Trong bài viết này, người viết xin giới hạn đề tài trong phạm vi giáo dục. Nếu chúng ta từng tôn xưng Đức Phật là một nhà đại giáo dục, thì vấn đề đặt ra là tìm hiểu những đóng góp của Phật giáo trong quá trình phát triển nền tảng giáo dục của xã hội từ xưa đến nay, sau đó gợi mở và định hướng cho giáo dục hiện đại. Qua hơn 25 thế kỷ ảnh hưởng, Phật giáo đã đóng góp nhiều cho văn hóa nhân loại, nếu không muốn nói là Phật giáo có thể làm nên cái gọi là Văn hóa Phật giáo. Sự đóng góp này đòi hỏi Phật giáo phải có một hệ thống giáo dục cụ thể. Vì thời gian có hạn, bài viết này xin tóm lược trong 3 vấn đề chính. Thứ nhất là Nền tảng giáo dục Phật giáo; thứ hai là Tinh thần giáo dục Phật giáo và sau cùng là xin trình bày Những gợi mở về định hướng giáo dục phật giáo thời hiện đại.
1. Nền tảng giáo dục Phật giáo
Khác với những tôn giáo và triết lý vốn chủ trương mọi sự trên đời do thần linh chi phối, hoặc cho rằng con người sinh ra đều có một số mệnh nhất định, Đức Phật xem sự hình thành của con người như một kết quả của quá khứ. Thuật ngữ nhà Phật gọi đó là nghiệp. Nghiệp của quá khứ kết hợp với những hành động thân khẩu ý trong hiện đại để tạo thành những nghiệp mới. Và triết lý giáo dục phật giáo không gì khác hơn là chuyển nghiệp, chuyển những hành nghiệp xấu ác trở thành những nghiệp thiện và từ thiện đưa đến giải thoát nghiệp. Về mặt nhận thức, phật giáo không nói “ nhân chi sơ” tánh thiện hay ác như các nền triết học Trung Hoa xưa, Đức Phật chỉ nhằm vào nổi đau khổ của con người trong hiện đại, đưa ra những phương hướng đế giúp con người chuyển nổi đau khổ ấy thành hạnh phúc, an lạc và giải thoát. Như vậy, trước hết phật giáo là con đường giáo dục con người đủ cả hai mặt nhận thức và hành động. Hành động mà không có nhận thức đúng đắn về chính mình là một hiểm họa.
Nếu nhận thức đúng về mình, giáo dục sẽ có khả năng khai phóng con người một cách triệt để. Các tư tưởng truyền thống bởi quá xem trọng sự chi phối của định mệnh hoặc thần linh, nên không phát triển hết khả năng của con người. Bàng bạc trong hầu hết các kinh điển của nhà Phật, Đức Phật dạy: “ Con người là chủ nhân những nghiệp mệnh của mình. Con người củng là kẻ thừa tự tất cả những nghiệp dĩ mà mình gây tạo” (Tăng Chi I). Về phương diện tư tưởng, đó là một cuộc cách mạng về nền tảng giáo dục trong lịch sử nhân loại mà sau hơn 25 thế kỷ, thế giới mới biết đến. Chính nhờ nhận thức hết sức nhân bản này mà giáo dục Phật giáo tin rằng con người có một khả năng gần như vô tận để tiếp thu mọi kiến thức của vũ trụ và nhân sinh, để từ đó có thể điều chỉnh mọi hành động tâm lý, vật lý, sinh lý, và tư duy của mình. Chính vì không tin vào định mệnh, qua giáo lý Vô ngã, giáo lý cốt tủy của Phật giáo, Đức Phật chỉ ra khả năng giác ngộ toàn triệt của con người. Đây là một thông điệp vĩ đại. Nếu con người nhận thức được nền tảng này, đời sống sẽ mở ra một nguồn sáng tạo vô biên khả dĩ giúp cho nhân loại phát triển đến vô cùng, không còn bị đóng khung trong những định kiến hẹp hòi của quan điểm hữu ngã và thần linh.
Thi sĩ và là danh họa lừng danh vangogh đã từng nói: “Trong cuộc đời, và cả trong nghệ thuật cũng vậy, rất có thể anh bỏ qua không cần đến thượng đế. Nhưng anh – kẻ khổ đau – anh không thể bỏ qua không cần đến một điều còn cao viễn hơn anh – chính là đời anh – quyền năng sáng tạo”. Vâng! Quyền năng sáng tạo là quyền năng bất tận của con người. Lời tuyên bố của vangogh có thể gây sững sờ đối với tư tưởng Tây Phương đầu thế kỷ 20, nhưng thế giới lại chăng biết rằng Đức Phật đã dạy điều ấy từ hơn 25 thế kỷ trước.
Khi đã có niềm tin vào chính mình, Đức Phật xác lập mục tiêu của giáo dục. Đó là đào tạo con người tự thân hoàn thiện và đào tạo con người xã hội. Con người tự thân cần phải hoàn thiện những xung động tình cảm, ý chí và tâm sinh lý của mình. Con người xã hội là con người đáp ứng những nhu cầu xã hội như chính trị, kinh tế, giáo dục… Đây là hai mục tiêu của một nền tảng giáo dục hoàn chỉnh. Trong rất nhiều kinh điển Nikàya, Đức Thế Tôn đã chỉ dạy cặn kẽ hàng đệ tử xuất gia và tại gia nổ lực tu học để hoàn thiện nền tảng này. (dừng lại để trích dẫn).
Khởi đi tự nhận thức về chính mình và sự tương quan của con người trrong xã hội, Đức Phật chỉ ra phương thức giáo dục là con đường tiếp cận mỗi cá nhân. Cá nhân có thể ảnh hưởng đến tập thể, nên giáo dục con người chú trọng đến mỗi cá nhân chứ không phải tập thể. Bởi vì mỗi con người có những khác biệt về tâm sinh lý, hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Đây là tinh thần khế lý khế cơ của đạo phật. Tùy theo ngôn ngữ, trình độ và điều kiện tâm sinh lý mỗi con người khác nhau mà áp dụng phương thức giáo dục cho mỗi cá nhân khác nhau. Không thể áp đặt mọi người vào trong một phương thức nhất định. Đức Khổng Tử cũng đã dạy: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Các học đường Âu Mỹ hiện đại cũng đã gặp Phật giáo trong lĩnh vực này: đặt nền tảng giáo dục dựa trên mổi cá nhân để khai phóng tiềm năng vô tận của con người phù hợp với bản thân họ. Phật dạy “Ngươi phải làm công việc của ngươi, vì như lai chỉ dạy con đường” (Dhp.XX4). Mỗi cá nhân phải tự có trách nhiệm của mình. Nếu chưa hoàn thiện được mình, sự hiện hữu của mình sẽ làm phương hại đến xã hội là điều không thể tránh khỏi.
2. Tinh thần giáo dục Phật giáo
Tinh thần giáo dục hay nói dễ hiểu hơn là những tính chất đặt thù trong tinh thần giáo dục Phật giáo. Đây là những yếu tố cực kỳ quan trọng tạo nên một nền giáo dục toàn diện, sáng tạo và phù hợp. Một trong những nét son trong nền giáo dục Phật giáo là tinh thần thực tiễn, nghĩa là quy hết trong tâm giáo dục vào thời điểm hiện đại. Kinh A-nan Nhất Dạ Hiền trong Trung bộ quyển 3 ghi: “ Quá Khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng…”. Phẩm “Cây Lau” trong Tương Ưng Bộ 1 cũng ghi: “ Không than việc đã qua, không mong việc sắp tới…”. Con người chỉ thực sự là mình khi con người sống chánh niệm trong hiện tại. Con người hiện nay nói chung không có hạnh phúc chỉ vì không biết sống trong hiện tại. Tất cả những tư duy hoặc xét nét ở quá khứ, hoặc không có viễn vọng ở tương lai điều dẫn đến những tâm lý sầu muộn, rối loạn và ảo tưởng sai lầm.
Nhan nhản trong Nikàya và Agama, Đức Thế tôn đã không trả lời những câu hỏi thuộc vấn đề siêu hình. Trong Trung Bộ 2, Đức Phật đã nói cho Malunkyaputta nghe câu chuyện một người bị mũi tên độc cắm vào mình. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật cũng dạy các tỳ Kheo sau khi đi ra từ khu rừng Simsàpa ở Kosambi: “Những gì Như Lai chứng đắc được như lá trong rừng, còn những gì Như Lai giảng dạy thì ít như nắm lá Simsàpa trong tay”. (dừng lại để nói kỹ thêm). Giáo dục thực tiễn là nền giáo dục dạy con người quán sát rõ thân tâm của mình, giải trừ tham sân si để tìm nguồn an lạc, hạnh phúc trong hiện tại. Đức Phật bác bỏ sự cầu nguyện, tế lễ hay đặt niềm tin vào một tín điều nào bên ngoài tự thân. Chính nhờ tinh thần thực tiễn, thực tế, giáo dục Phật giáo thoát ra ngoài sự chấp thủ, hướng dẫn và khích lệ con người có tinh thần độc lập, giải trừ những định kiến hẹp hòi, óc bảo thủ, nô lệ vào truyền thống và lý luận suông. Ở đây, chúng ta bắt gặp tinh thần phê phán mạnh mẽ mà nền giáo dục Tây phương hiện đại đang áp dụng. Mỗi cá nhân đều có những tư duy độc lập của mình, mỗi người đều có thể dùng sức nội phán để trải nghiệm mọi lĩnh vực của đời sống theo tinh thần chân thiện mỹ. Trong Tăng Chi Bộ và Trung Bộ, chúng ta được đọc nhiều lần giai thoại Đức Phật dạy cho những người Kalàma khi họ hoang mang trước những lời tuyên bố của ngoại đạo. Phật dạy: “Này các Kalàma, đừng để bị dẫn dắt bởi những báo cáo, hay bỏi tin đồn. Đừng để bị dẫn dắt bởi thẩm quyền kinh điển, hay bởi lý luận suông, hay bởi suy lý, hay bởi sự đoán bề ngoài, hay bởi vì thích thú trong những lý luận, hay bởi những điều tuồng như có thể xảy ra, hay bởi ý nghĩ “đây là bậc đạo sư của chúng ta”. Nhưng này các Kalàma, khi nào các ông tự mình biết chắc chắn rằng những việc ấy là Thiện, là tốt, hãy chấp nhận và theo chúng”(Tăng Chi I, trang 216-217, Bd. Hòa thượng Minh Châu) (dừng lại trích dẫn thêm câu này trong Hán Tạng).
“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. “ Đức Thế tôn chỉ là bậc đạo sư trên nguyên tắc” là những quán ngữ mà nhà trường Phật giáo thường chỉ dạy. Giáo dục không đơn thuần là sự truyền trao mà chính là khích lệ, hướng dẫn cho người học tự khám phá. Kinh điển Bắc tạng nhiều lần nói đến các từ “Dược Sư” “Dược Vương” để chỉ đức Thế tôn. Ngài chỉ là ông thầy thuốc, biết thuốc chữa bệnh cho chúng sanh, Uống hay không uống, bệnh hết hay không hết là việc của người bệnh chứ không phải thầy thuốc. Có cả một kho tàng văn học Phật giáo nói về sự giáo hóa của Đức Thế tôn và các bậc thánh đệ tử (dẫn chứng thêm Ưu-ba-ly, Nan-đà, Xá-lợi-phất…)
Một nền giáo dục toàn diện không phải chỉ cung cấp kiến thức, rèn luyện sức khỏe hay một số vấn đề luân lý đạo đức. Nền giáo dục toàn diện là nền giáo dục có cái nhìn nhất quán và toàn diện về con người. Phật giáo cho rằng con người là một hợp thể Ngũ uẩn (sắc thọ tưởng hành thức), bao gồm cả hai phần thể chất và tinh thần. Giáo dục toàn diện là hướng dẫn cả hai phần ấy trong hợp thể Ngũ uẩn. Tuy nhiên, Ngũ uẩn không phải là rốc rể của khổ đau hay hạnh phúc, mà chính là do long tham ái, chấp thủ đưa đến. Ngũ uẩn là duyên sinh chứ không phải là những yếu tố cố định, do tham ái đưa đến đau khổ, giải trừ tham ái sẽ đạt đến hạnh phúc. Muốn giải trừ tham ái thì phải có trí tuệ là tuệ giác như thật chứ không phải là những kiến thức sách vở. Người có trí tuệ là người có chánh kiến và chánh tư duy, những phạm trù căn bản trong Bát chánh đạo, không phải là những tư biện hẹp hòi trên tri giác sai lầm từ bản ngã của con người.
Đạo đế trong Tứ diệu đế, giáo lý căn bản của phật giáo, có thể xem như giáo lý bao hàm toàn bộ tinh thần giáo dục Phật giáo. Đạo đế là con ngưởi hay phương pháp mà Đức Phật chỉ dạy giúp chúng ta diệt trừ được khổ đau, chính xác hơn là diệt trừ được nguyên nhân khổ đau. Trong đạo đế, Đức Phật nêu ra 37 đạo phẩm, gồm 7 chi: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, và bát chánh đạo. Trong đó, Đức Phật chú trọng tinh thần giáo dục đánh thức khả năng của con người một cách triệt để (Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần). Tứ chánh cần có ý nghĩa khích lệ. Tứ niệm xứ và bát chánh đạo nâng cao tinh thần giáo dục thiền định để đạt đến trí tuệ như thật và tinh thần trung đạo để không rơi vào chấp thủ, cực đoan. Thông qua đó, giáo dục Phật giáo nhấn mạnh tinh thần tùy duyên bất biến. Ngài đã sử dụng vô số phương pháp để giáo hóa người hữu duyên, có lúc kể chuyện, giảng giải, có lúc nêu thí dụ, phản biện hay hỏi ngược lại, cũng có lúc ngài im lặng để dập tắt những câu hỏi viễn vông
Nắm vững được những nguyên tắc căn bản tinh thần giáo dục Phật giáo, nhà giáo dục sẽ giúp cho đối tượng giáo dục hoàn thiện con người tự thân và con người xã hội. Những tiêu chuẩn đó đã được nói từ xưa, được áp dụng thành công trong quá trình phát triển của Đại Thừa Phật giáo, đóng góp thiết thực cho sự tồn tại của dân tộc Việt Nam và sẽ là chất liệu không thể thiếu trong nền giáo dục toàn cầu hiện tại cũng như mai sau.
3. Giáo dục Phật giáo – gọi mở và định hướng giáo dục trong thời hiện đại
Trong Túc Sanh truyện có ghi: “Ta liệt Brahma vào hạng bất công, vì đã tạo nên một thế giới hư hỏng”. Ở đây Đức Phật khéo léo không phủ nhận quan điểm sáng tạo của Phạm thiên, vốn là tín ngưỡng cố hữu của Bà la môn giáo, nhưng Đức Phật đã thẳng thắn nhìn nhận sự bất toàn của thế giới và con người. Chiến tranh, dịch bệnh, môi trường ô nhiễm cũng như tất cả những thứ tạo nên sự đau khổ của con người do đâu, nếu chẳng phải do chính con người tạo ra?
Căn bệnh lớn của con người là không thấy được nguyên nhân đau khổ của mình, mà quy tội hết cho thần linh hoặc ngoại giới. Từ đó, con người không đóng góp thiết thực cho xã hội mà chỉ ngồi chờ tác động của xã hội đưa đến. Dần dà, con người trở nên thụ động và bi quan.
Tổng thống kenedy từng có câu nói riêng: “Đừng hỏi tổ quốc đã cho mình những gì, mà đừng hỏi mình đã làm gì cho tổ quốc”. Đúng vậy! khi cá nhân không làm được gì cho tập thể thì cũng khó đòi hỏi tập thể làm được gì cho cá nhân. Giới trẻ Việt Nam hiện nay thường chạy theo bằng cấp, mong muốn có một chỗ đứng trong xã hội chỉ với mục đích duy nhất là tìm một đời sống bình an tạm bợ cho bản thân và gia đình, mà không nghĩ đến việc phát huy duy nhất tiềm năng bất tận trong mình để đóng góp cho xã hội. Hội chứng này đã làm chậm lụt sự phát triển của xã hội. Giáo dục Phật giáo khai phóng tự ngã để từ đó cá nhân tỏa sáng và ảnh hưởng lại xã hội.
Căn bệnh thứ hai của giới trẻ, kể cả những nhà giáo dục hiện đại là quá tin tưởng vào khoa học kỹ thuật. Suzuki trong tác phẩm Thiền Luận từng nói đến ví dụ chiếc ghế ba chân. Nếu kéo dài chân ghế khoa học kỹ thuật, trong khi hai chân ghế thuần phong mỹ tục vào đạo đức tâm linh càng ngày càng ngắn sẽ dẫn đến trường hợp chiếc ghế mất thăng bằng và đỗ vỡ. Nhà giáo dục Pháp Jean Jacques Rouseau cũng từng nói: “ Khoa học kỹ thuật làm băng hoại phong mỹ tục và đạo đức tâm linh”. Giới trẻ ngày nay thường lao đầu vào những thành tựu tin học, lang thang mãi trên xa lộ thông tin mà không chịu khám phá nơi chính mình, từ đó con người trở nên xơ cứng, cọc cằn, máy móc. Hễ có cơ khí thì có cơ tâm. Điều này chẳng phải mới mẻ gì, ngày xưa Trang Tử đã từng nói. Danh hài Sarly Saplaint cũng đã từng cảnh báo qua bộ phim “Thời Hoàng Kim” từ đầu bán hậu bán thế kỷ XX. Thế nhưng mãi đến ngày nay chúng ta vẫn chưa thấy được tai hại do việc sùng bái khoa học mà không chịu trở về với chính mình. Tại Đại học Machechusette ở Mỹ năm ngoái, chúng tôi được mời cùng quý thầy có năng lực vào hướng dẫn cho sinh viên thực tập thiền quán. Đó là cách người ta vận dụng giáo dục phật giáo trong học đường. Chúng tôi cũng vừa tham dự phật thất tại Nông Thiền Tự thuộc Cổ Sơn ở Đài Loan. Trong khóa tu này, rất nhiều sinh viên các trường đại học được gửi đến tham dự khóa tu Niệm Phật suốt một tuần, và chương trình này được tính điểm như một học phần gần như bắt buộc trong phần thi mãn khóa đại học. Trong khi ở VN, Một phần do những hạn chế, rất nhiều sinh viên khai trong lý lịch là Phật Giáo, Nhưng lại chẳng biết chút gì về những giá trị Phật giáo trong cuộc đi tìm hạnh phúc cho chính mình.
Căn bệnh thứ ba của giáo dục hiện đại là quá chú trọng việc thâu nạp kiến thức mà không có thời gian tiêu hóa những điều mình học được. Quan điểm của nhà giáo dục Pháp Jean Jacques Rouseau đã gặp được quan điểm giáo dục Phật giáo khi chủ trương con người trở về thiên nhiên. Một năm có 2 học kỳ và 3 tháng nghĩ hè. Những tháng nghỉ hè tạo môi trường cho trẻ em lìa thành thị với thiên nhiên, trèo lên hái ổi hái me vườn quê ngoại, tắm dòng sông quê hương hay ngắm trăng vàng dưới ruộng đồng bình lặng. Một lần nằm nghe sóng biển rì rào, một lần ngắm mây trời qua đỉnh núi hay nằm dưới cỏ hoa nhìn hoa rơi lá rụng còn học hỏi được gấp nhiều lần những kiến thức đọc được trên mạng Internet. Đọc các bộ Nikàya của Phật giáo, chúng ta được thưởng thức rất nhiều bài học đến từ thiên nhiên mà Đức Phật đã sử dụng để giáo hóa hàng đệ tử của ngài. Ngày nay ở VN, kỳ nghĩ hè chẳng khác nào học kỳ thứ 3, đó là chưa nói ngày ba buổi sáng chiều và tối, đêm về lại dán mắt vào màn hình vi tính hoặc ti vi. Một sinh viên ngày nay có thể có kiến thức hết sức phong phú và đa dạng, nhưng rốt cuộc những kiến thức ấy chẳng đủ năng lực để giải quyết những rất rối của chính mình. Đúng như một triết gia Tây phương đã từng nói: “ Biết thì biết tất cả, hiểu thì chẳng hiểu gì cả”. Một trường đại học thật ngày nay chỉ là một viện sưu tập sách vở. Thế giới ngày nay có khả năng lên đến sao Hỏa sao Kim, nhưng mục tiêu lớn nhất của con người là mưu cầu hạnh phúc thì lại quá xa vời do sự chi phối bởi sự duy lý, căng thẳng, từ đó đi đến đổ vở từ trong trứng nước.
Giáo dục Phật giáo rất chú trọng sự lý giải của mổi cá nhân. Kinh điển của Đức Phật được tuyên thuyết như những vấn đề được nêu ra để mỏi người có thể nhìn nhận chúng qua tư biện của mình. Từ đó lịch sử phát triển kinh diển Phật giáo sản sinh ra những bậc luận sư vĩ đại như Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, để lại cho kho tàng văn học nhân loại những bộ luận vô giá. Phật giáo Tây Tạng cũng hết sức chú trọng phương pháp biện luận. Sau khi học một bài học, các tăng sĩ được chia thành từng nhóm để đối luận những gì vừa học được, từ đó áp dụng cho đời sống bản thân. Hệ kinh điển Bắc Tạng cực kỳ phong phú so với Nikàya của Nam truyền cũng là những tinh thần kế thừa và phát triển này. Tại Việt Nam, thời đại hoàn kim của Phật giáo là Lý Trần, các bậc cao tăng như Khuông Việt, Vạn Hạnh, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ… Cũng kế thừa di sản văn hóa Phật giáo, kết hợp một cách cởi mở những học thuyết hữu quan như Khổng, Lão, đưa đạo Phật đi vào cuộc đời, đóng góp một cách thiết thực trong cuộc chống ngoại sâm, dành độc lập cho dân tộc và hướng đạo nhân quần tìm được chân hạnh phúc thông qua các đức mục từ bi, trí tuệ vô ngã và vị tha.
Nền giáo dục hiện đại, nếu áp dụng giáo dục Phật giáo thì ngoài những kiến thức căn bản, giáo dục phải biết chú trọng nhân văn. Giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, tình cảm là những học phần căn bản, ngang bằng và thậm chí nhiều hơn những kiến thức khoa học kỹ thuật. Từ đó chúng ta mới có được những sáng tạo về thi ca, văn học, hội họa, âm nhạc hay các loại hình nghệ huật nói chung. Một sinh viên ngày nay xa dần với thi ca, lãnh cảm với những tác phẩm nghệ thuật, mơ hồ về đức dục, quay lưng với chính mình. Đó là nguyên nhân của mọi đỗ vở từ gia đình đến xã hội. Nếu không kịp thời chấn chỉnh và áp dụng những gợi mở từ nền tảng giáo dục Phật giáo, tương lai của chúng ta chưa biết sẽ đi về đâu (có thể dừng lại nói thêm vài ý….)
Để đóng góp thiết thực cho xã hội và hoàn thiện tự thân, giáo dục Phật giáo hướng dẫn con người phải biết dấn thân, quay trở về chính mình để tìm ra con đường thật của mình, từ đó đem những năng lực của mình phụng hiến cho đời sống với tinh thần Bồ-tát đạo. Khi hiểu được con người vốn vô ngã, con người không quan tâm đến vấn đề tư hữu mà làm thế nào để môi trường và xã hội xung quanh được tốt đẹp hơn.
Cuối cùng, xin mượn lời của thánh Gandhi để kết thúc bài viết nhỏ bé này: “Sự hy sinh của ta phải ngàn lần cao cả hơn sự hy sinh của kẻ khác. Một kiếp sống chưa đầy sự hy sinh – đó là đỉnh tối cao của nghệ thuật”.
Vĩnh Minh