Con người có những trạng thái phức tạp ấy thì mới cảm nhận được thế nào là hạnh phúc, đau khổ, thăng-trầm. Có những trạng thái tình cảm đang dạng đó, con người mới có điều kiện học hỏi, hoàn thiện mình.
Nhưng trong cuộc sống ngày nay, giữa dòng chảy không bao giờ dừng lại của những đua tranh, tiền bạc, ích kỷ, ghen ghét… dường như những trạng thái tình cảm tiêu cực ngày càng áp đảo những trạng thái tích cực. Con người giận nhiều hơn vui, luôn thấy mình thiếu thốn chứ không bao giờ thấy đủ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về trạng thái “giận dữ” của con người và những ứng xử hữu ích của chúng ta đối với trạng thái tâm lý này.
Giận là trạng thái tâm lý căng thẳng, có thể gồm một hay nhiều trong những trạng thái: bức xúc, thất vọng, chán chường, đố kị, bị xúc phạm, cảm thấy tổn thương, tự ái, mặc cảm,… và những trạng thái tâm lý này biểu hiện thành cơn giận. Cơn giận có thể được bày tỏ 1 cách thô thiển, dữ dội, hoặc tế nhị, cũng có khi là những lời nói không hài hòa để phản ứng với những gì bất như ý.
Cơn giận mang tới cả những điều lợi và những điều hại. Giận có thể là một cảm xúc hoàn toàn bình thường và thậm chí có thể giúp chúng ta phát hiện và ứng phó với sự đe dọa theo bản năng. Nó giúp chúng ta phản ứng một cách nhanh chóng và dứt khoát trong trường hợp ta không có thời gian phân tích tình hình một cách kỹ lưỡng và cẩn trọng. Ngoài ra, nó có thể thúc đẩy chúng ta giải quyết vấn đề, đạt được mục tiêu và loại bỏ sự sợ hãi trước các mối đe dọa. Do đó, những hành động trong cơn giận dữ có thể giúp chúng ta bảo vệ bản thân và người khác. Một phản ứng tích cực và hiệu quả có thể giúp nâng cao lòng tự trọng và sự tự tin của bạn.
Ở một khía cạnh khác, cơn giận gây không ít tổn hại đến sức khỏe và đời sống xã hội của chúng ta.
Khi chúng ta giận dữ, một phản ứng tiêu cực có thể làm hỏng mối quan hệ và dẫn đến đánh mất sự tôn trọng với người khác và thể diện của chính mình. Đặc biệt khi chúng ta phản ứng ngay lập tức và nóng giận với những gì ta xem như một mối đe dọa, trong khi sự đánh giá ấy hoàn tòan sai. Do vậy, những cơn giận có thể làm tổn hại sâu sắc đến mối quan hệ giữa chúng ta và những người xung quanh, làm mất đi nhiều cơ hội trong sự nghiệp và cuộc sống.
Cơn giận thường không diễn ra như chúng ta “dự kiến”. “Giận mất khôn”. Khi giận, người ta dễ làm những việc thiếu khôn ngoan, chỉ đưa đến những hậu quả không hay. Một người đang giận dữ thì chỉ làm sao cho thỏa mãn bản ngã, cho thỏa những bức xúc trong lòng. Sau khi cơn giận qua đi, họ mới thấy hối tiếc về những hành động thiếu suy nghĩ của mình.
Cơn giận không chỉ làm hại cho “đối tượng” ta giận mà trước tiên làm chúng ta đau khổ mà bản thân ta không biết. Khi giận, ta trút hết những bực dọc, giận dữ lên người ta để “xả” cho bản thân mình hết giận, cho bản thân mình nhẹ nhàng đi, nhưng thực tế là chúng ta càng vướng vào phiền não. Lại có lắm lúc làm hại người ta không được, xả giận dữ lên người ta không được, ta càng thấy khổ và uất hận hơn. Đức Phật có câu: “giữ lấy cơn giận trong lòng cũng giống như một người uống thuốc độc và mong sao kẻ khác sẽ chết (holding on to anger is like drinking poison and expecting the other person to die)”.
Ngoài ra, giận dữ còn có rất nhiều tác hại tới sức khỏe của chúng ta. Cụ thể, trạng thái giận dữ gây ra các hiện tượng: tổn thương gan, viêm loét dạ dày, gây nguy cơ đau tim, rối loạn nội tiết và những người hay giận dữ có nguy cơ bị ung thư nhiều hơn.
Như vậy, giận dữ là trạng thái tâm lý mang tới nhiều điều hại hơn là những điều lợi. Nhưng trong cuộc sống cạnh tranh, bận rộn này, con người lại đang ngày càng có trạng thái tâm lý này thường xuyên hơn, mức độ giận dữ cũng cao hơn. Vậy, chúng ta cần làm gì để khống chế và làm chủ được trạng thái tâm lý này.
Hòa thượng Thiện Siêu có một câu thơ rằng:
“Một chút giận hai chút tham, lận đận cả đời ri cũng khổ
Trăm điều lành, ngàn điều nhịn, thong dong tất dạ rứa mà vui”.
Nghĩa là: càng ôm tham, sân trong lòng thì con người càng thấy khổ. Nếu biết nhịn đi, xả bỏ đi những tham, sân đó thì sẽ có được cuộc sống thong dong, an lạc.
Trước hết, để đối trị được những cơn sân hận, chúng ta cần tìm hiểu về chúng.
Mặc dù nói một cách khách quan thì sân hận khởi lên là để phản ứng với những người hay hoàn cảnh bất như ý, nhưng nguồn gốc thực sự của nó lại là chủ quan và ở bên trong chúng ta, đó chính là ảo tưởng về bản ngã trong tâm chúng ta. Sân hận khởi lên từ chính bản ngã, chứ không gì khác. Chúng ta chỉ thích những cái gì làm thoả mãn và tâng bốc cái bản ngã của chúng ta. Ngược lại, chúng ta không thích bất cứ cái gì thách thức, đe doạ, xúc phạm hay hạ bệ cái bản ngã của mình. Bản ngã không thích điều đó nên nó phản ứng lại bằng sân hận và giận dữ. Nếu không có bản ngã sẽ thì không có vấn đề gì cả.
Để dứt bỏ được sân hận, chúng ta cần siêng năng tu tập, chuyển hóa trong cuộc sống hàng ngày. Khi có những chuyện không hay xảy đến, ta cần ghi nhớ và nhắc nhở bản thân rằng: mọi việc đến cho ta đều là chuyện không đáng quan tâm. Chúng ta nên thay đổi lối suy nghĩ của mình từ thái độ tiêu cực và thù ghét sang một thái độ tích cực và bình thản. Hãy cố gắng đừng tập trung vào những khía cạnh tiêu cực mà nên nhìn vào cả những khía cạnh tích cực của một vấn đề. Khi một việc gì không được “xuôi chiều mát mái”, hãy tìm xem có biện pháp nào để khắc phục được không. Nếu có thì theo đó mà hành động, bằng không, thì cứ chấp nhận và cho qua.
Hàng ngày, những cơn hỉ, nộ, ái, ố bám theo chúng ta như bụi bặm bám trên thân mình. Nếu một ngày, cho đến một tháng mà chúng ta không tắm rửa thì mình mẩy khó chịu đến dường nào. Cũng vậy, nếu chúng ta tự nhủ với lòng mình rằng mỗi khi bụi bặm sân hận nổi lên, chúng ta nên cố gắng tập hạnh buông xả nó, như thể mình đang tắm rửa cho thân, thì nó không có cách nào bám víu hoặc quấy rầy mình nữa.
Một phương pháp nữa để tránh xa tâm sân hận là sự đồng cảm. Trong trường hợp lòng bị sân khởi lên, thì lập tức phải rải lòng thương hại người làm cho ta sân; lòng thương hại ấy chính là tâm từ. Ta nên nghĩ: lòng sân hận làm cho người mất bình tĩnh và làm những điều không hay, mất cả đức tánh tốt. Người vì lòng sân nên bị khổ sở, không nhịn chịu được, nên bộc lộ ra ngoài những cái xấu. Nếu chúng ta gặp những vấn đề tương tự, có lẽ chúng ta cũng hành động như họ mà thôi. Vậy ta không vì vậy mà giận hờn, trái lại nên thương hại người ấy hơn và không khởi cơn sân hận đối với họ.
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Bồ Tát Quán Thế Âm có dạy rằng nếu người nào nhiều sân hận thì khi niệm danh hiệu của Ngài thì liền hết sân hận. Nếu chúng ta có niềm tin chắc thật vào Ngài thì mỗi khi khởi tâm sân lên, nên niệm “Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”. Ngoài ra, nhờ thường niệm danh hiệu và nghĩ nhớ đến lòng đại từ đại bi thương chúng sanh như con một của Ngài mà từ từ chúng ta sẽ chuyển hóa được vọng tâm đó.
Thực tập được những điều ấy sẽ giúp chúng ta có cuộc sống thong dong, an lạc, tránh được “độc” sân hận. Đã là “độc” thì không bao giờ mang lại được sự tốt đẹp. Đã là “độc” thì chúng ta càng phải cương quyết chuyển hóa để giữ được tâm an lạc trong cuộc đời này.
Lily Trần.
Theo Phật Pháp Ứng Dụng