I – MỞ ĐỀ

Cũng cần nhận rõ hơn trong những yếu tố nội lực tạo tiền đề cho nhiều cơ hội mới và những thách thức mới thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Việc gấp rút nâng cao nhận thức, tầm nhìn, phát huy năng lực cho một thế hệ Tăng Ni trẻ, đủ sức gánh vác nhiệm vụ mà thời đại đặt ra cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng và Đạo pháp nói chung là việc làm có tính cấp thiết.

Ra đời tại Ấn Độ hơn 2500 năm trước, Phật giáo đã nhanh chóng lan toả sang nhiều nước trên thế giới từ trên những yếu tố tích cực của đạo đóng góp vào trong đời sống hàng ngày cho người dân. Có mặt tại Việt Nam hơn 2.000 năm, Phật giáo cũng đã có những đóng góp nhất định vào nền văn hoá dân tộc, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong từng triều đại. Tuy nhiên, không phải lúc nào Phật giáo cũng giữ được vai trò và vị trí vàng son đó. Điều này còn tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân khác nhau: Từ sự vận dụng tinh thần Phật giáo của các thiền sư, của các vì vua, của chính quyền, đến việc từng người dân tiếp nhận tinh thần Phật giáo vào trong đời sống của chính mình như thế nào … cũng góp phần đưa lại một vị trí và vai trò nhất định cho Phật giáo Việt Nam.

Ngày nay tính hiện đại hóa toàn cầu thì vai trò quan trọng chính là thế trẻ, chính thế hệ trẻ là một lực lượng nòng cốt trên các lĩnh vực. Phật giáo đang trên đường phát triển hòa theo nhịp cùng cuộc sống toàn cầu hóa thì vai trò của Tăng Ni trẻ là lực lượng giúp Đạo pháp phát triển. để góp phần làm cho vườn hoa Phật giáo sum suê lan tỏa lớp Tăng Ni trẻ phải định hướng tương lai cho chính mình góp phần phụng sự đạo pháp, làm lợi ích cho tha nhân và chính mình.

II – NỘI DUNG:

1 – TĂNG NI TRẺ TRÊN ĐƯỜNG HỌC VẤN VÀ TRI THỨC

Việc tu hành ngày nay không phải chỉ là vấn đề tụng kinh gõ mõ, nhớ lại những thập niên về trước của thế kỷ 20, vào thời đại Phật giáo được chấn hưng đầu tiên các vị tổ sư như Ngài Khánh Anh, Khánh Hòa…vì nhận rõ được sự cấp bách và sự tồn vong của Phật pháp trong tương lai. Các ngài đã chủ trương là Tăng Ni cần phải có trình độ thế học cũng như Phật học chứ không phải xuất gia rồi chỉ làm Ông thầy, Bà cô ở chùa tụng kinh gõ mõ. Rồi từ đó các lớp học dành cho Tăng Ni bắt đầu được hình thành, việc giáo dục đào tạo từ đó mới bắt đầu phát huy.

Ngày nay chúng ta những Tăng Ni trẻ đang được ngồi trên ghế Phật học đường, đó quả là một điều đáng quý. Cổ đức từng dạy: “Tu không học là tu mù” cho nên việc học của chúng ta chính là đang tìm đường hướng tu tập đúng đắn. Từ kiến thức học tập đó chúng ta áp dụng cho việc tu tập và hoằng pháp trong tương lai. Nếu chúng ta không học thì chúng ta không biết đường hướng để tu tập, có chăng cũng chỉ là vị thầy ở chùa chuyên phục vụ ma chay giổ chạp.

Người tu tập ngày nay cần có những tri thức chân chánh, chính cái tri thức chân chánh này để làm nền tảng cho việc phát triển trí tuệ. Hơn nữa, là tăng Ni trẻ  chính là những người thầy trong tương lai, người thầy dẫn dắt quần chúng trong bối cảnh tri thức và khoa học phát triển. vậy nên tri thức không thể thiếu được, Phật giáo Việt Nam đã và đang hóa thân qua từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử, tinh hoa Phật giáo được thẩm thấu vào hồn đất nước – sức sống của dân tộc và văn hóa của ba miền Nam Trung Bắc.

Là thế hệ Tăng Ni trẻ trong thời hiện đại, do đó tri thức không thể ngày càng lạc hậu, sự tu hành cũng không nên quá khép kín trong nội viện Tòng lâm. Chư Tăng Ni trẻ có quyền vỗ cánh ước mơ bay đến chân trời mới, nơi đó có thể mở ra cánh cửa tri thức của thời đại, mở ra cánh cửa tâm linh của Phật giáo và mở ra cánh cửa sáng tạo của nguồn tâm. Nét đặc thù của Phật giáo có thể lan tỏa khắp năm châu hay không? Kim ngôn của đức Phật có thể quảng bá trong mọi sắc tộc màu da hay không? Đều phải nhờ vào sự trau dồi điển chương và dụng công tu hành miên viễn của thế hệ Tăng Ni trẻ.

Mỗi bước chân giẫm trên vùng đất của tâm linh, mỗi chặng đường đi qua trong mảnh ruộng phước sẽ xuất hiện những đóa sen nở trời phương ngoại, mỗi trái tim nhân ái sẽ thấm đẩm tình pháp lữ trong cõi sanh tử vô biên. Những hoài bão đó là sự đột phá qua lằn ranh giới của những tư tưởng cổ hủ, để rồi sẽ khám phá những ngõ ngách chằng chịt của từng ý niệm và cũng sẽ mài mòn bản ngã hiện đời đã tồn tại trong vô lượng kiếp qua.

Đối với việc học để có tri thức là quan trọng như thế! Tuy nhiên, chúng ta không thể làm ngơ trước những giá trị tâm linh phi vật thể mà các bậc tiền nhân đã gìn giữ, chúng ta lại càng không thể chối bỏ những nền tảng giới luật của Phật giáo mà đức Phật đã chế ra, nó chẳng những không bị sụp đổ theo thời gian mà còn vững như thạch trụ trong suốt mấy nghìn năm qua. Hãy “ôn cố” những gì người xưa đã truyền trao lại, sẽ “tri tân” những điều vượt qua tri thức thường tình. Khi Tăng Ni trẻ biết trân quí đời sống phạm hạnh là đã gieo vào mảnh đất tâm những hạt giống thoát ly sanh tử, những ai biết “nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức” là đã trải lòng với nhân sinh trong vạn nẻo luân hồi.

Tăng Ni trẻ cần vượt ra khỏi lề thói chấp mê, đừng tự cho là hạt kim cương qúy báu, để rồi chỉ tỏa sáng riêng một góc trời của cá nhân, chính vì thế nó không thể gắn kết với những hạt kim cương khác để chiếu sáng khắp cả thế gian. Hãy hóa thân thành bùn đất, tuy nó không giá trị gì cả nhưng có thể gắn kết với nhau tạo nên những công trình vĩ đại, lưu lại muôn thuở cho hậu thế. Thế thì chúng ta nên làm kim cương hay làm bùn đất ?

2 – TĂNG NI TRẺ ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ TU TẬP, TIẾP CẬN XÃ HỘI VÀ TÂM LÝ TÌNH CẢM

Mặt khác, trên phương diện tri thức chúng ta có quyền vươn cao và bay xa nhưng không nên tách rời Đại chúng để sống một mình. Đại chúng là chiếc thuyền lớn vững vàng giúp chúng ta vượt qua những phong ba, là hàng rào thép kiên cố ngăn chặn bọn giặc ngoại xâm, là con đường mòn có hai hàng cội tùng rắn chắc đưa chúng ta đến ngôi nhà của bản tâm. Nếu vì một lý do nào đó của cá nhân, chúng ta muốn tự do trong sự giao tiếp, muốn có nhiều sự lợi dưỡng riêng tư, muốn cuộc sống không bị phụ thuộc vào Thầy Tổ và huynh đệ thì hãy coi chừng. Từ những suy nghĩ phiến diện này sẽ lôi kéo chúng ta âm thầm bắt đầu đi vào cuộc sống riêng lẻ. Có điều chúng ta không thể ngờ được những mặt trái, những sự cám dỗ vô hình của cuộc đời. Nếu không muốn lệ thuộc vào huynh đệ và bị thầy tổ kiểm soát, thì coi chừng sẽ sa vào cái bẫy của những người đã giúp chúng ta về mọi phương diện vật chất. Cái bẫy này có một đặc điểm chung hết sức lạ lùng, đó là chỉ có sự trói buộc mà không hề có sự tháo gỡ, người nào kém may mắn rơi vào thì sẽ lún sâu trong hố thẳm của đọa đày, sẽ bị chôn vùi giới thân tuệ mạng. Thật ít có những vị tín chủ nào có tâm hồn vì tiền đồ của Tam bảo, vì mạng mạch của Phật pháp, vì long tượng của Pháp môn, vì ước mơ của thế hệ trẻ mà mang hoài bão ươm mầm cho tương lai của họ, mong mỏi họ làm rường cột kiên cố để chống đỡ ngôi nhà định tuệ. Nói như vậy không phải là không có, mà nếu có, thì đó chính là những bực Bồ tát hóa thân, là những tâm hồn thi ân bất cầu báo.

Như chúng ta đã biết, hiện nay cả thế giới rộng lớn đã được thu nhỏ vào đường truyền Internet, muốn tìm hiểu những thông tin đại chúng, muốn tìm hiểu về hiện tượng của vũ trụ quan bên ngoài, hay muốn cảm nhận về nhân sinh quan của nhiều sắc tộc trên khắp năm châu, chúng ta không cần khổ công tìm kiếm mà chỉ cần ngồi một chỗ có thể biết rõ ràng mọi chi tiết. Tuy nhiên vấn đề nào cũng có hai mặt tương đối để tạo nên thế cân bằng xã hội, trong những điều kiện quá tiện nghi sẽ có mầm móng của hư hỏng, trong những lúc quá đầy đủ sẽ đưa đến tình trạng bệnh dư thừa, trong môi trường quá thuận lợi sẽ là một trong những nguyên nhân khiến con người kiêu ngạo và đánh mất sức mạnh về tinh thần đang tiềm ẩn trong nội tâm. Về phương diện nội điển, toàn bộ Tam tạng giáo điển cũng đã được gom vào màn hình nhỏ Computer. Mọi ý tưởng sáng tạo từ cuộc sống và con người, mọi kinh nghiệm tu hành từ thiền môn cho đến xã hội, mọi chất xám đã được kết tinh từ hoa trái của tri thức, đều đã được bày hiện tỉ mỉ ở trước mặt thông qua sự kết nối mạng internet. Nhưng nếu quá ỷ vào kho sách đồ sộ này, thì khi đối diện với vấn đề khó khăn chúng ta sẽ lười tư duy, thiếu sáng tạo và bộ não rất dễ trở nên máy móc hóa không uyển chuyển linh hoạt.

Còn có những điều nhạy cảm khác dễ gây mầm tai họa từ trong màn ảnh thu nhỏ này. Là tuổi trẻ, chúng ta không sao tránh khỏi tò mò lướt vào những trang webside lạ, những trang web này làm mê hoặc tuổi trẻ chứ không đem lại lợi ích chi cả. Nếu một khi người nào đó lỡ bước vào thì khó mà thoát ra. Nó giống như mê cung dẫn dắt người ta từ cảnh giới ảo này cảnh giới ảo khác. Suốt ngày khiến cho thế hệ trẻ đốt cháy thời gian qúy báu vào những việc vô bổ, bào mòn sức khỏe, cha mẹ phải buồn lo, Thầy tổ phải muộn phiền. Là chư Tăng Ni trẻ trong thời hiện đại, mong rằng chúng ta hãy cảnh giác những điều này, là con của đức Như Lai là bạn lữ của chư vị Bồ tát không nên lụy vào những chuyện của thế gian. Chúng ta hãy dùng nó như một công cụ học tập, bổ sung tư liệu cho lãnh vực nghiên cứu, là trợ thủ đắc lực cho công tác “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài “.

3 – TĂNG NI TRẺ VỚI CHUẨN BỊ CHO CON ĐƯỜNG HOẰNG PHÁP TRONG TƯƠNG LAI

Là Tăng Ni trẻ chúng ta phải luôn tự hỏi: “hành trang để Tăng Ni trẻ chúng ta bước vào con đường hoằng pháp, lợi lạc quần sanh là gì? Bằng cấp học vị thế gian ư?” Thưa không, những điều này chưa phải là cứu cánh của người xuất gia, người xuất gia trẻ trong thời đại này phải trang bị cho mình đức hạnh trang nghiêm. Vì rằng:

“Hương các loài hoa thơm,

Không bay ngược chiều gió.

Hương người đức hạnh đó,

Ngược gió khắp muôn phương.”

Đúng vậy, đức hạnh là một tính cách cao đẹp, không hề bị chi phối biến hoại dù thời gian vô cùng, không gian vô tận, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Muốn có đức hạnh thì giới hạnh phải trang nghiêm, giới hạnh nghiêm túc thì đức hạnh sáng ngời.

“Thân trang nghiêm giữ tròn giới hạnh,

Khẩu trang nghiêm lời nói sạch trong.

Ý trang nghiêm cõi lòng thanh tịnh,

Đó mới là chân thật xuất gia.”

Chỉ có giới luật mới tạo nên đức hạnh của người tu, mới xây dựng được một “Thiên nhơn chi đạo sư”, một Tăng Ni trẻ năng động nhưng tài đức toàn diện.

Trong xã hội tiến bộ này, Tăng Ni trẻ chúng ta phải có nền tảng giới luật vững chắc, còn phải mẫu mực về đạo đức, trình độ Phật pháp vững vàng. Song song bên cạnh đó cũng cần trau dồi kiến thức thế học, dù không phải cứu cánh nhưng là phương tiện cần thiết để phục vụ cho con đường hoằng dương chánh pháp và để ứng xử thỏa đáng với mọi căn cơ trình độ chúng sanh, nhất là trong giai đoạn này tầng lớp trí thức đến để học hỏi nghiên cứu phật pháp ngày càng nhiều. Nhưng chúng ta phải luôn tâm niệm rằng: “Kiến thức thế gian cần nhưng chưa đủ, nó không giúp chúng ta giải thoát khổ đau”. Chỉ khi nào chúng ta thực hành giáo huấn của Như Lai, khi đó ta mới có trí tuệ sáng suốt để thẩm định lại kiến thức nào của thế gian có thể sử dụng được.

Nói tóm lại, điều quan trọng nhất của người tu sĩ là tu, gạn lọc thân tâm, tấn tu Tam Vô Lậu Học. Như lời của một vị Giáo thọ sư đã dạy: “Chúng ta phải lấy danh từ “tu sĩ” trùm lên tất cả các sĩ khác, như Tiến sĩ, Thạc sĩ…, tất cả học vị, bằng cấp thế gian, được như vậy mới mong đem lại an lạc hạnh phúc cho chính mình và tha nhân.”

4 – TĂNG NI TRẺ VỚI NHIỆM VỤ HOẰNG PHÁP

“Hoằng truyền chánh pháp, lợi lạc quần sanh, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.

Đây là trách nhiệm và bổn phận chung của mỗi sứ giả Như Lai để báo ơn Phật trong muôn một.

Vậy Tăng Ni trẻ chúng ta làm cách nào để thực hiện bổn phận thiêng liêng cao đẹp đó, khi chúng ta vẫn còn là những học Tăng, học Ni đá cứng chân mềm? Hoằng pháp bằng cách nào? Làm thế nào để trở thành một vị pháp sư ngồi trên pháp tòa để giảng kinh thuyết pháp? Đây là một cách hoằng pháp thiết thực và lợi ích nhất, nhưng không phải ai cũng đủ trình độ và cơ duyên để làm được như vậy. Điều đó thấy rõ khi hằng năm Giáo hội đào tạo hàng trăm thậm chí cả ngàn Tăng Ni tốt nghiệp các lớp Giảng sư, Học viện, Cao đẳng…, nhưng ra làm Giảng sư thực sự được mấy vị? Nói vậy, không phải để chúng ta bi quan và cho rằng việc hoằng pháp chỉ dành cho các bậc Tôn túc, các vị tài năng còn mình thì vô can.

Con đường truyền thừa không nhất thiết là đợi đến khi làm Giảng sư, mà ngay trong cuộc sống hằng ngày, từ thân giáo, khẩu giáo, ý giáo. Chúng ta có thể đem đạo Phật đến cho mọi người bằng nhiều hình thức, nhất là trong thời đại hội nhập này, Tăng Ni trẻ tham gia hoạt động xã hội nhiều, có nhiều cơ hội tiếp xúc với tầng lớp tri thức trẻ, đây là đối tượng quan trọng nhất cho sự hưng vong của xã hội trong thời đại mà đạo đức con người ngày một suy đồi.

Một chướng duyên lớn cho con đường hoằng pháp của Tăng Ni trẻ là thường có tâm lý “không đất dụng võ”. Đây là một thực tế hay do chúng ta được tu học trong một môi trường quá thuận lợi về mọi phương diện, để rồi chúng ta học hết lớp này đến lớp khác, đến khi không còn gì để học thì chúng ta không biết làm gì cả. Ai thắc mắc thì chúng ta trả lời: “không ai cho chúng tôi cơ hội phục vụ hay chúng tôi không có đất dụng võ”. Thực ra thì một số Tăng Ni trẻ chúng ta, có cả bản thân chúng tôi là ngại, chúng ta ngại khó khăn và không có tinh thần “dấn thân”. Vẫn còn đó những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi người dân không chỉ đói cơm ăn, áo mặc mà đói cả đời sống tinh thần hay nói rõ hơn là đói pháp.

Có một câu chuyện làm chúng tôi rất xúc động.Một dịp về vùng quê nghèo, nơi đó bà con kính tin Tam bảo và sinh hoạt gia đình Phật tử khá mạnh. Bác Huynh trưởng đã nói với chúng tôi thế này: “Thưa thầy, chúng con luôn kính tin Tam bảo, nhưng ở nơi quê nghèo chúng con chỉ có nhị Bảo”. Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì Bác nói tiếp: “Chúng con có Phật, Pháp nhưng không có Tăng, mà khi không có Tăng thì không ai hướng dẫn chúng con tin và hiểu Phật đúng pháp, ở đây chúng con rất khát được nghe pháp. Chúng con chỉ sợ không có người hướng dẫn, chúng con mò mẫm e sai đường.” Chúng tôi lặng cả người, có lẽ đây là điều chúng ta cần suy ngẫm. Nhưng cũng mừng là ngày càng có nhiều Tăng Ni trẻ đã nêu cao tinh thần “Nơi nào Phật pháp cần thì đến, không quản gian lao, không nài khó nhọc”. Mong rằng, tinh thần này được nhân rộng hơn nữa trong tầng lớp Tăng Ni trẻ đương đại. Vì Phật pháp cần lắm sức trẻ, sự nhiệt huyết và tinh thần vì đạo quên thân của chúng ta.

III – KẾT LUẬN:

Tóm lại, đây là những lời tâm tình với gió thoảng mây ngàn, với cả một chân tình đồng là pháp lữ, với một niềm tin cậy vào thế hệ Tăng Ni trẻ Việt Nam sẽ thắp sáng tương lai bằng tri thức Phật pháp, bằng sức tinh tấn vượt qua sự chướng ngại của bản thân, bằng lòng từ vô biên trải rộng giữa đôi bờ tử sanh vô tận. Hãy tự hào khi khoác lên người chiếc y vàng tượng trưng cho những mảnh ruộng để cho thế nhân gieo trồng phước báo, hãy nhìn về phía trước vì đây là con đường duy nhất để thoát ra khỏi sự mờ mịt của nghiệp thức khôn cùng, hãy kiên định khi đã trở thành trang Thích tử của đức Như Lai mà thực hiện bản hoài Phật pháp hóa Nhân gian.

Mỗi bước chân là một vì sao nở,

Mỗi nẻo đường là một cõi diệu hoa.

Từng bước nguyên sinh nhiệm mầu hơi thở,

Đất với trời hợp xướng đại hùng ca.

(Thơ Thiếu Lan)

Một lần nữa, chúng ta cần khẳng định vai trò của Tăng Ni trẻ trong thời hiện đại, phải là một người Thầy mô phạm, có đầy đủ giới hạnh đạo đức của một bậc chân tu. Làm thế nào để “hương đức hạnh tỏa ngát muôn phương” khiến mọi người đều quy kính.

Theo Phật Pháp Ứng Dụng