Những người thích làm công tác từ thiện, tham gia các Phật sự, có tấm lòng vô ngã, tâm vị tha, lý tưởng cao quý…thì thường kỳ vọng xã hội và mọi người khen tặng mình, tán dương mình, nhưng thực tế, cuộc đời có thể ứng xử lại một cách rất phũ phàng. Lúc đó, chúng ta cứ liên tưởng đến hình ảnh “nhà to thì gió lớn, thuyền to ngoài khơi thì sóng lớn. Đó là quy luật thôi. Vì chúng ta là bậc Đại nhân (người có tâm cao thượng, làm việc lớn) cho nên ta bị thị phi, bị chống đối, bị gây trở ngại âu cũng là chuyện bình thường”. Với nhận thức này, sẽ giúp chúng ta có thêm bản lĩnh chịu đựng tích cực, không bỏ cuộc nữa chừng vì các lý tưởng cao quý. Nếu ai nghĩ rằng tôi làm việc thiện, thì tôi phải được tán dương thì dễ dàng bỏ cuộc lắm!
Ở vị thế chính trị, sẽ làm chúng ta có nhận thức rằng: cá tính con người thích đối lập nhau, chống đối nhau, nói xấu nhau, hạ bệ nhau, loại trừ nhau…
Và trong mỗi gia đình, nếu không khéo hài hòa trong việc giải quyết các tranh chấp, bất hòa thì vợ và chồng có thể đứng trên hai chiến tuyến đối lập về lối sống, lý tưởng, thói quen và cá tánh, cứ đối chọi nhau hoài, mặc dù động cơ không phải phá đám gây trở ngại nhau; nhưng vì không hiểu nhau, không khéo giàn xếp cho nên chúng ta gây khổ đau cho nhau.
Chúng ta phải đào sâu các mẫu số chung về cá tính giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em và bạn hữu,…thay vì bị vướng kẹt tâm mình vào những cái riêng biệt, cái đó nó dễ va chạm cái tôi, hai cái tôi đụng nhau thì nổi lửa. Nếu một bên không biết nhường, hai bên cùng thách đấu thì cả hai cùng thất bại. Trong các va chạm không có người nào chiến thắng, cả hai cùng bị thiệt thòi, bị lỗ hết, tức là mất hạnh phúc.
Hãy quan niệm nghịch cảnh đến với chúng ta như là những quy luật. Có nghịch cảnh mà nhân quả thuộc về quá khứ nên giờ mình phải trả. Tình huống này tuy không nhiều, nhưng không phải là ít. Hãy hoan hỷ ghi nhận nó, tìm cách vượt qua nó, không oán hận và thù hằn nó. Có những nghịch cảnh hoàn toàn thuộc nhân hiện tại, duyên hiện tại sẽ dẫn đến các hậu quả hiện tại, do chúng ta không khéo ứng xử, do chúng ta quá nổi trội, chơi ngông; do chúng ta không biết chia sẻ các niềm hạnh phúc và các quyền lợi với tha nhân,… Và nghịch cảnh có thể phát xuất từ nhiều động cơ, nguyên nhân khác nữa. Nhưng, dù là nguyên nhân hay động cơ nào, thì khi đối diện trước nghịch cảnh, chúng ta phải giữ cam kết với mình: “tôi đang làm việc tốt, lý tưởng cao quý với những giá trị cao thượng, tôi không được quyền cho phép mình từ bỏ nó giữa chừng, tôi phải đi hết vai trò này, hết con đường này đó là chúng ta đang đi trên Bồ-tát đạo, đang trải nghiệm lòng Bồ-tát”. Nếu bỏ thì mình sướng rồi vì không làm việc gì thì không bị phê phán, không va chạm. Nhưng hãy nghĩ: “nếu tôi dừng lại, biết bao người được giá trị lợi lạc liên hệ sẽ bị khó khăn”. Ví dụ: tôi dừng công ty trong lúc dầu sôi lửa bỏng của cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu này là tôi sẽ khỏe, khỏi phải nai lưng ra gánh gánh nợ, nhưng còn hàng trăm hàng ngàn công nhân đang sống nhờ vào tôi, nhờ vào công việc của tôi họ sẽ làm thế nào đây?. Cho nên, chúng ta chịu đựng tích cực thêm một chút xíu nữa cũng chẳng chết vào đâu nhưng sẽ giúp cho biết bao nhiêu người được tiếp tục sống.