Nhưng thật ra, một người sinh ra không hoàn toàn thiện hay hoàn toàn ác. Điều quan trọng là, con người ác hay thiện là nhờ sự giáo dục, nhận thức, lương tâm của mình. Chúng ta – không ai tự nhiên trở thành người phạm pháp, tạo ác nghiệp ngay được. Đa số những người làm ác lớn dần lớn dần trong sai lầm. Chính vì thế, trong kinh Pháp Cú, Phẩm Ác, câu 121, Đức Phật dạy: “Chớ khinh điều ác nhỏ, cho rằng “chẳng đưa lại quả báo cho ta”. Phải biết giọt nước nhễu lâu ngày cũng đầy bình. Kẻ ngu phu sở dĩ đầy tội ác bởi chứa dồn từng chút từng chút mà nên.”

Đây chính là chân lý của cuộc sống. Lời dạy này nhắc chúng tôi nhớ đến một câu truyện Phật giáo như sau: “Truyền thuyết kể rằng, thuở xưa ở đất Tứ Xuyên (Trung Quốc) có một loài đười ươi trông giống như người. Chúng quý hiếm vì biết cười nói, đặc biệt máu của chúng dùng nhuộm tơ lụa, do đó các thợ săn thường hay tìm bắt.

Đười ươi vốn thích uống rượu, nắm được yếu điểm này nên các thợ săn dùng rượu ngon để nhử bắt. Nhiều lần bị mắc bẫy nên những con đười ươi thoát nạn, biết cảnh giác, thấy những hũ rượu thơm ngon bày la liệt ở ngoài đồng trống nhưng không dám đến gần. Bầy đười ươi lẩm bẩm nguyền rủa những kẻ giăng bẫy hại chúng và bảo nhau chớ có bị mắc lừa.

Nhưng rồi mùi rượu thơm phưng phức khiến chúng phát thèm, quay lưng đi mà như có dây níu lại. Không kềm chế được, chúng nói với nhau: “Rượu thơm ngon quá, chúng ta thử nếm một tí thôi, chắc không hại gì. Một chút rượu không làm chúng ta say được”. Thế là đười ươi bắt đầu thận trọng chấm mút rượu trong thùng.

Thấy rượu ngon quá, chúng lại nghĩ: “Thưởng thức thêm một chút nữa cũng không sao”, rồi tiếp tục chấm mút lần thứ hai, thứ ba… Càng nếm càng thấy thích nên cứ nếm mãi rồi bưng luôn cả thùng mà uống. Rượu vào, đười ươi say chuếnh choáng, đầu óc mịt mờ, đi đứng loạng choạng.

Chỉ chờ có thế, thợ săn từ chỗ núp chạy ra vây bắt. Bầy đười ươi lảo đảo bỏ chạy nhưng không con nào thoát thân.” (Theo Truyện cổ Phật giáo)

Bài học rút ra từ lời Phật dạy

Những con đười ươi biết điểm yếu của mình là ham mê uống rượu nhưng trước mùi thơm của rượu, chúng cho rằng nếm một chút cũng chưa sao, chỉ sai lầm một chút thì chưa đến nỗi mất mạng. Cũng vậy, con người chúng ta không ai tự nhiên phạm phải sai lầm nếu không có những lần vấp phải những lỗi rất nhỏ như con đười ươi dùng một ngón tay để nếm rượu. Biết bao nhiều người nghiện ma tuý, nghiện rượu thường quá chủ quan, tự tin vào mình, cho rằng mình biết làm chủ bản thân, bị lạc thú mê hoặc, lôi kéo và dẫn dắt đến chỗ sa đọa, tự hủy diệt mình. Đến một ngày, họ trở thành đầy tớ của những thú vui tầm thường đó. Một người không tự nhiên phạm pháp nếu họ chưa từng tạo nên từ những sai lầm nhỏ nhất. Chúng ta thấy mình sai nhưng vì những tham muốn, dục vọng tiền tài, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ, danh vọng v.v… lôi kéo, mê hoặc, ta lại tự bào chữa cho chính mình rằng như thế không sao đâu, dần dần, ta vướng vào vòng lao lý hay khổ đau, lúc đó mới thấy hối hận. Mà như thế thì đã quá muộn màng.

Vì thế, mỗi người có giữ được bản thân tránh khỏi những tội ác hay không là do chúng ta biết ngăn mình lại ngay từ ban đầu, dù là việc ác nhỏ nhất. Đó là bài học mà chúng ta rút ra được trong lời dạy của Đức Phật và câu chuyên Phật giáo kia.

Nhuận Đoan

Theo Phật Pháp Ứng Dụng