Ngược dòng thời gian cách đây 2627 năm kể từ ngày Đức Phật thị hiện thế gian, lần đầu tiên khi 7 bước chân Đức Phật đặt xuống thế giới này, Ngài liền dõng dạc tuyên bố:
“Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn
Nhứt thiết chúng sanh sinh, lão, bệnh, tử”
Lời dạy đó, sự kiện đó như thế nào? Nhân ngày Phật Đản, chúng ta hãy quay lại dòng lịch sử để nhớ về hình ảnh Đức Phật thị hiện ra đời, một hình ảnh hiện thực mà suốt tận cổ kim lịch sử loài người, không có thánh nhân nào thể hiện được một, trong 3 phương diện: Từ Bi, Trí Tuệ và Sức Thần tự tại như Đức Phật khi mới chào đời.
Thuở ấy, theo truyền thống của Ấn Độ, tất cả những người con gái khi được gả lấy chồng, theo chồng, nhưng đến thời kỳ sinh hoa nở nhụy thì luật xứ ấy bắt buộc các bà phải về lại nhà cha mẹ ruột của mình để sinh con. Tuy là bậc mẫu nghi thiên hạ, Hoàng Hậu Maỳa cũng không biệt lệ. Hôm ấy nhằm ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, Hoàng Hậu và đoàn tùy tùng đã làm lễ khởi kiệu hồi hương lúc trời còn tinh sương. Đoàn phải đi ngang qua Lâm Tỳ Ni, một công viên nổi tiếng nhất của quốc gia Ấn Độ thời bấy giờ. Thấy khí trời ấm áp lạ thường, đất trời quang đãng, chim trỗi nhạc tưng bừng trên những hàng cây, bên những con đường dẫn vào hoa viên, đầy hoa nở rộ. Xa xa, những cánh hạc tắm sương bên những giòng suối tuôn chảy xuống lưng chừng núi, hòa lẫn tiếng chim ca tạo thành một bản nhạc thiên nhiên bất tuyệt.
Hoàng Hậu thấy nhẹ nhõm trong người, cho xe dừng lại, cùng đoàn tùy tùng dõi theo lối mòn phủ đầy hoa báu, lần bước vào tận hoa viên ngắm cảnh. Thấy cành vô ưu nở rộ đong đưa trước gió, một loài hoa mấy ngàn năm mới nở một lần, Hoàng Hậu quá vui mừng, đưa tay với hái đóa hoa thiêng thì bỗng nhiên đất trời chuyển động 6 cách. Từ trên không trung, muôn ngàn ánh sáng rực rỡ, tiếng nhạc trời vang dội khắp nơi, những đóa hoa trời rải xuống như mưa. Trong tiếng gió, người ta như nghe thấy hàng Chư Thiên vang tiếng gọi:”Nhân loại ơi, có hay chăng Đấng Giác Ngộ ra đời. Ôi, hân hoan cho 25 loài, 33 cõi nhân loại chúng sanh được thấy Đạo Mầu.”
Hoàng Hậu như chìm sâu trong tĩnh lặng, cũng là lúc Đấng Giác Ngộ khai hông của mẹ, bước ra cõi đời. Ngài đưa tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất. Giữa đám đông Trời, Người, Thánh Thần có mặt, Ngài dõng dạc tuyên bố:
“Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn
Nhứt thiết chúng sanh sinh, lão, bệnh, tử.”
Tạm dịch:
Trên trời dưới đất chỉ có Ta là tôn quý nhất
Tất cả chúng sanh đều bị sinh, gìa, bệnh, chết.
Đây là lời nói đầu tiên của Đấng Giác Ngộ khi vừa chào đời, cũng là chân lý tối hậu mà suốt quãng đời Ngài huấn dạy. Ngài đã nói lên nhân duyên lớn nhất của Chư Phật vào đời. Dù đã trải qua 2627 năm, thế giới đã biến thiên, cuộc đời đã bao lần thay đổi nhưng lời dạy của Đức Phật vẫn vang vọng khắp muôn nơi. Mỗi khi chúng ta liên tưởng về ngày Đản sinh của Đức Phật, có lẽ ai cũng như nghe thấy lời này, nhưng có mấy ai thấu triệt được những lời dạy cao quý đó!
Theo quan niệm chung của người con Phật, tất cả đều nghĩ rằng những chúng sanh từ địa ngục lên tới 33 tầng trời, trong 25 loài, 10 giới, 3 cõi dục, sắc và không hình sắc, những chúng sanh này vẫn còn ngủ mê trong bóng tối vô minh dày đặc của Tình và Tưởng. Chỉ có các Đức Phật mới đoạn lìa các dục lậu, phá sạch nguồn gốc vô minh loạn tưởng của chính các Ngài và có khả năng giác ngộ cho tất cả chúng sanh thành bậc giác ngộ. Đấng Đạo Sư chỉ dạy khắp Trời, Người là cha lành của muôn loại. Đức Phật là Đấng tôn quý nhất trong tam giới. Quan niệm này chỉ đúng một phần với lời nói trên của Đức Phật nhưng không phải trong ý nghĩa của lời dạy đó hoàn toàn. Vì sao? Vì Đức Phật không phải vào đời để tự khen mình như chúng ta lầm tưởng mà để mở ra cho chúng sanh thấy được con đường giác ngộ, chỉ cho chúng sanh thấy rõ tánh Phật của mình, làm cho chúng sanh nhận lại tánh Phật của mình, khiến cho chúng sanh sống trở lại tự tánh Phật của chính mình, y như Chư Phật, không khác. Trong tự tánh Phật không có một ý niệm Ta, Người để tự đề cao cái bản ngã hư dối đó.
Quan niệm của những người theo Phật giáo thâm uyên, họ cũng đã nhìn thấy các pháp hữu vi vô thường, sinh diệt, không có tự tánh chơn thật. Cứu cánh của thân tâm cảnh giới không có cái gì là của ta, là ta, là tự ngã của ta. Nên biết, Đức Phật nói “Duy ngã độc tôn” không phải chỉ cho cái bản ngã hư dối của thân năm uẩn này. Nếu căn cứ theo ngôn từ ấy mà tự đề cao bản ngã duy nhất thì sẽ rơi vào thần ngã, giống như ngoại đạo. Vậy lời nói trên của Đức Phật phải hiểu như thế nào mới đúng ý Phật? Chúng ta hãy cố gắng theo dõi bài tiểu luận dưới đây để nhận ra lời Phật mà cũng là cái chìa khóa vàng mở tung ra cánh cửa tự tánh trong bước đầu tiến dần đến con đường thành Phật.
Thông thường, bất luận chúng sanh nào sống trong tam giới (cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc) cũng đều mang thân của Tình và Tưởng, thì đều chấp sắc thân của mình là có thật, thân này là của ta, thân này là ta, là tự ngã của ta, dựa trên sự nhận biết, nhớ tưởng, niệm niệm không dừng của sự phân biệt mà gọi là tâm của ta.
Trong hai lãnh vực thân và tâm này đều là tự ngã của ta cả. Từ chỗ thấy biết thân này thật có, thân này của ta nên ai cũng thương quý thân mình, muốn cho thân ta sống lâu, trẻ đẹp mãi để hưởng thụ dục lạc, thỏa mãn những cảm giác do căn trần duyên hợp hình thành. Chúng ta sợ nó già xấu và chết đi thì sẽ không còn là ta nữa, thì không còn thỏa mãn được những gì mình ham muốn nên bằng tất cả mọi giá, con người cố gắng bảo vệ nó hết lòng. Nếu thân ta bị xúc chạm trái với tự ngã thì sanh ra bực giận, ngược lại, nếu thân ta được nuông chiều thì sanh ra yêu thích, hống hách kiêu căng. Chính vì con người đã hoàn toàn lệ thuộc vào sắc thân, sống vì thân nên đã đồng hóa thân này là tự ngã của ta. Vì nhu cầu vật dục để thỏa mãn sắc thân, con người phải đòi quyền sống, tranh dành mọi thứ cho đời sống. Được thì tăng thêm lòng tham ái, thua thì thêm oán thù, tìm cách giết nhau, tạo nhiều ác nghiệp, rồi chính cái nghiệp đó, huân tập lâu ngày biến thành sức mạnh đưa chúng ta đến thọ qủa báo trong cảnh khổ đau. Oán thù chưa trả thì khó quên, thương yêu chưa bỏ thì khó dứt nên nói thương ghét sanh ra từ cái gốc si mê chấp ngã là vậy! Khi thân này sắp hoại, những nỗi sợ hãi kinh hoàng vì mất nơi nương tựa, cái niệm khát ái đi tìm thân sau bùng lên mãnh liệt. Do đó, theo nghiệp luyến ái mới có luân hồi sanh tử, cứ thế chết đi sống lại, quay cuồng trong biển trầm luân bất tận mà không ai tự biết bắt nguồn từ đâu? Người ta hay đổ thừa cho người, cho cảnh, cho trời, cho số mệnh v…v…làm cho mình khổ. Nhưng đó chỉ là cái khổ theo duyên còn mất mà nguồn gốc sinh ra cái khổ đó chính là ngu si, chấp cái ta có thật!
Để phá cái ngu si chấp thân này có thật, Đức Phật khẳng định: Thân này không phải của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta vì thân này vốn không có tự tánh chất thật, chỉ do nghiệp duyên hợp huyễn có thôi. Khi các duyên tan hoại thì cái hư vọng sẽ diệt. Đó là điều chúng ta khó có thể chấp nhận, nhưng nếu cứ khách quan mà quán sát theo sự chỉ dẫn của Đức Phật thì sẽ thấy rõ những gì Đức Phật nói không sai.
Đức Phật bảo, thường quán sát sắc thân của ta đây do 4 vật lớn là Đất, Nước, Gió, Lửa duyên hợp tạo thành trong tánh chất thân này là không thật tánh.
Vậy Đất là gì? Đất là những phần vật cứng trong thân như da, thịt, gân xương, tóc, lông, răng, móng, tủy, não v..v… Nước là gì? Nước là những phần ướt trong thân như máu, nước mắt, nước mũi, nước tiểu, tinh khí, mồ hôi v..v…Gió là gì? Gió là hô hấp tuần hoàn, tim đập mạch nhảy, các sự chuyển động trong thân. Còn lửa là gì? Lửa là nhiệt độ trong người làm cho máu huyết lưu thông. Bốn vật lớn này hợp lại, bắt nguồn từ nghiệp dâm dục cùng với tâm tham ái si mê huân tập lâu đời, theo sức tạo nghiệp thành thân. Đại khái như người nằm mộng, theo nghiệp dâm dục nghĩ tưởng không dứt, tạo thành tác dụng tâm sinh lý. Nhưng người ngủ mê hình như không biết thân hành, khi tác dụng sinh lý nơi thân, người ấy mới biết mình mới trải qua mộng mị. Cũng như thế, từ ý niệm muốn trở lại tìm thân nên theo nghiệp tham ái mà tìm chỗ tái sanh, mượn thân cha mẹ duyên hợp tạo thành thân bốn đại (đất, nước, gió, lửa). Như vậy thân này tạo ra bởi đất, nước, gió, lửa thì thân này của đất, nước, gió, lửa, tại sao lại bảo là thân của ta? Quả là một sự nhận thức sai lầm đáng tiếc! Nếu nói thân này của ta, vậy khi thần thức chưa vào nơi thai tạng của mẹ, thân này lúc ấy là gì? Ta ở đâu? Ta có hay không? Gỉa sử chúng ta cầm đao cắt đứt từng bộ phận trong cơ thể ra từng thứ một, bộ phận nào cũng có hình dáng khác nhau, tên gọi khác nhau cho đến khi tách rời hết những bộ phận trong cơ thể vật chất ấy, thử tìm cái còn lại là gì trong cái không có tánh chất thật ấy? Thân của ta nằm trong phần nào của cơ thể? Nhờ duyên, các thứ vật chất ấy tạo thành một tổng hợp tướng, thành một giả tướng mà trong giả tướng đó không có cái gì là của ta cả! Vì giả tướng không có tánh chất thật nên ví nó như vật huyễn hóa. Đã như huyễn hóa, không thật có, tại sao lại chấp cái không thật đó mà cho là của ta? Tối ngày bù đầu bù cổ chạy đi lo ăn để bồi bổ phần đất, lo uống để bồi bổ phần nước, vay mượn không khí để thở là bởi phần gió, làm cho nhiệt độ trong người tuần hoàn, máu huyết lưu thông gọi là cho sự sống. Trong sự vay mượn giả dối, cho vô rồi kiếm chỗ xả ra, cả đời khổ nhọc vậy mà cho là hạnh phúc, thật là chuyện nực cười!
Đức Phật còn nói, thân này không phải ta vì chúng ta quán sát đất, nước, gió, lửa duyên hợp huyễn có như vừa kể trên là những thứ vật chất vô tri vô giác, còn cái TA là tự tánh thấy biết tánh chất của mọi thứ vật chất vô tri vô giác kia, tại sao lại lầm lẫn nhận cái vô tri vô giác kia là Ta chứ? Vả lại, những thứ vô tri đất, nước, gió, lửa đó mỗi thứ đều có tánh chất giả dối khác nhau. Tánh của đất là cứng, tánh của nước là ướt, tánh của gió là động, tánh của lửa là nóng, chúng không thuần một tánh chất. Còn tự tánh của ta là một tánh thể thuần nhất hư linh, tại sao lại đi nhận lầm những thứ vật chất vô tri có nhiều tánh chất hỗn tạp, đổi thay, không cố định mà cho những thứ vật chất đó là Ta thì qủa là mê muội quá!
Như vậy, trong sắc thân giả dối này không có cái gì của ta, là ta cả nên Phật giáo nói thân này là Vô Ngã. Đã là vô ngã thì không lý do gì mình tự cho mình là tôn quý hơn người khác. Chỉ có phàm phu mới tự xưng mình là hơn kẻ khác. Thật ra, trong tất cả thân của mọi người khác nhau trên hình dáng diện mạo, nhưng tánh chất của mọi sắc thân đều không có tánh chất thật, đều là vô ngã như nhau, không lý do gì mà khởi nghĩ thân ta hơn thân người khác hoặc khởi ra thân kiến, ta thấy biết hơn người khác v…v…Một khi con người đã thấy rõ tánh chất thân này là không, nên mọi thứ tranh chấp, luyến ái giữa ta và người không còn, mọi thứ khổ não cũng không dựa vào đâu mà làm chúng ta khổ não, chúng ta mới thấy lúc ấy thật sự giải thoát khỏi bản ngã hư dối này. Đức Phật đã phá sạch được nguồn gốc mê lầm chấp ngã nên được giải thoát, được pháp thân bất hoại. Còn Trời, Thần, Người, Qủy…chúng sanh còn mê lầm chấp ngã nên không thể đoạn trừ cái gốc mê lầm, nên Đức Phật gọi: “Tất cả chúng sanh đều bị sanh, gìa, bệnh, chết. Chỉ có Chơn Ngã (Phật Tánh) là tôn quý hơn hết.”
Có nhiều người lại nói thân này là vật chất giả dối nên phải bị sanh diệt, nhưng còn linh hồn là phi vật chất thì sẽ sống mãi. Phật giáo chia thành 2 loại chấp của 2 hạng người: Hạng người chấp đoạn và hạng người chấp thường.
– Người chấp đoạn là nghĩ thân này khi chết là không còn gì nữa.
– Người chấp thường lại bảo là còn một linh hồn bất diệt sống mãi.
Người chấp đoạn là người chỉ biết sống theo bản năng của nghiệp thức mê lầm, phục vụ cho mọi thứ ham muốn của sắc thân, chết bỏ tinh thần. Khi họ chết, họ nghĩ là không còn gì nữa. Đó là hạng phàm phu không trí tuệ.
Người chấp thường là hạng người cho rằng thân hoại nhưng linh hồn tiếp tục sống mãi. Đó là cái chấp của hàng ngoại đạo theo thần, ngã.
Phật giáo xem hai hạng người này đều một loại tà kiến như nhau, cả hai cái thấy đều không đúng với sự thật. Vậy theo Phật giáo giải thích thế nào trong hai cái chấp này?
Phật giáo gọi linh hồn đó chỉ là thần thức hay tâm thức. Cái gọi là linh hồn, thần thức này cũng là những cái do giác quan tiếp xúc với các cảnh mà phát sinh. Bất cứ cái gì do duyên hợp huyễn có thì những thứ đó đều do nghiệp tạo thành, không có tánh chất thật, là vật huyễn hóa. Trong lãnh vực tinh thần của cái gọi là linh hồn, tâm thức đó, Đức Phật đã chia ra 4 thứ: Thọ (sự nhận biết), Tưởng (tưởng nhớ), Hành (ý nghĩ tương tục), Thức (sự phân biệt biết). Chúng ta hãy tãp quán sát từng lãnh vực như dưới đây:
– THỌ (sự nhận biết) – Thọ hay thọ cảm có phải là tâm thức ta chăng? Nếu trong không có mắt, ngoài không có hình tướng sắc trần thì mắt có biết gì không? Không biết! Mắt chỉ thấy mà không biết! Ngược lại, bên ngoài có hình tướng sắc trần mà không có mắt, sắc trần cũng không biết gì hết! Một thứ hình sắc đơn độc sẽ không có sự thấy, huống là biết! Như vậy, sự thấy và vật bị thấy phải có mắt và hình sắc giao tiếp nhau mới có cái thấy. Từ mắt và hình sắc tiếp xúc nhau, sự nhận biết (cảm thọ) mới biết đối tượng mình thấy là hình sắc gì, đẹp hay xấu, nam hay nữ v…v…
Tới đây chúng ta biết thọ cảm (Thọ) do giác quan tiếp xúc với trần cảnh mới phát sanh tâm thọ cảm nhận biết. Nếu khi không có sự tiếp xúc giữa căn và trần thì cái gọi là tâm nhận biết hay thọ cảm đó vốn không tự có. Nếu bảo tâm nhận biết (thọ cảm) là linh hồn thì từ đâu mà hiện hữu? Nếu linh hồn đó do một thượng đế nào tạo ra cho người ấy thì người ấy là vật thọ tạo, là do nghiệp tạo tác, tức là tướng duyên hợp huyễn có, thì tánh chất cái gọi là linh hồn, tâm thức kia chỉ là không thật có! Bởi vì do căn trần giao tiếp mới tạo ra, nếu không có sự giao tiếp đó, đương nhiên không có linh hồn, tâm thức đó! Tâm thức thì sinh diệt luôn luôn, linh hồn cũng biến đổi từng ý niệm vì từng ý niệm của linh hồn người phàm khảc linh hồn vị thánh v…v…Vậy thì, biết linh hồn là cái duyên hợp huyễn có, thay đổi luôn luôn trong khi người còn sống, tại sao khi người đó chết đi lại có linh hồn không thay đổi??? Quả là điều lầm lẫn si mê khi nhận cái linh hồn, tâm thức đó cho là thường còn, chẳng biến đổi. Thế nên, phải biết tâm thức, thọ cảm, linh hồn không phải là thứ linh hồn bất diệt. Vả lại, tâm thức (thọ cảm+linh hồn) do tiếp xúc mà có thì linh hồn đó là của sự tiếp xúc, sao nhận là của ta? Thọ cảm thì có thọ nhận vui, thọ nhận khổ hoặc thọ nhận không vui không khổ, tùy theo cảnh duyên mà tâm thức phân biệt thọ nhận. Nó không có một tánh thể nguyên vẹn nên xác định linh hồn hay tâm thức kia không phải là tâm thể chơn thật của ta. Người nào chấp sau khi thân chết còn linh hồn bất diệt đều là sai lầm, không thể chấp nhận. Những người này hầu hết là kẻ mê tín, không có lý luận bằng trí tuệ.
– TƯỞNG (Vọng nhớ) – Tưởng là do nhớ nghĩ chín mùi, bắt đầu từ chỗ thọ cảm nhận biết nói trên mà hình ảnh đó rơi vào tàng thức, lưu giữ chờ duyên phát sanh. Nếu không có duyên cảnh dựa thì sự nhớ tưởng dấy khởi do nhớ nghĩ mà thành. Nếu không nhớ nghĩ, Tưởng cũng không có được. Nếu bảo Tưởng là linh hồn của ta, vậy khi không nhớ tưởng, linh hồn ở đâu? Có hay không? Thí như người đạt thiền định, dứt hết mọi nhớ tưởng mà vẫn thấy biết rõ ràng. Tưởng do nhớ nghĩ mà có thì Tưởng là của nhớ nghĩ, sao lại nói cái tưởng ấy là linh hồn của ta? Tưởng thì có tưởng về quá khứ, tưởng về tương lai, tưởng về hiện tại, không có tánh chất cố định. Vậy nếu nói Tưởng là linh hồn thì linh hồn nào là linh hồn của ta trong sự trôi chảy bất tận ấy? Người chấp tâm Tưởng là thường còn, hay nói linh hồn bất diệt đều là lối chấp mê muội.
– HÀNH (ý nghĩ tương tục khởi) – Khi một ý tưởng phân biệt phát khởi, không bao giờ chỉ dừng lại ở đó, mà nó tiếp tục tương sanh để tồn tại và trôi chảy bất tận nên gọi là Dòng Tư Tưởng. Thí dụ, tai vừa nghe tiếng nhạc hay, lập tức chúng ta nghĩ đó là nhạc gì? Ai hát? Làm sao có cơ hội gặp người ca sĩ đó? v.v.. Bao nhiêu ý nghĩ dồn dập tới. Cứ như thế, hàng ngày tâm ta tiếp xúc với bao nhiêu cảnh, bao nhiêu người, cứ huân tập tiếp tục nối dài làm sao dòng tư tưởng ấy ngưng lại được? Chúng ta thử quán sát những ý niệm tương tục khởi do cái gì mà có? Do nhớ nghĩ đến hình ảnh tâm duyên vào, khi có cảnh thì phân biệt suy nghĩ, khi không có cảnh thì nhớ tưởng vọng sanh. Nếu bảo ý niệm tương tục là linh hồn của mình thì khi người đạt thiền định, thử hỏi, những ý niệm kia bây giờ ở đâu? Họ có linh hồn không? Ý niệm tương tục khởi là của niệm, sao lại nhận là linh hồn, tâm thức của ta? Ý niệm tương tục thì có nghĩ thiện, nghĩ ác, không ghi nhận (vô ký), sinh diệt không dừng, không cố định. Trong biết bao ý niệm đó, ý niệm nào là linh hồn của ta? Và CÁI TA nào là cái Đức Phật đề cao là tôn quý?
– THỨC (sự phân biệt nhận biết) – Đây là lãnh vực thứ tư, một trong 4 cái gọi là lãnh vực tinh thần. Linh hồn, tâm thức, dạng từ tuy khác nhưng thực chất đều không hai. Thức do cái gì phát sinh? Thức do phân biệt mà có. Nếu không phân biệt, thức cũng không. Nếu bảo thức là linh hồn hay tâm thức của ta, vậy khi không còn phân biệt thì có linh hồn, tâm thức không? Thức phân biệt sanh là thức của phân biệt, sao bảo là của ta? Vả lai, thức có chấp giữ, chán bỏ, có không giữ, không bỏ, không có tánh chất cố định thì cái nào là linh hồn của ta?
Xuyên qua hai phương diện: vật chất chỉ cho sắc thân tứ đại giả dối không thật; tinh thần gồm có thọ cảm, tưởng, ý niệm tương tục, sự phân biệt nhận biết, chúng ta gọi là thân tâm, Phật giáo gọi là ngũ uẩn (5 sự che đậy tự tánh) Vì mê muội theo 5 thứ này mới niệm không dứt, che đậy tự tánh Phật của mình, vọng nhận thân tứ đại hư giả làm thân, nhận vọng tưởng làm tâm, niệm niệm tương tục đâu còn biết cái gì là tự tánh. Phật là tánh thấy biết được thực thể của thân tâm cảnh giới hư vọng kia. Tự tánh giác ấy của Chư Phật và chúng sanh không hai, không khác. Chư Phật do nhận lại tự tánh Phật, phá dẹp vô minh tham ái, đối đãi, nên sống với tự tánh giác ngộ gọi là thành Phật, là con người thật đời đời trong mỗi chúng sanh mà vì tự mê muội không biết. Đức Phật vì thương chúng sanh nên phương tiện thị hiện đản sanh ra đời, chỉ cho chúng sanh thấy được tự tánh giác ngộ sẵn có nơi mỗi người. Ai nhận lại được tự tánh ấy, hay gọi là con người thật chính ta thì cái TA đó là cái DUY NGÃ ĐỘC TÔN, là cái Chân Ngã (Phật tánh) tôn quý hơn tất cả mọi cái bản ngã hư dối mà Trời, Người, Phàm phu dựa trên sắc thân tứ đại, cho cái linh hồn sinh diệt kia là tâm thể. Vì tất cả chúng sanh nhận lầm thân tâm giả dối đó, tạo nghiệp mê lầm để chịu trầm luân 6 đạo, sanh thân tứ đại nối nghiệp ba đời, chịu sanh già bệnh chết khổ đau, không có gì đáng quý.
Đến đây chúng ta đã thấy rõ cái Ta nào giả dối, cái Ta nào chơn thật mà kinh điển Phật giáo thường đặt nó rất nhiều tên, tùy theo người đứng vào mặt nào để gọi nó như: Phật tánh, Chân như, Bồ đề, Niết bàn v…v..
Phật tánh là chỉ cho tánh ấy ở trong mê lầm cũng không làm nó nhiễm ô, ở trong sanh diệt tánh ấy thấy biết các thứ tâm sanh diệt mà tự tánh ấy không bị sinh diệt làm thay đổi. Tuy làm chúng sanh mà tánh Phật không thiếu, khi thành Phật tánh ấy không thêm. Tánh không thay đổi, thêm bớt gọi là Chơn Như. Ở trong Chơn Như mà giữ được tánh thể gọi là Bồ Đề (giác ngộ). Tự tánh nó xưa nay không sanh không diệt mà sáng suốt thường hằng gọi là Niết Bàn v…v..
Đức Phật nhận ra tự tánh giác ngộ này, sống trọn vẹn với tự tánh ấy nên tạm gọi danh từ Thành Phật, có nghĩa là sống trọn vẹn với con người chân thật của ta, nên nói, CHỈ CÓ TA LÀ TÔN QUÝ NHẤT, trên Trời dưới Trời không có ai như Phật, không có ai bằng Phật là ý nghĩa này, chớ không phải Phật dùng cái tâm Nhơn Ngã hư dối, tự khen mình một cách cao ngạo, khinh thường chúng sanh mê muội, không đáng tôn quý.
Đọc đến đây, chúng ta đã thấu triệt được ý nghĩa của bài pháp đầu tiên khi Đức Phật mới chào đời, đã chỉ dạy chỗ cứu cánh của Phật Đạo và chỉ cho tất cả chúng sanh biết được cái NHÂN DUYÊN LỚN NHẤT CỦA CHƯ PHẬT RA ĐỜI LÀ KHAI THỊ CHÚNG SANH, NGỘ NHẬP PHẬT TRI KIẾN, có nghĩa là phương tiện lập bầy ra con đường thành Phật (Khai), chỉ cho tất cả chúng sanh đều có tự tánh giác ngộ y như Chư Phật (Thị), khiến cho chúng sanh nhận lại tự tánh Phật của mình mà từ vô lượng kiếp tới nay chúng ta đã quên nó (Ngộ). Sau hết, tuy nhận ra tự tánh Phật của mình nhưng đã bao đời huân tập những thứ vô minh, vọng tưởng, nay cần phải tu tập thiền định, trí tuệ để phá dẹp hết những phiền não đó đi rồi mới trở về (Nhập) tự tánh giác ngộ, hay gọi là chỗ thấy biết như Phật.
Nhưng vì chúng sanh mê ngộ chẳng đồng nên không phải ai cũng thấy được tự tánh. Bởi vậy, phải tùy người mà Đức Phật phương tiện lập bầy 84,000 pháp môn đốn tiệm nhằm dẫn dắt chúng sanh tiến từ bước trên đường Phật Đạo. Người trí lấy sự thấy tánh khởi tu làm trọng, người mê chấp pháp môn làm chính, người từ gốc giác ngộ cứu cánh mà tu, kẻ thì từ phương tiện rồi từ từ tiến bước. Đường vào Phật Đạo có muôn ngàn lối nhưng chỗ cứu cánh thì thành Phật không hai.
Đã mấy ngàn năm tổ chức Lễ Phật Đản, có ai đem những lời dạy của Phật ra để chỉ cho chúng sanh thấy rõ con đường thành Phật mà tu chưa? Đức Phật đã cần khổ tu hành từ vô lượng kiếp mới thành Phật, thương tưởng chúng sanh mà hiện ra nơi đời, dùng đủ mọi pháp giác ngộ chúng sanh, công đức Phật vô lượng vô biên, không thể nào xưng tán, đền đáp được, không thể cúng dường một mớ hình thức lễ nghi trong ngày Phật Đản mà gọi là cúng dường Phật đầy đủ. Điều ý nghĩa hơn hết, sâu sa hơn hết là chúng ta phải nỗ lực tu hành đạt đạo ngay trong đời này. Đồng thời, chúng ta cũng đem giáo pháp Phật, giáo hóa chúng sanh để việc lợi mình lợi người sớm được viên mãn như lời Phật ân cần dạy bảo: “Tin, hiểu và thực hành trọn vẹn lời dạy của Như Lai, đem tâm từ bi cứu giúp muôn loài hữu tình thấy được Phật đạo, đó chính là cúng dường Như Lai một cách chơn chánh, đích thực nhất.”
Qua bao mùa Phật Đản ở xứ người, chúng ta đã thấy qua nội dung nhiều buổi lễ lớn, không thấy tổ chức nào đặt nặng vấn đề giảng dạy chánh pháp hoặc nói rõ nguyên nhân nào Đức Phật thị hiện thế gian. Giáo lý của Đức Phật hình như bị bỏ quên, chỉ thấy nội dung buổi lễ đượm mùi chánh trị đấu tranh hay bày ra những trò ca hát vui chơi để cầu người kéo về tham dự cho đông, nhơn đó mà bán buôn với nhiều hình thức thủ lợi. Xong lễ, người Phật tử ra về, không biết nội dung hôm nay Ban Tổ Chức muốn nói gì? Không ai biết được những điều đáng lẽ phải được biết trong ngày lễ Phật Đản như:
– Nguyên nhân nào Đức Phật ra đời?
– Làm thế nào để tứ chúng ngồi lại với nhau, tìm ra một phương thức tu hành đích thực và làm cho Phật pháp ngày một phát dương quang đại?
– Đối với thế hệ con em chúng ta, vừa sống trong một xã hội không mấy ai coi trọng về đạo đức nhân luân, vừa trong lòng ngoại đạo, làm thế nào giúp cho chúng giữ vững niềm tin Phật pháp, khiến cho ánh sáng của Đạo Giác Ngộ được trường tồn? Nếu không đầu tư kịp thời thì không biết qua một thế hệ kế tiếp nữa, những hình ảnh Phật pháp có còn thấy được nữa hay không khi mà con em chúng ta từ từ biến thành ngoại đạo hết!? Không biết hàng giáo phẩm Phật giáo và cha mẹ các em có thấy được hiểm họa đó không?
Kính nguyện Đức Phật từ bi soi sáng cho tất cả chúng sanh thấy được con đường giác ngộ, tiến tu thành Phật.
GHI CHÚ: Đáp ứng lòng mong mỏi của một số Phật Tử, tháng 3-2003 Thượng Tọa Viện Chủ Hoa Nghiêm Tự đã lập nên Hội Niệm Phật A Di Đà và được hưởng ứng đông đảo của Phật Tử. Một tiếng niệm Phật chí thành có thể giúp ta giải thoát khỏi bao phiền não. Quý Phật Tử nào muốn tham dự hoặc muốn biết thêm chi tiết về lớp tu này, xin liên lạc với tu viện Hoa Nghiêm,3222 W. First Street, Santa Ana CA 92703. Số phone (714) 775-6799. Sau Đại Lễ Phật Đản, tu viện sẽ tiến tới việc tổ chức ngày tu Phật Thất. Mong quý Phật Tử tham gia mỗi ngày mỗi đông để cùng tinh tấn trên đường Phật Đạo.
Nguyệt San Liên Hoa Số 306 Tháng 6 năm 2003
Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen Thực Hiện