Người thế gian cầu giàu có, chúng ta xả tài. Xả tài mới có thể được giàu có. Nếu như mục đích xả tài của chúng ta là cầu được giàu có, vậy có thể cầu được không?
Cầu được, nhưng được không nhiều, giống như bạn đi làm ăn buôn bán để kiếm tiền, nhưng kiếm có hạn, bạn xả thì nhất định được. Nếu như bạn tu bố thí, vì tất cả chúng sanh phục vụ, bản thân chẳng cầu gì cả, vậy bạn có được hay không? Được cả, được càng nhiều hơn, được phước bao lớn vậy? Chư Phật Bồ-tát cũng không thể nói hết, cái phước báo đó ngang bằng với hư không pháp giới. Tại sao vậy? Vì bạn không có giới hạn. Ta có ý niệm cầu tài, thì cái tài này có giới hạn, cái bạn có được không thể vượt qua cái giới hạn này. Bạn chẳng cầu gì cả thì cái quả báo này thù thắng, tại sao vậy? Vì không có giới hạn. Không có giới hạn trong Phật pháp gọi là xứng tánh. Chúng ta xả một đồng, xả một xu, đều được đại phước báo xứng tánh. Người hiểu được cái đạo lý này không nhiều. Cho nên chúng ta phải tu bố thí tài, tu bố thí pháp, tu bố thí vô úy.
Bố thí vô úy là giúp xã hội đại chúng được bình an, xa lìa tất cả sợ hãi, được yên ổn, đây là tu bố thí vô úy. Phàm những gì thuộc vào loại này đều gọi là bố thí vô úy. Từ đó cho thấy, đạo tràng, giảng kinh thuyết pháp, khuyên bảo giáo hóa đại chúng, thì ba loại bố thí này thảy đều đầy đủ. Tài thí, đạo tràng là do tài lực xây dựng, mới thành tựu. Bạn không có tài lực, thì cái đạo tràng này không thể thành tựu. Chúng ta có cái đạo tràng thoải mái như thế này để cùng nhau học tập, thì cái đạo tràng này là bố thí tài, các loại thiết bị bên trong đạo tràng này đều thuộc vào bố thí tài. Người giảng kinh chúng tôi, dùng sức lực của mình, giảng hai giờ ở tại nơi đây, thì cái thân thể này là bố thí nội tài. Thính chúng như quí vị có tu bố thí nội tài hay không vậy? Có, bạn ngồi ở nơi đây được hai giờ đồng hồ, ở đây ngồi nghe giảng rất chăm chỉ là đã làm tấm gương tốt cho những người khác thấy, cũng là bố thí tài, bố thí nội tài vậy! Những điều chúng ta nghe được, thấy được ở đây, đây là Phật pháp, đây là thuộc về bố thí pháp. Nội dung của pháp là dạy chúng ta xa lìa tất cả tai hại, làm sao hướng về điều tốt lành, phước đức, đây là thuộc về bố thí vô úy. Cho nên, một công mà được ba việc, đều ở trong đó cả. Chúng ta phải hiểu rõ cái đạo lý này, phải hiểu rõ cái chân tướng sự thật này. Cho nên đến nơi đây nghe pháp được hai giờ là bạn đang tu bố thí tài, bố thí pháp và bố thí vô úy đó, ba loại bố thí đều đầy đủ.
Tâm của mình rất thanh tịnh, chẳng chút mong cầu, công đức phước báo này là không có hạn lượng. Thế tại sao chúng ta ở trong đời sống thường ngày, vẫn có rất nhiều những chuyện bất như ý vậy? Từ những sự thật này mà quan sát, thì chúng ta có thể tỉnh ngộ ra thôi, do thời gian tu tích công đức của chúng ta quá ngắn, còn thời gian tùy thuận theo phiền não tập khí quá dài. Bạn thử xem, một tuần có bảy ngày, một ngày có 24 giờ, bảy ngày là bao nhiêu giờ? Đến đây để nghe kinh mới có hai giờ đồng hồ, bảy ngày mới tu có hai giờ đồng hồ, những thời gian khác đều là tùy thuận theo phiền não tập khí, cho nên việc bất như ý vẫn thường là tám, chín. Nếu như mỗi ngày đều có tu hai giờ thì tình hình sẽ khác đi nhiều rồi. Chúng ta trong tưởng tượng nếu có tu từ ba đến năm năm thì cảnh giới của bạn liền chuyển biến ngay. Thời gian này của chúng ta hiện nay vẫn còn quá ngắn.
Vậy nếu hỏi, tại sao không tạo cơ hội mỗi ngày giảng kinh để chúng ta có thời gian tương đối dài mà huân tu? Chúng tôi luôn tạo cơ hội, do quí vị có phân biệt, có chấp trước, bạn không chịu đến đó thôi! Quí vị phân biệt chấp trước, pháp sư Tịnh Không giảng kinh tôi mới nghe, người khác giảng kinh thì không đến nghe, vậy sao được? Mỗi ngày vào buổi tối chúng tôi có những người đồng tu giảng kinh tại đây, cũng giảng hai giờ đồng hồ. Bạn thật sự muốn tu thì mỗi ngày không gián đoạn, hằng ngày đến nghe kinh, bạn nhất định có kết quả.
Trước đây tôi đã nói rất nhiều rồi, công đức mà quí vị nghe pháp sư trẻ tuổi giảng kinh lớn hơn so với đến nghe tôi giảng kinh. Không phải là tôi nói dối, từng câu từng chữ của tôi đều là chân thật. Lớn ở điểm nào vậy? Là quí vị đang bồi dưỡng thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ giống như mầm của cây Bồ Đề vậy, còn chưa trưởng thành, bạn mỗi ngày đến nghe kinh là đến tưới nước, chăm bón cho họ để họ có tín tâm. Nhìn thấy có nhiều người đến nghe như vậy, cảm thấy mình giảng cũng không tồi, thì tín tâm của họ tăng trưởng, họ càng cố gắng nỗ lực học tập. Nếu như ở trên bục giảng nhìn xuống thấy không có mấy người, e rằng mình không được, tín tâm không còn nữa! Bạn thử nghĩ xem, công đức này bao lớn? Đây là chúng ta giúp đỡ cho một số pháp sư giảng kinh, thành tựu cho pháp sư giảng kinh. Chúng ta phải ủng hộ họ, phải giúp đỡ họ. Giúp đỡ như thế nào? Đến nghe họ giảng kinh, hơn nữa nhất định yêu cầu họ mỗi ngày phải tiến bộ. Nếu họ không tiến bộ, thì lần sau chúng ta sẽ không đến nghe nữa. Cái này là áp lực đối với họ, không thể không cố gắng nỗ lực chuẩn bị.
Tại sao vậy? Vì giảng không hay nên thính chúng không đến. Quí vị thử nghĩ xem, đến nghe kinh như vậy thì ba loại bố thí tài, pháp và vô úy của các bạn thảy đều đầy đủ. Tích lũy công đức làm ở chỗ nào vậy? Đến cư sĩ Lâm để nghe kinh là được rồi. Lý sự chúng ta đều phải thông đạt, đều phải hiểu rõ, có thể giúp cho một pháp sư trẻ trở thành đại đức giảng kinh tương lai, cái công đức này quá lớn! Tương lai vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn cũng không cần niệm A Di Đà Phật, chỉ cần muốn vãng sanh liền đi ngay. Tại sao vậy? Do công đức quá lớn, Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn bạn. Lời tôi nói đều là chân thật.
Trích: Bài giảng của Hòa Thượng Tịnh Không