Đợt gió mùa tràn về lần này xem ra khá dữ dội…
Gió thổi giạt bụi đất và lá khô vướng vào trong những lùm cây, bụi cỏ khiến cho con đường đất nhẵn thín, sạch trơn như vừa được quét dọn. Gió ràn rạt thổi qua những bãi ngô, bãi mía khiến chúng cứ gập lưng xuống mà chống chọi, rưng rưng đến nhói lòng. Gió làm cho cánh đồng đã thưa vắng lại càng thêm vắng hơn, người người co ro, xuýt xoa tìm hơi ấm trong căn nhà nhỏ bình yên của mình mà ngại phải ra đồng. Cánh đồng mênh mông. Chỉ có đường ray dài trầm lặng, căn nhà nhỏ chênh vênh bên những tàu chuối bị gió quật xác xơ… Và cô đơn. Và gió mùa!
Một ngày – người đàn bà bỗng nghe trong gió thoảng hương ổi chín…
Bữa ấy, ông lão thấy bà lão dẫn theo về một người lạ. Một người phụ nữ tóc dài xõa tung, khuôn mặt ỉu xìu như một tàu lá héo. Thị chào ông lão rồi chui ngay vào bếp, ngồi bên đống lửa hồng, co ro như một con mèo lạnh trông đến tội nghiệp. Ông lão ngơ ngác:
– Ở đâu ra vậy?
Bà lão đang hì hụi nghiền miếng trầu trong chiếc cối nhỏ, và hết vào miệng rồi thì thầm:
– Tôi gặp ở giữa đường ray, lúc trên đường từ bến trở về.
– Thế… con bé định tự tử hả?
– Ừa! Lấy chồng được bốn, năm năm gì đó, nhưng mãi vẫn chửa có con. Đi khám bác sĩ, họ bảo vô sinh vô siếc gì đó… Gia đình chồng ruồng rẫy. Chán đời, đi tự tử.
– Khổ thân! – Ông lão chẹp chẹp miệng.
– Tôi hỏi rõ nguồn cơn, giảng giải, động viên. Rõ ràng chết chỉ có thiệt thân. Đời còn dài mà không muốn sống thì phí hoài quá đi chứ lị! Cứ như tôi và ông bây giờ, thèm được sống dài dài như thế, mà chẳng biết là còn được đến bao lâu, có đợi được thằng Hiếu về không nữa.
Nói đến đây, giọng bà cụ nghèn nghẹn, đưa bàn tay thô ráp của mình lên chùi chùi nơi khóe mắt. Ông lão thở dài:
– Giời có mắt. Vợ chồng mình ăn ở lương thiện, không làm điều gì xấu. Rồi nó cũng trở về thôi. Tên nó là Hiếu kia mà!
Đêm… Ngọn gió lùa mạnh, rào rào thốc vào mái hiên. Nghe thấy lũ gà con nhao nhác vì lạnh, ông lão lập cập trở dậy, mang mảnh vải mưa ra che. Bà lão nói với theo:
– Mặc thêm cái áo bông vào, ông nhé! Trời lạnh dữ. Ông mà cảm lạnh, đi trước tôi, chắc tôi cũng chết mất quá!
– Bà an tâm, sức tôi còn dẻo dai lắm! Lính Cụ Hồ mà!
– Ôi dào, lúc nào cũng tưởng mình trẻ trung như ngày xưa. Rõ thật là…
Bà lão móm mém cười, rồi kéo chăn lên. Chợt nhớ đến người đàn bà mới đến, bà nhổm người dậy nhìn. Thị đang ngồi chải tóc trước bức ảnh anh con giai bà, bên ánh đèn dầu hiu hắt. Đột nhiên thị ngừng chải, đưa bức ảnh lại gần mắt hơn, chăm chú nhìn, rồi bật khóc rưng rức trong đêm…
Thấm thoắt thế mà người đàn bà ấy về ở với hai ông bà già đã được gần một tháng. Từ ngày có thị, bà lão cũng rảnh rang hơn, chỉ việc ở nhà lo cơm nước. Còn thị sẽ thay bà, chiều chiều đi dọc đường tàu, xuôi mãi về phía dưới gần 2km – nơi có một bến đỗ để chờ anh con giai giúp bà. Thị cứ giữ khư khư bức ảnh trên tay. Nếu trong đám người xuống tàu kia, có người nào trông giống như thế, thị sẽ ào đến mà giữ lại. Nhưng khi ấy, thị sẽ nói gì nhỉ? Phải rồi, thị sẽ nói mình là con nuôi… À mà không, là vợ chưa cưới của anh, do mẹ anh chọn. Bà lão chẳng đã an ủi động viên, bảo với thị như vậy, rằng khi anh con giai về, bà sẽ tổ chức đám cưới cho hai người, rằng nếu không có duyên được làm con dâu thì bà cũng sẽ nhận thị làm con nuôi còn gì…
Nhưng sự chờ đợi nào mà mung lung, không biết được điểm dừng cũng thường làm cho con người ta chán nản. Thị cũng vậy. Thị tâm sự với bà lão. Bà lão móm mém cười:
– Đã ăn thua gì so với ta. Ta đã đi bộ, đã chờ tàu như thế suốt cả bốn, năm năm nay rồi, mà có bao giờ chán nản, tuyệt vọng đâu. Một năm có một mùa gió, ta với ông ấy đếm thời gian bằng những mùa gió thổi. Đó là mùa hanh hao, lành lạnh… Mà gió ở đây lạ lắm kia, không tới mùa thì thôi, tới mùa là thổi mãi, thổi mãi không ngừng… Con hãy nhớ rằng, sống ở đời là không bao giờ được để mất hy vọng. Giời sẽ không phụ lòng người tốt đâu con!
Bà lão lấy chiếc lược chầm chậm chải tóc cho người đàn bà và thủ thỉ:
– Phụ nữ làng này, cả đời không dứt ra khỏi gió được. Sinh ra chưa tròn năm đã nghe gió thổi lộng đất trời. Lớn lên một chút, gội đầu chưa kịp khô thì gió đã quấn miết lấy tóc, đến khi nào tóc rối thì thôi… Về nhà chồng, nấu bữa cơm trong mùa gió thì khói cứ bay vào mắt, nước mắt cứ thế mà chảy ra. Sinh ra được đứa con, sợ con bị gió máy nên càng phải ấp iu hơn gấp nhiều lần… Con sinh ra vào mùa nào trong năm?
Người đàn bà lặng im không nói gì. Bà lão vẫn vồn vã như trẻ nhỏ:
– Thằng Hiếu nhà ta sinh ra cũng vào mùa gió như thế này…
Rồi bà lão ngừng chải, ánh mắt buồn buồn dõi về phía xa xăm…
Sáng hôm ấy, ông lão thấy bà lão cứ đi đi lại lại ngoài sân vẻ bồn chồn…
– Có chuyện gì mà bà có vẻ sốt ruột vậy hả?
Bà lão nghiêng ngó, rồi mỉm cười:
– Thằng Hiếu nhà mình sắp về rồi ông ơi!
– Ai bảo với bà như vậy? – Ông lão không tin, nhưng nét mặt vẫn run run xúc động.
– Tôi nghe gió nói… Gió mùa nói với tôi là thằng Hiếu sắp về rồi đó ông ơi!
– Gió nói? Bà lại lẩm cẩm mất rồi. – Ông lão thở dài – Ừ, thì tôi cũng nghe gió nói chuyện nắng, chuyện mưa, chuyện mùa màng, chuyện cây cối… Ví dụ như hơn một tuần nay, nhờ gió mang mùi bắp chín đến nên tôi mới đi thu hoạch bắp về đây nè… Nhưng mà, gió nói chuyện với bà về thằng Hiếu thì tôi không tin…Gió nói sao với bà về thằng Hiếu, bà nói tôi nghe thử coi?
– Thì đó, ông không nghe gì sao? Mùi ổi chín. Thằng Hiếu thích nhất là ổi chín. Ông nhớ lại đi, từ ngày thằng Hiếu bỏ nhà ra đi, có bao giờ mình nghe gió mang mùi ổi đến bao giờ đâu… Giờ, chắc gió biết thằng Hiếu sắp quay về, nên báo hiệu trước đó.
Rồi trưa hôm sau, ông lão thấy người đàn bà níu tay áo, dẫn về một người lạ. Nhìn chàng thanh niên, ông lão xém giật mình gọi tên con, nhưng rồi kịp trấn tĩnh lại, ngậm ngùi…
– Tôi đã tìm thấy anh ấy, nhưng anh ấy nhất quyết không chịu nhận mình là Hiếu. Mặc kệ, tôi phải dẫn bằng được về đây, để xem anh còn chối được nữa không?
Ông lão lắc đầu, thở dài:
– Con nhầm rồi! Xin lỗi người ta, để cho người ta đi đi!
– Sao lại thế? Tôi không hiểu!
– Thằng Hiếu… Nó mất rồi con ạ. Mất cách đây 5 năm cơ, trên đường ray này… Cũng tại ta! Tại chúng ta nghèo quá, không cưới được vợ cho nó. Người ta tham vàng bỏ ngãi… Nó uất quá, đứng chửi đời trên đường ray. Rồi tàu lao đến, nó chẳng buồn tránh, cứ để cho cả khối sắt khổng lồ ấy đè lên mình. Cái thằng… Có lớn mà chẳng có khôn! Sao mà dại dột quá, Hiếu ơi!…
Ông lão khóc nấc lên, mắt hoe hoe đỏ. Nước mắt chẳng thể chảy ra. Bao nhiêu nước mắt trong đời đã nhỏ xuống, đã cạn cả rồi…
– Nó bỏ tôi và bà ấy đi khi đang gió mùa, cũng như thế này đây… – Giọng ông lão trầm buồn – Kể từ đó, vì nhớ thương con mà bà ấy trở nên lẩn thẩn như thế, lúc nào cũng tin nó chưa chết, chỉ theo chuyến tàu đi xa… Rồi chiều nào bà ấy cũng ra bến đứng ngóng, ngóng hoài, ngóng mãi; ngày qua ngày, tháng qua tháng mà không bao giờ tuyệt vọng!
Người đàn bà lặng người, khẽ buông tay áo chàng thanh niên ra. Đúng lúc ấy, bà lão trở về từ phía dòng sông. Thau quần áo trên tay bà rơi phịch xuống đất. Bà ngẩn người ra, rồi luống cuống chạy lại, ôm chầm lấy người thanh niên:
– Mày đã về rồi đấy hả con? Tao biết mà… Tao và ông ấy chỉ có mỗi mình mày, thương mày như thế, mày bỏ đi sao đành, đúng không? Về là tốt, về là tốt rồi!
Rồi bà lão líu ríu như trẻ nhỏ:
– Về lần này là không được đi nữa nghe con! Con đi rồi, gió cứ nhắc con hoài… Gió nhắc tới mùa trăng sao con không còn ra đồng để nghe gió thổi rì rào qua những kẽ lá… Gió hỏi sao không còn thấy con để đầu trần đi dọc theo những đường ray… Gió hỏi mẹ sao những chiếc áo mẹ phơi không còn có mùi mồ hôi của con nữa… Con coi, con đi lâu quá, những chiếc áo của con mẹ cứ đem ra ngắm nghía hoài, riết rồi mùi mồ hôi của con cũng không còn nữa…
Rồi bà lão quay sang phía người đàn bà nọ, mỉm cười:
– Tao đã rấm sẵn cho mày một mối rồi… Đấy, nó đang đứng cạnh mày ấy. Con bé hiền lành, tốt tính lắm cơ! Nó không sinh được con đâu. Nhưng không sao, chỉ cần bốn người chúng ta sống vui vẻ với nhau là được rồi, phải vậy không?
– Con… Cho con xin lỗi!
Chàng thanh niên bất ngờ bật khóc trên vai bà lão khiến ông lão và người đàn bà ngỡ ngàng…
Người thanh niên ấy sẽ phải ra đi, vì anh còn cuộc sống riêng của mình. Người đàn bà thì ở lại, chọn ngôi nhà nhỏ ấy làm nơi dừng chân cho cuộc đời của mình. Nhưng năm nào cũng vậy, khi đài phát thanh báo chuẩn bị có gió mùa về, anh lại trở lại ghé thăm ông lão và bà lão, nán lại một vài ngày rồi mới quyến luyến ra đi…
Hai năm sau thì bà lão mất. Ông lão buồn rầu thương nhớ, cũng ốm liệt giường, rồi mất theo. Khi người thanh niên trở lại, chỉ còn hai nấm mồ lạnh cô đơn (của hai con người đã cô đơn cả một đời) nằm lặng lẽ giữa cánh đồng, trong gió mùa lạnh lùng và hoang hoải thổi mãi trên những đường ray.
Một ngày – người đàn bà bỗng nghe trong gió thoảng hương ổi chín…
Lương Đình Khoa