Lần cuối cùng tôi trở về xóm Củi đó là một ngày trời lủng lẳng những hạt mưa. Ngang qua mấy vạt đồi trọc lơ, đang lú nhú vài mầm sống bắt đầu ngoi mình tái sinh trở lại. Không có ai ra đón, vài ngôi nhà đóng cửa lặng im. 
 
Lác đác vài tiếng chim rừng rú mình gọi bầy nháo nhào về tổ. Khung cảnh hoang vắng đến tiêu điều. Khác xa với ngày tôi dùng dằng bế thằng Lự bỏ đi.

Khó khăn lắm tôi mới quyết định để quay về tìm cha cho đứa con ruột của mình sau mười mấy năm trời ly biệt. Cũng coi như chút tình bé nhỏ còn lại tôi dành cho Thông. 

Chuyến xe lay lắt trong màn đêm tịch liêu như người đàn bà trốn chạy khỏi giông tố cuộc đời. Từ khi bước lên xe cho đến khi xe dừng hẳn ở ngã tư đường cách xóm Củi chừng nửa ngày đi bộ, tôi hầu như không ngủ. Nếu không vì thằng Lự, chắc tôi chẳng bao giờ quay về nơi ấy mà tìm Thông, người đã từng bỏ mặc tôi với cái bụng chửa hơn sáu tháng để chạy theo một cuộc tình khác, bán hết tất cả đất đai vườn tược, quăng tôi ra chiếc chòi ngay chân đồi giữa đêm mưa hoang hoải.

Đêm tôi chuyển dạ không có một ai. Tìm được sang đến nhà bà Gái đầu thôn thì đúng hôm bà đi đỡ đẻ cho vợ chồng Tư Lang xóm dưới. Tôi nằm đó, phẫn uất một mình rồi sinh thằng Lự đỏ hỏn ngay trước sân. Gói thằng nhỏ trong chiếc áo may-ô, còn nguyên dây rốn, nó ngặt nghẽo khóc mãi. Cho đến khi thấy bóng dáng vợ chồng bà Gái trở về, tôi nằm vật vạ ra sân vì kiệt quệ.

Má Thông không nhìn mặt tôi và thằng Lự. Bà chưa từng cho tôi một danh phận kể từ ngày Thông qua lại với tôi cho đến khi cái bụng đã nhô ra, chật căng chiếc áo tôi đang mặc trên mình. Bà luôn nói tôi là điều xui xẻo khiến gia đình bà tan đàn xẻ nghé. Mặc cho Thông có cố gắng chứng minh đến đâu cũng chẳng khiến lòng bà xoay chuyển mà chấp nhận tôi làm dâu nhà mình.

Thằng Lự sinh được chục hôm thì ba Thông qua đời. Một cái chết bất ngờ và nhẹ nhõm. Sau đám tang không lâu thì má Thông tìm đến, mắng chửi tôi thậm tệ. Bà nói “tại mày và tại thứ súc sinh mày mang trong mình mà ông ấy phải chết”, vừa nói tay bà vừa chỉ về phía thằng Lự đang ngủ lim dim. Miệng bà đay nghiến khiến mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau sụt sùi. Mãi cho đến sau này tôi mới biết, người xúi Thông ép tôi bỏ cái thai đi không ai khác chính là bà. Đó cũng chính là lý do buộc Thông quyết định bỏ mẹ con tôi mà đi. Chỉ vì một bên là người mình thương, một bên là chữ hiếu mà thành ra như thế. Thông không tự mình quyết định được tất cả, cũng bởi anh quá nhút nhát, mọn hèn.

Tôi bế con đi vì không chịu những dè bỉu miệng đời của người dân xóm Củi. Họ nhìn mẹ con tôi như thú dữ đội lốt người. Cũng may có người còn vì chút tình nghĩa mà chứa chấp mẹ con tôi. Đó cũng là người đàn ông tôi mang ơn suốt đời. Vì nếu không có anh, không biết mẹ con tôi sẽ thế nào. Sẽ lang bạt ở một xó xỉnh nào đó, hoặc cứ thế chạy trốn số phận ở nơi này cả đời như vậy.

Suốt hơn mười năm qua, không đêm nào tôi ngủ ngon giấc. Đã có khi tôi thấy mình đáng trách, nằm bên anh mà không giây phút nào thôi nhớ về Thông. Mặc cho những gì Thông đối xử với mẹ con tôi là vô cùng tệ bạc, nhưng trong tâm khảm tôi hiểu Thông hơn bất cứ ai trên đời. Chỉ vì chữ hiếu quá nặng nề mà cả đời này Thông phải gánh vác, chứ tình cảm Thông dành cho tôi thì không có gì thay thế nổi.

Hơn mười năm qua tôi luôn dò hỏi tin tức về Thông, về xóm Củi nhưng đổi lại chỉ là những cái lắc đầu. Có lần duy nhất tôi hay tin được là khi đám cháy thiêu rụi cả đồi núi, xóm làng khiến không ít người bỏ mạng. Người nhẹ nhàng thì bảo thời tiết khắc nghiệt, kẻ ác miệng thì bảo là trời phạt cái xứ xẻ thịt rừng mà làm giàu không chân chính. Tôi nghe xong mà ruột gan cứ co quắp lại thành những cơn đau. Chỉ mong Thông bình yên là tôi mãn nguyện.

Có những ngày vợ chồng ngồi bên mâm cơm đạm bạc, anh luôn hỏi tôi về chuyến đi mà tôi đã trót hẹn với con. Đã có khi nó tin vào số phận, tin vào những giấc mơ về một người đàn ông lạ mặt quỳ gối trước nó mà van lơn. Nó luôn canh cánh trong lòng về người cha nó chưa từng thấy mặt, mặc cho những thù hận hàng ngày tôi gieo rắc vào tâm trí nó, để nó có thể quên đi quá khứ của mình. Thế nhưng dù cho quá khứ ấy trớ trêu thế nào cũng không nguôi được lý trí thằng nhỏ. Nó muốn hiểu rõ ngọn ngành, muốn mặt đối mặt để nhận được từ cha đẻ nó một câu trả lời. Chỉ bấy nhiêu thôi để lòng nó thôi canh cánh, để có thể gói ghém tất cả vào một khoảng trống nào đó mà nhắm mắt cho qua.

Chuyến xe thồ chở hàng của mấy gã đàn ông đưa tôi về ngang xóm Củi. Những vạt đồi trọc lơ hiện ra sừng sững như ngả mũ đón chào. Mầm xanh tái sinh vùng đất này qua câu chuyện của những gã buôn suốt nửa ngày đi đường lúc lỉu. Họ nhìn tôi không giống như bất cứ người phụ nữ nào từng gặp. Có gì đặc biệt ở mảnh đất quỷ ám ấy khiến một người phụ nữ mềm yếu như tôi tìm đến. Có ai còn sống ở đó sau trận cháy rừng lịch sử nữa đâu. Họ tản mác đi khắp nơi. Kẻ bỏ mạng trong đám cháy và cũng hóa thành tro bụi, chẳng ai còn ở lại trừ những kẻ điên sau cái chết của cả gia đình sống lay lắt như những bóng ma vật vờ.

Những ngôi nhà bỏ hoang và khép cửa im lìm. Đám cháy liếm qua những mái nhà xơ xác. Chẳng ai còn ở đó ngoài tro bụi phủ rợp khắp ngả đường đi.

May thay còn một ngôi nhà rất nhỏ ngọn lửa chưa kịp bén tới. Lá đã rụng đầy kín mảnh sân thưa. Tôi đứng một lúc rất lâu trước khi quay mặt bước đi khi hạt nắng cuối cùng chênh chếch phía sau những quả đồi trơ trọi.

Có tiếng ai đó húng hắng ho trong nhà khi tôi vừa kịp đi khỏi. Tôi định bụng sẽ bước thật mau sau khi nghe những lời cảnh tỉnh của mấy gã buôn tôi quá giang trên đường. Thế nhưng lý trí tôi mách bảo điều khác, về một tia hy vọng nào đó còn sót lại sau đám tro tàn.

Tôi dấm dúi đẩy cổng bước vào. Miệng không ngừng nói thật to để có thể gây được sự chú ý.

Xuất hiện trước mặt tôi là một người phụ nữ. Luống tuổi. Có điều bà cũng bị đám cháy bén qua khiến khuôn mặt và chân tay loang lổ những vết thương sần sùi trên da thịt. Người đàn bà nhìn tôi một lúc khá lâu trước khi cất tiếng mời tôi vào trong. Tôi lúi húi bước theo phía sau, không quên đánh ánh nhìn bao quát xung quanh cho đến khi ập vào mắt tôi là những bức di ảnh đặt san sát nhau một góc khá cao trong ngôi nhà.

– Cô chắc từ vùng khác đi lạc tới đây và cần một chỗ ngủ qua đêm?

– Dạ không, con từ xa tới để tìm một người.

– Họ chết cả rồi. Không một ai còn sống sau đám cháy thiêu rụi cả xóm này.

– Thế bà là ai? Sao bà ở đây. Không có ai ở cùng bà sao?

– Không ai hết. Chết cả rồi.

– Vậy sao bà còn ở lại nơi đây. Sao bà không đi đến một vùng đất mới. Biết đâu ở đó có người sẽ chữa lành những vết thương cho bà.

– Vết thương ngoài da thì có thể lành. Vết thương mà tôi canh cánh suốt bao năm qua thì muôn đời không thể. Tôi đã mang nó trong lòng gần hai chục năm qua.

Tôi vẫn hoàn toàn không hiểu những điều người đàn bà muốn nói. Có chăng những hành động của bà thì vô cùng quen thuộc, tưởng như tôi đã bắt gặp bà ở đâu đó tự rất lâu rồi. Nhất là cách bà đăm đăm nhìn vào nơi treo vài tấm di ảnh. Vài giọt nước mắt vì vậy mà tuôn rơi.

Rồi như hiểu được những khúc mắc trong tôi, bà chậm rãi kể tôi nghe về câu chuyện của hơn chục năm về trước. Về lời trăng trối của đứa con trai trước lúc vùi mình trong đám cháy. Vì nó thấy hình bóng của vợ và con trai mình ngùn ngụt trong đống lửa. Hình ảnh ấy ám ảnh nó gần như cả cuộc đời, chỉ vì người mẹ ấy là bà. Chỉ vì những đay nghiến mà bà trót gieo vào lòng người con gái đã mang trong mình cốt nhục của giòng họ bà khiến cô phải bỏ xứ mà đi. Cũng may, như là ý trời, chứ mà ở lại chắc mẹ con cô cũng bỏ mạng trong đám cháy như bao người khác thôi.

Tôi bừng tỉnh khi nghe tiếng máy nổ ngoài sân. Có cả giọng ai đó gọi tên tôi bên tai rất gần. Mở mắt ngắm nhìn, tôi thấy mình yên bình trong vòng tay anh trên chiếc giường ấm cúng.

Tôi quyết định trở về xóm Củi vì thằng Lự một lần cuối trong đời, trở về mảnh đất mà tôi đã từng trốn chạy trong một đêm giông tố. Biết đâu vẫn còn người đàn bà tôi gặp trong giấc mơ ở đó, lay lắt với những vết thương loang lổ khắp mình, chỉ để mong đợi một người quay về, cho bà có dịp nói lời xin lỗi và nhìn nhận tôi như một người thân mà bà đã từng chối bỏ. Biết đâu được…

Song Ninh