1.Tánh thấy là gì?
[ni gioi ngay nay 2] Ba thời kỳ thuyết pháp của Đức Phật để thiết lập nên Phật giáo là:
– Thời kỳ thứ nhất nói về ba pháp ấn vô thường, khổ, vô ngã. Chứng được sự thật này thì phiền não sanh tử tiêu tan và “trực tiếp thấy biết Niết-bàn vô tạo tác”.
– Thời kỳ thứ hai nói về tánh Không, tức là sự vô tự tánh của ngã và pháp. Trực tiếp thấy biết tánh Không này, thì tánh Không chính là Niết-bàn vốn không sanh không diệt.
– Thời kỳ thứ ba nói về Như Lai tạng, Phật tánh, tánh giác, bản tánh của tâm…Bản tánh của tâm này là Niết-bàn, và do đó mọi biểu lộ của tâm này là Niết-bàn.
Nếu dùng từ tướng để chỉ các cái thấy được, nghe được…và tánh để chỉ bản chất, bản tánh của mọi sự, thì thời kỳ thứ nhất chủ yếu làm việc trên các tướng, thời kỳ thứ hai chủ yếu quán sát bản tánh của mọi sự, tức là tánh Không, và thời kỳ thứ ba đi hẳn vào bản tánh Chân Như của mọi sự.
Trong các kinh, tánh thấy được nói nhiều ở kinh Lăng Nghiêm và hầu như chỉ có kinh này đề cập trực tiếp đến tánh thấy. Kinh đã dành hẳn hai trong mười quyển để nói về tánh thấy.
Vậy thì tánh thấy ở vào thời kỳ thuyết pháp thứ ba. Nghĩa là tánh thấy là Phật tánh thấy, cái thấy của Phật tánh. Tánh thấy là cái thấy của Phật. Kinh Pháp Hoa khai thị Tri kiến Phật mà mỗi chúng sanh đều sẵn có, tri kiến Phật là cái thấy biết của Phật, cũng tức là tánh thấy được giảng ở Kinh Lăng Nghiêm. Kinh Kim Cương nói: “Thấy các tướng chẳng phải tướng tức là thấy Như Lai.” Cái thấy Như Lai này là tánh thấy được nói ở Kinh Lăng Nghiêm. Trong Kinh Duy Ma Cật có phẩm Thấy Phật Bất Động. Trong từ ‘thiền quán’, vipassana có từ gốc là “thấy”, do đó thường được dịch là “insight”.
Như vậy, tánh thấy là gì? Tánh thấy là Phật tánh hay tánh giác biểu lộ ở cái thấy. Cái thấy này là do duyên sanh, do căn trần thức mà có. Tánh thấy là nền tảng, môi trường, không gian cho sự duyên hợp của căn trần thức tạo thành cái thấy.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “A-nan, ông trôi chìm, không ngộ cái thấy, nghe, hay, biết của ông vốn là Như Lai tạng…. Ông nào có biết, trong Như Lai tạng cái thấy là tánh minh giác, tánh minh giác hiển lộ ra thành cái thấy, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới, tùy theo tâm chúng sanh mà ứng với lượng hay biết.
Như một căn thấy, thấy khắp pháp giới, thì cái biết nghe, biết ngửi, biết vị, biết xúc chạm, biết các pháp đều là cái diệu đức sáng rỡ toàn khắp pháp giới, tròn đầy cả mười phương hư không, nào có riêng nơi chốn. Chỉ tùy nghiệp mà hiện bày, thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên hay tánh tự nhiên. Hết thảy chỉ là sự phân biệt đo lường của thức tâm, chỉ có trong danh tự lời nói, đều không có thật nghĩa”.
Phật tánh, hay Như Lai tạng, hay tánh giác biểu lộ nơi các giác quan. Tuy phân làm sáu cái dụng ở sáu giác quan, nhưng chỉ có một tánh giác:
Sáu căn cũng như thế
Nguyên y một tinh minh
Phân thành sáu hoà hợp
Một cửa đã về nghỉ
Sáu dụng đều chẳng thành
Trần cấu duyên niệm tiêu
Thành Viên Minh Tịnh Diệu
Còn trần là Hữu học
Sáng tột tức Như Lai.
Nền tảng của sáu căn, Chân Như Phật tánh, nằm ngay nơi sáu căn, sáu căn là sự biểu lộ của nó, là diệu dụng của nó. Thực tại tối hậu bị tưởng lầm là cái xa cách nhất, nhưng thật ra là cái gần gũi nhất. Từ “đốn” và “viên” ở trong các tông phái Phật giáo Đại thừa cho chúng ta thấy điều này.
Khi về nguồn, để thấy nền tảng hay nguồn gốc của căn, trần, thức là Chân Như, thì căn, trần, thức chính là Chân Như, như kinh đã nói ở trên, “cái thấy, nghe, hay biết của ông vốn là Như Lai tạng”.
Khi ấy các căn không còn là cái gây ra phiền não, sanh tử, mà các căn vốn là giải thoát như nguồn gốc Như Lai tạng của chúng vốn là giải thoát:
Xoay nghe thoát khỏi tiếng
Giải thoát đâu có danh
Một căn đã về nguồn
Sáu căn thành giải thoát.
2. Vọng thấy
Tánh thấy là tánh giác biểu lộ nơi sự thấy. Tánh giác thì vốn sẵn, thanh tịnh xưa nay thế nên tánh thấy cũng vốn sẵn, thanh tịnh xưa nay. Thế thì tại sao lại có ra cái thấy phiền não, sanh tử khổ đau?
Cái thấy của chúng ta đã bị nhiễm ô bởi tham, sân, si, kiêu căng, đố kỵ… để thành ra các tướng sai biệt đến độ tranh chấp nhau không thể hoà giải. Đó là cái thấy sai lầm. Kinh Kim Cương nói: “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng.” Kinh Lăng Nghiêm gọi là “vọng thấy”.
“A-nan, tất cả chúng sanh luân hồi sanh tử đều do hai cái vọng thấy điên đảo phân biệt. Ngay nơi bản tánh của tâm mà phát sanh, bèn theo nghiệp mà xoay vần. Một là cái vọng thấy biệt nghiệp của chúng sanh. Hai là cái vọng thấy đồng phận của chúng sanh”.
Cái vọng thấy biệt nghiệp là như người mắt bị nhặm, nhìn ngọn đèn thấy có bóng sáng tròn năm màu bao phủ, nhìn mặt trăng thấy có mặt trăng thứ hai. Đây là cái vọng thấy do phiền não riêng biệt, thương ghét, lấy bỏ của cá nhân mà có. Còn vọng thấy đồng phận là cái nghiệp chung của mỗi loài. Cũng một dòng sông mà con người thấy khác, con châu chấu thấy khác, con cá thấy khác, con chim thấy khác….
Nhưng những cái vọng thấy thì không thể nhiễm ô, làm hư hoại tánh thấy. Kinh nói:
“Những sự thấy, biết đều là bệnh nhặm, còn tánh giác vốn sẵn sáng ngời thấu suốt các duyên thì không hề có bệnh nhặm. Cái biết và cái được biết là bệnh nhặm, còn tánh giác vốn sẵn thì không ở trong bệnh nhặm. Đó là cái thấy hằng thấy, làm sao có thể đồng hoá với cái thấy nghe hay biết của thế gian?
Vậy nên, nay ông nhìn thấy ta, nhìn thấy ông cùng mười loại chúng sanh trong thế gian đều là cái thấy của bệnh nhặm, mà chẳng phải là tánh thấy thấy được bệnh nhặm. Tánh thấy chân thật kia vốn chẳng hề nhặm, cho nên cũng không gọi là thấy nữa”.
Lìa được bệnh nhặm vọng thấy điên đảo phân biệt này thì thấy thực tại tối hậu, thấy Phật: “Thấy các tướng chẳng phải tướng tức là thấy Như Lai.” (Kinh Kim Cương).
Một thí dụ kinh luận thường dùng là tấm gương. Tấm gương sang giống như tánh thấy không bị ô nhiễm bởi các bóng vì các bóng chẳng thể nào in dính vào gương. Còn các bóng là do cái thấy đồng phận và biệt nghiệp. Phân biệt chấp chặt vào các bóng trong gương thì chỉ thấy bóng không thấy gương. Còn khi không trụ vào các bóng thì thấy được tấm gương. Khi ấy dù bóng có đến có đi, có xanh có đỏ… cũng chẳng dính dáng gì đến gương. Khi là tấm gương thì các bóng tự giải thoát chính chúng.
Khi thấy mà không “điên đảo phân biệt” thì cái thấy ấy chính là tánh thấy. Khi thấy các bóng đều đồng một tánh gương thì tất cả bóng là gương mà một bóng cũng là gương.
Căn bệnh vọng thấy không nằm ở tánh thấy vì tánh thấy vốn thanh tịnh không ô nhiễm từ xưa đến nay. Cũng không nằm ở tướng bóng đèn hay tướng mặt trăng. Thấy có bóng đèn thứ hai, mặt trăng thứ hai là do người bệnh mắt vọng thấy. Bệnh ấy chính là sự bám luyến vào các tướng mà có. Đại thành tựu giả Tilopa nói: “Không phải các tướng trói buộc con, mà chính là sự bám luyến vào các tướng trói buộc con”.
Thiền sư Lâm Tế nói: “Một tâm không sanh thì muôn pháp không lỗi”. Gương sáng vốn không có bệnh; các tướng ở trong đó cũng không có bệnh, cái bệnh là do “điên đảo phân biệt”.
Trở về nguồn của cái thấy thì trong tánh thấy không có sự phân biệt chủ và khách, đến và đi, tăng và giảm…Trong ấy không những không có điên đảo phân biệt mà các tướng cũng tự giải thoát vì duyên sanh vô tự tánh.
3. Trực tiếp với tánh thấy
Trong kinh Lăng Nghiêm, chỉ riêng phần khai thị tánh thấy một cách trực tiếp cho ngài A-nan đã chiếm một phần năm bộ kinh. Ở những kinh khác như Viên Giác, Kim Cương, Pháp Hoa, Duy Ma Cật… tuy không dùng từ tánh thấy, nhưng sự khai thị trực tiếp cái thấy thực tại cũng rất nhiều, bởi vì Đại thừa là sự khai thị ngộ nhập tánh giác bổn nguyên hay tánh thấy vốn sẵn này. Ở đây chúng ta trích ra từ vài vị Thiền sư. Khai thị của các vị là những chỉ thẳng, để khi thấy được thì y vào thực tại ấy mà sống bằng toàn bộ thân tâm cho đến lúc trọn vẹn.
Lục tổ Huệ Năng nói: “Đại chúng! Người đời sắc thân là thành, mắt tai mũi lưỡi là cửa. Ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là cõi đất, tánh là vua. Vua ở trên cõi đất tâm… Trên cõi đất tâm là tánh giác Như Lai, phóng ánh sáng lớn, ngoài soi sáu cửa thanh tịnh, phá sạch các cõi trời Lục dục. Tự tánh chiếu bên trong, ba độc liền trừ, các tội địa ngục liền đều tiêu diệt. Trong ngoài sáng rỡ thấu suốt không khác cõi Tây phương” (Phẩm Quyết Nghi).
Chúng ta cần chú ý đến chữ “người đời”. Người đời ai cũng có tánh giác Như Lai, chỉ vì ý khởi lên phân biệt làm che mờ ánh sáng tự tâm, cái thấy trở thành méo mó mà thành ra cái thấy sanh tử. Cho nên khi thấy mà không có phân biệt thì đây là tánh thấy. Khi gương sáng không có thương ghét, lấy bỏ theo bóng thì gương vẫn là gương sáng xưa nay.
Tông phong của Thiền Sư Bá Trượng nói:
Linh quang độc chiếu
Thấu thoát căn trần
Hiển lộ chân thường
Chẳng vướng văn tự.
Tâm tánh không nhiễm
Vốn tự viên thành
Chỉ lìa vọng duyên
Tức Như Như Phật.
Thiền Sư Trường Sa nói: “Nếu ta cứ một mực nêu cao tông giáo thì trong pháp đường cỏ sẽ lên cao cả thước! Cực chẳng đã mà nói với các ông: Cùng khắp mười phương thế giới là con mắt của Sa-môn! Cùng khắp mười phương thế giới là toàn thân của Sa-môn! Cùng khắp mười phương thế giới là ánh sáng của Chính Mình! Cùng khắp mười phương thế giới không ai chẳng phải là Chính Mình.
Ta thường nói với các ông: Ba đời chư Phật, pháp giới chúng sanh là cái ánh sáng của Ma-ha Bát-nhã”.
Các Thiền Sư thường nói đến “một con mắt đơn nhất” (nhất chích nhãn): “Toàn thể pháp giới là một con mắt đơn nhất của Sa-môn”.
Thiền sư Bá Trượng nói: “Ngoài tâm không pháp, ngập mắt núi xanh”.
Tánh thấy được Thiền sư Triệu Châu nói trực tiếp và giản dị: “Có vị tăng hỏi: ‘Thế nào là ý chỉ của Tổ Đạt-ma từ Tây sang?’.
Sư đáp: ‘Cây bách trước sân’.”
Với Thiền sư Thạch Đầu thì:
“Có sư Ngũ Duệ Linh Mặc từ xa đến ra mắt ngài Thạch Đầu, rồi hỏi: ‘Một lời hợp nhau thì ở, chẳng hợp nhau thì đi’.
Sư Thạch Đầu vẫn ngồi, sư Duệ bèn đi.
Sư Thạch Đầu gọi: Xà-lê!
Sư Duệ xoay đầu lại.
Sư Thạch Đầu nói: ‘Từ sanh đến tử, chỉ là Cái Ấy, xoay đầu chuyển não làm gì!’
Sư Duệ ngay dưới câu nói đại ngộ, bèn bẻ ném cây trụ trượng mà ở lại”.
Câu chuyện của Thiền sư Mục Châu:
“Có vị quan hỏi ngài Mục Châu: ‘Ba cửa đều mở, theo cửa nào nhập?’.
Sư gọi lớn: ‘Thượng thơ!’.
Quan cất tiếng: ‘Dạ’.
Sư nói: ‘Theo cửa tin mà vào’.
Vị quan thấy có bức hoạ trên vách, hỏi rằng: ‘Hai vị tôn giả đối mặt nhau bàn luận chuyện gì?’.
Thiền sư Mục Châu đánh cây trụ, nói: ‘Trong Ba Thân, Thân nào chẳng nói pháp!’”.
Nguyễn Thế Đăng
(Văn Hóa Phật Giáo số 205)