Tề Hoằng Công là vua nước Tề.
Thời xưa chưa phát minh cao su, bánh xe phải làm bằng gỗ, muốn cho bánh xe quay, công đẽo phải đúng mức, không chật quá cũng không được lỏng, hễ chật thì bánh xe chẳng quay được, hễ lỏng thì dễ xút ra rất nguy hiểm. Người thợ đẽo bánh xe của vua trong lúc làm đã cảm nhận ra rằng: muốn làm cho đúng mức thì tâm phải chuyên chú vào cánh tay, tay cầm cây búa đẽo vào gỗ, chẳng sơ hở chút nào.
Lúc Tề Hoằng Công ở nhà trên đọc sách, ông thợ ở nhà dưới đẽo bánh xe, thợ hỏi vua :
– Chúa công xem sách gì ?
Đáp : Sách của bậc thánh hiền.
Hỏi : Thánh hiền ở đâu ?
Đáp : Thánh hiền đã qua đời.
Thợ nói :” Thánh hiền đã qua đời, vậy những thứ cặn bã đó có tác dụng gì ?”
Tề Hoằng Công nổi giận : “Sao ngươi dám phỉ báng thánh hiền ? Hãy nói thử xem, có lý thì được tha, vô lý sẽ bị chém đầu.”
Thợ nói :” Thần có một đứa con, cũng là thợ mộc danh tiếng , nay thần còn sống, muốn đem sự cảm nhận và tay nghề của thần truyền lại cho con, đích thân chỉ dạy còn truyền không được, huống là lời của Thánh hiền chỉ có lời nói, làm sao truyền lại ? Chẳng phải cặn bã sao !”
Bánh xe, búa đẽo v.v. đều là việc trước mắt nơi thế gian còn truyền không được, huống là việc xuất thế gian vốn chẳng hình tướng, làm sao truyền ? Cho nên, Phật Thích Ca muốn chúng sanh mỗi mỗi tự ngộ, chứ chẳng thể truyền. Thiền tông sở dĩ có sự truyền thừa, là khi trò kiến tánh rồi, thầy chỉ ấn chứng cho, gọi là truyền tâm ấn , tức lấy tâm truyền tâm.
HT. Duy Lực – Trích Duy Lực Ngữ Lục