Lúc Thiền sư Thành Chuyết hoằng hóa tại chùa Viên Giác, pháp duyên rất hưng thịnh. Mỗi lần giảng kinh, mọi người kéo đến nghe pháp chen chân không lọt. Do đó, các Phật tử đề nghị xây dựng một ngôi giảng đường rộng rãi hơn.
Có một Phật tử đem đến chùa năm mươi lượng vàng ròng đựng trong túi đãy cúng dường cho Thiền sư Thành Chuyết và nói hãy dùng số vàng này mà xây dựng giảng đường. Thiền sư nhận lấy, rồi tiếp tục công việc.
Thái độ của thiền sư khiến ông Phật tử không hài lòng và vô cùng bất mãn, vì năm mươi lượng vàng ròng không phải nhỏ, có thể đem cho người nghèo sống được mấy năm. Vậy mà Thiền sư nhận số tiền này với thái độ dửng dưng, lại không một lời cám ơn. Do đó, ông Phật tử vội đến sau lưng Thiền sư Thành Chuyết nhắc nhở:
– Sư phụ! Trong túi đãy của con đựng năm mươi lượng vàng ròng.
Thiền sư Thành Chuyết thản nhiên nói:
– Ông đã nói qua, tôi cũng biết rồi.
Thiền sư khoan thai tiếp tục làm việc. Ông Phật tử chịu hết nổi, cao giọng nói:
– Này sư phụ! Hôm nay con cúng năm mươi lượng vàng ròng, không phải là ít. Chẳng lẽ thầy không có lời cám ơn nào sao?
Thiền sư từ tốn đáp:
– Sao ông lại nói như thế! Ông cúng tiền cho Phật Tổ, tại sao phải bảo ta cảm ơn ông? Ông bố thí là làm công đức cho chính ông, nếu ông muốn xem công đức như là một thứ hàng hóa mua bán thì ta sẽ thay thế Phật Tổ nói lời cảm tạ cho ông. Xin ông hãy mang lời cảm ơn về đi, từ đây ông đã thanh toán tiền bạc cho Phật Tổ xong rồi đấy!
(Theo Tinh Vân thiền thoại)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Thông thường, khi mình cho ai đó một cái gì, mình nghĩ người đó mang ơn mình. Nhưng kỳ thật, nếu quán chiếu một cách sâu sắc, người mang ơn phải là chính mình mới đúng! Bởi khi mình cho, tức là mình đang thực tập hạnh tu bố thí, xả ly, nếu không có đối tượng để bố thí, làm sao mình tu được? Cho nên, làm phước là làm giàu phước đức cho chính bản thân mình, tu phước là tu bổ phước đức cho chính bản thân mình. Có ai vì chính bản thân mình mà bắt người ta phải cảm ơn không?
Người Phật tử hộ trì Tam bảo cũng vậy. Cúng dường cho quý Tăng Ni tịnh tài tịnh vật để xây dựng Tam bảo, có công đức rất lớn. Quý thầy quý cô là người đứng ra gánh vác công việc xây dựng cho Phật tử, công bằng mà nói, người công người của, cùng nhau làm việc phước thiện, công đức như nhau.
Thế nhưng, thói thường khi bỏ ra một món tiền lớn, tâm lý “tôi dâng cúng” còn nặng, nên mình luôn muốn được quan tâm đặc biệt hơn, phải được nêu tên trên “bảng vàng”… Chung quy đều xuất phát từ ý niệm ngã và ngã sở. Vì vậy, việc làm phước thiện của mình không được viên mãn, nhất là khó đạt được kết quả tối hậu của pháp môn tu là đưa đến giác ngộ giải thoát.
Luận Đại trí độ nói: “Hạng người thiếu trí bố thí mà không hiểu gì, hoặc vì cầu tài nên bố thí, vì sợ hiềm trách nên bố thí, hoặc sợ sệt nên bố thí, hoặc vì muốn cầu ý người nên bố thí, hoặc sợ chết nên bố thí, hoặc dối người làm cho họ mừng nên bố thí, hoặc tự cho mình giàu nên bố thí, hoặc kiêu ngạo tự cao nên bố thí, hoặc vì danh dự nên bố thí, hoặc vì chú nguyện nên bố thí, hoặc vì giải trừ suy hoại cầu tôt lành nên bố thí, hoặc vì quy tụ đông người nên bố thí. Cách bố thí như vậy gọi là bố thí không thanh tịnh”.
Bố thí cúng dường mà không xuất phát từ tâm thanh tịnh thì khó tròn đầy công đức, phước báo. Điều này giúp ta hiểu được câu trả lời của Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi vua Lương Vũ đế hỏi ông bấy lâu xây chùa, đúc chuông, tạo tượng, bảo trợ Tăng Ni có được bao nhiêu công đức?
Cho nên, để đạt được kết quả viên mãn trong pháp tu bố thí cúng dường, người Phật tử phải vượt thoát mọi ý niệm chấp ngã và ngã sở. Như kinh Kim Cang dạy: “Không có người thí, vật thí, đối tượng nhận sự bố thí”. “Không nên trú ở sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không trú ở đâu cả mà làm bố thí” mới đích thực là Bố thí Ba la mật.
Hạo Nhiên