Tết đầu tiên Ông ra đi về cõi vĩnh hằng, tôi miên man nghĩ. Mới tháng trước thôi, khi ngồi bên bờ biển Rạch Giá, quay phim những cánh chim chao liện trong gió mai, con tàu cao tốc rời bến, bất giác tôi thốt lên và máy ghi lại: “Lúc này nhớ cha nuôi, ông cũng đi nhiều…”

Ông là Cha nuôi, cũng như cha ruột… Thời gian đang nhích dần đến cái tết đầu tiên vắng Ông.

Người ra đi mấy tháng thôi, tuổi cao sức yếu mỏi mòn… Liên tục gọi điện hỏi thăm, đến khi nghe tin, cứ ngỡ nghe nhầm!

Ông đi. Tôi đạp xe đến tháp cổ Vĩnh Hưng 1.500 năm tuổi như một cái cớ gia giảm đau thương, hẫng hụt. Sau đấy đạp xe thi lễ trước ban thờ.

Cha nuôi rất thân thiết, Ông quan trọng với tôi. Nhớ đến Ông nghĩ ngay đến những lời thì thầm giáo huấn.

Sống, làm nghề gì, cũng chú ý bà con láng giềng bàn cận kế cận, khi tối lửa tắt đèn người ta giúp. Mâu thuẫn thì phải nhẫn, nhẫn thì nhục, chịu. Thắng người ngủ không yên vì sự trả thù dường như tất yếu. Người đàn bà không như đàn ông, mang nặng đẻ đau, hao mòn, phải nhẹ nhàng… Đại loại Ông dạy chi li vậy, lại nhớ hoài khó quên.

Tết năm nào tôi cũng bắt xe khách thăm cha nuôi ở thành phố tận cùng phía Nam đất nước, số nhà 71 bên trái đại lộ. Ông ngồi với tôi bên bàn trà, ngoài hiên râm ran chim và cội kiểng… Tôi mang theo túi xách có thức ăn chay và khi về người luôn dúi cho mấy chậu cây con làm quà: sứ, lan, nguyệt quế…

Người quan trọng. Trong một cuộc thi trên thành phố lớn, tôi viết về Ông trong một đoạn văn và may mắn có giải. Ngày ấy, trên bục nhận kỷ niệm chương bằng kim loại trước chứng kiến của bậc đức cao vọng trọng, tôi hạnh phúc và nói lời tri ân với người cha nuôi không có mặt. Ban tổ chức in bài viết ấy trong một tập sách và tôi mang về cho Ông. Có một nụ cười nhen trên ánh mắt người già.

Ông chia sẻ với tôi quá nhiều, ngoài tình phụ tử, có lẽ thêm giao đãi hai người đàn ông có những quan tâm chung, tình bạn vong niên.

Từ ngày Ông mất, tôi không gọi vào số máy cố định quen thuộc dưới ấy, buồn, không đi Cà Mau. Nhưng trong ví tôi có một chân dung người cha nuôi, hình phục hồi công phu ông đã tặng tôi và dặn: “hãy để trong bóp (ví)”, dự cảm… Phía sau chân dung ông thời trẻ, mấy dòng bút bi xanh và chữ ký tặng…

Chính người đã hướng tôi về thời xa xưa, tìm đọc từng dòng Luân lý giáo khoa thư & Quốc văn giáo khoa thư, tìm về những vết thời gian úa vàng…

Tết đầu tiên Ông ra đi về cõi vĩnh hằng, tôi miên man nghĩ. Mới tháng trước thôi, khi ngồi bên bờ biển Rạch Giá, quay phim những cánh chim chao liệng trong gió mai, con tàu cao tốc rời bến, bất giác tôi thốt lên và máy ghi lại: “Lúc này nhớ cha nuôi, ông cũng đi nhiều…”

Tết về, nhìn cỏ cây chơm chớm xuân, nhớ đến chính ông đã tặng tôi cả một vườn hoa nhỏ, tôi muốn viết cho ông ở suối vàng: Con biết ơn…

Bạc Liêu, 09/02/2018


Nguyễn Thành Công