“Ngày Phật đản lòng son ghi nhớ
Mấy ngàn năm lòng chớ phôi pha
Nhớ ơn Điều Ngự Thích Ca
Cử hành đại lễ dâng hoa cúng dường.”

Đức Phật đản sinh vào ngày mùng 8 tháng 4 năm 624 TCN, tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), cách kinh thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) khoảng 15 km (ngày nay là nước Nepal). Nguyên Ngài là Thái tử Siddatha Gotama, giai cấp Sát Đế Lợi, cha là Quốc vương Suddhodana (Tịnh Phạn) và mẹ là Hoàng hậu Màyà (Ma Da), thuộc dòng dõi Sakya (Thích Ca).

Có thể nói, ngày Phật đản là ngày lịch sử trọng đại nhất đối với người con Phật, vì là: kỷ niệm ngày sinh của đức từ phụ Phật Thích Ca Mâu Ni, người khai sáng đạo Phật, sự kiện trọng đại mà trải qua gần 3000 năm vẫn chưa phai mờ.

“ Một đức Phật ra đời,
Đau khổ lần nhẹ vơi,
Nụ tầm xuân vừa nở,
Hương bay ngát đất trời”.

Những mỹ từ dùng để chỉ cho sự ra đời của Ngài như: Đản Sanh, Thị Hiện, hoặc Giáng Sanh, là những thuật ngữ chuyên môn nhằm tôn vinh sự có mặt vô tiền khoáng hậu, chỉ một lần duy nhất trong Hiền kiếp này.

Đản sanh, nghĩa là sự ra đời một cách xán lạn, như ánh sáng mặt trời xóa tan màn đêm u tối; Thị hiện, biểu hiện ra bằng một hình tướng cụ thể mới nhận thấy được. Giống như, đức Phật phải hiện thân bằng xương bằng thịt giữa cuộc đời này chúng sanh mới thấy được; Giáng Sanh, nghĩa là ở một nơi cao sang, tinh khiết bước xuống trần gian, hòa mình trong cuộc đời đầy dẫy nhiễm ô và phiền toái này.

Vì muốn tìm con đường giải thoát, cứu giúp nhân loại khỏi khổ đau của sanh, già, bệnh, chết, Thái Tử đã xuất gia, tìm cầu con đường giác ngộ. Trải qua biết bao gian lao thử thách, nhất là quá trình tu khổ hạnh, cuối cùng, dưới cội cây Tất Bát La (cây Bồ Đề), Ngài đã giác ngộ được con đường giải thoát khổ đau cho mình và tất cả chúng sanh. Đức Phật đã tìm được quy luật của cuộc đời, tức là chân lý: thế giới này vận động theo quy luật tự sanh tự diệt của nó mà không có sự can dự của bất cứ loại thần thánh nào (duyên khởi), kể cả nguyên nhân hạnh phúc và khổ đau của mọi chúng sinh (nhân quả)… Người đã trở thành một vị Phật lịch sử độc tôn trong tiến trình phát triển văn minh nhân loại. Ngài là bậc toàn giác, người xứng đáng làm thầy của trời người, là niềm phúc lạc lớn lao cho mọi chúng sanh trên cõi đời này, là hiện thân của từ bi và trí tuệ, đem ánh sáng giác ngộ cứu đời ra khỏi biển trầm luân sanh tử.

Suốt 45 năm hoằng hóa lợi sanh, Đức Phật và hàng đệ tử đã đem an vui thật sự đến cho mọi tầng lớp nhân dân Ấn Độ lúc bấy giờ. Một trong những lời dạy đầy minh triết của một con người có trái tim từ bi không bờ bến là:“không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có hận thù trong giọt nước mắt cùng mặn”. Điều này đã trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển và truyền bá đạo Phật trên khắp năm Châu. Lòng từ bi và sự bình đẳng là bản chất của đạo Phật và cũng là sức mạnh của đạo Phật với bề dày gần 3000 năm lịch sử.

Như vậy, hoàn cảnh xuất thân và quá trình tu hành của Đức Phật đã minh chứng cho chúng ta thấy một điều rằng: Về lĩnh vực tinh thần, Phật có trí tuệ siêu phàm và tâm từ bi (lòng yêu thương) tuyệt đối; nhưng về phương diện nhục thể, qua hiện tượng Đản sanh, Ngài cũng có mặt trên cuộc đời theo một quy luật chung của loài người. Về phương diện giác ngộ, nhờ quyết tâm, đoạn trừ những tham ái, si mê và chấp ngã, Ngài chứng quả vị vô thượng Bồ Đề. Điều đó nhằm cho cúng ta thông điệp rằng, toàn thể nhân loại đều có khả năng chấm dứt khổ đau và giác ngộ thành Phật. Đó cũng chính là ý nghĩa quan trọng mà chúng ta cần tư duy nghiền ngẫm trong ngày Phật đản.

Tuy nhiên, ngày đản sanh của đức Phật cũng có sự sai khác nhau giữa hai truyến thống Nguyên thủy và Bắc truyền Phật giáo. Theo Nguyên thủy Phật giáo, rằm tháng tư là ngày lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam hợp (Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật Niết bàn – là ngày lễ kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của đức Phật Thích ca mâu ni), đã được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, như Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Lào…

Trong khi đó, một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, như Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản… thường cử hành ba dịp trọng đại trên vào ba ngày khác nhau trong năm. Riêng tại Việt Nam, trước năm 1964 các chùa và Hội Phật giáo đều tổ chức Lễ Phật đản vào ngày Mùng 8 tháng 4 Âm lịch. Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời vào năm 1964, thống nhất Lễ Phật đản vào ngày Rằm tháng 4 âm lịch theo quyết định chung của Đại hội Liên hữu Phật giáo thế giới lần thứ nhất năm 1950 họp tại Tích Lan và lần thứ 3 năm 1952 họp tại Nhật. Từ đó đến nay, Phật giáo Việt Nam đều lấy ngày Rằm tháng 4 Âm lịch làm Đại lễ Phật đản.

Đại lễ Phật Đản còn gọi là lễ Vesak đã được đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận là lễ hội văn hoá tâm linh thế giới, từ ngày 12 tháng 11 năm 1999. Từ đó đến nay, mỗi năm, tại trụ sở chính của LHQ ở New York đều tổ chức lễ kỷ niệm Đại lễ Vesak. Đây là một vinh dự lớn lao cho hàng tỷ người yêu mến và theo đạo Phật trên thế giới, vì duy nhất chỉ có đức Phật mới được Đại hội đồng LHQ tuyên dương và công bố Đại lễ Vesak hằng năm cho toàn thế giới tưởng niệm.

Hôm nay nhân mùa Phật đản sinh lần thứ 2639, Phật lịch 2559 – Dương lịch 2015, toàn thể tăng tín đồ Phật tử chúng con thành kính đảnh lễ đấng cha lành, là bậc thầy trời người, một con người lịch sử vĩ đại nhất trên thế giới, đã vì chúng sanh đầy đau khổ mà xuất hiện tại cõi đời này!

Nam mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh.