Theo truyền thống Phật giáo, hằng năm cứ vào ngày rằm tháng 7, toàn thể tăng ni Phật tử noi theo gương hiếu của đức Mục-kiền-liên, long trọng tổ chức đại lễ Vu-lan-bồn, để tưởng nhớ và báo đáp công ơn sanh thành và dưỡng dục của cha mẹ.

Chính vì thế ngày vu-lan đã được xem là ngày Cha Mẹ trong Phật giáo, người Phật tử đều đình chỉ mọi công việc hằng ngày, đi lễ chùa, chúc thọ, cầu an hoặc cầu siêu cho cha mẹ.

Ngày Vu-lan, ngày báo hiếu đã ăn sâu vào trong tâm khảm của người Phật tử, vào lòng người Việt Nam và thật sự trở thành một sức sống mãnh liệt, một nét văn hóa độc đáo, một nét đặc trưng cho tính nhân bản của xã hội loài người.

Chữ Hiếu trong văn hóa dân tộc

Trong cuộc đời này, không có tình cảm nào sâu đậm hơn, thiêng liêng hơn và bất diệt hơn tình cha mẹ đối với những đứa con. Đã có nhiều câu ca dao diễn tả tình cảm thiêng liêng và lớn như trời biển này:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Hay là

Nghĩa cha sanh cùng công mẹ dưỡng

Thì ngày đêm tư tưởng chớ khuây

Hai công đức ấy nặng thay

Xem bằng bể rộng, xem bằng trời cao

Kể từ lúc hãy còn thai dựng

Đến những khi nuôi nấng giữ gìn

Nặng nề chín tháng cưu mang

Công sinh bằng vượt biển sang nước người.

Công ơn của cha mẹ lớn lao đến vậy nhưng trong cuộc sống, những người con thường hay mắc lỗi, khiến cha mẹ phải buồn. Ngày lễ Vu-lan chính là dịp để chúng ta cùng ngẫm lại mối tình cảm của mình đối với cha mẹ, ngẫm lại những điều đã khiến cha mẹ buồn. Nếu trong những tháng ngày trước chúng ta có những gì sai lầm hay chúng ta có tạm quên đi một ơn nghĩa sâu sắc như thế này thì vu lan là dịp để chúng ta làm mới lại tình cảm ấy, để chúng ta sửa sai những gì mà chúng ta có lỗi với cha với mẹ mình.

Cuộc sống hiện đại, tất bật khiến những người con như chúng ta thường phải sống xa cha mẹ, bôn ba ở những nơi xa. Chúng ta không có cơ hội rót một ly trà cho cha, bưng một chén cơm cho mẹ. Chúng ta không có cơ hội nhìn gương mặt khắc khổ gió sương của cha mẹ mỗi ngày. Chúng ta không có cơ hội cận kề chăm sóc những khi cha mẹ trái gió trở trời. Có phải chúng ta đã không làm tròn bổn phận người làm con hay không?

Khi đi làm bên ngoài, ai giúp đỡ chúng ta một chút, chúng ta cám ơn ngay. Chúng ta lịch thiệp, nhã nhặn với cả những người không thân thiết. Chúng ta chẳng dám giận dỗi, la mắng dù nhiều người làm phật ý chúng ta. Vậy mà ở nhà, chúng ta chưa biết nói lời biết ơn cha mẹ, chúng ta giận lẫy cha mẹ mỗi khi không như ý mặc dù cha mẹ luôn hết mực lo lắng, chăm lo cho chúng ta. Có phải chúng ta đang phụ tình cảm của cha mẹ hay không?

Trong xã hội với nhiều cám dỗ, nguy hại như hiện nay, cha mẹ luôn lo lắng cho mỗi bước chúng ta đi, kẻo chúng ta đi lầm đường tối, kẻo chúng ta kết lầm bạn xấu. Cha mẹ luôn nhắc nhở chúng ta phải học tập, tu dưỡng, phải tránh xa bạn xấu, không được ăn chơi lêu lổng. Còn chúng ta luôn cảm thấy sự quan tâm của cha mẹ giống như “kỳ đà cản mũi” vậy. Có khi chúng ta còn chống đối sự quan tâm ấy bằng cách bỏ nhà theo bạn xấu, mặc cha mẹ lo lắng tìm kiếm khắp nơi. Có phải chúng ta đã làm cha mẹ tổn thương rất nhiều hay không?

Thường thì chúng ta không bao giờ nhận ra những điều ấy, cho đến khi chúng ta không còn cha mẹ nữa. Đến khi ấy thì đã quá muộn. Cha mẹ vĩnh viễn không thể trở lại bên chúng ta nữa. Làm kẻ mồ côi thật rất đáng tội nghiệp

Mẹ già như chuối chín cây

Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi.

Mồ côi tội lắm ai ơi

Đói không ai biết mà lỡ lời không ai khuyên

Hay là như câu ca dao

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Nhớ cha nhớ mẹ chín chiều ruột đau

Chiều chiều ra đứng ngỏ sau

Ngó về quê mẹ ruột đau như dần.

Vì vậy, khi vẫn còn cha mẹ ở bên, chúng ta hãy làm tròn bổn phận của người con, cung kính thành thực chăm lo cho cha mẹ, và đừng bao giờ khiến cha mẹ phải buồn. Để một ngày nào cha mẹ trăm tuổi, chúng ta sẽ khóc vì niềm thương nỗi nhớ, chứ không phải khóc bởi những ân hận muộn màng.

Đối với những Phật tử thì chúng ta hiểu chữ “Hiếu” thế nào?

Hiếu là hạnh lành đứng đầu trong muôn hạnh “Hiếu hạnh vi tiên”, vì thế đạo Phật rất chú trọng chữ Hiếu.

Trong kinh Phât dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì bằng bất hiếu, sinh ra thời không gặp Phật khéo thờ cha mẹ tức thờ Phật, thờ Trời đất quỉ thần không bằng có hiếu với cha mẹ.”

Do đó nếu bất hiếu với cha mẹ thì có ăn chay niệm Phật, tụng kinh, đi chùa hay làm bất cứ việc phúc thiện nào cũng vô ích, chẳng khác gì xây lầu trên bãi cát, trước sau cũng bị sụp đổ vì thiếu nền móng. Bởi thế sống trong hoàn cảnh nào, giàu hay nghèo, sang hay hèn, người Phật tử cũng không nên xao lãng bổn phận làm con đối với những việc sinh thành dưỡng dục.

Trong kinh báo ân Đức Phật dạỵ:

Dù vai trái cõng cha

Vai phải cõng mẹ

Đi khắp vùng núi Tu Di

Đến trăm ngàn kiếp cũng không thể trả hết ân này

Chữ Hiếu trong đạo Phật mang tính siêu việt hơn những quan niệm hiếu thảo thông thường, hành động hiếu thảo không chỉ là mến yêu, cung kính, vâng lời, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống và thờ phụng, tưởng nhớ khi cha mẹ đã qua đời, mà còn là việc hướng cha mẹ đến với điều thiện điều lành, xa lánh điều xấu điều ác, và bản thân người con cũng phải sống tốt để cha mẹ vui lòng.

Về phương diện vật chất

Là con, chúng ta phải nuôi dưỡng cha mẹ bằng tất cả khả năng của mình. Dĩ nhiên trong khi đền đáp công ơn của cha mẹ, chúng ta không nên có ý niệm kể công “tính tháng tính ngày” hay “kể lể từng ngày” mà phải nuôi dưỡng cha mẹ với bầu nhiệt huyết của sự kính thương và lòng hãnh diện, vì người Phật tử sẽ nhận thức được rằng “không có thứ hạnh phúc nào to lớn và quý báu cho bằng thứ hạnh phúc khi cha mẹ còn sống với ta.”

Về phương diện tâm linh

Theo Phật giáo, con người không chỉ có kiếp sống hiện tại mà còn có kiếp sống vị lai, do đó người con hiếu thảo cần phải chăm lo cho cha mẹ cả đời sống sau khi từ giã cõi đời này. Người con hiếu trong đạo Phật luôn ưu tư: Sau khi chết cha mẹ sẽ đi về đâu? Làm sao để giúp cha mẹ có được niềm an lạc hạnh phúc trong đời sống hiện tại và đời sống sau khi chết? Người con có hiếu phải biết khuyến khích cha mẹ tu hành, ăn chay niệm Phật, quy y Tam bảo để ngày mai khi giã từ cõi đời, cha mẹ được an vui nơi cảnh Phật khỏi phải trầm luân đọa lạc, sanh tử khổ đau.

“Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường với của cải vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng những ai khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ có lòng tin vào điều thiện, sống theo điều thiện; khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ bố thí, biết sớt chia san sẻ; giúp cha mẹ có chánh kiến, khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ trở về con đường lành con đường chơn chánh, sáng suốt, như thế mới đủ trả ơn cho cha mẹ” (kinh Tăng Chi Bộ)

Khi cha mẹ đã qua đời

Sau khi cha mẹ qua đời, lòng hiếu thảo được thể hiện qua việc phụng thờ và tưởng nhớ. Tấm lòng người xưa đối với ông bà cha mẹ đã khuất thể hiện qua câu: “Kính như tại” có nghĩa là kính như đang còn sống. Phụng thờ để tưởng nhớ và nhắc nhở cho nhau công đức, ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ. Hàng năm cúng giỗ để tưởng nhớ và để bày tỏ lòng biết ơn. Đối với xã hội ngày nay, có người cho rằng những việc làm này không thiết thực nhưng thật sự nó có giá trị rất lớn về mặt tinh thần.

Nhưng việc cúng giỗ cũng phải do lòng thành tâm thương nhớ cha mẹ. Khi cúng giỗ chúng ta cũng không được sát sinh mà tạo thêm nghiệp cho cha mẹ. Không được vì ma chay mà sát hại chúng sinh để rồi cha mẹ phải hưởng cái nghiệp đau thương như vậy. Thương cha nhớ mẹ, mong muốn cha mẹ được phước lành báo ứng, thì chúng ta nên siêng đi chùa lễ Phật, thỉnh chư tăng về tụng kinh, siêng làm việc thiện, bố thí, chứ không vì thương cha mẹ mà làm tiệc linh đình, tạo thêm nghiệp sát.

Tóm lại, đạo làm con phải nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và phải báo đền ân thâm ấy bằng bất cứ giá nào, vì đó là nghĩa vụ trước tiên trong tất cả nghĩa vụ làm người, và đó cũng là tâm, hạnh của chư Phật.

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật!

Lily Trần (Biên soạn)