Năm 1993 quê tôi mới có điện. Lúc đó tôi mới lên bảy, và “may mắn” đã biết được cảnh sinh hoạt thời đèn dầu hỏa, cho đến bây giờ vẫn còn nhớ. 

Cứ mỗi chiều tối, nhà nhà bưng cơm ra thềm hiên ngồi ăn. Cơm dọn trên một cái nống cấm, tức cái mẹt hình tròn cỡ lớn. Bữa cơm quê rau dưa và thường thêm chai rượu trắng cho đàn ông trong nhà. Đạm bạc nhưng sum vầy ngon lành.

Nhà quê lúc ấy chỉ toàn dựng từ tranh tre. Xi-măng tuy đã có nhưng chỉ để làm sân và thềm hiên. Sân cần ưu tiên đúc xi-măng để phơi lúa, thềm hiên cũng cần vì chỗ đó nước mưa tạt vào. Trong nhà chỉ nện đất với tro rơm cùng muối hột thành một mặt nền láng cứng. Thế nên người ta dọn bữa cơm tối ra hiên ngồi cho sạch sẽ, mùa hè chỗ đó lại có gió trời mát mẻ, những đêm trăng còn tiết kiệm được dầu hỏa thắp đèn. 

Trẻ con ăn cơm xong kéo nhau ra đường chơi trò rồng rắn lên mây, chơi ma rà lên bậc, hoặc bắt đom đóm bỏ vào những trái bộp bộp (trái lồng đèn) giả làm đèn học Mạc Đĩnh Chi. Trẻ con hồi đó cũng chỉ đến trường một buổi, buổi kia về nhà tự học, còn ban đêm để vui chơi.

Cả làng làm nông nên đến mùa gặt hầu như nhà nào cũng ăn cơm chiều rất muộn, phải gọi đó là bữa cơm tối mới đúng. Những đêm giữa tháng, tô nước luộc rau trong xanh thêm nhờ ánh trăng lóng lánh. 

Mùa gió Lào hạn hán trăng càng sáng, cả làng cùng ra đồng tát nước đêm cứu lúa, hoặc gặt thâu đêm cho kịp. Bữa cơm không còn dọn ở thềm hiên mà chuyển ra tận cánh đồng. Hẳn lúc đó cha mẹ ăn như chạy giặc, còn lũ trẻ nít chúng tôi thích thú vô cùng, cảm giác như cả làng cùng ăn chung một nồi. Trên đồng, trẻ con hái cỏ gà bện lại chơi chọi, chơi tích tè nép bắn, bao nhiêu trò bày ra giữa một đêm trăng.

Cũng những mùa hè miền Trung thuở chưa có điện, ông nội tôi thường kê chõng tre ra sân, đặt ấm nước chè ngồi uống sau bữa ăn rồi trải chiếu lên, ngủ luôn giữa trời. Tôi nhiều đêm ngủ cùng ông trên chiếc chõng tre ấy, được nghe kể chuyện làng xa xưa, với tôi đó là chuyện cổ tích.  Một cái quạt mo cau, hoặc quạt nan tre dán giấy ông phẩy nhè nhẹ. Tay ông quạt một lúc tôi đã ngủ say. Nửa đêm thức giấc, thấy trăng treo ở bầu trời phía Tây, cả một không gian sáng xanh mờ mờ ảo ảo, và dậy lên tiếng côn trùng đêm rỉ rả từ ngoài cánh đồng.

Bây giờ tôi vẫn sống ở ngôi làng quê kiểng của mình, nhưng không thấy những bữa cơm chiều dọn ở thềm hiên nữa. Điện quá sẵn, bữa tối bật đèn sáng trưng, bật thêm quạt mát rượi. Rất hiếm khi bị cắt điện, và nếu có cắt điện thì vài nhà kéo nhau lên phố ăn tiệm, hoặc chế tô mì tôm ăn cho qua bữa, thậm chí nhịn đợi có điện mới ăn nổi. Không ai nghĩ đến chuyện bưng cơm ra trước sân nhà ngồi ăn nữa.

Bữa cơm trên đồng càng không, vì bây giờ hệ thống thủy nông đã chu đáo không cần đi tát nước chống hạn. Mùa gặt có máy gặt đập liên hợp rồi, chỉ cần đem bao ra đựng chở về thôi. Nhà nông thôn kiên cố, bê-tông từ ngoài đường vào tận sau nương. Nhiều nhà còn làm cái mái che tôn phủ hết khoảnh sân, ngồi ở thềm hiên không còn thấy trăng nữa. Cũng không còn ai ngủ giữa trời nữa. Quạt điện, điều hòa vào tận phòng ngủ. 

Trẻ con ở quê không còn mặn mà những thứ trò chơi dân gian đêm trăng như thuở chúng tôi. Bây giờ là máy vi tính, điện thoại thông minh. Bữa cơm mất điện không có điện thoại thật khó để dỗ đứa trẻ lên ba ăn cho được. Bữa cơm của bậc cha mẹ cũng mất ngon vì lo không sạc được cái điện thoại đang cạn nguồn pin, hoặc không nắm được trên mạng xã hội đang có chuyện gì. Chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên dưới bầu trời ấy nhưng đến bây giờ làm cha, làm mẹ lại bỏ quên cái bầu trời của con trẻ.

Làng bây giờ được một nhà sư tài trợ nên có đèn đường thắp sáng hàng đêm. Riêng đêm rằm, nhà sư tắt đèn cho bà con ra đường ngắm trăng, tách cái smartphone để cùng trò chuyện xóm làng. Nhưng cái lý giản đơn ấy của nhà sư rất ít người hiểu ra. Người ta bảo có mỗi một đêm mà sư cũng tiết kiệm chi cho mệt.

Quên mất gió trời là một cái quạt khổng lồ và trăng cũng như một bóng đèn vĩ đại của tự nhiên, ta thu mình trong sự phụ thuộc đến kiệt cùng nguồn điện. Đâu biết rằng điện cũng là một thứ năng lượng tái tạo từ tự nhiên mà thôi. 

Hoàng Công Danh