Tất cả vấn đề của cuộc sống đều tùy thuộc vào độ khai mở nội tâm hay trình độ nhận thức về bản chất của những tình huống đó.

Chính vì dự phóng muốn cho cuộc sống của mình theo một tiêu chuẩn nào đó về hạnh phúc, và rồi cứ miệt mài phấn đấu cho mục tiêu đó với ước mong mọi sự sẽ diễn ra theo hướng dự phóng của mình, nên khi nó không diễn ra như mình mong muốn thì liền cảm thấy hụt hẫng và thất vọng….Mà không chịu xem tình huống đó là bài học để giác ngộ.

Con người thường mong muốn thành công hơn thất bại…Ngay khi thất bại ta rất đau khổ và không chịu chấp nhận, chỉ muốn làm sao cho thành công, nhưng không chịu lắng nghe chiêm nghiệm từ trong thất bại đó để thấy ra lại chính mình là gì trong đó và thấy ra bản chất cuộc sống là thế nào… Thông thường con người ta thấy thất bại là nhục nhã thế này thế kia, chính vì vậy bị đè nặng bởi trạng thái, tình huống, hoàn cảnh, mà không thể chuyển hướng trở về xem lại thái độ nhận thức và hành vi của mình.

Con người bị lầm lẫn rất nhiều vào sự lập luận theo tông phái, chủ thuyết..Và khi lệ thuộc vào tông phái nào đó, ta bị đè nặng bởi tính chất, quan niệm, khuôn khổ hơn là nhận ra sự thật.

Bốn quy tắc tâm linh của Ấn Độ

Người Ấn Độ họ dạy chúng ta về: “Bốn Quy Tắc Tâm Linh”

1) Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp. Bất cứ người nào ta gặp cũng đều giúp cho ta học những bài học giác ngộ, ví dụ: Ta thiếu nhẫn nại, thì sẽ có người đến dạy cho ta bài học nhẫn nại. Ta thiếu từ bi thì sẽ có người đến dạy cho ta lòng từ bi…v…v…)

2) Bất cứ điều gì xảy ra thì đó chính là điều nên xảy ra.

3) Trong mỗi khoảnh khắc mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm. Chuyện gì xảy ra đều đúng lúc nên xảy ra.

4) Chuyện gì đã xong là xong.

Nhờ những người hại ta mà ta có được bài học giác ngộ, mới thấy ra chính mình và bản chất cuộc sống..Và khi được giác ngộ, ta càng cám ơn họ, nhờ có họ mà ta giác ngộ…cảm ơn những nỗi khổ đau đã giúp ta giác ngộ sự thât. Chỉ có thể giải thoát khi nào ta giác ngộ ra sự thật. Người tốt với ta chưa chưa hẳn là người tốt, người xấu với ta chưa hẳn là người xấu…

Thật ra, Khổ đau hay Hạnh phúc đều do thái độ của ta chứ không phải là trạng thái…ví dụ: Một người từ trưởng phòng lên chức phó giám đốc thì anh ta cảm thấy rất sung sướng. Còn người khác từ giám đốc bị cắt chức xuống còn làm phó giám đốc, nên người này cảm thấy rất đau khổ. Nếu xét trên phương diện chức vụ, cả hai đều ngang nhau…Nhưng tại sao người này hạnh phúc còn người kia đau khổ…Không phải là do trạng thái hay tình huống giám đốc đau khổ hay không đau khổ mà là do người này thấy mình thành công hay thất bại, thấy đau khổ hay hạnh phúc mà là do tầm nhìn của họ mà thôi. Nếu như, người giám đốc bị cách chức đó, khi ở địa vị giám đốc thấy nhiều áp lực quá và ông mong muốn xuống chức phó giám đốc thì ông sẽ cảm thấy hạnh phúc. Như vậy, đó là do thái độ của ta chứ không phải là thật sự hạnh phúc hay đau khổ.

Tu là một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi. Mà hành vi này đúng theo Pháp chứ không như ý mình. Nếu có phạm phải một lỗi lầm, đừng nên mang mặc cảm tội lỗi đó, mà hãy nhìn vào lỗi lầm và học từ  đó để vươn lên. Chính “đau khổ là nấc thang của bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo và là vực thẳm cho những kẻ yếu đuối.” Chính những đau khổ nung đúc ta, giúp ta thấy ra sự thật, giúp ta dừng lại trước những tội ác…Và rèn luyện cho ta rất nhiều đức tính…Cho nên, đau khổ vẫn là một Chân Lý. Đó là bài học ta cần phải học trong cuộc đời này.

Đau khổ có thể là có những sai lầm từ quá khứ nên bây giờ ta nhận quả. Nhờ vậy mà ta thấy ra nguyên nhân của đau khổ. Do đó, có nhận thức đúng và hành vi đúng mới có sự chuyển hóa. Trong cuộc sống, trải qua bất kỳ điều gì thì đều có lợi cho ta học ra bài học giác ngộ giải thoát. Do đó, cứ trải nghiệm, chiêm nghiệm để giác ngộ ra sự thật. Bất kỳ, điều gì đến với mình trong cuộc đời, đều chỉ có lợi chứ không có hại…

“Họa hề phúc chi sở ỷ. Phúc hề họa chi sở phục”
(Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ dựa của họa)

Câu chuyện Tái ông mất mã
Tái ông bị mất con ngựa quý và những người trong xóm nghe tin đến chia buồn. Ông lão rất bình tỉnh nói: “Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi”. Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa khác, cao lớn và mạnh mẽ. Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây. Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói: “Biết đâu việc được ngựa nầy sẽ dẫn đến tai họa cho tôi”. Quả nhiên con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy con ngựa  cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi. Con ngựa  chưa thuần nết, quen người nên nhảy loạn lên. Có lần con ông lão không cẩn thận để ngựa Hồ hất xuống, té gãy xương đùi, khiến con ông lão bị què chân, tật nguyền.

Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế. Ông lão thản nhiên nói: Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa nầy mà được phúc. Một năm sau, có chiến tranh. Các trai tráng trong vùng đều phải sung vào quân ngũ. Các trai tráng đều tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân nên miễn đi lính, được sống sót ở gia đình.”

Trong họa có may, trong may có rủi không biết đâu mà lường được. Vậy thì, trong cái may và cái rủi đó , ta phải có thái độ như thế nào trên sự việc đó!…Cuộc đời luôn luôn có hai mặt được mất, hơn thua, thành bại… để ta có thể đối chiếu ra cái toàn diện. Và ta sinh ra trong cuộc đời này, để học ra bài học hai mặt của cuộc đời.

Người Tây Phương có câu nói rất hay: “You’re not here to change the world, the world is here to change you”…

Ghi chép từ Pháp thoại của Thầy Viên Minh – Blog Cội Nguồn