Đã lâu lắm rồi, tôi bỏ thói quen viết nhật ký. Không phải vì không có gì để ghi lại nhưng vì tôi đã chuyển đổi cách sống của mình.  Tôi tập sống theo những gì mình đã học được nơi các quyển sách Phật giáo mà tôi đã đọc. Tôi không muốn ghi lại quá nhiều chuyện để mỗi lần đọc, tôi lại phải quay về với quá khứ – đầy nước mắt khổ đau- trong khi hiện giờ tôi chỉ muốn sống cho hiện tại, trong từng giây phút của đời mình. Những dòng ghi chép này có lẽ là một ngoại lệ, một ngoại lệ cuối cùng?

Bóng Thời Gian

   Vậy là tôi đã trải qua được chặng đường mười năm. Mười năm làm khách trọ ngay trên quê hương mình, còn quê hương thứ hai thì như một chốn xa vời, mình chỉ tạm dừng chân, không thể là chốn dung thân nữa rồi. Mỗi năm tôi vẫn quay về nơi đó, ở một tháng hay đôi tuần để thăm Má tôi, các anh chị em. Mỗi lần về, mọi người đoàn tụ lại, tôi thấy cũng vui, cũng hạnh phúc, nhưng chỉ được một tuần là tôi đã thấy nhớ nhà. Nhớ thói quen được nằm võng đọc sách, đọc báo vào mỗi buổi trưa. Nhớ chương trình cải lương vẫn được coi hằng tuần trên truyền hình. Rồi lại lo, không biết mấy đứa trẻ lượm rác không có tôi ở nhà, có được ai cho gì ăn không? Nhớ mấy trăm phần quà học sinh còn chờ tôi về đi phân phát. Nhớ bức thư xin quà của hội người mù XX đang nằm trong tủ, chờ tôi kêu gọi bạn bè giúp đở. Ôi, có bao nhiêu nỗi nhớ người dưng mà hình như còn nặng nề hơn cả những tình cảm ruột thịt cận kề… Vậy là chỉ sau một, hai tuần trên đất Mỹ, tôi lại lo mua sắm, sắp đặt valise để quay trở về Việt Nam. Quê hương mà tôi lỡ nặng lòng, dù với tôi, nó vẫn còn chưa mở rộng vòng tay… Tôi vẫn chỉ là người ở trọ, vẫn phải đi xin gia hạn visa, vẫn phải đi trình báo với về sự có mặt của tôi ở nơi này. Thật oái ăm và mai mỉa khi ở xứ người thì tôi đường hoàng là công dân, trong khi ở chính nơi chôn nhau, cắt rốn của mình thì tôi là người ‘tạm trú’. Anh công an phường, chị công an quận vẫn thường xuyên thăm hỏi về sự ‘đi đứng’ của tôi. Đó có lẽ là điều làm tôi đau lòng nhất trong những ngày tháng sống trên quê hương.

   Vậy mà tôi vẫn chọn sống ở Việt Nam. Vẫn thấy quen với cuộc sống ở đây hơn. Quen mỗi buổi sáng ngồi nhâm nhi cà-phê, nhìn qua cửa số, thấy cuộc sống -dầu nhọc nhằn- vẫn sinh động ở phía ngoài kia. Cô gái mua ve chai, đang đảo qua, đảo lại trước cổng nhà, mong một tiếng gọi. Chú bán bánh mì đã quá quen với cái xóm nhỏ này đến đổi không cần rao báo gì, chỉ cần bấm tiếng còi quen thuộc, thì người ta biết là chú bán gì rồi. Ông lão bán vé số 82 tuổi vẫn đi trên đôi chân liểng xiển bán dạo, mặc trời nắng mưa. Mặc đôi khi có bạn bè ủng hộ, tôi đã dúi vào tay ông số tiền lớn hơn tiền lời của nhiều ngày vất vả mưu sinh và nói gần như năn nỉ, “Ông về sớm đi. Nghỉ đi, trời mưa mà…”. Ông lễ phép dạ, rồi quay lưng đi, vẫn rao, “Số đây. Số đây…” với cái giọng khàn khàn, đầy khói thuốc.

   Tôi đã quen với những hạnh phúc nhỏ nhoi. Chỉ mỗi việc cúp điện, cũng là cơ hội để cả xóm hội tụ với nhau. Người dắt cháu đi loanh quanh. Người nhắc ghế ngồi trước cửa, quạt cầm tay, miệng thì thăm hỏi nhau đủ thứ chuyện. Rồi khi điện sáng lại, tôi nghe như cả xóm reo lên, vỡ òa hạnh phúc.  Thật buồn cười. Ở Mỹ làm sao tôi biết được có những hạnh phúc đơn giản như thế. Cuộc sống cũng giản đơn hơn. Không cần phải “xế” láng để vi vu đây đó, khi ra đường, chỉ cần ngoắc chiếc taxi hay gọi anh Honda ôm quen biết, hay cùng lắm thì đi xe buýt, cũng được rồi. Ăn uống thì quán xá ì xèo khắp hang cùng, ngỏ cụt, bất kể giờ giấc. Tiện nghi hết chỗ nói đối với người có tuổi như tôi.  Và vậy là đủ hạnh phúc.

   Nhưng sự lựa chọn của tôi dưới mắt nhiều bạn bè, hay người bàng quang, là khá điên rồ, nếu không muốn nói là ngu dại. Tôi đã bỏ một công việc ổn định, lương không tồi. Bỏ đất nước mà nhiều người coi đó là thiên đường hay ít nhất cũng là miền đất hứa. Bỏ người cuối cùng cũng đã nói yêu tôi. Nếu đem ra cân đo, suy tính thì dường như tôi đang thả mồi bắt bóng. Thả một cuộc sống bảo đảm để chọn một cuộc sống bấp bênh, mơ hồ. Ngược lại cũng có không ít người khen tôi dũng cảm!

   Thực sự ra đâu có ai biết là tôi không thể tự mình làm điều đó, nếu tôi không được ánh sáng Phật pháp soi rọi. Nếu những bất hạnh, mất mát không xảy đến cho tôi, tôi sẽ tiếp tục cuộc sống hưởng thụ cho riêng mình. Cả tuần làm việc tối mắt tối mũi để được ‘hạnh phúc’ là nhìn những con số trong tài khoản ngân hàng của mình nhích dần lên. Cuối tuần thì giết thời gian trong những khu mua sắm, thử đủ quần này áo nọ, cho đến chóng mặt, rã rời chân tay, mới trở về nhà. . .

   Tôi sẽ tiếp tục cuộc sống vô vị đó, nếu vô thường không chạm ngõ nhà tôi. Nếu người chị thứ tư của tôi không bị đau ung thư, rồi ra đi mãi mãi, hẳn là tôi sẽ không dừng lại để quán sát đời mình. Sẽ không biết mình sống u minh, chạy đuổi theo dục vọng, không hề biết nhân quả thế nào.

   Tôi chẳng thể tha thứ cho những tội lỗi mình đã gây ra cho bản thân và cho người. Nhưng chư Phật, chư Bồ Tát đã từ bi dang tay cứu vớt tôi.  Các ngài đã không quay lưng lại với tôi. Trong tột cùng của khổ đau, các ngài đã mở cho tôi cánh cửa nhỏ để tôi có thể bước chân vào vườn hoa Phật pháp. Có thể nói đó là điều may mắn nhất đã xảy ra trong cuộc đời tôi. Biết được Phật pháp, tôi như kẻ mù trong bóng đen tăm tối, được người giang tay dẫn dắt, cứu chữa để tôi nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. Các ngài mang lại cho tôi cảm giác rằng ít nhất cuộc đời mình không hoàn toàn bỏ đi. Ít nhất tôi đã làm được đôi điều ích lợi.

   Đó là tôi đã phát khởi được niềm tin nơi Phật pháp. Gia đình tôi truyền thống là theo Phật giáo, nhưng trong nhà không có bàn thờ Phật. Má tôi tiếng là theo đạo Phật, nhưng bà thường cúng sao giải hạn, tin bói toán, thờ ông bà hơn là thờ Phật. Thuở nhỏ tôi lại học trường các sơ Công giáo, nên tôi rành mạch Chúa Giáng Sinh như thế nào nhưng lại mù tịt về sự có mặt của một đức Phậtlịch sử trong đời. Lớn lên, có chút kiến thức nông cạn từ ghế nhà trường, cộng với tuổi trẻ ương bướng, tôi cứ nghĩ mình làm chủ cuộc đời mình. Mình có thể hoạch định tương lai. Và mọi thứ tôi yêu thích đều sẽ ở bên tôi, thuộc về tôi mãi mãi. Tôi tin trong tương lai người đàn ông lý tưởng nào đó sẽ mang đến cho tôi hạnh phúc vĩnh hằng. Rằng một công việc bền vững với lương cao có thể khiến cuộc sống của tôi tràn đầy bình an. Bởi thế giáo lý của đức Phật là những điều tôi chưa từng được nghe, hay muốn được nghe. Chỉ đến khi đầu gần điểm hai thứ tóc, đã quá ê chề với bao thất vọng, bao biến đổi trong cuộc đời, đã chứng kiến sự hoại diệt tốc độ nơi thân của người chị bệnh ung thư, đã nhìn tận mắt những tờ đô la rơi rớt từ bàn tay không còn có thể cầm nắm được gì của chị, đã được nghe chị tôi trăn trối, “Chị biết tu quá trễ. Em đừng như chị…”, thì tôi mới như chợt tỉnh. Rồi tôi cũng sẽ ra đi như thế, cũng không đem theo được gì, ngoài những hối hận muộn màng. Tôi bắt đầu tìm đọc những quyển sách viết về Phật giáo. Tôi chôn mình trong các nhà sách. Ngạc nhiên thích thú khi khám phá ra có cả rừng sách về Phật giáo được nhiều tác giả từ khắp nơi trên thế giới viết ra. Như đứa bé lâu ngày không được uống sữa mẹ, tôi khát khao uống từng ngụm sữa Pháp của Đức Phật từ bi. . .

   Qua các trang sách, như người được đánh thức, được soi sáng, tôi tập lần theo những bước chân, con đường Phật đã chỉ bày. Giản đơn hóa cuộc sống của mình bằng sự biết đủ: Tôi gửi cho người nghèo những thứ không cần dùng trong nhà. Bằng việc buông xả: Tôi dứt khoát từ bỏ công việc ổn định của mình. Từ bỏ cuộc sống đủ đầy ở một đất nước giàu có nhất nhì thế giới để thực hiện lý tưởng giúp người của tôi. Bằng tâm nguyện từ bi: Cố gắng giúp đở những người kém may mắn hơn mình.

   Lúc đầu về Việt Nam, tôi mơ hồ nghĩ là mình sẽ cố gắng thực hiện những điều này. Nhưng thực hiện như thế nào, nếu có ai hỏi thì tôi cũng chỉ ú ớ. Vậy mà rồi cũng do duyên lành, do chư thiên hộ trì, tôi được gặp gở những người bạn Mỹ, bạn Việt có cùng tâm nguyện. Họ sẳn lòng tin tưởng, hỗ trợ tài chánh để tôi hoàn thành các thiện nguyện. Thật là có mơ, tôi cũng không nghĩ được Phật pháp nhiệm mầu đến vậy! Chỉ cần có tấm lòng thành, dường như mọi thuận lợi đã sẵn bày cho kẻ có thiện tâm. Nhờ thế tôi trụ được ở Việt Nam trong mười năm: Sống bằng tiền tiết kiệm của hai mươi mấy năm làm việc ở xứ người. Cứ thế tôi nguyện mỗi ngày mình đều giúp được ai đó một điều gì, dầu nhỏ nhoi, như một lời thăm hỏi, hay lớn hơn như giúp họ có một mái nhà, giúp trẻ em qua cầu không sợ té, giúp người già bán được thêm mấy tờ giấy số… Nhờ nương theo Tam Bảo, tôi sống an phận mỗi ngày, mặc cho người tranh đua hơn thiệt, chạy đuổi theo danh lợi thế gian. Nhờ hiểu nhân quả, tôi sẽ sống tùy duyên. Tôi bình thản sống từng ngày như thế cho đến khi trở về nơi chốn cuối cùng của tôi, của tất cả mọi người.

   Cuộc đời ‘vô sản’ của tôi, hóa ra cũng hay khi tôi phải dẹp gọn nó lại. Không còn bộn bề nhà cửa, xe cộ, bàn ghế, tư trang… để phải lo âu. Nhiều lần đi về, giữa hai đất nước, tôi đã học bỏ bớt, học san sẻ, nên giờ túi hành trang của tôi cũng rất nhẹ. Chỉ còn mấy chiếc túi giấy đựng dăm ba quyển sách thiền, mấy bộ quần áo ấm phòng khi trở lại thăm anh chị em ở Mỹ vào mùa đông… Tất cả gia tài của một cuộc đời tha phương rốt lại là như thế đấy. Tôi không biết mình nên vui hay buồn.

   Tôi đã đi qua rồi lại trở về chỗ bắt đầu. Một vòng luẩn quẩn, giống như luân hồi khi vẫn còn sống. Như hôm nay, sau buổi họp mặt gia đình, mấy chị em chia tay nhau, lúc ngồi chờ xe buýt, tôi lại nhớ đến những ngày tôi mới qua Mỹ, cũng ngồi chờ xe buýt ở những băng ghế đá. Rồi có nhà, có xe.  Rồi không còn nhà, không còn xe. Lại ngồi chờ xe buýt. Lại lưu lạc ở nhà này qua nhà khác. Khoảng thời gian ở giữa hai cuộc ‘luân hồi’, ở giữa hai sự bắt đầu và kết thúc, hình như chỉ là một giấc mộng. Hình như tôi đã mơ. Hình như tôi chưa đi đến đâu, chưa trở lại nơi nào cả.

   Tôi vẫn đứng yên một chỗ trong cuộc đời mình, chỉ có điều giờ đây trong hành lý của tôi có thêm lời ước nguyện được mãi làm con của Phật, được ánh sáng của Phật pháp soi rọi dù tôi sinh ra ở đâu, dưới hình thức nào…

(Lưu Thị – Bài Viết Tham Dự Ananda Viet Award 2007)