Hạ Đan, ngày…
Thư không đề người gởi, không ghi địa chỉ người nhận nhưng vẫn được đóng dấu chuyển phát của bưu cục. Nhìn hình dấu tròn tím than và ngày tháng đóng trên phong bì, bà giám đốc tỏ vẻ khó chịu. Khuôn mặt nhăn cộng với cái nhếch mép chẳng mấy đàn bà của giám đốc khiến cô nhân viên tên Sam lui về phía sau. Hôm nay, đã hai lần cô định lên gặp giám đốc nhưng rồi thôi. Sam nghĩ, hay là chấm dứt ý định này? Và cô quyết định không làm như thế.
Bức thư không dán bì. Bà giám đốc mở thư. Nét chữ khá đẹp, trông cũng rất quen. Thư viết, mấy dòng đầu buồn bã. Nó không hợp lắm với tâm lý bà lúc này nhưng không phải đến mức gây ra xung đột trong xúc cảm “tôi đi rồi, mặc dù lúc ấy trời rất lạnh. Và bao nhiêu người vẫn quây quần trong ngôi nhà của mình. Hiền ơi! Cũng chẳng đáng chi bao năm sống, tôi xót lòng khi vẫn còn yêu em…”. Giám đốc chụp bức thư đè vào ngực mình, bà thở nhanh. Chẳng lẽ bức thư này viết cho mình? Bà không dám nâng nó lên xem thêm lần nữa (mặc dù lòng bà rất muốn xem). Sam đứng đợi bà rất lâu ở cửa nhưng bà không hề nhận thấy. Điều này khiến cô từ bỏ hẳn ý định gặp giám đốc. Sớm mai, bảo vệ nói với bà giám đốc khi bà tới bưu cục.
– Cô Sam nghỉ việc rồi, thưa bà.
Vẫn khuôn mặt giá buốt. Giám đốc nhận lấy tờ đơn nghỉ việc của Sam rồi nhếch mép cười.
– Chắc đã kiếm được công việc nào đấy có thu nhập khấm khá hơn.
Đấy là nói thế, thực chất trong đầu bà, Sam nghỉ việc vì đã làm sai nguyên tắc. Đối với những bức thư vô chủ, nhân viên phải lập danh sách thư vô thừa nhận và báo cáo với lãnh đạo để có phương án xử lý. Sam đã không làm như thế. Bà vốn đã không bỏ qua cho những ai làm sai nguyên tắc. Với sai lầm hết sức ngớ ngẩn ấy của Sam bà lại càng không thể tha thứ.
Ba hôm sau, giám đốc bưu cục đi tìm Sam.
Chặng đường trở về chợ xép của thị trấn Hạ Đan khiến bà nhớ về những ngày mình sống ở đây. Bà đứng khóc, chơi vơi. Gió thổi thốc tháo cuốn chiếc khăn từ trên cổ đi một dặm khá xa, nó đẩy chiếc khăn vắt lên quầy tạp hóa. Bà cứ để mặc nó nhưng người đàn ông ở quầy đã nhặt nó lên rồi chịu khó nhấc đôi chân đau buốt đi về phía bà.
– Thưa, khăn của bà đây.
Sự kính cẩn của người đàn ông khiến bà thực sự thích thú. Khi người đàn ông ngước mặt nhìn, bà đưa tay bịt miệng để chặn tiếng khóc bật lên. Đấy là sự sợ hãi cộng với nỗi xót thương khi nhìn gương mặt biến dạng của người đàn ông. Sau thời gian đứng lặng im, bà cất tiếng nhẹ nhàng, đầy thương cảm.
– Ông là ai?
Người đàn ông mỉm cười khi nghe câu hỏi của bà giám đốc. Trên khuôn mặt biến dạng, nụ cười ấy vẫn rất tươi. Và đôi mắt ông vừa thân quen vừa xa lạ. Ông nói với bà giám đốc.
– Như bà thấy đấy, tôi là chủ cửa hàng tạp hóa ở thị trấn nhỏ này.
– Mặt ông bị sao thế? Chân ông bị sao?
– Chuyện của ngày xưa thôi. Tôi xin phép bà.
Người đàn ông từ tốn bước đi. Phía ấy bà giám đốc nhìn thấy Sam đang sắp lại vài thứ đồ xộc xệch. Bà định bước tới nhưng rồi thôi. Bà không biết bắt đầu câu chuyện với Sam từ đâu cả. Lẽ nào Sam biết về mình nhiều hơn mình nghĩ? Bà trở lại xe ngồi ngắm Sam và người đàn ông. Rõ ràng bà định đến đây để gặp Sam, nhưng khi gặp người đàn ông bà đã từ bỏ dự định đó. Điều ấy thật khó hiểu.
Thị trấn Hạ Đan chẳng khác xưa là mấy. Nó nghèo xác xơ và nỗi buồn chất lên như đống rác. Con người ở đây khăn khẳn chửi nhau chốc lại bá vai nhau như có ruột rà. Điều ấy khiến bà hơi ngán ngẩm khi rời thành phố về đây sống chung với chồng. Ngày ngày bà sống bên chồng và đứa con gái hơn một tuổi. Cuộc sống thật ngột ngạt và chẳng có tương lai. Và hờn ghen, oán ghét của tuổi trẻ khi những đứa con gái ở Hạ Đan luôn quanh quẩn bên chồng bà còn chồng bà luôn cười tươi chào đón họ. Điều ấy khiến bà không thể kìm nén. Và bà đã làm một việc mà đối với những người khác đấy là phạm tội nhưng đối với bà thì không. Bà nhớ đôi mắt chồng. Ông trở dậy và thảng thốt với trò bạo hành của bà trong đêm. Bụng ông co thắt lại. Sớm mai bà trở thành con chim đơn độc. Bà vẫn không có chút xót lòng. Bà nhổm dậy gọi hàng xóm bán tháo đi những món hàng còn lại trong quầy, mấy thứ đồ trong nhà rồi đi lên thành phố. Người ta hỏi chú Siêu đâu? Con bé Bông đâu mà mày bán hết đồ đạc vậy Hiền? Bà nhếch mép cười. Họ mang đồ đạc về hí hửng bởi giá rẻ. Cái mười ngàn giờ chỉ đáng một ngàn, cái ba ngàn giờ chỉ có ngàn rưỡi. Người người vớ được món đồ cười tươi mà quên khuấy đi mất sau hôm đó có một gia đình biến mất. Và cái tên chú Siêu, tên con bé Bông chìm vào quên lãng. Tháng sau bà trở lại bán ngôi nhà, nó mang tên bà nên mọi thứ diễn ra chẳng mấy khó khăn. Ngôi nhà cũ của bà giờ là nơi người đàn ông và con bé Sam bán hàng tạp hóa. Khi lên phố, với tấm bằng đại học bà xin vào làm ở bưu cục. Giờ bà là giám đốc. Cuộc sống thay đổi như trở bàn tay. Con bé Sam bà nhận nó vào làm vì bà thấy ghét nó khủng khiếp. Chẳng hiểu sao. Cuộc sống tình cảm có những điều khó giải thích được. Sòng phẳng nó là đứa thông minh, nhanh nhẹn và chăm chỉ nhưng bà vẫn ghét.
Hôm nay bà lại trở về thị trấn Hạ Đan để tìm gặp Sam.
Công việc ở chợ xép của Sam chắc chắn không kiếm được nhiều tiền bằng nhân viên bưu điện. Và ở đây, Sam phải cật lực với bộn bề công việc. Điều gì khiến Sam bỏ việc để về Hạ Đan bán hàng tạp hóa? Mặc dù rất ghét Sam nhưng bà vẫn giấu trong lòng mình. Còn người đàn ông nữa, ông ta quan hệ như thế nào với Sam?
– Bố, ngày mai con lên thành phố lấy ít hàng bố nhé.
Bà đứng lặng im nhìn Sam và người đàn ông. Sam cũng đã nhìn thấy giám đốc. Vì vậy, khi bà định tháo lui Sam đã tiến nhanh đến mời bà vào nhà. Điều này Sam làm nhanh gọn như bắt một tên trộm vừa thó đồ của nhà mình. Giám đốc lặng lẽ đi theo sau chân Sam như một đứa bé đi theo mẹ chúng. Điều ấy cũng khá thú vị. Khi đến cửa, giám đốc đã đứng ở sân mà không bước vào nhà. Người đàn ông thấy bà liền trở vào trong nhường phòng khách cho con gái. Ông đi tưới nước cho mấy giò phong lan.
– Giám đốc vào nhà uống nước. Sam lễ phép. Bà giám đốc lưỡng lự rồi đứng ở ngoài sân.
– Trước nhà tôi ở đây, chính nơi mà bố con cô ở bây giờ.
– Bố tôi đã bất chấp cái giá cắt cổ để mua nó. Hai trăm năm mươi triệu đồng cho một căn nhà 30 mét vuông, gom hết tiền tiết kiệm hơn hai mươi năm ông ấy dành dụm.
– Vì sao?
– Tôi chưa thấy ai như bố mình, mang tiền mua một… gánh hàng đau.
– Hàng đau ư?
Sam đứng lặng im.
– Tôi xin lỗi vì nghỉ việc đường đột. Tôi đã gởi đơn thôi việc ở bảo vệ, thưa bà.
– Có phải cô nghỉ việc vì đóng dấu bưu cục vào thư vô chủ không?
– Bức thư ấy lưu ở hộp thư vô chủ từ hơn hai mươi năm trước. Nhân viên bưu điện nói đấy là bức thư tình tuyệt hay nên tôi mới mở ra xem.
– Và cô đóng dấu để gửi đi?
– Dạ đúng, thưa bà.
– Cô gửi đi đâu, cho ai?
– Đã mấy lần tôi định gặp bà để nói về bức thư. Lần cuối cùng tôi thấy bà đã đọc nó nên tôi nghĩ việc đó không cần nữa.
– Tôi không hiểu?
– Tôi nghĩ bức thư đó gửi cho bà.
– Cho tôi ư?
– Trong chuyện này khó mà giải thích. Nhưng tôi nghĩ bức thư đó là của bà.
Giám đốc đứng trầm tư, bà lật bức thư ra rồi đưa tay víu lên mái tóc mình. Bà khóc.
– Cảm ơn cô.
Giám đốc trở lại xe nhưng không về nhà ngay lúc đó. Bà ngồi yên nhìn Sam luôn miệng mời khách và bán hàng. Bà không còn ghét Sam, cũng chẳng hiểu vì sao. Tình yêu và sự căm ghét cũng chỉ như ngọn gió. Dịu dàng chút là gió, mạnh mẽ quá là bão giông. Gió cứ đi, gió hôn cành và bão bẻ gãy cây, bật gốc. Bà đã hiểu ra điều này qua bao nhiêu năm sống đơn độc. Thời gian đó, đêm đêm ký ức lại tràn về khiến bà không thể nào tròn giấc. Từ trong xe, bà ghé mắt nhìn lên trên giàn phong lan đầy sắc tím. Người đàn ông vẫn nhìn như chết lặng xuống nơi bà đang ngồi. Ông ta là ai? Bố của cô Sam ấy thực chất là ai? Điều này không dễ dàng gì biết được. Bà đã từ bỏ thói quen điều tra sau lưng người khác. Giờ bằng cách nào, hỏi trực tiếp ông ta ư?
Đường về thành phố vắng ngắt. Trời lạnh đến tê cóng chân tay nên mọi người ít khi ra đường. Bà cho xe chạy rất chậm, hay đó là sự ngập ngừng? Cũng chẳng hiểu.
Giờ thì xe của bà đã quay nhanh trở lại thị trấn Hạ Đan. Trước mắt bà, người đàn ông quay đi như lẩn tránh.
– Thực ra ông là ai?
Bà nghẹn ngào hỏi, đôi mắt cầu xin. Phía người đàn ông đã không còn biểu hiện gì trên làn da nhăn nhúm do thương tật.
– Tôi nghĩ là bà đã hỏi tôi câu này.
– Chừng đó chưa đủ, ông chưa thành thật với tôi.
– Được rồi, tôi sẽ thành thật với bà.
Từ trong, Sam bước ra nhìn bố ái ngại.
– Bố…
– Con vào trong đi.
– Thưa vâng.
Sam lui vào trong, cô ngồi khóc rưng rức. Chưa bao giờ cô thấy đau như lúc này. Cuộc sống có quá đủ điều tàn nhẫn. Với cô, cái tàn nhẫn nhất lúc này là một người đàn bà cày xới lên vết thương cũ của bố.
– Vì sao mặt ông bị biến dạng như thế? Bà giám đốc hỏi nhưng không nhìn trực diện vào người đàn ông.
– Người ta đã tạt axit vào tôi đấy.
– Nhưng vì sao?
– Tôi không hỏi.
– Ông là người ở đâu?
– Tôi người Hạ Đan.
– Còn con bé Sam?
– Nó là con gái của tôi.
– Những bông lan màu tím…
– Đấy là tình yêu của tôi.
– Vì sao ông bất chấp tất cả để mua ngôi nhà này?
– Vì họ bán vẫn còn rất rẻ!
Sam không thể ngồi yên ở góc phòng. Cô đã đứng dậy bước ra sân khóc nức nở.
– Thôi, đủ rồi. Bà là ai mà hỏi bố tôi những điều ấy?
– Sam, con đi vào trong đi.
Giám đốc sững sờ. Hạ Đan hôm nay gió luồn về từng cơn lạnh lẽo. Khi nhớ về ngôi nhà cũ với con người cũ. Giám đốc nhìn lên khuôn mặt người đàn ông, bà nhìn sâu vào đôi mắt đó. Và gì, đấy là một đôi mắt bà từng gặp trên đời, nó nhìn bà thảng thốt trong đêm. Bà nhìn đôi tay mình, những đường nét trên tay bao năm không thể nào thay đổi được. Bà giám đốc lịm dần. Trong cơn chết giấc, người đàn ông bế bà lên ô-tô và chở bà về thành phố. Sam không đi theo, cô đứng nhìn bố chạy xe đi mà tê tái lòng. Những giò phong lan màu tím, tím ngắt! Chẳng thủy chung đợi chờ gì, đấy là niềm đau. Sam nói ra điều ấy, bố chỉ cười và tưới cho hoa. Sam thật sự không hiểu được bố.
– Con đã không biết bố lái được xe ô-tô.
Sam nói chuyện trong bữa cơm khi bố đã trở về. Mặt Sam vẫn buồn còn bố thì có vẻ vui hơn.
– Bố, sau chừng ấy chuyện xảy ra con không biết vì lý do gì bố vẫn yêu bà ấy?
– Bà ấy là mẹ con.
Sam thở dài bỏ bát cơm xuống mâm. Mắt đăm đăm nhìn ra con đường lên thành phố. Tình yêu cũng có những điều khó mà lý giải được.
Hoàng Hải Lâm