Vì là khu dân cư mới đang được hình thành qua từng tháng năm với tốc độ xây dựng chậm chạp, khoan thai, nên còn rất nhiều con đường liên thôn liên xóm chưa được đổ bê-tông, trông như một bức tranh lem nhem nhếch nhác, dở dang đang chờ đôi bàn tay tài hoa của nghệ sĩ hạ thủ công phu dứt điểm vào một buổi sớm tươi sáng cho hoàn mỹ chỉnh chu.

Một buổi xế chiều ảm đạm, tôi ngồi trên thềm hiên, nơi bậc tam cấp trước gian phòng thờ, dõi mắt nhìn ngắm bức tranh dang dở đó. Lối đi, xin gọi là lối đi, vì chưa xứng được gọi là con đường, chạy dài từ khúc cua cách khoảng hơn trăm thước đến phía trước nhà tôi là một con dốc thoai thoải, đang còn nham nhở đất đá cát sạn, chỗ gồ ghề, chỗ trũng hụp, thấy quá thảm thương. Lối đi chung cho mọi nhà, nhưng có một đoạn ngang qua những lô đất trống chưa xây nhà cất cửa đã bị trũng sâu hai bên, chừa lại một lối nhỏ như bờ ruộng vừa đủ xe máy chạy qua, trông thật chướng con mắt, ngứa con ngươi.

Những thành viên trong gia đình tôi thường chạy xe ra vào qua lối đi bên trái của nhà, đã được đổ bê-tông ngon lành, chỉ bị ngắt khúc một đoạn ngắn là đất và đá dăm đã đằm chắc, nên hiếm khi chạy trên lối đi nham nhở trước nhà, nhưng đó vẫn là lối đi chung của cả xóm, trong đó có nhà của mình.

“Cha chung chết không ai khóc”. Người qua lại vẫn qua . Xe ra vào vẫn cứ vào ra. Xe chở vật liệu xây dựng, xe taxi, xe ô-tô, xe ba gác máy… đủ loại phương tiện lui tới đoạn đường xấu xí nham nhở này. Nhưng không ai rảnh mà chăm sóc, đắp bồi cho khúc ngặt trũng sâu này.

Tôi phì cười một mình. Cười vì chợt nhớ đến bài thơ dự thi của Vĩnh Bò Cạp trên Báo Tuổi Trẻ Cười năm 1990, Xuân Canh Ngọ, đề tài cười về “Bệnh MacKeNo”, căn bệnh trầm kha ích kỷ sống chết mặc bây. Bài thơ “Tâm sự cục đá” đã được Giải Nhất mùa Xuân Tết năm đó:

“Tôi là một cục đá
Bị quăng giữa phố xá
Bên cạnh một ổ gà
Đã bao ngày tháng qua
Xe rộn ràng rộn rã
Người ngược xuôi tất tả
Nhưng không làm gì cả
Tôi nằm hoài quá đã
Tuy tôi là cục đá
Nhưng lòng không như đá
Ước chi có phép lạ
Lăn tôi xuống ổ gà
Để khỏi trơ mặt đá.

Vậy là, tôi quyết định phải làm gì đó.
Buổi chiều ngày hôm sau, thấy tôi lặng lẽ cặm cụi với chỉ một cái thau nhựa, dùng hai bàn tay trơ trụi hốt đống xà bần bên mảnh đất bên hông nhà mang đổ đắp lên chỗ trũng hai bên lối đi thảm thương, bà xã tôi dù đang bận loay hoay trong bếp lo bữa cơm tối cũng liền tiếp sức với tinh thần hoan hỷ, để rồi cùng tôi đứng ngắm nhìn “thành quả lao động” với lòng nhẹ nhàng, vui ơi là vui.

Vui, vì mình thực hành được pháp Phật mà mình đã học và hiểu, “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, việc gì mà mang lại tốt lành, lợi lạc cho người khác thì cứ làm, mình được vui tức cũng đã được lợi lạc rồi đó.

Sáng nay, mưa gió tầm tã tơi bời từ đêm hôm qua do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, cả trung tâm thành phố Nha Trang nghe đã thất thủ với ngập lụt, còn ở vùng ngoại thành vắng vẻ này cũng đã thấy nước lên còn cách mặt bờ sông chừng nửa thước, nước mưa xối xả xuống các lối đi rút không kịp.

Tôi bước ra ngõ nhìn đến chỗ trũng đã được bồi đắp, an tâm rằng nếu có xe nào chạy qua lại lúc này cũng không sợ bị té ngã vì tai nạn sa hố lọt hầm.

 Cư sĩ Vĩnh Hữu