng hay sắp chết, chúng ta cảm thấy chới với và không biết phải làm gì. Một số người sẽ đơn giản là khuyên bạn nên làm những gì cảm thấy đúng, thích hợp cho lúc đó, nhưng cảm xúc cũng rất trơn trượt, không phải là cái mà lúc nào cũng có thể đáng tin cậy hoàn toàn được. Điều gì đó cảm thấy đúng nhiều khi chỉ vì nó làm bạn có cảm xúc tốt, không kể đến nó có thực sự đúng với người khác hay không. Mong mỏi kéo dài sự sống có thể chỉ là mặt nạ che đậy sự sợ chết của chính người đó; mong muốn kết thúc sự sống đau đớn có thể chỉ là lý trí hóa sự bức xúc của bạn khi phải chứng kiếnkhổ đau (của người thân). Ngay cả khi bạn được khuyên từ một nguồn có chánh niệm hiện hữu, bạn vẫn thấy rằng cái có vẻ là những nguồn cảm hứng tự nhiên nhưng thực ra chúng chỉ là những giả địnhchưa được kiểm nghiệm về đời sống và cái chết đã được điều kiện hóa.
Điều này nói lên tại sao nững lời khuyên nhủ đơn giản là hãy từ bi và chánh niệm hiện diện trong khi ai đó đang bệnh nặng hay đang trải qua tiến trình chết là không đủ. Chúng ta cần được giúp đỡ trong việc giáo dục lòng từ bi: lời khuyên đặc biệt về việc hãy suy tư sâu xa về những ám chỉ của hành động chúng ta làm khi đối diện với vấn đề sống chết; và những ví dụ đặc trưng về việc trong quá khứ, những người tiền nhiệm đã hành động như thế nào về vấn đề này.
Với tư tưởng này trong tâm, tôi tìm kiếm trong kinh điển Phạn ngữ – hàng kinh điển lâu đời nhất ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của Đức Phật. Chúng ta cũng biết rằng Đức Phật thường tự ví mình như một thầy thuốc/ bác sĩ, giáo pháp như là lương dược thuốc men để cứu chữa bệnh khổ cho thế gian. Từ quan điểm này, chúng ta đều bệnh và chết trong một cách vi tế, vì vậy chúng ta đều xứng đáng để được cư xử với lòng bi mẫn liên tục. Nhưng Đức Phật đã khuyên như thế nào về nỗi khổ của thân xác và máu mủ khi phải đối diện với bệnh tật và cái chết. Đức Phật đã dạy gì để giúp chúng ta giải quyết vấn đềthân bệnh và chết?
Chúng ta có lẽ đã nghe câu chuyện một thời Đức Phật cùng ngài A-nan-da đang di dạo thì bắt gặp một nhà sư bị bệnh nặng trầm trọng đang nằm trên chính phân tiểu của mình. Đức Phật đã dùng nước ấm tắm rửa cho người bệnh, đem đặt ở nơi khô ráo có dương khí, và ngài tập họp các nhà sư lại để giáo huấn về việc chăm sóc người bệnh. Ngài đã khiển trách các sư lơ là bỏ rơi người huynh đệ khi người đó bị bệnh nặng, và ngài đã có một lời nhắn nhủ bất hủ: “Ai muốn săn sóc tôi, hãy săn sóc người bệnh.” ngài cũng dạy bảo những nguyên tắc ứng xử cho người săn sóc bệnh nhân. Người nuôi bệnh sẽ không phải đi khất thực mà nhận được phần ăn từ sự chia sẻ của các sư khác, làm như vậy người đó sẽ không cảm thấy nghĩa vụ là gánh nặng. Nhưng Đức Phật cũng không chỉ định rằng nên dùng thuốc men để kéo dài sự sống lâu dài với bất cứ giá nào.
Theo Tạng Luật, nếu một nhà sư không chăm sóc người đồng tu đang bị bệnh, hay bỏ rơi người bệnh trước khi người ta chết hay bình phục, thì người đó bị một tội nhỏ. Và không có tội nào cho người không cung cấp hay tháo dỡ những thiết bị/thuốc men kéo dài sự sống. Nhưng nếu một nhà sư cố ý kết liễuđời sống của một bệnh nhân, ngay cả vì động cơ từ bi, cũng phạm vào tội bất cộng trụ, nghĩa là tội sẽ làm chấm dứt đời sống tu hành của người đó trong Tăng đoàn. Do đó những người tu hành không được khuyến khích cho việc chết không đau (dùng thuốc) hay giúp người ta tự tử.
Đức Phật cũng đặt ra những hướng dẫn cụ thể, định nghĩa thế nào là một người nuôi bệnh lý tưởng. Những phẩm chất đó là: (1) biết chuẩn bị thuốc; (2) biết liều lượng thuốc và thức ăn thích hợp cho người bệnh, biết lấy đi những thứ không thích hợp cho người bệnh; (3) nuôi bệnh vì tình thương chứ không phải vì lợi dưỡng vật chất; (4) không ghê sợ tởm lợm khi phải dọn dẹp đàm mủ và các chất thải của bệnh nhân; (5) phải biết khuyến khích động viên tinh thần của người bệnh đứng lúc, đúng thời theo chánh pháp.
Trong năm phảm chất này, điều thứ năm được thảo luận rộng rãi nhất trong kinh điển và chú giải. Vậy điều gì là phẩm chất để xem như lời nói pháp là từ bi và hữu ích cho người bệnh hay đang chết, và điều gì là không phải vậy?
Lại nữa, những gì Đức Phật dạy đừng làm đánh dấu ranh giới cho những gì được làm. Trong Tạng Luật có chỉ ra một vị Tỳ kheo đã nói với người bệnh rằng ông này nên suy nghĩ đến cái chết, vì trong tình trạng của ông thì chết là tốt đẹp hơn sống. Người bệng đã làm như lời khuyên của vị Tỳ kheo, và kết quả là ông ta chết. Vị này liền bị đuổi ra khỏi Tăng đòan. Như vậy, từ quan điểm của Đức Phật, khi ngừơi ta bệnh, khuýên khích họ từ bỏ mạng sôngs là một việc không phải từ bi. Thay vì an ủi nguời bệnh và thúc đẩy họ chuyể sang cái chết, Bậc giác ngộ khuyên họ hãy quan sát sự khổ đau và chấm dứt khổ đau.
Đây là vì Phật xem mỗi phút giây trong đời là một cơ hội để chúng ta thực hành và lợi ích từ pháp. Có một nguyên lý trong tất cả các truyền thống thiền là cho dù một khoảng khắc của minh sát vào cảm giácđau đớn của hiện tại cũng lợi ích hơn rất nhiều cách nhìn hiện thực với ánh mắt ghê tởm và đặt niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Nguyên lý này áp dụng ở mọi thời điểm của cuộc đời, lúc kết thúccũng như đoạn giữa vậy. Thực tế thì Đức Phật khuyến khích chư Tăng hãy thực hành niệm chết như một đề mục thường trực, ngay cả khi sức khỏe hoàn toàn ổn định, để chúng ta có được một động cơ thực hành rốt ráo và đưa sự chú tâm hoàn toàn vào hiện tại. Nếu bạn thực hành việc xem mỗi phút giây trong đời có thể là phút giây cuối cùng, thì khi cái chết đến, bạn đã được chuẩn bị rồi.
Thông thường thì hầu hết những người đang chết đã không thực hành theo kiểu này, nên bước đầu tiên trong việc an ủi động viên là làm sáng tỏ bất cứ tâm tư tình cảm ngăn ngại nào khiến họ không học được từ hiện tại. Kinh điển Pali có đề cập đến hai loại ngăn trở: lo lắng về những trách nhiệm mà người đó để lại, và sợ hãi cái chết. Một trong những bài kinh nói rõ về vấn đề này là câu chuyện diễn ra giữa hai vợ chồng một tín chủ. Khi người chồng đang bệnh nặng và sắp chết, người vợ an ủi và động viên chồng đừng lo lắng cho tương lai của gia đình. Người vợ khẳng định với chồng rằng cô có khả năng tự nuôi sống bản thân và chăm lo cho con cái trưởng thành nên người ngay cả khi ông vắng bóng; cô cũng hứa khả là sẽ không đi bước nữa, thay vì, cô sẽ tiếp tục trên con đường tu tập của người cư sĩ tại gia. Với mỗi lời hứa khả, cô đều nhắc nhở chồng “đừng lo lắng sợ hãi khi phải từ bỏ thế gian này, để vợ conở lại. Cái chết là điều mà ai cũng lo sợ, Đức Thế Tôn biết rõ điều này, nhưng ngài khuyên là sợ hãikhông giúp được gì, chỉ làm cho cái chết đau đớn hơn mà thôi. Vì vậy hãy can đảm đừng lo sợ.” người đàn ông đó đã lành bệnh một cách thần kỳ, và khi còn chưa bình phục hẳn, ông ta đến gặp Phật, kể lại những gì vợ đã khuyên ông lúc bệnh hiểm nghèo. Đức Phật bình luận rằng thật may mắn có được người vợ khôn ngoan và thông cảm như vậy.
Khi người ta sợ chết, một trong những nguyên nhân chính là nhớ lại những điều bất thiện/ gây đau khổmà mình đã làm trong quá khứ. Vì lý do này, khi bạn tu/ hay bạn đời đang hấp hối, tốt nhất là gợi cho người đó những điều tốt đẹp khiến họ tự tin và thanh thản hơn khi phải từ giã cõi đời này. Những điều tốt đẹp như vậy trong Phật giáo là từ thiện, giới hạnh trang nghiêm, hay những nỗ lực hành thiền thanh lọc tâm và những kết quả tốt đẹp mà người đó đã trải nghiệm. Khi được nhắc nhở như vậy kèm theo những bài pháp ngắn về chánh niệm và tỉnh thức sẽ giúp người bệnh nặng hay đang hấp hối tránh được lo lắng và sợ hãi mới thực sự là hành động của lòng từ bi chín chắn.
Còn có nhiều lý do hơn để người ta sợ chết, như quá luyến ái với cơ thể, luyến ái với dục lạc phù du, và thiếu hiểu biết chân thực về pháp vô điều kiện của Bất Tử.
(Tỳ Kheo Ni Pháp Hỷ Dhammananda –
Adapted from an article of Ven Thanissara, đọan đầu la kinh nghiệm riêng của người viết)