Cái tự biết luôn hiển hiện ở sáu căn thức tỉnh ta ở lại với thực tại; thực tại đó chính là ta buông theo vô thường; buông theo vô thường tức hành giả đang đứng trong Đạo.

Bạn tu của tôi có học vật lý lương tử, biết được mọi sự vật trần gian đều huyễn, chỉ là hiện tượng dao động quá nhanh khiến mắt bị lừa. Thầy tôi nhắc đến khoa học gia thấu thời gian và không gian đều giả, vật chất vốn duyên hợp của nguyên tử; sao Phật tử còn chấp cuộc đời này thật. Vẫn thấy thật thì thầy trò mình ở mãi trong “cái thật” đó, sao vượt ngoài tam giới. Từ trong kinh Nguyên Thủy Đức Phật đã dạy chúng sanh “phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, thiền tư không y chỉ vào cái ấy”. 

Cảnh bên trong [tâm] và bên ngoài đều huyễn, nên đời sống chúng ta dựng lập trên huyễn giác. Tuyệt không thể y vào huyễn tướng của sự vật được. Ba ngàn năm trước Phật đã thấy “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, và Ngài nhất nhất khuyên học trò “quăng bỏ cả quá khứ, hiện tại, vị lai”; để luôn “sống chánh niệm và tỉnh thức trong từng phút giây”. Đó chính là sống với thực tại.

Sáu căn luôn mang lại cho chúng ta phiền não, song cũng từ sáu căn vẫn có đường ly dần phiền não nhờ cái-tự-biết/giác trong từng khoảnh khắc. Cơ duyên có bạn đồng tu nhận ra chút hình hài của tánh giác và tập sống với nó, qua cái nhìn thô thiển của mình tôi chợt hiểu, sáu căn vốn vô tội. Sáu căn khiến ta sập bẫy ảo giác song cũng sáu căn nhắc ta đừng dấn thêm vào vũng lầy cám dỗ. Có lần tôi ngồi nhấp trà với một người chuyên bài bạc. Gã thú nhận có loại kính lắp trong tròng không ai biết, có thể nhìn thấu bài của đối phương.

Tôi bỗng nghĩ, giả như có đứa trẻ vừa sinh ra đã được gắn vào mắt cặp kính siêu mềm mỏng, ngay chính nó không hay biết. Cái kính khiến mắt đứa trẻ nhìn sự vật tợ như qua một chiếc gương lồi, hoặc cái nhìn ấy có thể giống với cái nhìn của một loài vật nào đó. Nó cứ thế lớn lên theo cái nhìn riêng biệt. Rồi nó thích ngành điêu khắc chẳng hạn. Đến một ngày nó quyết định tạc tượng cha mẹ để tri ân, mang về tặng.

Cha mẹ nó sẽ trố mắt nhìn những “quái tượng” mà đứa con cho là chân dung mình. Sư bà Hải Triều Âm giảng kinh Lăng Nghiêm năm 1994 nhắc hoài điều này để chúng ta đừng chấp trước những gì mắt thấy, bởi sự vật đã bị bóp méo theo con mắt nghiệp của mỗi loài; như con cua mắt lồi ra tròn xoe như quả cầu, dĩ nhiên nó nhìn vạn vật khác hẳn người và muôn loài khác. Hiểu điều này sẽ khiến chúng ta có cái nhìn bao dung hơn về muôn pháp. Bởi tôi và bạn vẫn đang trong một cơn đại mộng.

Khoa học hiện đại đã sáng tạo loại kính Thực tại ảo, ai đeo vào như sống trong “đời thực”. Lại giả dụ nếu một đứa trẻ bại liệt bẩm sinh từ nhỏ được đeo loại kính này. Nó luôn kể về cuộc sống của nó, gia đình của nó với vợ và con cái, những chuyến phiêu du của nó khắp hành tinh, thậm chí kết giao với ma quỷ, và dĩ nhiên nó còn kể về những căn bệnh nan y, về nỗi sợ hãi mà nó đang phải đối diện; dẫu thực tế thì nó luôn nằm một chỗ.

Lúc ấy người thân bắt đầu phân tích để nó hiểu rằng đó chỉ là ảo, con như đang mơ thôi. Cuộc sống thật không phải như vậy. Nó sẽ không tin! Ân sư của tôi dạy, mọi tướng hư vọng bởi sanh diệt trong từng sát na, còn tự tánh bổn nhiên bất động, bổn nhiên thanh tịnh và trọn đầy trí tuệ đức năng.

Chúng ta bây giờ nếu chẳng thâm tín Phật pháp, học kinh giáo mà không hành cũng không chịu nhận ra mình đang sống trong ảo giác do sáu căn hư vọng mang lại. Và nếu tôi và bạn đeo cái kính Thực tải ảo ấy, nghĩa là mơ chồng lên mơ, ảo chồng lên ảo, hư vọng chồng lên hư vọng. Nhìn từ cảnh giới trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Lăng Nghiêm, Bồ tát âm thầm thị hiện làm “người phàm” giữa trần gian âu là các Ngài hóa vào giấc mơ độ sanh mà thôi.

Tôi và bạn quen nhận sáu căn làm mình trên tổng thể thân tâm mà không hay Phật dạy tánh giác luôn hiển lộ ở sáu căn trong từng sát na. Bạn tu luôn khuyên tôi hễ buồn thì nhận ngay cái biết buồn ấy là mình, đừng có ai buồn giận ở đó cả; hễ đau liền nhận ngay cái biết đau ấy là mình, ngoài ra không có ai ở đó mà đau cả. Bạn còn bảo nếu quán sát thật kỹ, chẳng hạn lúc chuyên chú niệm một câu kinh, câu kinh đó là ta rồi, ý đặt trọn vô đó rồi, chân tay vẫn tự hoạt dụng đúng việc và còn rất hoàn thiện; để thấy tánh giác nó tự biết làm việc, để thấy cái thân đang làm việc đó không hề có ai điều khiển, (mà cái tánh giác đang tự hoạt dụng), chẳng cần thêm một cái ngã nào vô đó.

Tôi hình dung về một nhà máy, có người giám sát công nhân. Một thời gian sau người giám sát thấy ai cũng tự làm việc chuyên cần, hết lòng không tự lợi, liền đề xuất xin nghỉ việc. Ông chủ đích thân kiểm chứng, thấy đúng, liền cho người giám sát nghỉ và không quên hậu tạ. Song ông chủ vẫn thấy mình là… ông chủ, trong nhà máy từ của cải đến con người đều “của ông”. Một ngày nọ ông chợt nhớ người giám sát, nhớ cái đức tánh “hại mình lợi người” và ông tự thấy xấu hổ.

Ngẫm sâu thấy mình cũng không cần thiết phải có mặt trong cái nhà máy mà mỗi mỗi công nhân đều trở nên thuần thiện như người giám sát, và thực tế nó không cần có ông chủ nữa. Nhờ trì niệm một câu kinh sẽ có cơ hội nhận ra tánh giác đằng sau thân huyễn tâm vọng. Bạn tôi khuyên chuyên thầm niệm sẽ thấy câu kinh đó cũng chẳng có ai đang niệm, mà nó dường như tự khởi và tự nghe lấy ngay nơi âm thanh phát khởi. Niệm một câu kinh xem ra là pháp vi diệu viên thông. Kinh khai trí tuệ Lăng Nghiêm dạy trong sáu căn, chỉ nhĩ căn là trên dưới trong ngoài sau trước đều nghe trọn. Tu một căn này sẽ khiến các căn khai thông.

Chúng ta thường phóng tâm ra nghe phía ngoài, nay thầm niệm một câu kinh sẽ biết quay trở vào nghe bên trong. Nghe bên trong là tánh nghe, không phải tai nghe. Chạm đến tánh nghe, tánh nghe sẽ tự biết nghe ngay nơi mọi âm thanh phát khởi không phân biệt trong ngoài. Bạn tu của tôi nhờ thầm niệm và chuyên niệm một câu kinh liền “phát minh” tánh giác. Từ tánh giác dễ có cơ hội hòa vào một đời sống nhi nhiên.

Thầy tôi luôn ý hướng học trò nhận lấy dẫu là một phần tỉ tỉ Tánh, mới là điều trọng yếu nhất của người tu; cũng như ta không là mặt trời [tự tánh], song thấy một tia nắng le lói chiếu soi qua màn nghiệp tối tăm cũng cần lăn xả hướng về mà nhận lấy. Tôi và bạn vô minh là bởi chấp lấy cái giả, bỏ cái thật (là tánh giác không sanh diệt không hình tướng cùng khắp). Thấy được cái giả đồng thời nhận và tập sống với cái thật là con đường ngắn nhất đến giác ngộ.

Ân sư của tôi tận hiến huệ mạng giảng kinh chỉ để khai thị nhìn thấu (cái thật) và buông xuống (cái giả). Chỉ bốn chữ thôi mà thâu trọn mật yếu Phật pháp. Cái thật chỉ việc nhìn thấu (thấy), không cần thêm bớt vì trong nó đầy đủ vạn pháp; còn cái giả cần buông xuống để cái thật thêm chói sáng, khởi diệu dụng. Tôi và bạn do chấp thân này là mình nên mới nảy sinh sống chết, còn trong mắt của chư Phật nào có chúng sanh sống chết.

Bạn tên A. Cái thân mang tên A nếu chết đi bất quá chỉ như người lặn một quãng sông lại trồi lên thở. Thân chết mà tánh giác đâu chết, thế mới có cụm từ vô số kiếp. Tôi đã trôi qua vô số kiếp, nay tên B; nếu kiếp này chưa về được cõi Phật lại luân hồi, kiếp sau tên là B (phẩy); nghĩa là vẫn còn chứ đâu vĩnh viễn mất. Đã vĩnh viễn còn sao gọi chết. Cái sự chấp một đời khiến nhiều người hiểu nhầm câu kinh nói về một Đức Phật sẽ không thành Chánh giác nếu còn một chúng sanh nghe và niệm danh hiệu Ngài mà không được về nước Phật.

Chấp một đời, họ quên rằng chúng sanh ấy nếu không xé mình ra tu thành trong đời này thì những đời kế tiếp chắc chắn lại được nương vào nguyện lực đó thoát phàm. Ân sư tôi dạy, Thiền là ngoài không chấp trước/tướng; trong không khởi tâm động niệm về mọi tướng (thông qua sáu căn). Bởi đơn giản mọi tướng đều hư vọng! Không chấp tướng, chấp pháp chấp ngã, tâm sẽ tự định. Hay nói ngược lại, cái định vốn sẵn trong tự tánh, nhưng do ngã-chấp mà “bất động” đó thôi.

Người ta vẫn nói thiền là đói ăn, khát uống, mệt nghỉ. Điều này nghe đơn giản như không thể đơn giản hơn, song thật chẳng dễ. Bởi ta thường nắm giữ mọi thứ vốn chẳng sớm thì muộn cũng mất; ta làm dáng và sự cố gắng ấy trở thành tập khí thâm căn, khiến không đói mà ăn (vì cái tham ăn chứ không phải cái đói ăn), và thường không khát mà uống (vì cái tham uống hay cái sở thích uống). Chẳng ai không buồn tiểu lại vào WC cả.

Nhưng nếu định tĩnh ngay trong từng thời khắc, cái biết tự ghi nhận trực tiếp của các căn như tai mắt mũi thì dẫu ta ở bất cứ đâu cũng là đang thiền vậy. Thiền là sự tĩnh giác nhờ sự tĩnh giác vốn sẵn ở mọi chúng sanh. Nhờ sáng suốt trong cái sáng suốt vốn dĩ, nhờ sự thật của sự buông thơi thân tâm nên thiền là một trạng thái tự rớt vào chứ không phải cái tìm cầu đạt tới.

Chúng ta thử nghiệm, khi một tiếng còi xe kêu, âm lượng đó lớn hơn ngay nơi nó phát ra so với ở tai. Nếu là tai nghe, lẽ thường âm thanh từ chỗ chiếc xe đến tai sẽ nhỏ đi, tức tai nghe nhỏ hơn chỗ còi phát ra. Cả lúc ta ở trên ngọn núi, cảm nhận âm thanh dưới lòng phố vẫn lớn hơn; chính là nhờ cái tự biết trong veo. Xét theo vật lý, âm thanh từ chỗ phát ra đến lỗ tai phải mất một thời gian; còn tánh biết thì không có thời gian, mà nó nghe ngay nơi âm thanh phát hay nó với âm thanh là một.

Như ta ở giữa đạo tràng, đồng lượt sẽ nghe được tiếng tụng kinh của cô A, anh B, ông C; hay mưa rơi trên mái nhà, tánh biết sẽ khiến ta cùng nhận âm thanh của nhiều giọt mưa. Nơi động loạn hơn như quán trà, ngoài tiếng nhạc, tiếng máy pha chế, tiếng bàn ghế dịch chuyển, tiếng cười nói đều vi diệu đồng hiện trong cái giác biết tạo nên một cuộc hòa tấu nhuần nhị. Lúc này ta cũng cảm nhận luôn hình sắc, cả sự sinh khởi nơi thân và vọng ở tâm đều cùng chung tướng hiện trong một chiếc gương dẫu gương ấy còn vẩn đục. Ấy là tôi nghe bạn đồng tu luận giải. Còn trong kinh Phật giảng mọi tướng hiện qua sáu căn đều huyễn, và ngay căn cũng huyễn luôn. Chỉ là do thức biến; hay thẳng tắt mà suy, đã mơ thì chẳng gì là thật. Ân sư tôi theo đó khuyên “nên chịu mơ một giấc thiện”, kẻo lại rơi vào mơ ác.

Trong cơn đại mộng này, tôi và bạn chỉ còn thực tại là chỗ có thể nương vào để tiếp cận tánh giác, là chỗ an trú để tránh bớt những cơn-đau-hiện-thực từ nghiệp quả. Thực tại luôn là một “không gian” an toàn để ly phiền não. Giả như bỗng nhiên nhận sự trái tai gai mắt, ta đau buồn, hãy chớp nhoáng tự hỏi thực tại tai đang nghe gì, mắt đang thấy gì, thân tâm đang khởi gì. Điều này cũng giống ta đang đắm say cùng người thân trong một không gian mênh mông thoáng đãng thì dẫu ai gọi đi chơi ta có thích nữa chăng.

Thế nên sự chướng tai nó đã qua rồi, cái thực tại ấy qua rồi và giờ đây những thực tại khác đang đơm nụ trổ bông qua các căn một cách tươi mới. Rõ ràng ta đang “rất bận” với thực tại liên miên tiếp diễn sức sống, ta đâu còn “thời gian” trở về với cái thực tại chướng tai gai mắt kia đã thành quá vãng ảo huyền. Chúng ta vẫn thường nhầm có một cái ta đang thấy vật, thực tế vật đã ở đó rồi, mở mắt là “vốn ở đó”, không cần “ta” thấy nữa; mà ta đó chính là cái ngã tự cho nó đang nhìn.

Lắng tâm quán sát thêm. Khi cái ta biết đang có chỗ ngứa trên thân, thì sự khởi nguyên của cái ngứa (do cái tự biết biết) đã đi qua cái ta biết ngứa đến mấy giây. Cái tự biết ban đầu mờ nhạt, song nếu hành giả đừng chạy đi đâu mò tìm tánh giác nữa nó sẽ rõ dần như một tấm gương được đánh bóng. Gương ấy có mặt ở các căn. Căn ý thì thấy rõ vọng niệm trỗi lên, và nhờ thấy rõ nên nó tự biết luôn việc quay trở về với thực tại bên ngoài.

Một vọng quá khứ nổi lên, cái tự biết rõ đồng thời, tức vọng (bên trong) ấy đã soi mình trong tấm gương thấy biết, bị lộ tẩy, nên vọng cũng xem như một thực tại được mắt đang thấy sự vật bên ngoài. Vọng vốn ảo, song bị thấy ngay khi vừa ló mặt, thầy tôi gọi đó là cái thấy thật ảo. Tôi mơ hồ chợt hiểu: Cái nhìn thật ảo vượt ngoài thời không! Song chẳng cách gì vào được!! Thầy tôi dạy, cũng một vọng niệm như nhau song phàm phu thấy khác so với người có định lực.

Phàm bởi do tham sân si điều động nên vọng khởi liền bị lôi dẫn tạo nghiệp. Còn một hành giả trên hành trình phá tự ngã; khi ngũ ấm và các tập nhân đau khổ bị rút năng lượng như rắn bị cắt nọc và hổ không nanh vuốt, vọng khởi cũng như bông hoa nở tự nhiên rồi tàn, không để lại dấu vết trên bề mặt của cái tự biết. Chiêm nghiệm điều này để thấy, vọng quá khứ cũng là thực tại nhờ tánh giác soi chiếu; tự hỏi, quá khứ có chăng?? Vọng tương lai cũng vậy.

Một hành giả trọn vẹn với thực tại, việc hành trình từ quãng đường A đến B, họ luôn sống với mỗi bước chân thông qua các căn, thì sự di chuyển từ A đến B là không có. Từ A đến B là một trăm bước chân hay nghìn vạn bước chân thì họ chỉ sống với từng bước chân hay nói đúng hơn là sống trong khoảnh khắc thực tại nhờ cái tự biết, chỉ thế thôi. Đây dẫu sao vẫn chỉ là “linh cảm”; bạn tu bảo tôi, chúng ta ra được hiện tại quá khứ và vị lai biết đâu phải muôn kiếp nữa.

Từ cuộc sống ta sẽ rút được nhiều mật ý. Có lần tôi đang rửa rau, sực nhớ cắm nồi nước ở trong nhà, liền bỏ rau chạy vào; chẳng khác đang sống trong ảo. Khi rửa rau nhớ nồi nước, là có một sợi dây cao su vô hình kéo tôi lao vút về nồi nước trong nhà; lúc tôi rót nước, lại có một sợi dây cao su vô hình ở chỗ rửa rau đang kéo tôi về đó. Như vậy tôi bị một lúc hai sợi dây cao su kéo tới kéo lui, còn quãng đường dẫu rất ngắn từ thềm giếng vào nhà hoàn toàn tôi mất tĩnh giác, dẫu xét đến cùng cái tự biết đã ghi nhận đầy đủ từng bước chân, đầy đủ mọi âm thanh mọi sự sinh khởi nơi thân tâm.

Điều này tạo nên một không gian ảo, và cả thời gian ảo nữa. Nước có thể lật thuyền song nước cũng đưa thuyền. Những căn như mắt tai mũi, thân, “bọn giặc” này phải trở thành những người bạn vĩ đại thay nhau hoặc đồng thời nhắc ta trở về với thực tại mới đúng. Đưa thuyền hay cam chịu lật thuyền ở chỗ bạn và tôi nhận ra bản chất và lực dụng của nước hay không. Chúng ta đang vọng về quá khứ, dẫu cái tự biết đã biết, nhưng đồng thời cái tự biết nhắc ta có cái đau cái ngứa trên thân, hay một âm thanh nào đó hiện khởi.

Nếu thất niệm hoặc ta đang sân vì một điều gì, cái tự biết gật đầu “có một cái sân” rồi, ta lại tự hỏi, bao nhiêu âm thanh đang vang lên kia mà, sao không sống với thực tại tinh khôi này. Giả như tuyệt tĩnh yên vắng, “thực tại ảo” là những “vọng” trong veo hiện lên; một mình hành thiền thì tiếng bước chân cũng nhắc ta trở về, hay đó là xúc chạm của thân với chiếu chăn, sự lật trở, tiếng dế trong khuya, tiếng lá gieo mình quãng gần sáng cũng đủ đánh thức ta sống với thực tại.

Tôi một lần bụng đau lâm râm, vẫn nhủ thầm đau chỉ biết đau thôi, không tìm nguyên nhân cũng không có ý niệm đẩy ra. Nhớ lời bạn tu, ngày hôm sau tôi bỗng à lên, tuyệt. Cái đau này, mỗi lúc nhói lên là như nói, thực tại đó con, ở đó đừng chạy đi đâu cả nghe. Đến lúc tôi khởi niệm dụng tâm chữa thông qua sự xoa dịu hay theo phương pháp thực dưỡng đơn thuần dân gian, cũng không phải xem cơn đau là thù mà nhìn nó như thực một thông tin đau trên tứ đại ở ngay chỗ đó; xem nó như người thân ngoài tôi, nhẹ nhàng bảo cái đau rằng thuốc này vào sẽ khiến cơn đau của bạn dịu xuống, không sao đâu, bạn sẽ lành dần và cơn đau biến mất. Đây là thuốc tĩnh giác nhìn ngắm mọi sự như một vẻ đẹp tự nhiên. Nó đúng với mọi bệnh.

Hơn thế về mặt lý thuyết tôi còn rút ra: Ai gọi ta, nên biết đó chỉ là sự quy ước chứ cái tên ấy không bao gồm khuôn mặt này, thân thể, danh vị này để rồi chấp trước đống xương thịt tanh hôi còn biết di động đó là mình. Tôi nếu có, là thực thể cấu thành từ cái tánh biết bất diệt và cái u mê tạm thời. Y học một khi thuần phát triển theo hướng vật lý thì loài người vẫn tiến nhanh về cõi chết. Một bệnh nhân dẫu gặp thuốc tiên mà không tự dụng tâm trở về hòa ái, soát lại lỗi lầm sám hối hướng về phía chân trời tâm linh cúi đầu (và ngước đầu) trước vô vàn bí ẩn màu nhiệm thì vẫn là nước đã vào thuyền mà khoanh tay nhìn sự đắm.

Trở lại với thực tại. Bạn tôi trước có đọc được từ sách của một vị thiền sư lỗi lạc xứ Ấn, sau được nghe thầy Tuệ Hải giảng một bộ kinh năm 2009, về mật yếu cần có cái nhìn và cái nghe tổng thể đồng lượt (như bạn tu “của tôi” có giải sơ cho tôi nghe ở trên). Chiêm nghiệm thấy hay quá. Chẳng như tôi nhìn về mảng tường khá lớn, nó đơn thuần một phông trắng nhẹ nhàng; rồi tôi nhìn con ruồi trên bức tường ấy, thực ra là do cái ý hội lại ở con ruồi.

Ta tập trung ý vào đâu dễ bám chấp ở đó. Hành thiền, dẫu ta bị hút bởi một bông hoa bên đường, cái tự biết cũng đã nhắc “mi tham rồi đó nghe”; và dẫu nó lôi ta rẽ lối đến xem tận mắt chăng nữa, cũng chưa phải là vấn đề bởi ta vẫn đang sống với thực tại của từng khoảnh khắc. Lúc đến, ta vẫn giác biết mọi sự, ta nhìn tổng thể cây hoa giả hợp và không thật bởi căn hư vọng, và thấy những chiếc lá non cũng đẹp, mầm, nụ và thân cây nữa. Ngay cục phân khô dưới gốc cũng dạy ta rằng đến cái tưởng chừng vô nghĩa ấy cũng hữu ích cho sự thật ảo lên ngôi.

Vậy là bắt nguồn từ lực hút của trần cảnh là bông hoa, hành giả vẫn bước trong sự tĩnh giác với thực tại và lúc căn mắt nhờ tiếp xúc một cách hòa đồng sự vật, ngẫu nhiên đã trụ vào sự toàn thể; khiến tâm nhạt sự phân biệt đối tượng và chấp trước vào một thứ ta thích.

Tĩnh tại trong từng giây phút, có lẽ ít người suy ngẫm cụm từ này: trong từng giây phút. Sự tĩnh thức này ở những vị miên mật đến một lúc thân tâm họ sẽ có cơ hội hòa vào thực tại. Họ hoàn toàn không cần có bất cứ kế hoạch dự định nào cho những giờ phút ảo tiếp theo. Việc thảo tờ di chúc, cũng là một điều cần thiết, nhắc ta biết về sự mong manh cuộc đời; nhắc ta hiểu chỉ cái giác biết mới là mình, còn thân này biến hoại theo một quy luật tuyệt vời của tạo hóa, đến linh hồn cũng không! Ta nên đối diện với cõi tạm trước sau gì cũng hết. Vẫn nên ngắm nghía sự chết, tập làm quen làm bạn với cái chết, xem cái chết như một vị thầy trong việc quán chiếu Vô thường.

Thực tế thì chúng ta đã chết vô số lần. Tôi có một anh bạn đang rất yêu đời với vô vàn dự định tốt đẹp, một đêm nằm ngủ, sáng ra vợ con gọi mãi, tới lay mới biết thân ấy cứng đờ. Thế đấy. Ta nên xem mỗi giấc ngủ là cái chết, là cơ hội thực hành sự chết. Nằm xuống, tĩnh tâm để cảm nhận rõ giấc ngủ chìm dần, đến thời điểm trước giấc ngủ và tỉnh dậy, hoặc không bao giờ.

Bạn tu của tôi thuật lại cảm giác sâu sắc trong cái đêm nằm xuống một lúc bỗng nhớ, ồ di chúc mình viết xong hôm nay rồi, vậy rất có thể đêm nay là cuối! Bạn liền nằm ngay ngắn theo thế kiết tường nhất ý niệm một câu kinh. Rồi giấc ngủ rờ tới, như cái chết đang diễn. Hoặc mở mắt thấy trời sáng, hoặc được ân đức Phật lực gia trì mở mắt là cõi tịnh; nhưng rồi cô thấy trời sáng bảnh.

Tôi liền học theo viết Di chúc cho mình. Mạng người mong manh trong từng hơi thở. Cuộc đời can qua vô thường. Bóng cây roi vô thường luôn hiển hiện giữa đêm tối và trong cả giấc mơ của bạn và tôi. Bậc đạo sư vẫn nói, chết là chuyện nhỏ; chết tái sanh làm ngạ quỷ bàng sanh hay vào địa ngục mới là chuyện lớn. Lớn hơn bất cứ điều gì ta đang có. Sợ chết là một bệnh hiểm, là một trọng tội trong cuộc tiến hóa vận mạng. Tôi không nghĩ mình chữa lành căn bệnh này song vẫn tin sẽ nhạt bớt sự bám víu trần gian mà sớm hay muộn ai cũng phải rời bỏ.

Cái thân huyễn hợp này lúc tim ngưng đập sẽ thành đống rác bùi nhùi thối rữa xông thấu tận trời xanh. Bạn tôi nói việc này cần chân thật; tờ di chúc sẽ là thước đo sự cầu giải thoát chính đáng của ta. Tờ di chúc để thưa với Phật rằng con đã buông mình đón pháp màu chiếu rọi; để biết ta không cầu giải thoát bằng ảo vọng, bằng một tâm bám víu và lường gạt ngay chính bản thân. Tờ di chúc sẽ giúp ta chỉ sống với đạo, rằng ngoài việc sống trọn với thực tại, ta không còn phải làm thêm bất cứ việc gì ngoài hành pháp. Tờ di chúc cũng xem là điều thiết yếu bước đầu tập tẩy não về khái niệm tự ngã lưu cửu từ vô thỉ kiếp.

Ân sư của tôi giảng đến cảnh giới Hoa Nghiêm thì nói toạc, ngay đến hoằng pháp lợi sanh cũng buông xuống. “Quý vị xả nhất định có đắc, quý vị còn phải xả những gì quý vị đắc” một khi chưa nhận tự tánh, chưa đủ định lực giải độc tham sân si mạn, hay ít nhất tự mình soi vào tiêu chuẩn của kinh và lời chư Tổ thấy nguy cơ vào ác đạo dễ như bỡn. Có vị thầy còn “hứa”, sẽ chưa ra độ người một khi chưa chứng Thánh.

Sanh tử luôn nghiệt ngã!! Nhiều lúc chúng ta bị tự ngã lừa gạt, bởi tầng tâm thức chưa siêu vượt khỏi u ám của nghiệp tập chồng chất trong từng ý niệm. Tự ngã nhạt dần, mới là lúc ta có thể bắt đầu tập làm việc. Như tôi thường lăng xăng bận rộn, khiến Phật sự mang tiếng, âu là cái tâm còn quá vọng động đảo điên. Suy cho cùng, có chăng sở đắc thì đó là sở đắc cái không cầu đắc gì cả. Bạn tu của tôi nhắc, định lực của một người thể hiện ở sự vượt lên mọi mức sở chứng và dĩ nhiên khó ai có thể nhận ra.

Tôi có cảm nghiệm sâu sắc về một bộ phim kiếm hiệp xem hồi nhỏ, tiếc là không nhớ tên nhân vật mai danh ẩn tích ấy. Khi những cao thủ võ lâm tranh đấu lên ngôi bá chủ, để thiên hạ biết ai mới thực tài, giữa cuộc tương tàn bỗng xuất hiện người quét lá sân chùa ngăn lại; nội công không hề tầm thường của vị này khiến đôi bên tức thì rụt tay. Mới hay cao thủ đích thực là người bước hẳn ra ngoài tài danh. Chư Phật và Bồ tát, ngoài những vị phải hiện tướng giảng kinh thuyết pháp, còn quá nhiều bậc “vô tu vô chứng” trên đời sống như một bông hoa dại giữa vườn hoang để ai ngang qua vô tình nhận được ân đức từ bi lan tỏa.

Các vị hóa hiện giữa nhân gian âm thầm độ những chúng sanh có tiền duyên và họ trở thành những ân sư tâm linh ẩn mật sống rồi ra đi trong lặng lẽ tuyệt cùng! Thực sự nếu không được kinh Hoa Nghiêm “khai thị” về sự ẩn mặt của chư Phật Bồ tát giữa nhân gian tôi sẽ mù tịt, và có thể tôi đã xuống địa ngục thọ báo tội coi rẻ những “phàm nhân” ấy không chừng.

Tùy cơ thuyết pháp, tùy loài hóa hiện, tùy phiền não nghiệp chướng của chúng sanh mà mở bày tánh đức. Các Ngài có thể là khoa học gia, là bác sĩ, là nhà huyền học, là bậc thức giả, văn nghệ sĩ, là giáo chủ, thương gia, nhà bảo vệ cứu trợ động vật. Các Ngài cũng có thể là đầu bếp, là người deo duyên công quả ở chùa; biết đâu chừng họ cũng có thể là một người “ngây thơ” dạt dột theo cách hiểu nhân gian để nhắc ai đó trở về với sự trong trẻo vốn có.

Tôi từng gặp người bán vé số có nét gì rất lạ tỏa ra; một người ăn xin ở quán nọ vô tình gieo cho tôi cơ hội nhỏ cúng dường; hay bất kỳ là ai ở bất kỳ ngành nghề nào gặp ta nói một câu vu vơ để một ngày chợt giật mình nhức nhối. Tôi cũng từng gặp một người nhặt rác trong niềm hạnh phúc với công việc đang làm, như đang nhắc tôi sống với thực tại để làm hiển lộ tánh giác, còn cái ngã ta chỉ là ảo vọng đưa về nẻo khổ. Bạn tu kể với tôi chuyện được “thiện tri thức” biểu pháp.

Đang ngồi ở một quán nước, bỗng một con người nhớp nháp khác thường, phanh xe; ông bước tới cái bàn chủ quán chưa kịp dọn, tráng những ly cà phê và nước ngọt thừa của khách đổ chung vào một ly, ông uống cạn trong vẻ mặt thản nhiên tuyệt tĩnh khiến “khán giả” mang tiếng tu hành co rúm. Rồi họ đi.

Bạn sẽ nghĩ chuyện này bình thường, và trong đời có rất nhiều người như thế. Nhưng với tôi lúc nghe câu chuyện này lại nhận một tầng nghĩa khác. Tôi hình dung đến con người đã hoàn toàn phá tan tự ngã ấy; nó khiến kẻ tu hèn như tôi muốn sụp xuống lạy cái hành động bình thường ấy mà không làm nổi. Trong tâm là cả một thế giới, tôi lại chấp chút xíu sạch sẽ, khiến “giấc mơ con đè nát cuộc đời”.

Cái tự biết luôn hiển hiện ở sáu căn thức tỉnh ta ở lại với thực tại; thực tại đó chính là ta buông theo vô thường; buông theo vô thường tức hành giả đang đứng trong Đạo. 


 Dương Thủy Triều