(PPUD) Phật giáo vốn không xa rời với cuộc sống của con người. Đức Phật thị hiện cũng là vì an vui hạnh phúc của nhân loại.
Nhưng việc diễn dịch nhiều khi lại chỉ chú trọng đến giải thoát, giác ngộ và niết bàn mà có phần quên đi vai trò của Phật giáo đối với xã hội. Thực tế, Đức Thích Ca Mâu Ni có rất nhiều lời dạy về những mối quan hệ nhất là tình cảm gia đình. Một trong số đó là bài dạy của Đức Phật về cách giữ gìn hạnh phúc vợ chồng qua kinh Bảy loại vợ.
Kinh Bảy Loại Vợ
Dù trải qua nhiều biến cố thăng trầm trong lịch sử nhưng Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca vẫn tồn tại trường cửu suốt 2550 năm qua.
“Chính tôi được nghe, một buổi sáng nọ, Đức Phật đến dự lễ cúng dường tại nhà của cư sĩ Cấp Cô Độc. Khi thân hành tới nơi, Đức Phật thoáng nghe những lời chửi bới ồn ào vọng lên từ sau nhà. Ngài hỏi cư sĩ Cấp Cô Độc rằng:
– Này cư sĩ, trong nhà có việc gì mà ồn ào như thế ?
Cư sĩ Cấp Cô Độc thẹn thùng cung kính thưa rằng:
– Bạch Đức Thế Tôn, đó là sự ngỗ nghịch lớn tiếng của nàng dâu của con, Su-cha-ta. Tuy là dâu trong gia đình, nhưng nó ỷ vào sự giàu có của gia đình cha mẹ ruột nên nó thất lễ, không chịu vâng lời, không biết cung kính cha mẹ chồng. Bạch Đức Thế Tôn, ngay cả chồng nó, nó cũng xử sự thô lỗ và vô lễ như vậy. Ngoài ra, nó cũng không biết cung kính đảnh lễ những Bậc Đạo Sư. Dù biết Thế Tôn thân lâm, nó cũng không tỏ ra trọng nể, vẫn ồn ào lớn tiếng nãy giờ. Kính xin Thế Tôn từ bi cảm hóa nó.
Lúc bấy giờ Đức Phật cho gọi nàng dâu ra và dạy rằng:
– Này Su-cha-ta, có bảy loại người vợ trên đời này. Con hãy chín chắn suy nghĩ, so sánh và trả lời cho Như Lai biết con thuộc loại vợ nào:
– Một là vợ như kẻ sát nhân.
– Hai là vợ như người ăn trộm.
– Ba là vợ như chủ nhân.
– Bốn là vợ như người mẹ.
– Năm là vợ như người em.
– Sáu là vợ như người bạn.
– Bảy là vợ như người hầu.
Với gương hạnh hiền từ, cứu độ của Đức Phật, nàng dâu bắt đầu tỏ ra vâng phục rồi lễ phép thưa:
– Bạch Đức Thế Tôn, lời dạy của Ngài quá ngắn gọn, con không thể hiểu được. Kính xin Ngài từ bi chỉ dạy cặn kẽ thêm.
Lúc ấy, Đức Phật ân cần dạy như sau:
– Một là, Người vợ nào có tâm địa hiểm độc, hai lòng không chung thủy trong hôn nhân, bỏ rơi chồng mình, quan hệ bất chính với các đàn ông khác chỉ vì choáng ngộp trước sự giàu có hay vẻ bề ngoài của họ, khinh bỉ chồng và tính tình hiếu sát. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ sát nhân.
– Hai là, người vợ nào không chung lo kinh tế gia đình, trái lại còn tiêu xài hoang phí tài sản hợp pháp của chồng tạo ra. Người vợ như vậy Như Lai gọi là loại vợ trộm cướp.
– Ba là, người vợ nào sống ỷ lại, lười biếng, không có lời từ ái, nhu hòa với chồng mà chỉ biết phát ngôn thô tháo, lấn lướt chồng. Người vợ như vậy Như Lai gọi là vợ chủ nhân.
– Bốn là, người vợ nào biết thương yêu chăm sóc, giúp đỡ chồng, biết cách giữ gìn và làm giàu tài sản của chồng như một người mẹ lo lắng chu tất cho con cái. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như mẹ.
– Năm là, người vợ nào thùy mỵ, đoan trang, khiêm tốn, biết chiều chuộng và thuận phục chồng mình như đối với một người anh trong gia đình. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như em.
– Sáu là, người vợ nào luôn luôn niềm nở, vui vẻ, hòa thuận với chồng như thể khi hội ngộ một người bạn thân từ lâu mới gặp lại. Luôn giữ tiết hạnh và thủy chung với chồng. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như bạn.
– Bảy là, người vợ nào luôn mềm mỏng, không nóng tánh, không sân hận, giận dỗi. Dù bị chồng đối xử không đẹp nhưng vẫn nhường nhịn, không tỏ thái độ lỗ mãng, lớn tiếng. Trái lại còn biết tùy thuận để khuyên răn và chinh phục chồng mình. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như người hầu.
– Này Su-cha-ta, trong bảy loại người vợ mà Như Lai vừa nói, ba hạng đầu là loại vợ như sát nhân, như những người bất hảo, do đó con nên xa tránh. Những hạng vợ như vậy do sống không giới hạnh, ác khẩu và vô lễ, sau khi qua đời phải sanh vào cõi xấu. Bốn loại vợ sau là đáng tôn kính và noi theo. Đó là vợ như mẹ, vợ như em, vợ như bạn và vợ như người hầu. Những hạng vợ này khi sống thì tạo ra hạnh phúc cho gia đình và con cái; khi qua đời thì được sanh vào cõi lành.
Nghe Đức Phật ân cần giáo dục, nàng dâu của cư sĩ Cấp Cô Độc tỏ ra ân hận và thành tâm sám-hối. Nàng phát nguyện sẽ chung sống và phụng sự chồng với tư cách như người hầu. Từ đó, gia đình của cư sĩ Cấp Cô Độc trở nên đầm ấm, an lạc và hạnh phúc thật sự.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá)”[1]
Nếu nói Đức Phật là một nhà tâm lý học, một nhà xã hội học tuyệt vời cũng không có gì là quá lời. Cách đây hơn 2550 năm, Đức Phật từ việc phân tích ra những loại vợ để có lời khuyên với nàng Su Cha Ta là một cách để hòa giải những rắc rối trong gia đình trưởng giả Cấp Cô Độc. Lời dạy đó đến nay vẫn còn giá trị.
Nhưng ở đây, chúng ta cũng phải hiểu rằng, Đức Phật nói Kinh Bảy Loại Vợ không có nghĩa là chỉ để dành khuyên những người vợ mà ở đó còn có cả những người chồng. Theo đó, có bảy loại chồng:
– Một là chồng như kẻ sát nhân.
– Hai là chồng như người ăn trộm.
– Ba là chồng như chủ nhân.
– Bốn là chồng như người cha.
– Năm là chồng như người anh
– Sáu là chồng như người bạn.
– Bảy là chồng như người hầu.
Ngày nay, qua báo đài hay tận mắt chứng kiến những người xung quanh, chúng ta thấy biết bao nhiêu mái nhà rơi vào thảm kịch vì vợ giết chồng, chồng giết vợ, vợ lừa chồng, chiếm đoạt tài sản của chồng. Họ đã phải trả giá cho những hành động tàn nhẫn của mình. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu dẫn chứng một vài trường hợp tiêu biểu sau:
Vụ án gây chấn động dư luận suốt một thời gian dài tại Việt Nam là một người vợ phóng hỏa giết chồng – nhà báo Hoàng Hùng, đã phải nhận mức án tù chung thân.
Theo dânviet.vn (ngày 14/4/2013), TAND tỉnh Bình Định đã tuyên án tù chung thân với bị cáo Lê Thanh Tuấn vì hành vi giết vợ bằng búa rất dã man.
Những ai quan tâm đến thế giới giải trí sẽ không thể không biết cuộc ly hôn “trị giá” 14 triệu USD của người mẫu Ngọc Thúy. Theo đó, trong cuộc ly hôn, nhờ vào người tình là luật sư đã giúp cô chiếm đoạt tất cả tài sản mà chồng cũ – doanh nhân Việt kiều Nguyễn Đức An đã dành cả cuộc đời lao động vất vả mới có được.
Từ thực trạng trên, chúng ta mới thấy rằng đạo đức con người ngày càng suy đồi, xuống cấp trầm trọng. Dường như chỉ vì những cơn nóng giận, ghen tuông mù quáng hay vì lòng tham mà một người sẵn sàng hãm hại người vợ/ chồng của mình. Những loại người vợ/chồng đó chẳng khác gì những kẻ sát nhân hay kẻ trộm. Nếu lý giải nguyên nhân là do họ không có nền tảng giáo dục thì sẽ không thể thuyết phục được. Có lẽ lòng ích kỷ, tham lam, không nhớ đến vai trò và trách nhiệm của mình đối với người bạn đời mà họ mới có những hành động mất nhân tính như thế.
Vì thế, bên cạnh việc luật pháp trừng trị nghiêm minh đối với các trường hợp phạm tội thì việc giáo dục các đôi bạn trẻ ngay từ khi bắt đầu bước vào đời sống hôn nhân là điều vô cùng cần thiết. Một trong những cách giúp gia đình được vững bền và hạnh phúc là hành theo lời Phật dạy. Ngày nay, nhiều Tu viện, Chùa, Tịnh xá đã tổ chức những Lễ Hằng Thuận cho các đôi Tân lang – Tân nương. Theo đó, các đôi vợ chồng trẻ được các Chư Tăng ban đạo từ, hiểu về vai trò và trách nhiệm của vợ/chồng thông qua Kinh Bảy Loại Vợ.
Việc kết hợp đọc tụng và giải giảng ý nghĩa Kinh Bảy Loại Vợ trong các Lễ Hằng Thuận mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. Hạnh phúc gia đình không thể chỉ tồn tại vĩnh cửu nếu chỉ vì dục lạc, đam mê mà còn phải có sự tôn trọng, sống có tình có nghĩa với nhau, làm tròn bổn phận dâu hiền, rể thảo, hiếu dưỡng ông bà, cha mẹ hai bên. Một khi hai vợ chồng hiểu được trách nhiệm của mình thì sẽ hạn chế những trường hợp đáng tiếc xảy ra như chúng tôi vừa nêu.
Chúng tôi hy vọng rằng những lời dạy của Đức Phật về việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, sẽ ngày càng được nhiều Phật tử tại gia nhất là những đôi uyên ương sắp bước vào cuộc sống hôn nhân luôn luôn ghi nhớ, áp dụng vào thực tế cuộc sống. Được như vậy thì tình yêu của họ mới luôn luôn vững bền và đủ sức mạnh vượt qua những thử thách, chông gai trong cuộc sống.
Ghi chú:
[1] Thích Nhật Từ biên soạn (2005), Kinh tụng hằng ngày, NXB Tôn Giáo TP. HCM, tr 199 – 208
Nhuận Đoan tổng hợp
Theo Phật Pháp Ứng Dụng