Ghen tuông

A./ ĐỊNH NGHĨA

 Ghen trong hôn nhân : nó ám chỉ sự chiếm hữu và sự trung thành với nhau trong quan hệ vợ chồng, nhưng thường mang đến sự quấy rầy và rối loạn hơn là sự cảm thông và hòa hợp.

Trong tiếng Việt, chữ Ghen và Ganh lại thường đi với chữ Ghét, hoặc chữ Tị,  nên đã ghép thành từ ngữ Ghen-ghét, Ganh-tị. Chưa hề được nghe hai chữ Ghen-yêu.

* Sự khác biệt giữa ghen tuông và đố kỵ là : Sự đố kỵ nẩy sinh ra vì chúng ta thèm khát cho ta cái điều sung sướng đã đến với kẻ khác; còn sự ghen tuông nẩy sinh là do chúng ta sợ hãi kẻ khác chia sẻ hạnh phúc của ta.

B./ BIỂU HIỆN THỰC TẾ CỦA GHEN TUÔNG

* Ghen được thể hiện qua nhiều trạng thái : ghen bóng, ghen gió, ghen thái quá, ghen âm thầm trong lòng.

Ghen quá đánh mất hạnh phúc và đem lại sự khốn khổ cho người mình yêu thương. Ghen tuông làm cho chúng ta mất bình tĩnh, thiếu suy nghĩ, nên không chống đỡ nổi trước đối thủ để bảo vệ và gìn giữ tình yêu của mình.

Ớt nào là ớt chẳng cay,  Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.  Vôi nào là vôi chẳng nồng,  Gái nào là gái có chồng chẳng ghen.  Ta rằng ta chẳng có ghen,  Chồng ta, ta giữ, ta nghiền ta chơi.

Những người có khuynh hướng dùng vũ lực để giải quyết mọi tranh chấp thì khi ghen tuông cũng có xu hướng dùng “võ” để hành xử, họ sẽ không nhường đối thủ. Để chiếm đoạt lại người yêu, họ sẽ dùng mọi thủ đoạn như : chửi bới và bêu xấu đối phương trước công chúng, đả thương, tạt acid, bắn chết đối thủ. Tóm lại, những người này có thể thí mạng sống của họ và của cả đối phương.

* Ghen thường được xem là thước đo thật của mực độ và chiều sâu của tình yêu. Nhiều người nhận thấy rằng họ chỉ thật sự yêu khi họ cảm thấy ghen tuông.

Rằng: “Tôi chút dạ đàn bà

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

1. Một anh có vợ có mau ghen như Hoạn Thư. Có lần anh đang hú hí với bồ trong nhà nghỉ, thì vợ gọi điện, anh ta nói dối là đang đi uống café với đồng nghiệp, chị vợ không phải tay vừa, ra lệnh luôn: “Café hả, vậy anh lấy cái thìa gõ vào cái ly trước điện thoại cho tôi nghe!”. Anh chồng cuống cà kê, đang trên giường nhà nghỉ mò đâu ra thìa với ly mà gõ, thêm nữa thói đời ăn vụng mà bị hỏi cung bất ngờ thì lúng túng như gà mắc tóc.

Sau lần lộ tẩy đó thì anh chàng đối phó bằng cách dùng điện thoại ghi sẵn lại các âm thanh nơi công sở để phòng xa. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, một lần khác đang “ăn chả” thì bị vợ gọi, anh ta bật chế độ giả lập “đang họp” với tiếng sếp phát biểu oang oang, những tưởng vợ tin sái cổ ai ngờ bà xã bất ngờ yêu cầu: “Ông lập tức dùng điện thoại quay lại quang cảnh phòng họp rồi gửi tôi ngay!”. Vậy là toi tập 2.

2. Có cô cứ thấy chồng đi làm về là soi mói trên người ông xã xem có vết son hay mùi nước hoa lạ nào không. Tìm ngửi mãi không thấy, nhưng lại phát hiện ra mấy sợi tóc khá dài vương trên áo chồng, cô vợ lập tức nổi cơn ghen lồng lộn. Rút kinh nghiệm, sau đó mỗi lần trước khi về nhà anh chồng đều rũ sạch tóc dính trên quần áo, vợ về tìm mãi không thấy sợi tóc nào thì lại bù lu bù loa lên: “Ối giời đất ơi, bây giờ chồng tôi còn bồ bịch với cả những con không … có tóc”. Thật đúng là bó tay chấm com ! Ai đời, ghen với cả Ni cô.

3. Đến bữa cơm chưa thấy chồng về, vợ sai cu Tèo 8 tuổi bấm điện thoại gọi bố. Sau khi gọi, đứa bé chạy ra mách: “Mẹ ơi có cô nào đó trả lời điện thoại của bố đấy mẹ ạ!”. Vợ nổi cơn tam bành, chỉ chờ chồng về đến nhà, ngay lập tức nhẩy ra tấn công tới tấp. Quá ngạc nhiên vì sự hung hãn của vợ, anh chồng vừa chống đỡ vừa nói:

– Bà bị điên à?

– Vâng tôi đang điên đây, con nào vừa trả lời điện thoại hộ ông?

– Làm gì có con nào, bà ăn nói hàm hồ thật đấy.

– A ông còn cãi à, để tôi gọi thằng Tèo ra.

– Tèo, mày nói xem lúc mày gọi cho bố mày, có cô nào đó nhấc máy rồi nói đúng không?

– Dạ, đúng! – cu Tèo khẳng định.

– Vậy cô ta nói gì?

– Cô ấy nói: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau” ạ !

C./ HIỂU SÂU – THƯƠNG LỚN

Vì hiểu tình thương là gốc của hạnh phúc nên mình sẽ chế tác tình thương chân thật, không tính toán, không chiếm hữu… Vì hiểu rằng thương yêu cần phải hiểu người thương, hiểu bản thân mình hơn thì mình sẽ biết lắng nghe thật sâu, biết hài hòa lối sống của mình với người thương, biết tha thứ, biết bao dung, biết nâng đỡ …

Do vậy, kết quả của một nhân không phải là chết cứng, là nhất như không đổi thay mà nó cũng vô thường, chịu sự chi phối của vô thường nên đừng ngại lầm lỗi. Bởi có lỗi lầm mà biết lỗi lầm và cố gắng bước qua, chỉnh sửa thì có khi kết quả còn tốt hơn bội phần. Điều này phù hợp với lời đức Phật dạy : Ở đời có hai hạng người mạnh mẽ; một là người không bao giờ phạm lỗi – Thánh nhân, hai là người phạm lỗi và biết sửa lỗi.

 Bài hát Cõi mê (A crazy world, ABBA, 1976) nói về cảm xúc, suy nghĩ và hành động của một chàng trai khi thấy người yêu của mình tiếp xúc với một người đàn ông khác.

“Sáng hôm đó không ngủ được, chàng trai đi bộ qua nhà người yêu để nói chuyện. Đến nơi, chàng thấy một người đàn ông từ nhà của người yêu đi ra bãi đậu xe và sau đó lái xe đi. Người yêu của chàng cũng đi ra tiễn. Chàng nghĩ là mình bị phản bội và sợ là người yêu sẽ bỏ rơi mình. Thấy người yêu tỉnh bơ như không có việc gì xảy ra, chàng như muốn điên lên và la lối rằng là chàng đã hết lòng yêu nàng, sao nàng lại quen người khác, nàng chẳng đã từng nói chàng là người đàn ông duy nhất của nàng hay sao.

Cô gái mỉm cười trả lời rằng có hai người đàn ông trong cuộc sống của cô. Anh trai của cô – người vừa mới lái xe đi – là một trong những người đó. Anh nàng đã đi xa một thời gian dài và nay trở về đây sinh sống. Chàng sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc với người anh trai dễ thương của nàng. Nhận thấy là mình bị hớ và như là đang ở trong cơn mê, chàng trai chỉ còn biết nói thầm là người yêu đừng bao giờ bỏ rơi mình”.

Câu chuyện trên : Chàng có cảm giác khó chịu khi thấy người đàn ông rời khỏi nhà của người yêu – khổ thọ sinh ra khi mắt thấy cảnh mình không muốn thấy. Vì không biết người đàn ông đó là anh của người yêu, chàng nghĩ người đàn ông là người yêu của nàng và người yêu đã lừa dối chàng – một tri giác sai lầm (vọng tưởng). Tri giác sai lầm của chàng trai đã phát sinh những tâm hành sợ hãi (sợ mất người yêu), giận dữ và nghi ngờ. Không kiểm soát được cơn giận, chàng lớn tiếng cãi với người yêu.

Cô gái rất khéo, nói ngay người đàn ông đó là anh trai mình. Cơn sợ hãi, giận dữ và nghi ngờ trong chàng biến mất nhờ nghe được câu chàng muốn nghe – người đó không phải là người yêu của nàng. Tuy nhiên, cô gái cũng muốn tưới tẩm hạt giống cởi mở, bao dung của người yêu, muốn cho chàng bớt ghen và tập chia sẻ người mình thương với người khác nên mới nói là anh trai của nàng cũng quan trọng giống như chàng vậy, chàng nên làm quen với anh trai của nàng, anh nàng dễ thương lắm.

Câu chuyện kết thúc có hậu nhờ chàng trai biết nói ra những điều làm cho chàng đau khổ và cô gái biết lắng nghe và biết nói ra những điều làm cho chàng bớt khổ. Nếu vì tự ái mà chàng trai bỏ về rồi cứ im lặng ôm lấy niềm đau, rồi ghen bóng ghen gió, thì có thể cuộc tình sẽ tan vỡ. Tự ái là một điều không nên có mặt trong tình yêu.

Chỉ cần chàng trai đi trễ 5 phút là không thấy anh trai của người yêu đi ra khỏi nhà của nàng, và sẽ không có sự hiểu lầm. Ta không thể đóng cửa các giác quan, không thể không nhìn, không nghe, không thấy. Chàng trai nên cám ơn những gì đã xảy ra. Nhờ vậy chàng mới hiểu được mình hơn. Phiền muộn nằm sẵn trong ta chớ không nằm ở ngoài. Đổ lỗi cho những điều kiện bên ngoài mà không nhìn kỹ những gì xảy ra trong tâm thì không giúp ta chuyển hóa được khổ đau.

* Auguste Forel nhắc nhở :

a) Đối với người vợ : thà rằng có người chồng không trung thành còn hơn là có người chồng hay ghen. Vì người chồng không trung thành còn có thể giữ được hạnh phúc với vợ. Còn người chồng hay ghen sẽ luôn biến gia đình thành Hỏa Ngục.

b) Đối với người chồng : người vợ càng ghen càng không thể nào sửa đổi được người chồng, mà trái lại còn gây ra những cảnh hỗn loạn mà kết cuộc là đầu độc đời sống chung cho đến tiêu diệt hoàn toàn.

Không để cảm thọ chi phối

Khó khăn xảy ra khi ta không biết cách ứng phó với cảm thọ. Đang giận mà không biết cách điều hòa cơn giận, ta mới la hét, đập phá để giải tỏa năng lượng giận đó. Tâm lý học Tây phương trước đây thường đề nghị một phương pháp để giải tỏa năng lượng giận là : đánh vào một cái gối bông, tưởng tượng gối bông đó là đối tượng giận của mình, để năng lượng giận có cơ hội thoát ra ngoài. Hành động này tự nó có tính cách bạo động. Đánh xong rồi, mệt đừ, năng lượng giận có được giải tỏa, nhưng hạt giống bạo động lại được tưới tẩm. Phương pháp này nay ít được dùng.

Năng lượng được biểu hiện trong ta dưới ba dạng : Tinh, Khí và Thần. Tinh là năng lượng tình dục, Khí là năng lượng hơi thở, Thần là năng lượng của các trạng thái tâm lý. Năng lượng hơi thở có tính chất trung hòa có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm. Khi hai loại năng lượng tình dục và tâm lý có tính cách phá hoại, ta lập tức trở về với hơi thở, chuyển hóa chúng thành năng lượng hơi thở. Tập trung vào hơi thở vào và hơi thở ra, đừng suy nghĩ gì cả. Có thể sẽ mất 5, 10 phút, hoặc lâu hơn, nhưng không sao.

An trú trong năng lượng của hơi thở chánh niệm, giúp ta không hành động theo cảm xúc – khi không làm chủ được lý trí – và tránh được tình huống :

“Chưa đánh được người mặt đỏ như vang

Đánh được người mặt vàng như nghệ”.

Khi chưa đánh được người ta thì giận dữ hung hăng

Khi đánh được người ta rồi thì ân hận, lo lắng vì sợ phạm tội

+ Khi vui quá : khi đội banh mình ưa thích đoạt giải vô địch Euro 2008, thì một năng lượng náo nhiệt xuất hiện, nó bắt ta phải làm gì đó. Ta hét, đập bàn, đập ghế để ăn mừng.

+ Khi buồn quá : cuộc tình đổ vỡ – một năng lượng tuyệt vọng xuất hiện. Năng lượng này cũng rất mạnh, có khi khiến ta làm những hành động dại dột, nguy hiểm đến tính mạng.

+ Khi cô đơn và muốn có người hiểu để chia sẻ nỗi niềm : một năng lượng bức xúc xuất hiện, có thể khiến ta kiếm người để tâm sự, để ôm ấp. Đây là trường hợp năng lượng tâm lý chuyển sang năng lượng tình dục. Hiện tượng “tình một đêm” đa số là do lý do này. Ta cũng có thể chuyển hóa năng lượng tình dục qua năng lượng khí và thần. Người tu trong nhà thiền thực tập chuyển hóa năng lượng tình dục thành năng lượng tu học, để có thể thành công trên con đường lý tưởng, như bài kệ dưới đây:

Xin đem năng lượng này,

Chuyển thành tinh tấn lực,

Đường lý tưởng đi lên,

Sự nghiệp mau hoàn tất.

Khi ta không còn bị cảm thọ chi phối, ta có thể bình tĩnh nhìn lại những gì đã xảy ra để ứng phó với những phiền muộn một cách thích đáng.

Bản chất của thương yêu là phải có tính đồng nhất

Niềm vui của ta cũng chính là niềm vui của người kia, nỗi khổ của người kia cũng là nỗi khổ của ta. Không có cái ước vọng của riêng anh mà em không biết, không có cái sở thích của riêng em mà anh chẳng cần quan tâm. Anh và em khi đã kết tóc se duyên thì hai cuộc đời coi như một. Cái gì xảy ra cho người này là xảy ra cho người kia, số phận người này sẽ tùy thuộc vào số phận người kia. “Mình với ta tuy hai mà một”, hai thể xác hòa quyện thành một linh hồn, một số phận, thì đó mới đích thực là tình yêu lứa đôi. “Mình” là tiếng xưng hô của ta đối với người khác, nhưng cũng để gọi người bạn đời bằng cái giọng thiết tha trìu mến. Ngay tiếng gọi đó ta đã thấy được sự sáp nhập ranh giới giữa đôi bên, cái ngã riêng biệt bị phủ lấp.

Dù ta và người ấy có nguyện vọng sáp nhập cuộc đời nhau thành một, hòa điệu với nhau về tính cách và lý tưởng sống, thì ta cũng đừng bao giờ quên rằng họ vẫn có những điều rất khác với ta. Bởi họ có gia đình, bạn bè, tập quán, kiến thức, nhận xét, cảm xúc, sở thích và cả lý tưởng của riêng họ. Ta muốn thương yêu thì chỉ xin được tham dự vào cuộc đời của họ, chấp nhận và giúp đỡ, chứ không phải tìm cách đẩy cuộc đời của họ ra để đặt cuộc đời của ta vào và muốn làm chủ.

“Ta với mình tuy một mà hai” :  Là 1 : vì muốn hướng tới sự đồng điệu hòa hợp. Là 2 : vì muốn hướng tới sự buông xả tự do.

Buông xả nghĩa là không thao túng hay giam hãm đời nhau, cho nhau không gian thênh thang để thở, để thảnh thơi, để hòa điệu với mọi người và sự sống. Đây là một thách đố rất lớn, bởi ta thường hay nhân danh tình yêu để bắt đối tượng ta yêu đem nhốt vào “tháp ngà” của ta. Ta muốn họ phải say mê chiều chuộng ta, nhất nhất phải theo ý ta, phải ở đó mãi cho ta và nếu có đi đâu cũng phải trong tầm kiểm soát của ta, đầu óc lúc nào cũng phải nghĩ đến ta và chỉ có ta mà thôi. Nhưng ta thật quá ngây thơ, bởi mong muốn tự do của mỗi người vô cùng lớn, càng bị giam hãm thì càng muốn thoát ly. Thương yêu mà người này trở thành lính gác của người kia thì cuộc sống ấy khác gì chuyến lưu đày tù tội.

Dìu nhau qua gian khó

“Có yêu mới ghen”. Điều này cũng có lý, bởi nếu không thương yêu thì ta đâu cần tỏ thái độ muốn giành lấy người kia lại làm gì? Nhưng nếu ta nói ta rất thương yêu thì tại sao ta lại làm cho họ khổ mỗi khi ta nổi cơn ghen ? Sự thật là ta đang yêu chính ta đó thôi. Ta đang thương cho cái cảm xúc tổn thương vì bị bỏ rơi, bị mất giá trị trong mắt người kia.

Dĩ nhiên trong tâm ai cũng có chứa hạt mầm ích kỷ, và đời sống hôn nhân phải có những cam kết ràng buộc chắc chắn. Nhưng nếu ta để nó biến thành nguồn năng lượng quá lớn lấn át hết mọi nghĩa tình thì tình yêu sẽ dễ bị rạn nứt và phá vỡ. Bởi bản chất của tình yêu luôn là sự tự nguyện. Khi người kia thoát ra khỏi ta mà họ thở phào nhẹ nhõm thì chứng tỏ tình cảm mà họ dành cho ta đang rất miễn cưỡng, chẳng qua là vì bổn phận hay trách nhiệm.

Cho nên, chút ghen hờn tinh tế có thể làm cho người kia thức tỉnh và vui sướng vì thấy mình vẫn còn được thương yêu. Nhưng để nó trở thành một cơn sốt mãn tính hay một trận cuồng phong không định hướng thì sẽ khiến người kia rất mệt mỏi, thất vọng và chán nản. Vì họ đã thấy được cái không gian bé xíu mà ta đã quy định cho họ và cả những màn phản ứng hạ đẳng nhất của ta trong khi giành lấy họ về và trừng phạt.

Thật ra ta cũng là nạn nhân đáng thương của cảm xúc chính mình, nên ta cũng cần được giúp đỡ. Đừng vì tự ái mà ta cố tránh né sự thật: “Tôi mà ghen à ? Anh tưởng anh là ai mà tôi phải ghen chứ”. Nếu ta đã dùng hết cách mà vẫn không chuyển hóa nổi cơn bão ghen tuông đang tàn phá trong ta và sắp tràn lấp ra ngoài thì hãy nhờ người kia giúp ta một tay.

Hãy viết một thiệp báo là ta đang rất khổ vì hờn ghen, xin hãy giúp ta lấy năng lượng độc hại đó ra. Người kia là một người có hiểu biết và tình thương thì không thể nào khước từ một lời thỉnh cầu thành khẩn như vậy. Nhân lúc họ có thiện chí quay về giúp đỡ thì ta hãy xin họ nói cho ta biết là ta nên làm gì hay không nên làm gì để đáng yêu hơn.

Nhớ đừng dùng tới cách “khổ nhục” để khiến họ động lòng trắc ẩn hay cắn rứt lương tâm. Giải pháp đó tuy hữu hiệu nhất thời nhưng lại thể hiện sự thấp kém của ta và làm cho họ khinh lờn khi nhận ra, sau này họ sẽ không dễ rung động trước mọi phản ứng của ta dù là rất thật.

Người vẫn ở trong tôi

Như tôi mãi trong người

Chút ghen hờn yếu đuối

Làm nghĩa tình phai phôi.

Theo Lớp Giáo Lý Phật Pháp Và Cuộc Sống-Hiểu Về Trái Tim

Biên tập: Phật Pháp Ứng Dụng