Nhà văn thưa với nhà sư:
“Con có một người bạn thân, chơi với nhau được 20 năm, con coi như em của mình, giúp đỡ hỗ trợ cả hai mặt vật chất và tinh thần rất nhiều, nhưng bây giờ người này lại quên hết tình nghĩa, lên diễn đàn trên mạng thóa mạ, chửi bới, chê bai con không biết bao nhiêu điều xấu xa xấu xí mà kể… Giờ con phải làm sao, bạch thầy?”
“Người đó chửi rủa chê bai những gì?” Sư trầm ngâm, rồi hỏi.
“Dạ thưa… con cũng không biết nữa. Chửi trên diễn đàn báo chí – văn học mà con có tham gia, con không hề đọc được chữ nào ạ.”
“Trời đất, không đọc được là sướng rồi, không đọc thì không biết, không biết thì coi như không phiền não. Vậy sao lại biết là mình bị đàm tiếu hạ nhục làm chi cho khổ vậy?”
“Khổ vậy, thưa thầy. Con không hề biết, nhưng các bằng hữu khác lại nhắn tin thắc mắc thực hư, điện thoại méc kể… làm con không biết cũng phải bị biết!”
“Ưm, tội nghiệp. Vậy thì mình cứ im lặng đi, không một lời phản bác, không một tiếng phân bua, người ta chửi miết rồi cũng sẽ mỏi mệt, chán chường. Những gì người khác mắng nhiếc chửi bới, vu oan giá họa cho mình, cũng như thứ vũ khí boomerang của thổ dân Úc vậy, nó bay đi rồi sẽ trở về ngay nơi nó xuất phát. Sự im lặng của mình chính là sự buông xả!”
“Dạ, Con đúng là đã buông xả, không hề giận dỗi, chớ hề đáp trả biện hộ, nhưng con nghe các bạn khác méc lại là người đó vẫn đang tiếp tục thóa mạ chửi rủa con, ngày càng dữ dằn độc địa hơn ạ!”
“Ồ, đó là do Buông mà chưa Bỏ. Phải bỏ chuyện đó đi!”
“Con bỏ rồi mà thầy. Con đâu có ghim gút để bụng?”
“Chưa bỏ. Nếu không ghim gút để bụng thì đâu có chuyện gì mang đến đây để hỏi này vấn kia? Chuyện phiền não đó đang theo đến đây, ngay bây giờ vẫn còn đang hiện hữu đó. Bỏ là bỏ chỗ nào?”
Nhà văn đờ người ra, gật gù thưa:
“Dạ, thầy dạy phải. Con hiều rồi. Con sẽ buông xả cho đúng buông xả ạ!”
“Hãy quên chuyện đó di. Không nổi giận, không đáp trả là giỏi lắm rồi đó. Một khi mình thật tâm buông xả, tha thứ khoan dung cho người xúc phạm mình, nghĩa là mình cũng đã giải bỏ được cái nghiệp xấu mà người đó sẽ phải trả. Mọi sự đều sẽ tan biến như mây khói vào hư không tịch mịch!”
Nhà văn chắp tay bái lạy tạ từ sư thầy.
Một năm sau, dịp lễ Tết, nhà văn trở lại chùa hầu thăm thầy. Sư hỏi:
“Chuyện đó sao rồi?”
“Dạ… chuyện gì ạ?” Nhà văn ngơ ngác hỏi.
“Chuyện đó đó, cái chuyện hồi đó đó!”
“Bạch thầy… thầy hỏi chuyện gì con không biết ạ?”
Sư bật cười khanh khách, vỗ đùi cái bốp, tán thán:
“Giỏi. Vậy mới là buông xả!”
Cư sĩ Vĩnh Hữu