(PPUD) Trải qua hơn 2500 năm, Phật giáo đến nay vẫn phát triển mạnh mẽ và lan tỏa trên toàn thế giới. …

Giáo dục của nhà Phật về vấn đề ăn chay với việc bảo vệ môi trường

… Số lượng Phật tử không chỉ gói gọn ở các quốc gia Phương Đông mà người tu học Phật pháp tại nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc đang ngày càng tăng.

Sức sống mạnh mẽ của Phật giáo bắt nguồn từ chân lý thâm diệu mà Đức Bổn Sư Thích Ca truyền trao đã đem đến những giá trị thiết thực đối với đời sống tinh thần của con người.

Phật giáo không chỉ khuyên con người về nhân quả, nghiệp báo, làm lành lánh dữ, hướng dẫn con đường giải thoát … mà còn có những bài giảng liên quan đến bảo vệ môi trường. Vấn đề này đang là điểm nóng và thu hút sự quan tâm của toàn nhân loại. Trước những biến động dữ dội hằng ngày, hằng giờ diễn ra hành tinh như thiên tai, hạn hán, núi lửa, sóng thần, các nhà khoa học, tổ chức, cá nhân đang ra sức vận động mọi người hãy chung tay bảo vệ môi trường vì một thế giới tốt đẹp hơn. Nhiều chương trình bảo vệ môi trường như hưởng ứng “Giờ Trái Đất”, “Ngày môi trường thế giới”, kêu gọi mọi người không dùng các sản phẩm làm từ các con thú … Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường của con người trong giáo lý nhà Phật cũng vô cùng sâu sắc và mang giá trị to lớn.

Giáo dục của nhà Phật về vấn đề ăn chay với việc bảo vệ môi trường

Trước hết, nhìn lại lịch sử Đức Phật, chúng ta có thể thấy cả cuộc đời Ngài đều gắn liền với thiên nhiên. Năm 624 TCN, tại vườn Lâm Tỳ Ni, Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh. Sau khi xuất gia học đạo, ngài tu ở rừng khổ hạnh lâm. Dưới gốc cây Bồ đề, Đức Phật chứng quả giác ngộ vô thượng.

Bài pháp thoại đầu tiên của đức Phật cho năm anh em Kiều Trần Như là ở Lộc Uyển – Vườn Nai, xứ Ba La Nại. Cuối cùng Đức Phật thị tịch ở rừng Sa La. Có thể thấy rằng, cả cuộc đời của Như Lai từ khi thị hiện cho đến lúc nhập Niết Bàn đều gắn liền với môi trường, cây cỏ thiên nhiên. Đây không phải là trường hợp ngẫu nhiên mà thực tế mọi chuyện đều phải được soi chiếu bằng tuệ giác của bậc Giác Ngộ mới có thể hiểu hết ý nghĩa của nó.

Không chỉ cuộc đời tu tập và hành đạo của đức Phật ở trong rừng, cạnh những dòng suối trong lành, tịch tịnh mà ngay trong giới luật của hàng Tỳ kheo lúc bấy giờ trong việc bảo vệ môi trường cũng rất nghiêm ngặt. Chẳng hạn, trong luật của Phật dạy, các thầy Tỳ kheo không được chặt đốn phá rừng bừa bãi. Ngày xưa các vị tỳ kheo không dùng đến dao kéo, thức ăn có được là nhờ Phật tử cúng dường. Oai nghi nhà Phật còn dạy Tỳ kheo không được đi trên cỏ xanh, không được nhổ nước bọt vào nước. Việc làm này của đức Phật đã thể hiện ý thức bảo vệ môi trường rất tốt. Ngay từ xa xưa, Bậc Đại Trí Đại Giác đã hiểu được tầm quan trọng của thiên nhiên đối với đời sống con người.

Ngày nay, tiếp nối con đường hoằng dương chánh pháp, các chư Tôn đức Tăng Ni trong nhiều bài pháp thoại của mình đều giáo dục Phật tử biết bảo vệ môi trường bằng nhiều việc làm thiết thực như ăn chay, tránh sát sanh, tránh mặc những trang phục làm từ da thú…Trong nhiều bài pháp thoại như Ăn chay của Hòa thượng Thích Trí Quảng; Ăn chay vì thế giới hòa bình của Thượng tọa Thích Nhật Từ; Trái đất này là của chúng ta, Ăn chay và ăn mặn, Ăn chay, sức khỏe và môi trường, Tận thế do đâu của Đại đức Thích Phước Tiến đều là những bài dạy bổ ích cho không chỉ riêng hàng Phật tử mà có ý nghĩa với mọi người trên khắp thế giới này.

Giáo dục của nhà Phật về vấn đề ăn chay với việc bảo vệ môi trường

Trong bài pháp của mình, các Thầy đã nêu lên vấn nạn ô nhiễm môi trường, thiên tai, hạn hán đều xuất phát từ lòng tham của con người. Với ham muốn bồi đắp cho thân này mà con người đã giết hại rất nhiều động vật. Để phục vụ cho nhu cầu của mình, hàng ngàn khu chăn nuôi gia súc hình thành. Những thống kê được đưa ra rất chính xác và dựa trên các số liệu cụ thể: các nhà khoa học đã nghiên cứu và thấy rằng các chất thải của việc chăn nuôi gia súc thải ra môi trường nước, không khí gấp 4 lần chất thải của xe hơi và các khu công nghiệp (Ăn chay bảo vệ môi trường của Đại đức Thích Phước Tiến). Thêm vào đó, việc chăn nuôi gia súc gia cầm, lượng khí metan thải ra từ các vật nuôi đã góp phần làm biến đổi khí hậu, tăng hiệu ứng nhà kính. Trong bài pháp thoại Ăn chay vì thế giới hòa bình của Thượng tọa Thích Nhật Từ đã nêu lên mức độ tổn thất nước ngọt, không khí, đất của công nghệ sản xuất thực phẩm mặn là rất lớn: Để chế biến 450 gram thịt mất 9,46 m3 nước; Cứ 7 tấn gà bị giết thì có 1, 6 tấn chất thải tung ra ngoài không khí,  tạo ra 550 triệu tấn khí metan, ảnh hưởng đến sự nóng lên toàn cầu; Cách đây khoảng 40 năm. độ dày của đất màu là 53 cm trên hành tinh thì nay chỉ nơi cao nhất chỉ là 15 cm. Mỗi năm, chúng ta mất khoảng 25 tỷ tấn đất màu. Tất cả những thiệt hại ấy bắt nguồn từ chính nhu cầu ăn uống các sản phầm làm từ động vật của con người.

Như vậy, nhờ kết hợp khéo léo, uyển chuyển từ các con số khoa học cụ thể, các bài giảng của các giảng sư đã trở nên rất gần gũi và có sức tác động mạnh mẽ đến ý thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ vì một thế giới sanh – sạch – đẹp.

Ngày nay, nhiều người buộc phải thừa nhận giá trị thực sự mà ăn chay đem lại lợi lạc cho sức khỏe con người và góp phần bảo vệ môi trường. Theo đó, người ta dần dần nhận ra rằng, Phật giáo không phải là tôn giáo mê tín, hư huyễn mà những giáo lý của Như Lai song hành và vượt trước cả những khám phá của khoa học. Phật giáo đã góp phần giáo dục con người về nhân cách, đạo đức, lối sống và cả ý thức chung về một thế giới hòa bình, trong lành và xinh đẹp.

Ngọc Linh

theo Phật Pháp Ứng Dụng