Trẻ em như búp trên cành mong manh và cần được chăm sóc, nâng niu. Các em được ví như những mầm non tương lai của đất nước.
Vì thế, việc giáo dục chúng sao cho đúng cách để trở thành con ngoan, trò giỏi là điều hết sức cần thiết. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo đã chỉ ra rằng sự hình thành và phát triển nhân cách của con trẻ theo từng lứa tuổi, bắt đầu ngay từ khi người mẹ mới mang thai. Ở bài viết này, chúng tôi chú trọng đến việc giáo dục thiếu nhi dưới góc nhìn của Phật giáo.
Đối với trẻ sơ sinh
Ngay khi bắt đầu mang trong mình một mầm sống, người phụ nữ phải ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình đối với sự hình thành và phát triển của con mình sau này. Ngoài việc thường xuyên tẩm bổ theo khoa học để cơ thể khoẻ mạnh, người mẹ và người cha phải có một đời sống tinh thần tốt đẹp, luôn yêu thương và gắn bó bên nhau. Sự đầm ấm trong gia đình sẽ bảo vệ và huân tập hạt giống yêu thương cho con trẻ ngay từ khi mới tượng hình. Người mẹ còn cần phải có tâm định khí hoà. Bên cạnh đó, những việc làm thiện hay ác của người mẹ cũng ảnh hưởng đến thai nhi. Trong khi đang mang thai, muốn đứa con sau này xinh đẹp và tăng trưởng trí tuệ, người mẹ nên tránh xem những phim bạo động, chết chóc, huân tập những từ ngữ xấu mà nên xem hình những em bé dễ thương hoặc chiêm ngưỡng hình ảnh của các vị Phật, Bồ tát. Người mẹ còn nên đi chùa, tụng kinh niệm Phật để tăng trưởng phước đức và trí tuệ cho bào thai trong bụng.
Đặc biệt, người mẹ khi mang thai nên đọc tụng mỗi ngày một bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện hoặc niệm ngàn câu danh hiệu Địa tạng Vương Bồ tát. Với việc đọc tụng, lễ lạy chân thành, tha thiết như thế sẽ đem đến một hiệu quả bất khả tư nghì.
Người phụ nữ mang thai nên đọc kinh Địa Tạng Vương Bồ Tát bổn nguyện
Bởi lẽ, theo quan điểm Phật giáo, mọi mối quan hệ của con người chia thành 4 loại: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Cha mẹ, anh em, con cái trong một gia đình cũng không nằm ngoài những nhân duyên phức tạp đó. Thế nên, khi đứa trẻ đầu thai vào một gia đình nào đó, nếu nó là oan gia trái chủ của bạn, lớn lên sẽ là đứa con ngỗ nghịch, phá tán nhưng người mẹ khi còn đang mang thai thường xuyên đọc tụng kinh Địa Tạng Vương Bồ Tát Bổn nguyện thì oán kết này sẽ được hoá giải. Ngược lại, nếu đứa trẻ trong bụng người mẹ đến để báo ân thì mối nhân duyên tốt đẹp giữa đứa bé và cha mẹ chúng sẽ ngày càng sâu dày.
Khi trẻ chào đời
Khi trẻ vừa chào đời, thời gian đầu, trẻ chủ yếu phát triển về các hoạt động của các giác quan và vận động qua sự nghe, nhìn, ngửi, nếm, lật, ngồi bò, đứng đi, nằm, cầm, nắm… Cách chăm sóc của cha mẹ và cư xử của mọi người lớn trong gia đình mà đứa trẻ ghi nhận được các ấn tượng, hình thành các thói quen về hành vi trong sinh hoạt sau này. Vì thế, các thành viên trong gia đình như ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác phải luôn sống yêu thương, trên kính dưới nhường, hoà thuận với nhau, đừng để trẻ thấy những hình ảnh cãi vả, bất hoà, tạo ấn tượng xấu đối với trẻ.
Ngay từ khi con còn nằm nôi, những người mẹ hãy huân tập cho chúng chủng tử Phật bằng những câu Phật ngôn hay nhạc niệm Phật, niệm Quan Thế Âm. Khi con trẻ đã lớn hơn một chút, có thể bước những bước đi chập chững, biết phát âm theo những lời nói của mọi người, cha mẹ nên bồng con đến chùa.
Đó là cách gieo vào tâm thức trẻ thơ ấn tượng về Đức Phật, Bồ tát, vị Tăng già hiền lành, đáng kính. Việc quan sát thế giới xung quanh với những người luôn nói những lời hoà nhã, sử dụng các kính ngữ như Thưa Thầy, Bạch Thầy, Con chào Thầy… đặc biệt là nghe những câu niệm Phật như Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, …. sẽ là những hạt giống tốt lành đối với trẻ thơ.
Khi trẻ đến tuổi đi học
Lúc này, trẻ đã bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội, muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh. Vì thế, ông bà, cha mẹ không nên vì những sai phạm do tính cách hiếu động của con nhỏ mà có những cách trừng phạt nặng nề hay những lời trách mắng khó nghe. Thay vào đó, người lớn nên khéo kéo giáo dục con trẻ, tuỳ vào tình huống mà khuyên bảo nhẹ nhàng, phân tích đúng sai hoặc dùng đòn roi để dạy trẻ.
Ngoài sự giáo dục ở nhà trường và trong gia đình, các bậc làm cha làm mẹ nên thường dẫn con đến chùa tụng kinh, nghe Pháp.
Đặc biệt, vào mỗi dịp Lễ lớn như Rằm tháng Tư, Lễ Vu Lan, các bậc cha mẹ nên đưa con đến chùa để biết về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca hay biết về tấm gương hiếu thảo của Bồ tát Mục Kiền Liên. Dần dần, đứa trẻ sẽ thấm nhuần Phật pháp, noi gương theo các vị Phật, Bồ tát. Người mẹ còn phải dùng chính những hành động thật tâm của mình khi biết yêu thương, san sẻ với những người nghèo khổ, biết cúng dường chư Tăng để làm tấm gương cho trẻ nhỏ.
Hiện nay, rất nhiều ngôi chùa đã mở các khoá tu mùa hè cho các em nhỏ. Các bậc phụ huynh có thể đưa con em đến đây để chúng có thể học được cuộc sống tự lập, biết tự chăm sóc mình và quan tâm đến bạn bè xung quanh. Đồng thời, trẻ còn được các chư Tăng dạy dỗ và giảng giải những giáo lý về nhân quả, hiếu hạnh….
Điều quan trọng hơn, cha mẹ nên dẫn con đến chùa Quy y. Nhiều người lo lắng không muốn cho con mình Quy y Tam Bảo vì sợ con còn nhỏ. Đó là một quan niệm hết sức sai lầm. Trong xã hội mà đồng tiền đang trở thành thước đo của nhiều giá trị và đạo đức thì ngày càng xuống cấp, chúng ta có thể thấy những đứa trẻ dù còn nhỏ tuổi nhưng đã trở thành tội phạm, cướp của, giết người thậm chí xuống tay đối với cả những người ruột thịt. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh con người về cách giáo dục con trẻ. Vì thế, nếu các bậc cha mẹ đưa con đến chùa, cho chúng học giáo lý từ bi, trí tuệ của Đức Phật, quy y theo Phật sẽ gieo những chủng tử tốt lành, yêu thương vào tâm thức con trẻ.
Tóm lại, trẻ em là đối tượng cần được quan tâm nhiều hơn cả. Sư giáo dục trẻ của hôm nay sẽ quyết định đến cuộc đời và những đóng góp của trẻ cho gia đình, xã hội mai sau. Với vai trò là một người con trong gia đình, các em sau này sẽ gánh vác trách nhiệm chăm sóc, quan tâm cha mẹ khi già yếu, ốm đau, làm tròn đạo con cháu với gia tộc, dòng họ. Với vai trò là một công dân của xã hội, các em sẽ trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Trong tư cách một Phật tử, các em sẽ là người hộ trì Chánh pháp, thậm chí trở thành người xuất gia học đạo, đem ánh sáng đạo pháp đến khắp nơi trên thế giới. Vì thế, sự liên kết giữa nhà trường, gia đình và nhà chùa sẽ góp phần giáo dục toàn diện cả về trí tuệ, nhân cách và đạo đức của con trẻ.
Nhuận Đoan