Lời khuyên nam và nữ giới
Đương nhiên là người đàn ông và đàn bà khác nhau trên phương diện thể xác, và sự khác biệt đó đưa đến một vài khác biệt khác về mặt xúc cảm. Tuy vậy cách suy nghĩ, giác cảm và tất cả các khía cạnh khác thuộc vào con người của nam và nữ giới trên căn bản đều giống nhau. Đàn ông thì thích nghi với các công việc đòi hỏi sức lực hơn ; phụ nữ thì lại tỏ ra hiệu quả hơn trong các công việc đòi hỏi cách lý luận cụ thể và sự khéo léo. Ngoài ra trong hầu hết các trường hợp khác, đàn ông và đàn bà hoàn toàn bình đẳng trên các lãnh vực mà sự suy nghĩ giữ một vai trò then chốt. Bởi vì không có sự khác biệt căn bản nào giữa họ với nhau nên đương nhiên họ phải có những quyền lợi giống nhau và mọi sự kỳ thị đều không thể chấp nhận được. Hơn nữa, người đàn ông cần có người đàn bà, và ngược lại nữ giới cũng cần có nam giới.
Bất cứ nơi nào mà quyền lợi của phụ nữ bị chà đạp thì họ phải đứng lên tranh đấu để tự bảo vệ, và nam giới phải tiếp tay để bênh vực họ. Chính tôi đã từng tranh đấu trên đất Ấn từ hai mươi năm nay để phụ nữ được đi học và giữ những chức vụ thuộc vào mọi cấp bậc, tương đương với nam giới trong xã hội.
Đối với Phật giáo thì người đàn ông hay đàn bà đều cùng hàm chứa những gì mà người ta gọi là bản thể phật hay khả năng của Giác ngộ mà không có một chút nào khác biệt. Họ nhất thiết bình đẳng với nhau. Quả thật, trong một vài truyền thống thường xuyên xảy ra một sự tách biệt nào đó. Chẳng qua thì sự tách biệt nam nữ như thế hầu hết đều bắt nguồn từ những nguyên nhân xã hội và văn hoá. Long thụ (Nagarjuna) (1) trong tập Bảo hành vương chính luận, và Tịch Thiên (Shantideva) (2) trong tập Nhập Bồ đề hành luận có nói đến những « khiếm khuyết trên thân xác người phụ nữ ». Tuy nhiên phải hiểu rằng các vị ấy không hề có ý xếp người phụ nữ thuộc vào một cấp bậc thấp hơn. Lý do là hầu hết những người xuất gia đều huộc nam giới, việc nêu lên những khiếm khuyết trên thân xác người phụ nữ chỉ nhắm vào mục đích duy nhất là giúp người xuất gia khắc phục những dục vọng của mình trước thân xác phụ nữ mà thôi. Ngược lại, một ni sư cũng thế, nhất định phải phân tích thân thể người đàn ông theo cùng một chiều hướng như thế.
Trong những cách tu tập thuộc vào các cấp bậc cao nhất của Kim cương thừa, chẳng những người ta không phân biệt giữa đàn ông và đàn bà, mà yếu tố nữ tính còn giữ một vai trò then chốt nữa, cho đến mức độ mà việc khinh miệt nữ giới sẽ bị ghép vào tội vi phạm giới luật.
Ghi Chú :
1- Long Thụ là một đại luận sư Phật giáo vào thế kỷ thứ II, đã sáng lập học phái Trung quán tông (Madhyamika).
2- Tịch Thiên, một đại luận sư Ấn độ thuộc thế kỷ thứ VIII.
3- Kim cương thừa có thể xem như một đường hướng tu tập thứ ba của Phật giáo, hai thừa kia là Nam Tông và Bắc Tông. Tuy nhiên đúng ra thì Kim cương thừa chỉ là một thể dạng tu tập thật tích cực của Phật giáo Bắc tông (còn gọi là Đại thừa Phật giáo). Sở dĩ gọi là Kim cương thừa vì học phái này xem bản thể tối hậu của mọi sinh linh và mọi sự vật cứng chắc như kim cương, biểu tượng của bất hoại, của Tánh không, của Hiện thực… Các phương pháp tu tập của Kim cương thừa rất khéo léo, tinh vi và tích cực, đưa đến Giác ngộ một cách nhanh chóng.
Lời khuyên người đã lập gia đình
Gia đình là đơn vị căn bản nhất của xã hội. Nếu nguồn an vui tràn ngập trong gia đình, và các giá trị nhân bản được tôn trọng, thì chẳng riêng gì cha mẹ mà cả con cháu đều được sống trong bầu không khí hạnh phúc và thư giãn, và cũng biết đâu cái không khí đó sẽ còn tiếp tục tồn tại cho đến những thế hệ về sau. Nếu cha mẹ có một niềm tin tôn giáo, đương nhiên con cái cũng quan tâm đến tôn giáo. Nếu họ ăn nói lễ độ với nhau, biết sống trong đạo đức (1), yêu thương và kính trọng lẫn nhau, biết giúp đỡ kẻ khác và quan tâm đến thế giới chung quanh, thì con cháu sau này sẽ có nhiều hy vọng biết cư xử giống như họ trong cuộc sống của chúng, và chúng sẽ hành động như những con người ý thức được trách nhiệm của mình.
Ngược lại, nếu cha mẹ thường xuyên gây gỗ và thoá mạ lẫn nhau, biểu lộ thành hành động tất cả những gì đến trong tâm trí họ và không hề biết kính trọng lẫn nhau, thì chẳng những họ không bao giờ biết hạnh phúc là gì mà dĩ nhiên con cái họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả mà họ gây ra.
Với tư cách của một người Phật giáo, tôi vẫn thường nói với người Tây tạng rằng nếu thật sự có một nơi mà người ta có thể nỗ lực để tái lập và phát huy những lời giáo huấn của Đức Phật, thì nơi ấy nhất định phải là khung cảnh gia đình. Chính gia đình là nơi mà bậc cha mẹ cần phải biểu lộ niềm tin của mình, đấy là nơi tốt nhất để cảm hoá con cái bằng cách tự biến mình thành những người hướng dẫn tinh thần cho chúng. Không phải chỉ cần trỏ cho con cái những ảnh tượng và giải thích cho chúng đấy là những vị thần linh nào, nhưng phải giải thích một cách cặn kẻ hơn : đây là vị thánh nhân tượng trưng cho lòng từ bi, đây là vị thần linh của trí tuệ tối thượng, và cứ tiếp tục giải thích như thế cho chúng. Nếu bậc cha mẹ càng hiểu thấu đáo giáo huấn của Đức Phật, thì họ lại càng có thể ảnh hưởng đến con cái họ một cách tích cực hơn. Điều ấy cũng đúng với các truyền thống tinh thần khác hay các tôn giáo khác.
Gia đình này sẽ ảnh hưởng đến gia đình kia, và tiếp tục ảnh hưởng thêm một gia đình khác nữa, rồi cứ thế sẽ nhân lên thành mười, một trăm, một ngàn, và sau cùng là toàn thể xã hội sẽ trở nên vững vàng hơn.
Các xã hội tân tiến ngày nay không hẳn là những xã hội thật lành mạnh. Nhưng nếu như một số người cứ nhất quyết cho rằng con người trong các xã hội ấy không còn biết kính trọng gì cả thì trong những xã hội kém kỹ nghệ hoá hơn, hãy tự hỏi con người có hành động ý thức hơn hay không ? Vì thế ta cần phải thận trọng khi đưa ra những loại xét đoán như trên đây.
Nhiều vùng đất Ấn độ thuộc địa phận Hy mã Lạp sơn rất hiểm trở nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi những tiến bộ kỹ thuật hiện đại. Tại các nơi này trộm cắp và tội phạm ít xảy ra hơn, con người chấp nhận và vui sống với những gì họ có, thậm chí có những nơi khi đi vắng, người ta vẫn để cửa bỏ ngõ, nếu có người viếng thăm thì cứ tự tiện lưu lại và nghỉ ngơi chờ đến khi người nhà quay về. Ngược lại, trong các thành phố lớn, chẳng hạn như ở Delhi, tội phạm xảy ra rất nhiều và con người chẳng bao giờ biết an phận, vì thế mà khó khăn cứ tiếp tục gia tăng và chồng chất lên nhau. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi thì thật là sai lầm nếu cứ mang những tệ hại ấy làm tiêu đề để kết án sự phát triển kinh tế và chủ trương phải đem xã hội đi thụt lùi lại. Sự hòa thuận và kính trọng kẻ khác trong các xã hội truyền thống thường là do sự sống còn áp đặt và một phần cũng vì muốn an phận, không nhìn thấy những cách sống khác hơn. Thử hỏi những người du mục Tây tạng xem họ có muốn tìm được một nơi ấm áp để trốn cái giá rét của mùa đông hay không, họ có thèm muốn những cái lò sưởi tân tiến không bốc khói mù mịt bám đen cả túp lều và các vật dụng của họ hay không, họ có muốn được chăm sóc khi đau ốm và được ngồi xem truyền hình để nhìn thấy những gì đang xảy ra ở những chân trời góc bể của thế giới hay không? Tôi tự cho là có thể đoán được câu trả lời của họ.
Phát triển kinh tế và tiến bộ kỹ thuật là những gì thật tốt và rất cần thiết. Đó là kết quả phát sinh từ nhiều yếu tố phức tạp mà ta không nhận thấy hết. Nếu cho rằng chận đứng những tiến bộ kỹ thuật là sẽ giải quyết được tất cả mọi khó khăn thì đó quả thật là một cách suy nghĩ hết sức ngây thơ. Tuy thế nhất định ta cũng không nên phó mặc cho sự tiến bộ phát triển một cách vô ý thức. Tiến bộ phải đi kèm với những giá trị đạo đức. Chính đó là trách nhiệm của con người nói chung mà trong đó có chúng ta, và trách nhiệm ấy là phải được tôn trọng đồng loạt đối với cả hai phương diện : tức tiến bộ kỹ thuật phải đi đôi với những giá trị đạo đức. Đó chính là chiếc chìa khóa giúp chúng ta vươn tới tương lai. Khi một xã hội đủ sức kết chặt được những tiến bộ vật chất và những nỗ lực tâm linh thì lúc ấy mới có đủ khả năng để mang lại hạnh phúc thật sự.
Làm thế nào để có thể thực hiện một xã hội như thế ? Tôi không nghĩ rằng phải nhờ vào chùa chiền và tu viện nguy nga. Cũng không phải chỉ đơn giản dựa vào trường học là cũng đủ. Chính gia đình phải đứng ra đảm trách vai trò then chốt đó. Nếu một gia đình biết sống trong an vui và mọi người trong gia đình ấy ngoài phần kiến thức còn thực thi được những giá trị đạo đức, biết sống ngay thật và vị tha, thì khi đó mới có thể nghĩ đến việc kiến tạo một xã hội theo đúng nghĩa của nó. Theo tôi, gia đình nắm giữ một vai trò vô cùng lớn lao.
Điều thật cần thiết là con cái phải được nẩy nở thật sự, phát huy được những phẩm tính căn bản của con người, biết cư xử một cách cao thượng, đủ sức mạnh tinh thần để tương trợ lẫn nhau, để nhận biết sự tương quan với những người chung quanh và tự biến mình thành một tấm gương cho kẻ khác soi vào. Được như thế thì khi những đứa trẻ lớn lên và tìm được nghề nghiệp sinh sống, chúng sẽ có đủ khả năng để giáo dục cho các thế hệ kế tiếp. Nếu sau này chúng có trở thành những vị giáo sư già lọm khọm với những cặp kính dày cộm, thì chắc hẳn các vị ấy cũng không đến nỗi quên mất những năm tháng của chuỗi ngày thơ ấu. Tôi vẫn luôn tin như thế.
Nếu gia đình muốn thành công với trọng trách này thì ngay từ lúc khởi đầu, người đàn ông và người đàn bà không nên kết hợp với nhau dựa trên sự bám víu duy nhất vào sắc đẹp thể xác, vào âm thanh của giọng nói, hay là những thể dạng khác bên ngoài. Họ phải cố gắng tìm hiểu nhau. Nếu cả hai khám phá ra một số phẩm tính nào đó của nhau và đều cùng cảm thấy một tình yêu chung, đi song đôi với một sự tương kính và quý trọng, thì khi đó sự kết hợp giữa hai người mới có nhiều cơ may đưa đến hạnh phúc lâu bền.
Ngược lại nếu sự kết hợp duy nhất bằng dục vọng, bằng thèm khát nhục dục, giống như sự thèm khát trước một người gái điếm, không cần biết tánh tình của nhau, không cần phải tỏ lộ sự kính trọng, thì khi đó họ chỉ có thể tiếp tục yêu nhau khi dục vọng còn đủ mãnh liệt. Một khi những kích thích do sự mới lạ không còn nữa và tình yêu không còn đi đôi với sự quý mến lẫn nhau một cách sâu đậm nữa, thì lúc ấy việc sống chung sẽ trở thành một thứ gì thật khó khăn. Tình yêu như thế chỉ là một thứ tình yêu mù quáng. Sau một thời gian sẽ không còn là tình yêu nữa mà là một cái gì ngược hẳn lại. Nếu hai vợ chồng lại có con cái thì có thể chúng sẽ lâm vào cảnh thiếu tình thương. Thật hết sức quan trọng phải nghĩ đến điều này trước khi quyết định chung sống với một người khác.
Một hôm tại San Francisco tôi gặp được một vị cố đạo Thiên chúa giáo thường giúp các bạn trẻ chuẩn bị lập gia đình. Ông ta khuyên những người trẻ là họ cần nên quen biết một số đông bạn trai gái trước đã, rồi sau đó mới lựa chọn. Nếu cứ nhắm mắt chọn ngay người hôn phối sau một lần gặp gỡ đầu tiên thì sẽ có cơ nguy bị nhầm lẫn. Tôi thấy điều này rất đúng.
Cũng không nên quên là khi đã lấy nhau, thì kể từ giây phút đó một người sẽ trở thành hai. Ngay những lúc còn sống một mình, những gì mình suy nghĩ vào lúc chiều tối cũng đã khác với những gì suy nghĩ vào buổi sớm mai. Vì thế cũng không cần phải nhắc lại ở đây là những bất đồng chính kiến có thể đến vào bất cứ lúc nào. Nếu người này hay người kia chỉ biết bảo vệ ý kiến của mình mà không quan tâm đến ý kiến của người bạn đời của mình, thì sinh hoạt lứa đôi không thể tiến hành tốt đẹp được. Từ giây phút khởi sự sống chung với một người khác, ta phải đối xử bằng sự trìu mến và phải quan tâm đến những suy tư của người ấy. Mỗi người đều gánh lấy một phần trách nhiệm chung, dù cho bất cứ gì sẽ xảy ra cho nhau. Cuộc sống lứa đôi không phải là công việc riêng của một người.
Người đàn ông phải làm cho người đàn bà vui lòng và người đàn bà phải làm cho người đàn ông vui lòng. Nếu người này hay người kia không làm được những gì mà cả hai chờ đợi lẫn nhau, thì lối thoát duy nhất có thể hình dung được là sự bất hòa và cảnh chia ly. Khi chưa có con cái thì sự chia ly vẫn chưa hẳn là một thảm hoạ. Chỉ cần kéo nhau ra tòa, điền vào những mẫu khai in sẵn, chỉ đơn giản phung phí một ít giấy thế thôi. Nhưng nếu đã có con cái thì suốt đời chúng sẽ cảm thấy một nỗi đau buồn xót xa nào đó.
Rất nhiều cặp vợ chồng ly dị nhau. Có thể họ cũng có lý, nhưng theo ý tôi trước nhất hãy làm tất cả những gì có thể làm được để tiếp tục sống hạnh phúc với nhau. Nhất định điều đó đòi hỏi nhiều cố gắng và suy tư. Nếu sự chia ly không thể tránh được, tốt nhất nên hành động một cách êm thắm, không gây ra buồn khổ cho kẻ khác.
Vì thế nếu ta đã quyết định sống chung với một người nào đó thì phải thật tâm và không nên hấp tấp. Một khi đã sống với nhau, hãy suy nghĩ đến trách nhiệm mà cuộc sống lứa đôi đòi hỏi. Gia đình là chuyện nghiêm túc. Hãy làm tất cả những gì có thể được để mang lại hạnh phúc cho gia đình, hãy chu cấp cho gia đình được đầy đủ, giáo dục con cái và bảo đảm hạnh phúc cho chúng trong tương lai.
Hãy đặt phẩm lên trên lượng. Cái quy tắc ấy phải được áp dụng cho bất cứ cảnh huống nào trong cuộc sống. Trong một tu viện, dù cho số người tu hành không đông nhưng nếu họ là những người đứng đắn thì luôn vẫn hơn. Trong một trường học điều quan trọng không phải là thu nạp một số học trò đông đảo mà chính là sự giáo dục phải được thực hiện tốt. Trong một gia đình, điều cốt yếu không phải là có nhiều con mà phải có những đứa con lành mạnh và không hư hỏng.
Ghi chú :
1- Sống trong đạo đức, theo định nghĩa Phật giáo mà Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thường thuyết giảng là tránh không được làm bất cứ gì có hại đến người khác.
Lời khuyên người độc thân
Có nhiều loại người độc thân. Có những người tu hành nguyện sống một cuộc đời trinh bạch và cũng có những người thế tục không thích cuộc sống lứa đôi ; có những người quyết tâm chọn một cuộc sống độc thân nhưng cũng có người phải rơi vào hoàn cảnh đơn độc ngoài sự mong muốn của mình ; có những người độc thân sống trong hạnh phúc nhưng cũng có những người độc thân buồn khổ.
Đời sống lứa đôi mang đến nhiều lợi điểm nhưng đồng thời cũng tạo ra vô số khó khăn. Phải hy sinh nhiều thời giờ cho người phối ngẫu, cho con cái, và phải tiêu xài thật hao tốn, phải làm việc nhiều hơn, phải giao du với một gia đình khác v. v.
Những người sống một mình thường có đời sống đơn giản hơn. Họ chỉ cần nhét đầy một cái bao tử duy nhất, trách nhiệm của họ ít hơn và họ tự do muốn làm gì thì làm. Nếu muốn tìm hiểu hay bước theo một con đường tâm linh nào đó thì họ tự do đi đến bất cứ nơi đâu để tìm hiểu những gì họ muốn. Họ chỉ cần một va-li bên người và có thể dừng lại bất cứ đâu, lưu lại nơi ấy bao lâu tùy thích. Cuộc sống độc thân có thể rất hữu ích trong chiều hướng đem đến cho ta tự do và nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện những ước vọng của mình. Trong khuôn khổ của một người tu hành thì cuộc sống độc thân như thế mang đầy ý nghĩa và tôi sẽ trở lại vấn đề này trong các đoạn sau.
Trường hợp vừa kể trên đây nhất định là trường hợp của những người tự ý sống độc thân. Có một số người đàn ông phải sống cô độc vì tuyệt vọng không tìm ra được một người bạn đời nào cả. Nhiều người đàn bà thèm muốn chết đi được, nhưng lại không gặp một người đàn ông lý tưởng nào. Nói chung là họ không thực hiện được ước nguyện của đời mình. Những khó khăn của họ đôi khi vì lý do họ tập trung quá đáng vào chính mình và đòi hỏi quá nhiều ở kẻ khác. Nếu biết dần dần chọn một thái độ ngược lại, mở rộng lòng mình với kẻ khác, đồng thời đừng xem những khó khăn của mình là quan trọng, tự nhiên họ sẽ thu hút được phản ứng tích cực của kẻ khác. Nếu không thì cũng chẳng biết phải khuyên họ những gì bây giờ ? Chẳng lẽ bảo họ phải trang điểm nhiều hơn nữa nếu đó là một người đàn bà ? Phải tập thể dục cho bắp thịt căng to hơn nữa nếu đấy là một người đàn ông ? Tôi chỉ nói đùa thế thôi. (Ngài cười to).
Lời khuyên người sống tập thể
Đời sống tập thể, nếu được tổ chức dựa vào sự tự nguyện, thì theo tôi đó là một điều rất tốt. Sống tập thể rất chính đáng vì bản chất con người là lệ thuộc vào nhau, người này với kẻ khác. Sống tập thể cũng giống như sống trong một gia đình rộng lớn, vì cách sống như thế phù hợp với nhu cầu của mỗi người. Ta gia nhập một tập thể vì nhìn thấy một số phấm tính nào đó trong tập thể ấy. Mọi người chung sức với nhau, mỗi người hoàn tất công việc hàng ngày của mình và đồng thời cũng nhận được thành quả từ sự cố gắng của kẻ khác. Theo tôi đấy là một giải pháp mang tính cách thực tiễn.
Trong bất cứ một nhóm người nào cũng luôn có những bất đồng chính kiến. Tôi xem đấy là một điều thuận lợi. Càng va chạm với nhiều quan điểm khác biệt, ta lại càng có dịp được học hỏi thêm những gì mới lạ từ kẻ khác và cải thiện được những hiểu biết của chính mình. Nếu ta chống lại những kẻ suy nghĩ khác với mình thì mọi sự sẽ trở nên khó khăn. Đừng bám chặt vào những ý nghĩ riêng tư mà hãy đối thoại với kẻ khác bằng một thái độ cởi mở. Như thế ta sẽ có dịp so sánh những ý tưởng khác nhau và từ đó sẽ phát sinh một quan điểm mới.
Bất cứ nơi nào, dù trong gia đình hay trong những tập thể khác của xã hội, việc đối thoại với nhau thật quan trọng. Ngay từ buổi thiếu thời, khi có sự cãi vã xảy ra, nên tránh tức khắc những ý nghĩ tiêu cực, đừng tự nhủ « Phải tìm cách để loại bỏ tên này mới được ». Dù không cư xử đến cái mức độ tiếp tay cho kẻ ấy, nhưng ít ra cũng nên lắng nghe xem hắn muốn bày tỏ điều gì. Hãy tập làm quen với cách cư xử như thế. Tại trường học, trong gia đình, nếu như có sự cãi vã bùng nổ, hãy tái lập ngay việc đối thoại và dựa vào sự trao đổi ngôn từ để suy nghĩ thêm.
Chúng ta thường có thói quen cho rằng khi đã bất đồng chính kiến thì tất nhiên phải có sự xung đột, và khi đã xung đột thì nhất định sau cùng sẽ có kẻ thua người thắng, hoặc như người ta thường nói, sự xung đột sẽ chấm dứt khi nào có một niềm kiêu hãnh bị chà đạp. Tránh đừng nhìn mọi sự dưới khía cạnh như thế. Luôn luôn nên cố gắng tìm một giải pháp thỏa thuận. Cần nhất là phải quan tâm tức khắc đến quan điểm của kẻ khác và nhất định ta có đầy đủ khả năng để làm được việc ấy.
Lời khuyên người sung túc
Khi gặp những người giàu có, tôi thường hay nói với họ rằng theo những lời giáo huấn của Đức Phật thì đó là một dấu hiệu tốt. Đấy là quả của những gì xứng đáng, là một bằng chứng cho thấy trước đây họ từng là những người rộng lượng. Tuy nhiên sự giàu có ấy không hẳn là luôn đi đôi với hạnh phúc. Nếu đúng như thế thì càng giàu người ta phải càng hạnh phúc hơn.
Trên căn bản và về phương diện cá nhân con người thì không có gì khác biệt giữa người giàu có và những kẻ khác. Dù cho gia tài có kếch sù mấy đi nữa, họ cũng không thể ăn nhiều hơn người khác vì mỗi người cũng chỉ có một dạ dày ; hai bàn tay cũng chỉ có từng ấy ngón mà chẳng có thêm ngón nào để đeo nhiều nhẫn hơn. Đương nhiên là họ có thể uống các thứ rượu vang và rượu mạnh thuộc loại tinh chế và đắt tiền, ăn những thức ăn tuyệt hảo. Nhưng tiếc thay, thường thì những thứ ấy chỉ làm hại cho sức khoẻ của họ nhiều hơn mà thôi. Những người không cần làm việc nặng nhọc thì phải lại tập thể dục nhằm loại bớt năng lượng dư thừa để ngừa chứng phì nộm và bịnh tật phát sinh. Chẳng hạn như tôi đây, không có dịp ra ngoài thường xuyên nên phải đạp xe đạp trong nhà ! Hãy suy nghĩ cho kỹ, chẳng cần phải giàu có để rơi vào cái cảnh ấy đâu ! (Ngài bật cười to).
Nhất định là có những xúc cảm thích chí khiến ta thốt lên : « Tôi thực sự là một người giàu có! ». Câu nói ấy đem đến hứng khởi và ta phóng một hình ảnh thú vị về cái ta vào xã hội này. Tuy nhiên những thứ ấy có đáng hay không, so với những những căng thẳng và lo âu phát sinh từ việc tích lũy và khuếch trương tài sản của mình ? Biến một số người trong gia đình và xã hội thành ra kẻ thù, tạo cho kẻ khác mối ganh tỵ và ác cảm. Riêng ta thì luôn phải sống trong lo âu và rơi vào tư thế phải thường xuyên phòng thủ.
Theo tôi, lợi điểm duy nhất của sự giàu có là khả năng giúp đỡ kẻ khác. Đồng thời trong bối cảnh xã hội thì ta cũng giữ một vai trò quan trọng hơn và có nhiều ảnh hưởng hơn. Nếu biết nghĩ đến những điều tốt lành thì ta sẽ làm được rất nhiều việc phải. Nhưng ngược lại, nếu là một người xấu bụng thì chính ta sẽ gây ra nhiều điều sai trái.
Tôi vẫn thường nói rằng chúng ta phải nhận lãnh trách nhiệm liên quan đến quả đất này. Nếu ta có đầy đủ điều kiện, chẳng hạn như sự giàu có, để thực hiện một điều gì đó hữu ích nhưng ta lại không làm, thì như thế rõ ràng ta là một người vô ý thức.
Mỗi ngày ta thụ hưởng thực phẩm và những tiện nghi do kẻ khác tạo ra, hay trồng trọt thay ta. Khi đã đủ sống thì đến lượt ta phải biết giúp đỡ cho phần còn lại của thế giới này. Không có gì bi thảm hơn là sống trong xa hoa mà không góp phần để mang lại hạnh phúc cho những người kém may mắn hơn mình. Nên hiểu rằng có những người thật hết sức nghèo khó chung quanh ta. Nhiều người không có gì để ăn, không có nhà để ở, đấy là chưa nói đến vấn đề giáo dục và thuốc men khi đau ốm. Nếu ta giàu có mà chỉ biết lo cho ta mà thôi thì những người phải sống trong cơ hàn sẽ nghĩ thế nào về ta ? Những người lam lũ từ sáng đến chiều nhưng vẫn không đủ ăn sẽ phản ứng ra sao khi nhìn thấy kẻ khác sống trong cảnh dư thừa mà chẳng cần động đến móng tay ? Có phải là chúng ta đã biến họ trở thành những người ganh tị và chỉ biết cảm thấy chua chát trong lòng hay chăng ? Có phải chúng ta đã đẩy họ dần vào cảnh hận thù và hung bạo ?
Nếu có nhiều tiền của thì cách tốt nhất là đem của cải ấy để giúp đỡ người nghèo, những người đang đau khổ, và trên bình diện rộng lớn thì đấy là cách giải quyết khó khăn và giúp cho mọi người cùng chung sống trên quả đất này được hạnh phúc hơn. Giúp đỡ người nghèo khó không có nghĩa đơn giản là cho họ tiền. Giúp đỡ có nghĩa là tạo điều kiện để họ được hưởng giáo dục và tự chăm sóc lấy họ, tức là giúp họ đủ sức để tự chu cấp những nhu cầu của họ.
Sống trong sung túc riêng cho mình thì quả chẳng có ích lợi gì cả. Thay vì sống và phung phí tiền bạc để mua lấy sự xa hoa vô bổ thì hãy nên sử dụng tiền của ấy vì kẻ khác. Nếu ta tìm thấy thích thú khi ném tiền qua cửa sổ, hay nướng những số tiền khổng lồ vào các sòng bạc, thì cũng không có lý do gì để trách cứ ai nếu đấy là tiền do chính mình làm ra và không làm hại đến ai cả. Tuy nhiên thật ra đấy cũng chỉ là một cách tự lừa dối mình và phung phí sự hiện hữu của chính mình mà thôi.
Dù giàu có đi nữa thì cũng nên ý thức rằng ta cũng chỉ là một con người mà thôi, và trên danh nghĩa con người thì ta nào có gì khác biệt với một người nghèo khó : tất cả đều có một nhu cầu chung về một niềm hạnh phúc phong phú trong nội tâm, và cái hạnh phúc ấy thì không có đồng tiền nào mua được.
Trong thời buổi này, cái hố phân cách giữa những người quá dư thừa và những kẻ tay trắng ngày càng trở nên sâu hơn. Trong vòng hai mươi năm gần đây, it nhất đã có thêm năm trăm nhà tỉ phú mới. Trước đây số tỉ phú chỉ vỏn vẹn có mười hai người vào năm 1982. Trong số những nhà tỉ phú mới, có đến hơn một trăm người gốc Á châu. Người ta vẫn thường cho Á châu là một nơi nghèo đói, nhưng thực ra thì cũng có vô số người ở Âu châu và Mỹ châu hiện nay chẳng có một xu dính túi. Vấn đề này cho thấy sự nghèo đói không còn liên hệ gì với sự tương phản giữa Đông và Tây phương.
Những hệ tư tưởng lớn, chẳng hạn như cộng sản, đã hoàn toàn thất bại trong ý đồ ép buộc người giàu phải cống hiến những gì họ có để làm của chung. Ngày nay, con người phải tự mình nhận lấy trách nhiệm đùm bọc lẫn nhau. Điều đó nhất định đòi hỏi phải thay đổi thật sâu xa cách suy nghĩ của mình, tức phải có một nền giáo dục mới.
Nhìn vào khía cạnh lâu dài thì người giàu sẽ chẳng được lợi lộc gì cả khi họ góp phần làm suy đồi tình trạng chung trên thế giới. Họ sẽ phải tự che thân trước sự oán hận của người nghèo và sống trong lo sợ ngày càng nhiều hơn, đó cũng là tình trạng đã xảy ra tại một số quốc gia. Một xã hội mà người giàu thì quá giàu, người nghèo lại quá nghèo ắt sẽ sinh ra hung bạo, tội ác và nội chiến. Những kẻ khuấy rối sẽ khích động dễ dàng những người khốn khổ bằng cách lừa dối rằng chính mình là người đứng ra tranh đấu cho họ. Đủ mọi thứ hỗn loạn sẽ theo đó mà sinh ra.
Nếu bạn giàu có và biết giúp đỡ người nghèo chung quanh, và nếu nhờ đó mà họ có sức khoẻ và có phương tiện để phát triển tài năng và sự hiểu biết của họ, thì rồi đây họ sẽ đền đáp lại bằng chính tình yêu thương của họ. Làm được như thế thì dù bạn là người giàu có đi nữa thì bạn vẫn có thể trở thành một người bạn của kẻ nghèo khó. Nếu bạn có gặp thảm họa thì họ cũng sẽ chia sẻ sự xót xa với bạn. Nhưng ngược lại, nếu bạn chỉ biết thu mình trong ích kỷ và không hề biết chia sẻ là gì thì họ sẽ hận thù bạn và vui mừng khi thấy bạn khổ đau. Tất cả chúng ta đều là những con người sống tập thể trong xã hội. Khi bối cảnh chung quanh thân thiện thì đương nhiên chúng ta sẽ tìm thấy sự tự tin và sống trong hạnh phúc.
Lời khuyên người cùng quẫn
Nghèo nàn về vật chất đâu cấm cản ta có những suy tư cao thượng. Thật vậy, những ý nghĩ cao cả quan trọng hơn nhiều so với sự giàu có vật chất. Có được một khối óc và một thân xác con người là đã đạt được những gì cốt yếu, dù cho phải sống trong cảnh nghèo khó đi nữa, vì thế không có lý do gì khiến ta phải nản chí và hổ thẹn. Trên đất Ấn, đứng trước những người thuộc giai cấp tiện dân chỉ mong muốn đòi hỏi quyền lợi của mình, tôi thường bảo với họ rằng tất cả chúng ta đều là những con người như nhau, đều có một tiềm năng như nhau, vì thế không nên thối chí chỉ vì nghèo đói và bị các giai cấp khác khinh miệt.
Thật không có ích lợi gì khi cảm thấy chua chát và phẫn nộ đối với những người giàu có. Nhất định là người giàu phải biết kính trọng kẻ nghèo khó, nhưng nếu gặp trường hợp người giàu vượt quá xa giới hạn của họ thì những người nghèo phải đứng lên để tự vệ. Nếu cứ ấp ủ lòng ham muốn hay dung dưỡng sự ganh tị thì chẳng đi đến đâu cả. Nếu muốn trở thành giàu có thì tùy theo khả năng mình mà hãy cố gắng trau dồi sự hiểu biết thay vì ngồi một chỗ mà chờ đợi. Điều quan trọng là tự tạo cho mình những phương tiện để tự mình đứng vững trên hai chân.
Tôi nghĩ đến hàng ngàn người Tây tạng đã theo tôi sau khi tôi rời xứ sở để tỵ nạn trên đất Ấn. Họ đã mất tất cả, kể cả quê hương của họ, và trong số họ phần đông trắng tay, cơ hàn và không được chăm sóc thuốc men đúng mức. Họ phải làm lại cuộc đời từ con số không trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Họ sống trong những túp lều vải để tránh nóng bức và mưa lũ, phải khai hoang những mảnh rừng được cung cấp và hàng trăm người đã chết vì những thứ bịnh tật không hề có trên đất Tây tạng. Tuy nhiên rất ít người thối chí, họ khắc phục những khó khăn nhanh chóng một cách kỳ lạ và đã tìm thấy sự hân hoan và vui sống. Điều ấy chứng minh cho thấy với một thái độ đúng đắn, người ta vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc trong những hoàn cảnh bi thảm nhất. Ngược lại nếu nội tâm không an bình, ta sẽ tự lừa dối mình bằng cách cho rằng tiện nghi vật chất và giàu có sẽ mang lại hạnh phúc cho ta.
Thật rõ ràng là mỗi người đều có quyền mang cái nghèo nàn của nội tâm để ghép thêm vào sự nghèo khó vật chất. Nhưng dù sao thì cũng nên trau dồi những thái độ tích cực. Cũng xin nhắc lại rằng những gì trình bày trên đây không hề có nghĩa là muốn khuyên ta bất động, không làm gì cả để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Nếu là nạn nhân của sự bất công, bạn hãy đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình và đưa sự thật ra ánh sáng. Điều này hết sức quan trọng. Trong những thể chế dân chủ, sự kiện luật pháp phải được áp dụng cho tất cả mọi người là một lợi điểm lớn lao. Tuy nhiên cần phải giữ một thái độ ngay thật và từ tâm.
Lời khuyên người ốm đau
Ngày nay y khoa đạt được những tiến bộ lớn lao. Tuy nhiên sức mạnh tinh thần vẫn giữ một vai trò then chốt trong việc phòng ngừa hay trong lúc điều trị. Ảnh hưởng của sức mạnh tinh thần đã được chứng minh rõ rệt.
Thân xác và tâm thức liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế dù cho bịnh tình nguy kịch đến mấy đi nữa cũng không bao giờ nên thất vọng. Phải tự nhủ là luôn luôn sẽ có một phương thuốc để chữa chạy thì ta sẽ có cơ may được lành bịnh. Dù sao đi nữa, phải hiểu rằng sự lo buồn cũng chẳng ích lợi gì cả vì đấy chỉ là một cách rước thêm khổ đau vào đau khổ mà thôi. Tôi xin lập lại một lời khuyên hết sức thiết thực của một nhà hiền triết Ấn độ là ngài Tịch Thiên (1) như sau : Nếu đã có một phương thuốc thì lo âu để làm gì, cứ an tâm mà dùng phương thuốc ấy. Nếu không có thuốc chữa thì lo âu lại càng vô ích. Nó chỉ làm cho đớn đau trở nên nặng nề thêm mà thôi !
Phương thuốc tốt nhất là phòng ngừa. Phương thuốc ấy liên quan mật thiết với việc ăn uống và cách sống thường ngày của ta. Nhiều người lạm dụng rượu chè và thuốc lá. Chỉ vì một chút lạc thú nhỏ nhoi và phù du phát sinh từ mùi vị và sự chi phối của những thứ ấy mà họ hủy hoại cả sức khoẻ của mình. Một số người khác chỉ vì ăn quá nhiều mà phải mang lấy đủ thứ bệnh tật. Tôi từng biết có nhiều nhà tu Phật giáo khi còn ẩn cư trong hang động hẻo lánh trên núi thì hết sức khoẻ mạnh. Thế nhưng mỗi lần xuống núi để thăm gia đình hay bạn hữu vào dịp lễ đầu năm hay là các lễ lạc khác, họ không còn kiểm soát được sự tham ăn nữa và đã ngã bịnh. (Ngài cười to).
Đức Phật đã từng nói với các đồ đệ của Ngài rằng nếu ăn không đủ thì họ sẽ bạc nhược, nhưng Ngài cũng bảo rằng nếu sống một cuộc sống quá dư thừa thì ta sẽ phung phí hết những gì xứng đáng (2) của mình. Những lời trên đây nhắc nhở ta hãy giảm bớt những thèm khát, vui lòng với những gì đang có, cố gắng thăng tiến trên mặt tinh thần, và như thế sẽ giữ được sức khoẻ tốt. Ăn quá nhiều hay ăn không đủ đều đưa đến bệnh tật. Trong cuộc sống thường nhật hãy cố tránh đừng bị rơi vào một thái cực nào cả.
Ghi chú :
1- Tịch Thiên (Shantideva) là một đại sư Ấn độ thuộc Trung quán tông, sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII, từng tu học ở Đại học Na-lan-đà, tác giả của một tập luận bằng thi phú có thể xem như là một kiệt tác, đó là tập Nhập Bồ đề hành luận (Bodhicaryavatara).
2- Chữ « xứng đáng » trong Phật giáo có nghĩa là những hành vi tốt lành. Năng lực tích cực phát sinh từ những hành vi ấy in sâu vào « dòng tiếp nối liên tục » của tri thức, và sau đó trong một thời gian lâu hay mau, tùy thuộc chúng có bị ảnh hưởng của năng lực tiêu cực từ những vết hằn của những hành vi thiếu đạo hạnh ngăn chận và hoá giải hay không, sẽ làm phát sinh những xu hướng tinh thần mang đến hạnh phúc cho ta. Đồng thời qua quy luật tương liên (lý duyên khởi), những xu hướng tích cực ấy cũng sẽ đem đến cho ta sức khoẻ, sự giàu sang,…chẳng hạn.
Lời khuyên người khuyết tật và những ai chăm sóc cho họ
Nếu ta có một thân xác khuyết tật thì từ đáy tâm hồn ta hãy luôn tự nhủ rằng dù sao tất cả mọi người đều là những con người như nhau. Nếu ta khiếm khuyết một giác quan nào đó, thì tâm thức ta cũng vẫn hoạt động giống như tâm thức kẻ khác. Đừng thối chí, hãy tự tìm lấy sự vững tin trong lòng. Ta là một con người và ta có đủ khả năng để làm một cái gì đó cho cuộc đời mình.
Một hôm tôi viếng thăm một trường học cho người câm. Thoạt nhìn thì thấy những đứa bé ấy không thể nào giao tiếp như chúng ta được, nhưng thật ra thì chúng có thể sử dụng những phương tiện khác để học hỏi giống như mọi người. Ngày nay người khiếm thị có thể đọc và viết nhờ những dụng cụ và máy móc đặc biệt. Vài người đã trở thành nhà văn. Tôi nhìn thấy trên truyền hình Ấn độ một người cụt cả hai tay nhưng vẫn có thể dùng chân để viết được. Người này không thể viết nhanh, nhưng chữ viết thật rõ ràng.
Dù sao đi nữa ta cũng không bao giờ nên nản chí. Người nào biết tự nhủ rằng : « Tôi sẽ thành công » thì người ấy sẽ đi đến đích. Nếu ta nghĩ rằng : « Thật khó quá, tôi mất hết mọi khả năng rồi, tôi sẽ không bao giờ làm được », thì trong trường hợp đó tất nhiên ta sẽ khó thành công. Người Tây tạng có một câu châm ngôn như sau : « Đánh mất lòng nhiệt thành thì ta sẽ không sao thoát được cảnh cơ hàn ». Những gì tôi trình bày trên đây tất nhiên không liên quan đến trường hợp những người có não bộ bị tổn thương vì họ không còn suy nghĩ bình thường như chúng ta được nữa.
Khi một đứa bé bị tật nguyền bẩm sinh thì không thể bảo rằng cha mẹ và cả những người khác trong gia đình không hề biết buồn rầu, lo âu và thất vọng. Tuy nhiên nếu nhìn trên một bình diện khác thì sự chăm sóc cho người khác lại là một nguồn hạnh phúc và một niềm vui. Kinh sách Phật giáo khuyên ta nên yêu thương nhiều hơn những ai đang khổ đau và không còn đủ khả năng để tự che chở lấy mình. Càng giúp đỡ họ, ta càng tìm thấy một niềm vui sâu xa và đích thực vì ta sẽ cảm thấy cuộc sống của mình hữu ích.
Theo nguyên tắc chung, cứu giúp người khác là hành vi tốt đẹp nhất trong số tất cả các hành vi. Nếu như chính trong gia đình, ngay bên cạnh ta, có một người nào đó hoàn toàn mất hết khả năng, không còn một phương tiện nào để tự che chở, phải nô lệ cho những khuyết tật không chữa chạy được, thì hãy nghĩ rằng đấy là một dịp may vô cùng quý giá giúp ta tìm thấy sự hân hoan trong việc giúp đỡ một chúng sinh. Ta đang thực thi một việc vô cùng tốt đẹp.
Nếu ta xem việc ấy là một sự bắt buộc, trái ngược với lòng ta, thì ý nghĩa của việc làm sẽ không còn đuợc vẹn toàn, và như thế là cách tự tạo ra cho mình những khó khăn thật phi lý không đáng xảy ra.
Lời khuyên người sắp lìa đời và những người thân thuộc chung quanh
Cái chết đánh dấu một thời điểm cực kỳ quan trọng vì thế cần phải được chuẩn bị thật chu đáo. Hãy nghĩ đến tính chất bất khả kháng của cái chết. Hãy nhìn nó như một thành phần bất khả phân của sự sống, vì đương nhiên sự sống bắt buộc phải có một khởi điểm và một sự chấm dứt. Thật là vô ích nếu ta tìm cách tránh né chuyện ấy.
Nếu ý niệm trên đây sớm ăn sâu vào tâm thức thì sau này cái chết sẽ không đến với ta một cách đột ngột như là một biến cố bất thường. Và như thế ta sẽ có thể tiếp cận nó một cách khác hơn.
Quả thật phần đông chúng ta đều cảm thấy ghê sợ khi nghĩ đến cái chết của chính mình. Ta sử dụng phần lớn cuộc đời để thâu góp của cải và hoạch định thật nhiều dự án, dường như ta có thể sống bất tận, không chịu nghĩ rằng rồi một ngày nào đó ta cũng sẽ ra đi và bỏ lại tất cả phía sau. Cái ngày nào đó cũng có thể là ngày mai, mà cũng có thể là ngay hôm nay, trong một chốc nữa đây.
Theo Phật giáo, tốt hơn hết là ngay từ bây giờ ta nên tập thế nào để cái chết sẽ đến một cách êm đẹp nhất. Khi các chức năng sinh tồn chấm dứt, cấp bậc thô thiển của tâm thức cũng tan biến theo, và khi đó phần tri thức tinh tế không còn lệ thuộc vào thành phần vật chất nữa, sẽ hiển lộ một cách rõ rệt, tạo ra dịp may duy nhất cho người đã tu tập thuần thục bước vào thể dạng Giác ngộ. Vì thế các kinh sách tan-tra (1) đã đưa ra nhiều phương pháp thiền định với mục đích chuẩn bị cho cái chết.
Nếu là người mang đức tin thì khi sắp chết ta nên nhớ đến đức tin của mình mà cầu nguyện. Nếu ta tin có Trời, thì tự nhủ rằng dù cho thật đau buồn khi phải chấm dứt sự sống, nhưng Trời vẫn có cái lý của Ông ta, trong cái lý đó có một cái gì sâu xa mà ta không thể hiểu nổi. Điều đó chắc hẳn cũng giúp đỡ ta được phần nào.
Nếu là một người Phật giáo và tin có luân hồi, thì đối với ta cái chết chỉ là sự thay đổi cái vỏ thể xác bên ngoài, giống như ta thay áo mới khi chiếc áo trên người đã cũ. Khi cơ sở vật chất gánh chịu những tác động từ các nguyên nhân bên trong và bên ngoài không còn đủ sức duy trì sự sống, thì đã đến lúc phải rời bỏ nó để tiếp nhận một cơ sở vật chất mới. Trong bối cảnh như thế, chết không có nghĩa là chấm dứt hiện hữu.
Đối với những người có đức tin, dù họ có chấp nhận sự tái sinh hay không, thì cần nhất khi chết phải chận đứng những tư duy của tri thức thô thiển và phải phát động niềm tin vào Thượng đế hay bất cứ một thể dạng tâm thức tích cực nào cũng được. Tốt nhất là giữ cho tâm thức minh mẫn chừng nào hay chừng nấy và tránh tất cả những gì làm cho tâm thức u tối. Nếu như người hấp hối đau đớn quá mức và không còn khả năng giữ tâm thức trong một thể dạng thuận lợi, thì tốt hơn là đừng nên cho người hấp hối phải ra đi trong tình trạng đau đớn như thế. Trong trường hợp này hãy giúp người sắp chết bớt đau đớn bằng những liều thuốc an thần hay thuốc ngủ. Việc ấy thật lợi ích !
Đối với những ai không theo một tôn giáo hay các cách tu tập tâm linh nào, và các cách suy tư của họ quá xa vời với cái nhìn của tôn giáo về thế giới này, thì trong lúc hấp hối điều quan trọng hơn hết là nên giữ bình tĩnh, thư giãn, và suy nghĩ trong đầu thật minh bạch rằng cái chết chẳng qua cũng chỉ là một quá trình tự nhiên của sự sống.
Nếu phải chứng kiến và giúp đỡ một người hấp hối, thì ta hãy chọn một thái độ thích nghi với họ, phù hợp với bịnh tình của họ, với việc họ có tin ở tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, và nhất là tránh tối đa không tìm cách gây ra cái chết sớm hơn để tránh sự đau đớn (2). Nên làm tất cả những gì có thể làm được để tạo ra chung quanh người hấp hối một không khí an bình. Nếu ta bồn chồn lo lắng, người hấp hối cũng sẽ cảm thấy bị giao động làm phát sinh những suy nghĩ hỗn loạn khiến cho họ bất an. Thuật ngữ Phật giáo gọi đó là nguy cơ tạo cho người hấp hối những xu hướng tiêu cực (3).
Nếu người hấp hối có cùng một tôn giáo với ta, thì ta nên nhắc nhở họ cách tu tập mà họ đã quen thuộc hoặc hãy củng cố thêm đức tin cho họ. Khi hấp hối thì tất nhiên tâm thức sẽ kém sáng suốt hơn. Lúc ấy nếu có đem ra giảng cho họ một cách tu tập mà họ chưa hề biết hay chưa quen thuộc thì cũng vô ích. Khi phần tri thức thô thiển đã tan biến và giai đoạn tri thức tinh tế khởi sự, thì những gì có thể giúp ích cho người lâm chung chính là sức mạnh của sự tập luyện tinh thần từ trước của họ, kèm theo những suy tư tích cực.
Khi người bịnh đã hôn mê và chỉ còn giữ được hơi thở ra vào, không còn suy nghĩ được nữa, thì lúc đó cần phải giúp cho họ ra khỏi tình trạng vô thức, nhưng hãy hành động tùy theo hoàn cảnh. Nếu gia đình giàu có và người hấp hối được gia đình quá thương tiếc và sẵn sàng kéo dài sự sống của họ với bất cứ giá nào, dù chỉ được một ngày đi nữa, thì cũng nên cố gắng thực hiện. Dù cho việc ấy không giúp ích gì thêm cho người sắp chết nhưng cũng làm cho những người thân đang sống được mãn nguyện.
Nếu không còn một hy vọng nào để làm hồi tỉnh tri thức của người hôn mê và nếu việc đó quá tốn kém khiến gia đình phải gánh chịu nợ nần hoặc tạo ra những khó khăn trầm trọng, thì tốt hơn hết là nên thốt lời « từ giã ».
Tôi cũng xin nói thêm rằng, theo Phật giáo nếu cần phải làm bất cứ gì để giúp người sắp chết không đau đớn, thì đồng thời cũng nên hiểu rằng không phải vì thế mà người hấp hối sẽ thoát khỏi những khổ đau do chính họ đã tạo ra cho họ. Nói một cách khác là họ phải gánh chịu sự khổ đau mà nguyên nhân bắt nguồn từ hành vi (nghiệp – hay karma) của chính họ, và hậu quả phát sinh từ hành vi thì không thể nào trốn tránh được. Nếu họ rơi vào một hoàn cảnh không có một tiện nghi vật chất nào, hoặc trong một thể dạng hiện hữu khác hơn là con người, hoặc không có ai bên cạnh để chăm lo, thì sự đớn đau sẽ còn tệ hại hơn nhiều. Ngay trong lúc này khi còn đang có kẻ khác chăm sóc và chu cấp nhu cầu cho họ thì tốt hơn là họ nên để cho cái thân xác hiện tại gánh chịu sự đớn đau (4). Đương nhiên, tất cả là do gia đình hay những người thân thuộc quyết định kéo dài hay thu ngắn tình trạng sống giả tạo (5) của họ mà thôi.
Ghi chú :
1- Tan-tra là các kinh sách căn bản của Kim cương thừa trong Phật giáo.
2- Sự gây chết không đau (euthanasie).
3- Xu hướng tiêu cực ở đây có nghĩa là sự bám víu vào sự sống và những người thân chung quanh, cản trở một tâm thức an bình thuận lợi cho sự tái sinh.
4- Ý nghĩa của câu này là sự đớn đau là do nghiệp sinh ra, nếu ta « trả » trong lúc này thì sẽ được nhẹ gánh hơn cho thân xác tương lai. Dù sao thì hậu quả của nghiệp cũng phải « trả », hoặc « trả » trong lúc này hay khất « nợ » lại về sau cũng thế thôi.
5- Kéo dài sự sống giả tạo có nghĩa là dùng hô hấp nhân tạo và các máy móc y khoa khác để tạm thời chận đứng cái chết.
Lời khuyên người làm việc quá nhiều và không còn thì giờ rảnh rỗi
Tôi vẫn thường gọi một số bạn bè của tôi là những « người nô lệ cho tiền bạc ». Họ không hề biết dừng lại một phút nào để nghỉ ngơi, họ mệt nhoài vì phải chạy hết đầu này đến đầu kia, luôn luôn sẵn sàng bay sang Nhật, sang Hoa kỳ, Hàn quốc, không dám dành thì giờ đi nghỉ mát.
Nhất định là nếu sinh hoạt của họ nhắm vào mục đích mang đến sự tốt lành cho kẻ khác hay để phát triển quê hương họ, thì tất nhiên người ta phải lấy đó làm một điều hân hoan. Bất cứ những ai có một mục đích cao cả và hy sinh ngày đêm để thực hiện mục đích ấy thì quả rất xứng đáng cho chúng ta ngợi khen. Ngay cả trong các trường hợp như thế, chính họ cũng thỉnh thoảng cần phải dành ra một ít thì giờ để chăm sóc sức khoẻ. Nên thực hiện một công trình hữu ích trải rộng trong một thời gian lâu dài, tuy không nhanh, nhưng vẫn hơn là phải ra sức cố gắng mà lại phù du.
Nếu như những hoạt động có tính cách cuồng nhiệt chỉ để hướng vào những mục tiêu tham vọng cá nhân, để rồi sau cùng bị kiệt lực và hao mòn sức khoẻ, thì đấy chỉ là một hình thức tự hủy hoại chính mình một cách vô ích mà thôi.
Lời khuyên người bị tù đày và những người cai tù
Trên nguyên tắc, những ai phạm tội ác đều phải bị nhốt vào tù và bị khai trừ ra khỏi xã hội. Họ bị người khác xem là những thành phần bất hảo và tập thể xã hội không còn muốn nhìn thấy họ nữa. Họ không còn một hy vọng nào để trở thành người tốt để lập một cuộc sống mới, và họ lại tiếp tục cư xử hung bạo với các người tù khác và hiếp đáp những kẻ yếu kém hơn. Trong bối cảnh như thế, thật sẽ không còn một dịp may nào nữa để cho họ tự biến cải lấy số phận của mình.
Đôi khi tôi nghĩ đến trường hợp những người cầm quân giết hại hàng ngàn người, và những kẻ như thế thì được gọi là anh hùng. Người ta xem hành động của những người ấy thật là tuyệt vời, để rồi ca tụng và tán dương họ. Nhưng nếu một người lâm vào cảnh túng quẩn giết hại một người khác, thì người ta lại gọi hắn là một kẻ sát nhân, bỏ hắn vào tù và có thể đem giết hắn nữa. Nhiều người chiếm đoạt những số tiền khổng lồ thì lại không bị kết tội. Trái lại những kẻ chỉ phạm vào việc ăn cắp vài tờ giấy bạc vì tuyệt vọng thì lại bị còng tay và đưa vào tù.
Thật ra thì tất cả chúng ta đều là những kẻ mang tiềm năng gian ác, và những người mà chúng ta đưa vào tù, thì trong đáy lòng họ, chưa chắc họ đã tệ hại hơn bất cứ ai trong số chúng ta. Chỉ vì họ không cưỡng lại được trước những u mê, tham vọng và hận thù mà thôi, chứ tất cả chúng ta thì cũng như họ, đều mắc phải những thứ bịnh ấy, chỉ có nặng nhẹ khác nhau mà thôi. Bổn phận của chúng ta là phải chữa chạy cho họ.
Đứng trên cương vị của xã hội cũng thế, ta không nên loại trừ những kẻ phạm vào sai lầm để kết tội họ là gian ác. Trên bình diện tổng quát thì họ vẫn là một con người, cũng là một thành phần của xã hội giống như chúng ta, và cũng có quyền được cải thiện như chúng ta. Nhất định là chúng ta có bổn phận phải mang đến cho họ một niềm hy vọng và mở một hướng đi mới cho cuộc đời họ.
Tôi đã từng viếng thăm nhà tù Delhi Tihar ở Ấn độ, nơi có một nữ cảnh sát tên là Kirian Tihar đứng ra chăm sóc những người tù tội với một tấm lòng nhân từ thật bao la. Bà ấy giảng cho họ những lời khuyên tinh thần, dạy họ thiền định, tìm cách in sâu trong lòng họ sự an bình nội tâm giúp họ loại trừ những ý nghĩ tội lỗi. Những người tù hết sức sung sướng khi thấy có người yêu thương và chăm sóc mình. Sau một thời gian, một số người, trước cả hạn kỳ được thả, đã tìm thấy sự an vui, tự tin nơi giá trị con người và cảm thấy đủ sức để hòa mình vào xã hội. Theo tôi đấy là một tấm gương cho chúng ta noi theo để bắt chước những việc làm nhân đạo như thế.
Tại Hoa kỳ tôi cũng đã gặp những người Phật giáo giao tiếp với những kẻ tù đày và chăm sóc cho họ. Tôi khuyến khích những người này và bảo họ rằng những việc làm như thế thật vô cùng hữu ích.
Hoàn cảnh của những tội phạm còn non trẻ thì thật là bi thảm. Trước hết đấy là tình trạng mới chớm bước vào đời đã làm hỏng cả tương lai. Sau đó phải hiểu là tình cảnh đáng thương ấy lại thường xảy đến cho những kẻ ít kinh nghiệm, rơi vào những bối cảnh xã hội khó khăn, thuộc vào một lứa tuổi chưa đủ sức suy nghĩ phải làm thế nào để đứng vững một mình.
Lời khuyên chính yếu nhất của tôi đối với những tội phạm còn non dại và với tất cả những kẻ bị tù đày là không bao giờ thối chí, không bao giờ đánh mất niềm hy vọng được cải thiện. Hãy luôn luôn tự nhủ rằng: « Tôi chấp nhận những sai lầm của tôi, tôi sẽ cố cải thiện, tôi sẽ hành động tốt hơn, và tôi sẽ trở thành người hữu dụng ». Tất cả chúng ta đều đủ sức để tự biến đổi mình. Tất cả chúng ta đều có một khối óc như nhau, một tiềm năng giống nhau. Không bao giờ tự cho rằng mình chẳng còn hy vọng gì nữa, ngoại trừ trường hợp còn vướng mắc trong sự kiềm toả của vô minh và những ý nghĩ nhất thời.
Những người bị tù tội thật đáng thương ! Họ phạm vào lỗi lầm chỉ vì bỗng dưng đã rơi vào sự kiềm toả của những xúc cảm tiêu cực, để rồi bị xã hội loại trừ và họ đã đánh mất tất cả trong cuộc đời này.
Lời khuyên người đồng tính luyến ái
Rất nhiều người đã hỏi là tôi nghĩ gì về những người đồng tính luyến ái. Tôi cho rằng đối với những ai theo một tôn giáo nào thì tốt nhất là nên tự quyết định những gì nên làm và không nên làm, theo quan điểm của tôn giáo mình. Một số người Thiên chúa giáo cho rằng đồng tính luyến ái là một lỗi lầm trầm trọng, một số người khác lại không cho như thế. Một số người Phật giáo chấp nhận điều này, một số khác lại nghĩ rằng làm như thế cũng không khác gì từ bỏ Đạo Phật.
Theo các kinh sách căn bản của Phật giáo thì có mười hành vi nguy hại phải tránh, trong số này có một điều liên quan đến đời sống tình dục không đúng đắn (1). Điều này cốt yếu liên quan đến trường hợp lấy người phối ngẫu của kẻ khác, nhưng cũng gồm cả hành vi đồng tính luyến ái, giao cấu bằng miệng hay hậu môn và thủ dâm. Nhưng thực hành những thứ ấy không có nghĩa là bị khai trừ ra khỏi Phật giáo. Ngoại trừ những quan điểm sai lầm – chẳng hạn như nghĩ rằng Đức Phật không hiện hữu, hoặc quy luật nhân quả không đúng – thì chẳng có điều nào trong mười hành vi nguy hại, kể cả sát sinh, lại có tác dụng biến ta thành người không Phật giáo. Một kẻ giết người đương nhiên là đã phạm vào một hành vi cực kỳ nguy hại. Nếu là một nhà sư và lại còn tìm cách che dấu tội ác của mình thì đấy là một hành động chối bỏ vĩnh viễn các lời nguyện và người này không còn thuộc vào tăng đoàn nữa. Tuy thế người này vẫn có thể tiếp tục tu tập.
Nếu ta không theo một tôn giáo nào cả và thích làm tình với một người cùng phái tính với sự thỏa thuận chung, không phải là một hành vi hãm hiếp hay lạm dụng nào cả, và nếu ta tìm thấy sự thích thú không hung bạo, thì tôi không có gì để nói thêm nữa. Tôi còn nghĩ rằng – và đây cũng là một điều quan trọng – thật hết sức bất công khi thấy trường hợp những người đồng tính luyến ái đôi khi bị xã hội loại trừ, hoặc bị trừng phạt, hoặc mất việc làm. Người ta không có quyền xem họ ngang hàng với những kẻ tội phạm.
Tôi nghĩ rằng theo quan điểm Phật giáo và trên bình diện tổng quát thì đồng tính luyến ái chỉ là một lầm lỗi đối với một số giới luật nào đó thì đúng hơn, nhưng tự nó thì đồng tính luyến ái không phải là một hành vi nguy hại, khác hẳn với trường hợp hãm hiếp, sát sinh hoặc những hành vi khiến kẻ khác phải đau khổ. Thủ dâm cũng thuộc vào trường hợp như vừa kể. Vì thế không có một lý do nào để loại trừ hay có những thái độ kỳ thị đối với những người đồng tính luyến ái.
Tôi cũng xin nói thêm rằng chúng ta cũng không nên chê bai triệt để những tôn giáo chủ trương bài trừ sự luyến ái thiếu phẩm hạnh, chỉ vì lý do duy nhất là sự luyến ái ấy không phù hợp với quan điểm của mình hay là cách mà mình vẫn thường làm.
Ghi chú :
1- Chín giới cấm khác là : sát sinh, trộm cắp, nhục mạ, nói dối, nói lời làm tổn thương đến người khác, nói huyên thiên vô bổ, tham lam, sân hận, si mê tà kiến.
Website Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ tác giả / dịch giả Hoang Phong và Cô Phú Ngọc đã gửi tặng ấn bản tiếng Việt. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.