Có một cậu bạn học chung thời tiểu học.
Hồi đó, hễ mỗi lần gặp mặt là cậu đều thích thể hiện, để tôi phải thừa nhận rằng: cậu phải là người giỏi hơn, giàu hơn và thông minh hơn, hào phóng hơn, nên thường bị trả tiền cho đến sạch túi chỉ để thể hiện”Ê! Nghèo như mày tiền đâu trả, để đó tao lo”.
Có lần tôi phát hiện cậu bị mẹ đánh đòn vì cái tội lấy tiền đóng học khao đám bạn chung lớp chơi Võ Lâm Truyền Kỳ,…hay Ao Ty Sần (phiên âm tiếng Việt cho dễ đọc – Audition) gì gì đó.
May mà tôi hổng có tham gia chứ không thì “ân hận tới giờ” cho cái tội đồng loã góp phần gây ra trận đòn sấm chớp đầy phẫn nộ của bà Hai Tiền Góp (mẹ của cái cậu hào phóng chung lớp).
Có lần cuối năm kết quả học tập của tôi giỏi hơn cậu và nhận khen thưởng khí thế trước toàn trường. Tôi thì cười trong hạnh phúc với những gì mà mình nỗ lực đạt được trong tiếng vỗ tay đùng đùng vang dội như một chiến sĩ thắng trận trở về, còn cậu nhìn tôi với “giọt nước mắt chảy dòng” không phải vì xúc động cho niềm hạnh phúc của thằng bạn, mà vì không trả lời được cái câu hỏi: Tại sao người nhận quà không phải là mình?.
Nhận quà xong bước xuống ngồi vào hàng bên cạnh, cậu nhìn tôi một cách sâu sắc và bĩu môi bảo: – Giỏi gì mà giỏi, chắc nhờ nịnh cô giáo chủ nhiệm chứ gì?.
Nói xong, cậu hổng thèm nhìn mặt tôi nữa, xem như “chia tay từ đây” cho cái tội mà người mắc tội không ngờ mình có tội. “Giọt nước mắt cứ lăn dài trên má – ôi! Người bạn của tôi, từ đây ai sẽ là người trả tiền chè đậu đen nước cốt dừa” cứ nghĩ tới đó là thấy bầu trời trước mắt mình như sụp đổ.
Xong tiểu học, tôi và cậu vào trường Trung học cơ sở, làm lễ chia tay khí thế ở tiểu học cũng nước mắt chảy dài, nhật ký chia tay, bạn bè ôm nhau khóc lóc nghẹn ngào bảo nhau trong nước mắt: – Chia tay rồi, không biết bao giờ mới gặp lại,…. đến ngày tựu trường thì gặp lại y chang những khuôn mặt thanh tú của thuở nào trong buổi lễ chào mừng học sinhmới mà hổng thấy ai là mới. Vì nguyên cái huyện chỉ có một cái trường tí tẹo, nên đi đâu cũng về La Mã là đúng rầu (rồi).
Học được thời gian đầu, tôi bảo với cậu “hào phóng”: – Ê! Tao đi tu nha, mày ở lại mạnh khoẻ, nhớ chăm sóc giùm tao con nhỏ Thuý Kiều (cái đứa bạn trong lớp mà hồi đó thường bắt cặp qua lại) – Thuý Kiều một cô bé con nhà gia giáo, tuyệt sắc hơn người (thấy trong tập làm văn miêu tả nhân vật thì phải có câu đó vào để có điểm) giống như cô dạy miêu tảvề gia đình thì phải nói: Bà ngoại râu tóc bạc phơ (như ông tiên trong chuyện cổ tích quá – đính chính bà ngoại hình như không có râu) ngồi khâu áo bên chiếc đèn dầu loe loắt, mẹ em là một người phụ nữ đảm đang, hiền lành đang chuẩn bị cho bữa cơm gia đình, cha thì phải là người trầm tính ít nói và đầy nghiêm nghị đang ngồi sửa lại chiếc máy quạt bị gãy cánh, còn anh hai là người hoạt bác học giỏi đang phụ mẹ nấu ăn, em thì phải là đứa con chăm chỉ, ngoan hiền (nhưng sự thật thì luôn giữ vị trí top ten Học sinh thường trực có tên trong sổ đầu bài) và kết luận phải là: em hứa sau này lớn lên sẽ phụng dưỡng cha mẹ và đóng góp cho quê hương tươi đẹp hoặc làm nhà du hành vũ trụ, Bác sĩ, kỹ sư,…đại loại là thế, phải tả như vậy thì mới an toàn ở mức điểm trung bình trở lên, chứ ai mà đi tả: Bà thì đang ngồi coi cải lương khóc sướt mướt, mẹ thì ngồi lướt facebook rồi nói cho ba nghe người này đẹp, người kia hổng đẹp, rồi người này chảnh, người kia coi vậy mà được, còn ba thì ngồi xem trận World cup chung kết và cứ nói mãi chuyện: không biết khi nào Việt Nam mới vào được vòng loại world cup, còn anh hai thì ngồi chơi Ipad (game hay Pekemon Go gì gì đó), em thì ngồi đói bụng mà hổng dám kêu ai, chỉ biết kêu: Ông trời, ngó xuống mà coi. Hết! (Mong cô nương tay một chút cho người thật thà).
Nên đa phần hồi đó mỗi lần nộp bài tập làm văn ai cũng đều có chung một ý tưởng cho từng câu văn và giống nhau từng dấu chấm phẩy, xuống hàng, gạch đầu dòng, thụt vô hai ô, còn chính tả thì luôn ở mức bơ pẹt (perfect – hoàn hảo), vì có nguyên một cuốn tập làm văn mẫu cứ chia nhau ra chép cả lớp đến khi phát bài ra thì ai cũng 7-8 điểm trở lên, mừng rỡ la hét um xùm với niềm tin cháy bỏng: sau này ta sẽ là một nhà văn lỗi lạc cho coi, cả lớp làm cho cô cũng cảm thấy vui lây và lấy niềm tự hào cho thế hệ hôm nay. Đúng là “lớp chúng mình rất rất vui – anh em ta chan hoà tình thân” quá hỷ, Ôi! tinh thần đoàn kết trong từng mi li mét (Milimet) là đây – chịu.
Trở lại chuyện con bé Thuý Kiều thì chỉ được trùng cái tên, còn mọi thứ thì đều ngược lại, ngắn gọn dễ hiểu và sâu sắc ít đụng chạm đến quyền sở hữu nhan sắc cá nhân trong từng cá thể mà cá nhân sẽ góp phần tác động tích cực hay tiêu cực đến từng cá thể trong mỗi cá nhân (ngôn ngữ hành chánh là vậy) nên thua.
Nghe tôi thông báo đi tu: tưởng thằng bạn nó buồn bã, khóc lóc sướt mướt như sắp tiễn đưa người thân yêu ra đi về một phương trời vô vọng.
Không ngờ, nó mừng còn hơn vào được vòng chung kết Euro 2016, la hét chạy lên trước lớp thông báo: Ê! Th…Trúc, nó nói nó đi tu kìa, tin được không?. Nó la to, mà thiếu điều như muốn thay mặt Hiệu trưởng thông báo tin buồn với toàn trường là sắp phải chia tay một cậu học sinh khôi ngô tuấn tú (imagine)…
Tức cái thằng bạn trời ơi! Nhưng cũng tập nhìn sâu để thấu hiểu, nó mừng vì giảm thiểuđược đối thủ trên con đường tiến gần hơn với Thuý Kiều, nên mới nhiệt tình đi thông báotrong niềm hớn hở chúc mừng khí thế, thôi kệ: chứ lỡ mấy đứa bạn khóc lóc, níu kéo, năn nỉ thì thật quá khó và dễ làm lung lay cho ý chí xuất trần của người xuất thế. (cái này tự nghĩ thôi, chứ hiện thực thì hổng thấy ai níu kéo gì cả) – buồn thiệt chứ!
Cũng may, một hồi sau con bé Thuý Kiều hỏi được vài câu, tại sao đi tu, ở đâu, khi nào mới về thăm mọi người?. Nhờ có được mấy câu hỏi để có lý do bắt nhịp trả lời một cách hùng hồn đầy thể hiện trước lớp: mấy bạn ơi! Đời là bể khổ, nên mình quyết định đi tu, để sau này làm lợi lạc cho chúng sanh và giúp đời bớt khổ (câu này học thuộc từ thầy trên chùa dặn phải học thuộc để nói với mẹ nên tạm đem ra sử dụng), chứ hồi nhỏ mà nói được vậy thì cũng đã làm Thánh Gióng bay về trời luôn rồi.
– “Tao thấy đời có khổ gì đâu, mày đi tu mới khổ thì có, tự nhiên đang sung sướng vui vẻvới bạn bè, đòi bỏ đi tu” trời! Cũng mừng là thằng bạn “hào phóng” cũng có đôi lời níu kéo an ủi cho đỡ tủi thân nhưng kiểu miệng và ánh mắt sao đầy vẻ thương hại cho tôi mà trong khi tôi thì lại đang thương hại cho nó. (Đang bơi trong cái bể tên là khổ).
Nói xong tôi chào bạn bè cả lớp, rồi lặng lẽ xách chiếc cặp lên vai để ra về, vừa bước tớicửa tôi đứng lại để vẫy tay chào mọi người lần cuối. Bất chợt, tôi nhìn thấy thằng bạn “hào phóng” nó úp mặt xuống bàn mà khóc thút thít.
Tôi quay người nhìn lại, thì nó lén lút che đi và đưa cánh tay áo lên lau từng dòng nước mắt.
Từ đó, đến nay….
Một thời gian khá xa vời, thì tôi cũng được biết là cậu bạn đã cưới bé Thúy Kiều và nghe đâu có một đứa con kháo khỉnh. Ôi! Vậy là hạnh phúc lắm rồi, còn gì nữa đâu mà khóc với sầu, còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ,…thôi hết rồi, thôi hết rồi, thôi hết rồi (nghe người thất tình hát vậy á).
Bỗng nhiên, vào một ngày đẹp trời…(lối văn dẫn vào câu chuyện), tôi nhận được tin nhắn của anh bạn thuở nào: “Thầy Trúc (nghe nó xưng bằng thầy cũng hết hả hồn – chắc cũng biết tu tập gì chút ít rồi), thầy khỏe không, nghe nói thầy đi du học rồi hả, cuộc sống thầy thế nào rồi, đi tu có khổ lắm không, ăn uống thế nào, bên nước ngoài có khác bên mình nhiều không, nghe mấy đứa bạn nói lại là thầy lớn lên nhìn đợp lắm đúng không?…” trời, lâu lâu gặp lại mà nhắn tin như hỏi cung lấy lời khai, có nhiêu muốn biết hết một lần, seen xong (đã xem) rồi lại im lặng vì không biết phải hỏi thêm gì nữa…
Tôi vui mừng khi vô tình nhận được tin nhắn của cậu bạn thân mà đã làm cho tôi phải suy nghĩ mãi về hình ảnh cậu ta lén úp mặt xuống bàn khóc trước lúc chia tay của cái thuở còn nguyên mái tóc xanh theo kiểu 4-6 (kiểu này do mẹ order nên phải theo chứ thật lòng thì thích 5-5 hơn). Tôi suy nghĩ hoài, không biết cậu ấy khóc vì sự ra đi của tôi, hay như cái hồi mà thấy tôi được nhận thưởng trước trường rồi khóc, tôi tạm gọi là “ghen tức mà khóc”, nhưng rồi tôi lại tự hỏi: mình đi tu thì có gì đâu để cậu ấy phải ghen tức. Nên tôi cũng phần nào thắm thía, đúng là tình bạn đôi khi đến bên cạnh nhau thì cứ ganh cứ ghét, nhưng khi ra đi rồi thì lại nhớ, lại mong.
Tôi hỏi lại cậu ta: – Dạo này cuộc sống thế nào rồi, có còn hạnh phúc bên chuỵ của Thúy Vân nữa không?
Cậu ta lặng im thin thít, dù đã đọc và đang trong tình trạng online, được một hồi lâu thì mới hồi âm: – Ừ,…thì…
Rồi lại lặng im thin thít, mặc dù vẫn trong tình trạng online (vì tôi đang chờ câu trả lời nên theo dõi tình trạng hơi kỹ một chút).
Rồi cậu trả lời: Kiều đã đi “ngoại giao” với người khác rồi, để mình làm “gà trống nuôi con” (tôi thầm cười – cho chừa cái tật mê…), mình đi kiếm mấy lần mà không thấy tăm hơi Kiều bị lưu đày ở “mô”, gọi điện hoài mà tổng đài cứ báo “số tiền trong tài khoản của quý khách không đủ để thực hiện cuộc gọi”, mà giờ mình thì đang thất nghiệp, buồn chán lắm, nên chỉ ăn bám gia đình tạm thời để nuôi con. Chán đời quá Trúc ạ.
Lâu rồi gặp lại nghe mà muốn nặng trĩu cõi lòng cho nhân thế.
Một hồi lâu ưu tư, buồn bã cho hoàn cảnh của người bạn thân, tôi hồi âm: – Ừ! Thì cố gắngđi, chứ đời vốn là bể khổ mà. Hồi đó, tôi nói rồi mà ông đâu có tin. Ông nói, đi tu mới khổ mà nhớ không?.
Nói xong thì cũng để an ủi thôi! Chứ mỗi người, mỗi nghiệp, mỗi duyên, mỗi thân phận, mỗi nỗi khổ niềm đau, cho đến mỗi cuộc hành trình mà mình phải bước đi, chứ ai đâu có quyền được lựa chọn cho mình hạnh phúc dài lâu.
Chờ một hồi: Cậu bạn đã đọc và trong tình trạng vẫn online, hồi âm:
– Ừ! Thầy Trúc hồi đó nói đúng á, đời là bể khổ thầy Trúc ạ. Giờ lâm vào hoàn cảnh này mình mới thấm thía lời thầy nói.
Tôi trả lời: – Phụng nè! (gần hết câu chuyện rồi tên nhân vật mới xuất hiện – vì không muốn nó được nổi tiếng sớm) vậy coi sắp xếp, lớn lên cho thằng con đi tu luôn nha.
Và rồi,…cậu bạn “hào phóng” của tôi, đã im phăng phắc từ thuở nào, trong tình trạng offline.
Nước mắt chảy dài trên mi người trong cuộc.
Đúng là khổ mà lại thích sống chung với khổ, nói chán đời mà lại thích sống chung với đời, nói chán người mà thích đi tìm người để ôm nhau rồi khổ. Lạ hỉ…
(Giác Minh Luật
Bangkok, Thailand)