(PPUD) Chúng ta sống về phương diện đời sống có vật chất, tinh thần và tâm linh. Thức ăn tâm linh là tố chất quan trọng đem đến an lạc, hạnh phúc.

Giọt nước cành dương

Một trong những chất liệu trong thức ăn tâm linh là nước cam lồ của Bồ Tát Quan Thế Âm.

Nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt của con người. Đồng thời, nước cũng là biểu tượng tâm linh trong truyền thống tôn giáo. Với nhiều nước như Trung Quốc, Hy Lạp, Phương Tây, Việt Nam … nước mang một ý nghĩa đặc thù là biểu tượng tâm linh. Giọt nước cành dương trong Phật giáo của Quan Thế Âm Bồ Tát là hình ảnh thiêng liêng và ý nghĩa rất lớn trong tâm thức của người con Phật. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ tìm hiểu về nước cam lồ tịnh thuỷ với những đặc tánh vô cùng đặc biệt.

Thời Đức Phật còn tại thế có dạy La Hầu La về đức hạnh của nước “Này La Hầu La, hãy tu tập. Sự tu tập như tính của nước, này La Hầu La, do tu tập sự tu tập như nước, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này La Hầu La, ví như trong nước người ta rửa đồ bất tịnh, rửa đồ tịnh, rửa sạch phân uế, rửa sạch nước tiểu, rửa sạch nước miếng, rửa sạch mủ, rửa sạch máu, v.v.. tuy vậy nước không lo âu, không dao động, không nhàm chán”.

Như vậy, nước có khả năng đón nhận, dung chứa, chuyển hoá những gì đến với mình. Dầu người ta đổ hương thơm hay những chất bất tịnh thì nước cũng không buồn hay vui. Tiếp đến, chúng tôi sẽ bàn về  định nghĩa về nước cam lồ và đặc tính của nước này:

Định nghĩa về cam lồ tịnh thuỷ

Cam lồ tịnh thuỷ có nghĩa là nước sạch cam lồ hay còn gọi là nước bát công đức thuỷ. Đây không phải là nước bất tử mà là vị nước của chánh pháp, do công năng tu tập mà nên.

Cành dương là cây có sự uyển chuyển, mềm mại biểu tượng cho hạnh nhẫn, tuỳ thuận mọi hoàn cảnh mà nhu nhương cho phù hợp.

Bình nước cam lồ tượng trưng cho giới đức của con người. Đời người cũng như bình nước cam lồ vậy. Nếu tâm ý dung chứa những suy nghĩ, cách hành xử xấu xa thì giống như chúng ta đang đổ nước bất tịnh vào cơ thể. Ngược người nào có đức hạnh, gìn giữ giới luật thì cũng như một bình dung chứa những điều thanh tịnh.

Pháp vị của dòng nước cam lồ

– Một khi tu Phật, hiểu pháp trong Đạo Phật thì thân tâm của mình nhẹ nhàng, tươi trẻ, nghe thời pháp, đọc một câu kinh, xá một lạy thì thấy an lạc.

– Nuôi dưỡng thân tâm mình. Nếu một người học Phật, cảm nhận được vị nước cam lồ thì sẽ thấy tiền tài, danh vọng chỉ là phương tiện để sống và tồn tại còn chánh pháp mới là con đường giúp chúng ta đạt được giải thoát ngay hiện đời. Hiểu được như vậy rồi thì dù gặp bất cứ khổ đau nào cũng chỉ là bình thường mà thôi.

– Không những thế, vị dòng nước bát công đức thuỷ còn giúp đời sống con người được thăng hoa, chuyển hoá cuộc đời từ đau khổ sang hạnh phúc, an vui.

Tám đặc tánh của nước bát công đức thuỷ

1. Trong sạch, thanh tịnh. Một vật gì dù cấu bẩn đến đâu nhưng sau khi được rửa qua nước cũng trở nên sạch sẽ, tươi mới. Cũng vậy, con người đạt được tự tâm thanh tịnh có nghĩa là đã được dòng nước cam lồ rửa trôi những uế tạp của thân, khẩu, ý và được thảnh thơi.

2. Nước cam lồ có mùi hương thơm thoang thoảng, mùi của đức hạnh. Người sống mà có đạo đức, thiện tâm thì cũng giống như người tạo ra nước cam lồ cho mình và cho mọi người vậy.

3. Sự nhẹ nhàng.

4. Sự mát mẻ.

5. Sự nhu nhuyễn. Người có trí tuệ, biết cách đối đãi thì dù ở đâu, hoàn cảnh mà có cách thích ứng linh hoạt.

6. Vị ngọt. Dòng nước cam lồ với vị ngọt không như mật mà đây là vị ngọt của tỉnh thức, chánh pháp.

7. Thấm nhuần thân tâm.

8. Tiêu trừ phiền não.

Sau khi đã tìm hiểu về khái niệm và điểm cốt yếu nhất của nước bát công đức thuỷ, mỗi người con Phật chúng ta phải học theo hạnh của nước. Sự nhẹ nhàng, tinh khiết, uyển chuyển ấy là chìa khoá, là cứu cánh để mỗi người đạt tìm được an lạc ngay trong chính cuộc sống còn nhiều thị phi, nhiễu nhương này.

Ngọc Linh

Theo Phật Pháp Ứng Dụng