Tôi lại ghé quán cô ngồi trong khi đợi khách đặt xe. Tôi mới ra trường nhưng chưa tìm được công việc phù hợp nên đăng ký chạy xe ôm công nghệ rồi học thêm ngoại ngữ. Tôi có con xe máy, dù không mới nhưng vẫn chạy ổn. Giờ việc sử dụng xe ôm công nghệ hầu như phổ biến ở cả nước, riêng Sài Gòn thì vài trăm mét lại thấy một tài xế đứng đợi. Mặc dù đông đúc người tham gia làm tài, nhưng thu nhập cũng ổn định. Ngày nào siêng năng, tôi kiếm vài trăm ngàn, dư dả để đổ xăng, ăn uống, lâu lâu dành dụm còn mua được cho mình đôi giày xịn. 
 
Còn cô, người phụ nữ cũng ở tỉnh lên, mỗi lần rảnh tôi ghé quán cô dùng nước, hỏi thăm vài câu rồi thành khách quen. Gọi là quán cho oai chứ thật ra cũng chỉ là một chiếc xe đẩy trên vỉa hè thêm vài ba cái ghế cóc nhỏ. Ấy vậy mà cô đã gắn bó với nó gần cả chục năm rồi. Nhiều khi bị công an dân phòng thu gom, vội vã bỏ của chạy lấy người. Có lần bị mang cả chiếc xe đẩy về phường, cô khóc lóc mấy ngày trời mà cũng chẳng biết làm sao. Rồi cũng phải đầu tư chiếc xe mới, chứ không thì lấy gì mà sống.

Cô vui vẻ, tính tình hào sảng nên người ta thích đến quán cô. Có mấy chú xe ôm khác lâu lâu cũng ghé mua gói thuốc, ly cà-phê, chọc ghẹo cô vài ba câu rồi đi. Còn tôi thì xem cô như một người thân nên hay ghé đến, vì mỗi lần ghé cô đều hỏi thăm, dặn dò đủ thứ. Hôm tôi đang buồn vì mới chia tay, cái tình yêu đầu đời ấy.

– Cô cho con ly cà-phê không đường với gói thuốc ạ!

– Cái thằng, con hôm nay sao thế? Mọi ngày làm gì biết uống cà-phê, lại còn thuốc lá. Bộ có chuyện gì? Kể cô nghe cô giải quyết cho.

– Chuyện linh tinh thôi cô, không có gì hết.

– Thôi, cô nhìn cô biết, mới chia tay bạn gái đúng không? Thôi, uống nước cam đi cho khỏe người, đừng có mà tập tành những thứ không tốt này, sau rồi hối hận chết đó con. Uống nước cam đi, cô kể nghe chuyện của cô, còn ly kỳ hơn chuyện của chú mày.

Nói rồi cô chẳng đợi tôi trả lời mà làm luôn ly nước cam. Khách thưa, cô kéo ghế lại ngồi gần tôi, vừa an ủi, vừa kể chuyện của mình. Cô kể mới biết, tình yêu đầu đời của cô cũng cay đắng lắm. Lúc đó cô dành hết mọi niềm tin cũng như hy vọng cho người con trai ấy. Rồi ông ta đi bộ đội, cô thì vẫn ở nhà đợi, theo lời hứa mãn nghĩa vụ về sẽ cưới cô. Sau gần 2 năm ông ấy trở về, cô mừng khôn xiết, tưởng hạnh phúc sẽ đến nhưng chẳng được bao lâu thì hay tin ông ấy sắp lấy vợ, là con của chủ tịch xã. Điều ấy quá tốt cho ông, ở dưới quê, ai chẳng mong cuộc sống ổn định, ăn chắc mặc bền như vậy. Đau đớn hơn, cô không được nghe từ chính ông ấy mà qua lời kể của người hàng xóm. Đến khi cô tìm và gặp thì ông ấy mới nói sự thật, rằng mối nhân duyên này đã được bố mẹ định sẵn trước đó. Vậy mà hứa hẹn rồi làm cô đợi cả tuổi thanh xuân của mình. Cô lau vội dòng nước mắt rồi nhìn tôi cười:

– Cuộc sống này không ai tạo ra công bằng cho ai, chỉ có chúng ta mới tạo ra công bằng cho chính mình mà thôi. Nghiệp duyên là do chúng ta tạo ra và hưởng lấy cái quả tương ứng. Có lẽ cô đã tạo ra một cái nhân nào đó không tốt ở đời trước, nên đời này cô gặp phải niềm đau này thôi. Nên rồi con đừng vì một cô gái mà tự đánh mất bản thân. Người khác có thể bỏ rơi con nhưng điều đó không đáng sợ bằng việc con bỏ rơi chính mình đâu.

– Cô nói đúng, tất cả là do mình tạo ra và con nên trân trọng bản thân mình hơn. Mà sau khi ông ấy lấy vợ, cô sống như thế nào?

– Cô vật vã đau khổ cả một thời gian, cuộc sống của cô mịt mù phía sau. Cô còn tự tử, cơ mà có người cứu, chứ không giờ mồ cô xanh cỏ rồi. Và sau lần đó, cô đã thức tỉnh và tìm lại cuộc sống vốn thuộc về mình.

Sau lần nói chuyện, tôi thấy lòng mình bình yên đến lạ. Không hẳn là tất cả, nhưng nghĩ về cô, tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều, rồi tự an ủi bản thân vượt qua. Có thể ở hiện tại tôi chưa có gì, một đứa thất nghiệp nhưng không có nghĩa, ngày mai và ngày sau tôi vẫn vậy. Cô chính là người đã tạo động lực cho tôi trong những ngày tiếp theo. Người phụ nữ ấy vẫn cứ vui vẻ, vẫn đón nhận cuộc sống bằng cả tình yêu đang có.

Đoạn cô ngồi thở dài, nhìn xa xăm rồi kể trong vẻ nghẹn ngào. Lúc ông ta mới mãn nghĩa vụ về, cô vẫn nghĩ, lần này về là cả hai sẽ tính đến chuyện kết hôn. Vì nghe những lời hứa hẹn, rồi một mái ấm sau này mà cô chấp nhận trao thân. Đến khi biết ông ta sắp kết hôn thì cũng là lúc cô cấn thai gần hai tháng. Vì chẳng nỡ đập phá đi hạnh phúc sắp có của người ta, mà cô chấp nhận tủi nhục, một mình gánh chịu những đánh đập, xua đuổi từ gia đình. Cô tìm đến cái chết, nhưng được một người cứu giúp, rồi hết lòng khuyên bảo. Có thể cô không tha thiết với mạng sống của mình nhưng cũng hãy vì đứa bé đang mang trong bụng mà tiếp tục cuộc sống. Còn gia đình thì không chấp nhận, đó là nỗi nhục mà họ không thể tha thứ cho cô. Cô liên hệ với một người bạn ở Đồng Nai rồi xin vào trú tạm, sau làm công nhân chung với người bạn ấy. Mãi cho đến khi cô sinh đứa bé thì nhận đồ gia công về nhà làm, cô dành dụm thuê được một mặt bằng nhỏ bán nước, thuốc lá cho công nhân. Sống được vài ba năm thì người bạn kia đi lấy chồng, cô cũng chuyển lên Sài Gòn này tiếp tục sinh sống với chiếc xe đẩy này.

– Vậy là từ đó đến nay cô không về nhà? Ba mẹ cô cũng không tìm đến cô luôn ạ?

– Có về con à, mà chỉ dám về một hai năm gần đây. Về rồi đi liền, không dám ở lại lâu. Ba mẹ cô cũng không muốn cô ở lâu, sợ hàng xóm nói ra nói vào.

– Sau ngần ấy năm, mà người quê cô vẫn chưa thể mở lòng chấp nhận cô sao?

– Cô không sợ người ta nói gì về cô, chỉ thương ba mẹ ở đó phải mang tiếng ra tiếng vào rồi tủi thân. Ông bà giờ cũng tha thứ cho cô và chấp nhận cháu, không có nhắc đến chuyện xưa nữa, như vậy là cô đã thấy hạnh phúc lắm rồi.

Nghe đến đây, lòng tôi nghẹn lại. Thì ra, đằng sau vẻ phong trần, vui vẻ kia là cả một nỗi buồn sâu thẳm. Người phụ nữ ấy đã dành cả tuổi xuân để yêu một người, hy sinh cho tình yêu mà cô luôn tôn thờ, nhưng đắng là cuộc đời chẳng được như điều ta mong muốn. Cô mất cả tuổi xuân, chịu tủi nhục và cơ cực trong suốt những năm tháng qua và niềm hy vọng sống cuối cùng của cô là vì con.

Tôi có thắc mắc về đứa bé, không biết giờ cậu bé ấy như thế nào. Bất ngờ với câu trả lời rằng cậu bé ấy đã xuất gia từ nhiều năm trước. Lần đó cô dẫn con vào chùa, sư thầy có tặng mấy cuốn sách kể về cuộc đời của Đức Phật. Về thì cậu rất chăm chú và thích thú với những mẩu chuyện ấy, đọc xong lại mang ra kể cho mẹ nghe, hàng tháng xin mẹ vào chùa để được phụ giúp các sư thầy. Thấy con có duyên với chùa, hè năm đó cô gửi cậu vào ở với quý thầy để học hỏi, tu tập thêm. Sau ba tháng hè thì cậu xin cô được xuất gia, điều ngạc nhiên hơn là cô đồng ý ngay, không một chút do dự. Cô bảo, đó là nơi lành, là trời phước mà con cô được may mắn bước vào. Cuộc đời cô là bể khổ, cô không muốn con cô cũng phải sống khổ ở đời. Xuất gia là con đường thiện lành, con cô sẽ tìm được sự an lạc, giải thoát cho cuộc đời mình.

Tôi chẳng dám nghĩ tới, rằng có một người mẹ cao cả đến thế. Cô thương con nhưng không ấp iu, cố giữ bên mình. Cô thương con là cho con đi tìm hạnh phúc, lối thoát của cuộc đời con. Hình ảnh người phụ nữ phúc hậu ấy vẫn cứ khắc khoải trong tâm trí tôi mãi về sau này. Mỗi lần tôi trở lại thành phố thì đều ghé thăm cô, mọi thứ vẫn nguyên vẹn, vẫn ấm nồng như những lần gặp trước. Cuộc đời có đắng có ngọt, có đau cũng có thương. Nhưng rồi hạnh phúc hay khổ đau là do mình lựa chọn.

Đỗ Khắc Tồn