Một mình mẹ phải tảo tần hôm sớm buôn gánh bán bưng; mọi việc trong ngoài chỉ có một mình mẹ chăm lo. Cuộc sống nghèo đã làm cho thân mẹ tiều tuỵ hẳn đi và ít khi nói cười. Ngoài việc buôn bán kiếm từng đồng lời, mẹ lại còn phải lo chăm sóc mảnh vườn để có thêm thu nhập, nhờ bán được chút ít cây trái trong vườn. Ngặt nỗi, vườn tạp, vài ba cây xoài, năm bảy gốc dừa lão, ít cây dâu… cho nên huê lợi kiếm được chẳng thấm béo vào đâu. Giờ đây, dường như mẹ không còn dám tin vào cuộc đời của mẹ, và có lẽ, mẹ cũng chẳng cần biết đến mình là ai nữa ! Đêm đêm ba cây nhang trước bàn thờ, mẹ luôn cầu khấn Phật trời ban phước lành cho mẹ được đầy đủ sức khoẻ để gánh vác công việc, nuôi nấng các con nên người. Bao nhiêu trách nhiệm đều đổ trút lên đôi vai gầy của mẹ. Tuy chưa già, nhưng vì cuộc sống quá vất vả đã làm cho thân mẹ héo hắt đi nhiều; với độ tuổi hơn bốn mươi mà trông mẹ gần sáu chục vậy! Dường như thâm cảm được nỗi trăn trở của người mẹ nghèo, thi sĩ Lâm Phạm Dũng đã chia sẻ nỗi niềm với các bà mẹ khổ đau ấy bằng mấy vần thơ :
“Tôi nhớ đôi khi tiếng gió chiều
Thổi qua làn khói mái tranh xiêu
Và trong giếng mắt buồn tê dạy
Mẹ đứng nhìn quanh tủi phận nghèo”.
Tốt nghiệp lớp chín, bước vào độ tuổi trưởng thành, nhìn cảnh sống nghèo nàn, tôi cảm thấy thương mẹ vô cùng; hoàn cảnh như vầy mà mẹ vẫn cam chịu, chấp nhận hy sinh thân mình dành hết tiền bạc , thời gian cho các con đều được đi học, chấp cánh cho các con được bay xa nơi khung trời cao rộng, mà không một lời than van.
Mẹ ơi! Con được bao nhiêu tuổi đời là bấy nhiêu năm trường đã chất chồng gánh nặng lên vai mẹ. Và hôm nay, mùa Vu Lan lần thứ ba mươi trong cuộc đời con mới hiểu hết được tấm lòng rộng lớn mênh mông của mẹ mà thi ca từng sánh ví “lòng mẹ bao la như biển Thái bình”!
Tôi đang góp nhặt từng kỉ niệm của mẹ như để sưởi ấm cõi lòng cho kẻ tha hương, bơ vơ nơi chốn đô thành.
“Nghĩ về mẹ đời luôn tươi sắc nắng
Hoa trong vườn không gió cũng xôn xao”.
(Song Nguyên)
Kỉ niệm nào giữa mẹ và tôi cũng đều đẹp cả, đều là những chất liệu yêu thương ngọt ngào mà không có một vị ngọt nào trên cuộc đời có thể so sánh kịp.
Tôi nhớ, có một lần, nhà không còn gạo để ăn, mẹ lại vừa khỏi bệnh, nhìn các con nheo nhóc, bỗng đôi mắt mẹ đỏ hoe, nước mắt lưng tròng. Nhìn mẹ khóc tôi cũng ngậm ngùi khóc theo, nhưng tôi làm sao cảm hết được nỗi niềm của mẹ – Mẹ đang suy nghĩ gì !? Mẹ buông tiếng thở dài, rồi đứng dậy, lấy vạt áo bà ba lau nước mắt và dẫn tôi đi những bước trĩu nặng u buồn. Ra đến vườn, mẹ lướt mắt nhìn quanh trên mấy quầy dừa đang say quả, nhưng cây nào cũng cao cả chục mét hơn, vói nhìn mỏi cả cổ. Thấy quầy dừa khô đang nằm lồ lộ trên bẹ, mẹ bảo tôi vào nhà lấy dao để bóc vỏ, còn mẹ tìm cây móc giựt dừa. Cây móc chỉ là cây tầm vông dài, trên đầu có chấp khúc sắt uốn cong như móc câu. Mẹ đưa móc lên để giựt, nhưng vì dừa cao quá đã vói hết tầm tay mà không tới nên phải trèo lên cây dâu bên cạnh tìm chỗ đứng cao hơn để móc. Trong nhà ra, đang cầm con dao trên tay, vừa đi vừa hí hửng, tôi bổng nghe tiếng mẹ la hoảng lên: ôi, chết tôi rồi! Tiếp theo là tiếng cây móc dừa ngả rạp đè lên các nhánh cây dâu kiêu sạt sạt. Biết chuyện không may tôi vội chạy nhanh đến. Ngước nhìn lên tôi vô cùng kinh ngạc, khi thấy đám ong vò vẻ đang bay đầy trên đầu mẹ. Tôi quýnh lên, chẳng biết phải làm sao, chỉ biết la lớn: “tuột” nhanh xuống mẹ ơi! Cũng may là chúng không đông lắm, vì tổ ong còn nhỏ, chỉ bằng cái chén ăn cơm, nhưng trên cây thì làm sao mà chạy được, mẹ phải chịu cho chúng đốt. Đang khi leo xuống, mẹ luôn miệng bảo tôi chạy nhanh vào nhà. Nhưng trong hoàn cảnh đó tôi làm sao đành lòng nỡ để mẹ chịu trận một mình, mặc dù tôi chẳng cứu vản tình thế được tí nào. Khi xuống đến đất, một tay vừa phủi ong đang bu bám trên đầu, một tay vừa dắt tôi chạy thụt mạng vào nhà, hên là chúng không có đuổi theo. Vào nhà, thấy còn một con đang cuốn trong tóc mẹ-giận quá-tôi chụp bắt ném xuống đất và lấy chân giậm nát nó ra.
Mẹ ngồi xuống một góc nhà, các con bu quanh và tìm thuốc xức cho mẹ. Mười vết đốt trên mặt và đầu, mẹ bị sốt và nằm mê man suốt mấy ngày. Tôi nghe những người hàng xóm đi thăm nói nhỏ to với nhau: “Đàn ông bảy vít, đàn bà chín vít, mà chị này bị mười vít, dẫu nặng nhưng chắc không sao đến tánh mạng”. Nghe như vậy tôi rất mừng, bởi lỡ có chuyện gì nguy hiểm thì các con của mẹ phải sống ra sao!
Nằm trên giường, gương mặt héo hắt của mẹ ngày nào giờ đây sưng phồng, híp cả mắt, chúng tôi đút cho mẹ từng muỗng cháo đường. Tôi nghĩ, cái đau thân xác chắc chưa đến nỗi, vì hàng ngày mẹ đã quá cực nhọc rồi, nhưng cái khổ tâm thì lớn hơn nhiều vì nghĩ đến các con phải sống cách nào khi mẹ đang nằm trên giường bệnh. Dẫu thế nào đi nữa, miễn không có mệnh hệ gì cho mẹ là tốt lắm rồi, tôi cứ suy nghĩ như vậy, vì tôi tin chắc rằng còn mẹ là còn tất cả…
Giờ đây các con đã khôn lớn, mỗi người có hướng đi riêng cho thỏa chí “tang bồng”. Riêng cuộc đời mẹ dẫu không còn lao khổ với cuộc sống, nhưng nỗi buồn cô đơn cứ vẫn tiếp tục bám theo chân mẹ, để mẹ tủi hờn trong tuổi đời già nua đơn chiếc quạnh hiu. Nói vậy, chớ mẹ có bao giờ trách móc ai đâu, mà chỉ luôn cầu nguyện Phật trời phù hộ cho các con của mẹ có cuộc sống hạnh phúc, bình an. Đời làm mẹ là thế.
“Bóng mẹ vào ra lối ngỏ quanh
Tóc sương dần xoá tóc màu đen
Nhớ ai say nhẫm lời kinh nguyện
Khuya nỗi niềm riêng một ngọn đèn”.
Mẹ ơi! Mùa Vu Lan năm nay con vẫn còn cài trên áo mình đoá hồng tươi thắm, nhưng con cảm thấy cánh hồng dường như đã mong manh lắm rồi, mong manh như chính cuộc đời còn lại của mẹ. Con sợ rồi một ngày kia, mỗi mùa Vu Lan về cánh hoa hồng không còn tươi thắm trên áo của con, một màu mà con chưa bao giờ dám nghĩ đến.
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ”.
Thích Phước Tiến