HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH QUA LĂNG KÍNH PHẬT GIÁO

Thích Nhật Từ
Columbus Books 2014

Hàn gắn vợ chồng sau ly thân

Con và chồng con đã li thân được 3 năm nay vì con phát hiện chồng con có người phụ nữ khác, con trai 6 tuổi ở với con. Gần đây chồng con có ý định nối lại tình cảm và quay về chung sống cùng hai mẹ con con song con cảm thấy chưa sẵn sàng. 3 năm qua sống không có anh ta con thấy rất thoải mái, con không bị dằn vặt bởi những cơn ghen, bởi những tổn thương mà người chồng bội bạc mang đến cho con. Nhưng con trai con rất yêu bố, thèm bố. Mỗi lần bố con gặp nhau xong là cháu lại hỏi: “Mẹ ơi, bao giờ bố về với mẹ con mình?”. Nghe con trai hỏi mà lòng con tan nát, thương con nhưng con cũng phải thương bản thân. Con nghe mọi người trong cơ quan chồng con nói, mấy năm nay khi chúng con sống li thân chồng con và người đàn bà kia ngang nhiên sống với nhau như vợ chồng. Con phải làm gì đây? Kính mong Thầy chỉ bảo cho con con đường đúng. Con cảm ơn Thầy nhiều!

Lại Thị Lành, Bạc Liêu

Hàn gắn vợ chồng sau li thân

Thầy Thích Nhật Từ trả lời

Chị Lành thân mến!

Nếu sau khi li thân, chị và chồng chị đều có người yêu mới, chuyện tình của hai người đang chìm vào dĩ vãng, bỗng dưng được tái hiện như một nhu cầu, từ lời đề nghị của chồng thì quyết định hàn gắn vội vã có thể dẫn đến ân hận về sau.

Nếu sau ba năm chia tay, bỗng anh xuất hiện với những bó hoa, với dáng vẻ khúm núm, với ánh mắt van xin tha thứ, với sự chân thành như lúc mới quen nhau, tim chị loạn nhịp nhưng chị vẫn chưa quên được cảm giác đau khổ khi bị anh ấy phụ tình, cộng với lòng thương con vô hạn, một trạng thái tâm lí phức hợp xuất hiện… chị nên suy xét lại lòng mình với bốn điều dưới đây:

Phân tích lí do li thân

Trong tình huống, chị phải cân nhắc rằng có nên “đường anh anh đi, đường tôi tôi đi” vĩnh viễn, khi anh ấy đề nghị “nối lại tình xưa” thì chị không nên bỏ qua việc phân tích lí do chị và anh ấy đã li thân ba năm trước. Trong hoàn cảnh chị, sự li thân là do chị “phát hiện chồng có người phụ nữ khác”. Nếu đây là sự thật có chứng cớ, chứ không chỉ đơn thuần là sự suy luận hay nghe người khác nói thì chị nên xem xét rằng anh ấy có nỗ lực và có khả năng từ bỏ “người đàn bà kia” khi trở về sống với chị không?

Nếu câu trả lời là không (như chị cho biết trong thời gian li thân “chồng chị và người đàn bà kia ngang nhiên sống với nhau như vợ chồng”) thì việc nối lại tình vợ chồng trong tình huống này không có khả năng làm cho gia đình chị được hạnh phúc. Rồi mọi việc đâu sẽ vào đấy. Việc gì sẽ phải xảy ra sẽ xảy ra. Nghĩa là, chồng chị có khả năng vẫn tiếp tục “ngang nhiên sống với nhau như vợ chồng” với người đàn bà kia, khi chị sẽ tiếp tục “bị giằn vặt bởi những cơn ghen, bởi những tổn thương mà người chồng bội bạc mang đến.” Ở đây, cõi lòng chị “tan nát” không phải do chị còn thương chồng chị, lại càng không phải chị cảm động bởi lời đề nghị nối lại của chồng, mà do lòng “thương con” của chị vì chị thấy rằng con chị “rất yêu bố, thèm bố” Trong tình huống này, việc nối lại với chồng, vì thương con chung của hai người, chắc hẳn không thể là giải pháp tốt nhất.

Nếu chồng chị là hạng người “lấy tình lấp tình” khi bị cô nàng kia bỏ rơi mới quay trở về với chị để bớt cô đơn, đồng thời để được thỏa mãn về thể xác, thì việc tự biến mình thành con rối của chồng không phải là thái độ khôn ngoan. Chị đừng để cho anh ấy lợi dụng thêm lần nữa. Chị nên cân nhắc việc này thật kĩ, cho đến khi nào, cả hai thật sự cần nhau, vì nhau, yêu nhau và không thể thiếu nhau thì nỗ lực hàn gắn của cả hai mới có kết quả, nghĩa là có khả năng mang lại hạnh phúc.

Xem xét động cơ hàn gắn 

Sau ba năm li thân mà đến hôm nay, chị mới đón nhận được lời thỉnh cầu “nối lại tình xưa” của chồng, chị không thể không suy nghĩ về động cơ hàn gắn của anh ấy. Điều này sẽ giúp chị tự tìm ra được câu trả lời cho các câu hỏi: “Liệu anh ấy có thực sự cần tình yêu của chị không? Trong thời gian li thân, anh ấy có nuối tiếc và không ngừng yêu cầu “nối lại” tình yêu với chị không? Và có dấu hiệu gì cho thấy, anh ấy quyết tâm từ bỏ người đàn bà kia để thực sự về với chị không?”

Nếu sau thời gian ba năm chồng chị “ngang nhiên sống với nhau như vợ chồng” với người đàn bà kia mà không tìm thấy được hạnh phúc đích thực như khi ở bên cạnh chị, anh ấy hối hận, không muốn mất chị vĩnh viễn trong đời, nên mong được chị tha thứ để quay trở về tổ ấm thì chị nên ứng xử cao thượng, để “gương vỡ lại lành.” Lòng cao thượng và sự thứ lỗi trong tình huống này có khả năng trị liệu và hàn gắn tích cực.

Chị cũng nên suy nghĩ thêm. Trong câu chuyện của chị, trước và sau khi chồng chị có người khác, mâu thuẫn giữa vợ chồng chị có lớn lắm không? Mâu thuẫn đó có phải do tự ái cá nhân của một trong hai người, hoặc của cả hai không? Mâu thuẫn đó có phải do sự có mặt của người đàn bà kia không? Nói cách khác, khi thấy rõ được nguyên nhân và động cơ “quay về” của chồng, chị sẽ dễ quyết định sáng suốt, rằng có nên “làm lại từ đầu” với chồng chị hay không? Quyết định tha thứ thì đừng quá chậm nhưng cũng đừng quá dễ dàng, vì sẽ có khả năng làm chồng “bệnh cũ tái phát” về sau.

Đánh giá lại tình yêu của chị đối với chồng

Việc đánh giá lại tình yêu của chị dành cho chồng, mức độ nhu cầu của tình yêu mà chị có thể cần ở anh ấy… vẫn là điều quan trọng nhất, giúp chị cân nhắc lời đề nghị “hàn gắn” của chồng. Mặc dù trong thư, chị cho biết chị “cảm thấy chưa sẵn sàng” vì “3 năm qua sống không có anh ta chị thấy rất thoải mái,” tôi vẫn khuyên chị nên tự kiểm tra mình bằng câu hỏi, liệu chị còn tình yêu với chồng không, hay đã thực sự quên anh ấy rồi? Nếu còn chữ tình với nhau (dù có hận và giận anh ấy), thì chị đừng vì sự căm giận thói trăng hoa trong quá khứ của chồng, lại càng không nên vì tự ái, mà chị tự dối lòng mình.

Thử đặt câu hỏi, nếu không còn yêu thương chồng thì tại sao đã ba năm li thân mà chị vẫn chưa li dị anh ấy? Việc chưa li dị của chị cho thấy chị vẫn còn chút vương vấn nào đó, và nếu đó là sự thật thì tình yêu ở chị vẫn còn đó, đợi chờ anh ấy trở về với sự biết lỗi và ăn năn. Nếu thật sự chị không còn chút tình gì với anh ấy thì đừng vì những lời năn nỉ ỉ ôi của chồng mà động lòng, để rồi phải quyết định “quay lại” khi chị “cảm thấy chưa sẵn sàng” cho sự quay lại này. Tự lừa dối tình cảm của bản thân là một sai lầm. Thiếu dứt khoát trong cuộc tình lằng nhằng “chia tay rồi quay lại và quay lại để rồi lại chia tay” chắc hẳn không phải là thái độ lựa chọn khôn ngoan. Thành thật với tiếng nói của trái tim, sáng suốt với quyết định của lí trí sẽ là điều không thể thiếu, có khả năng giúp chị có sự chọn lựa đúng đắn và sáng suốt.

Tương lai của cuộc tình quay lại

Kéo dài tình trạng li thân mà không li dị không phải là giải pháp cho cuộc tình thiếu hạnh phúc. Đó chỉ là sự bỏ ngỏ, thiếu hướng đi dứt khoát trong khi, bây giờ, chị được đặt trước tình huống hoặc chấp nhận hàn gắn hoặc chia tay vĩnh viễn. Ba năm li thân là quá đủ (nếu không nói là quá dài và tai hại) cho sự thử nghiệm cuộc tình không có lối thoát rồi. Nói gì thì nói, điều quan trọng nhất mà chị cần suy nghĩ chín chắn là tương lai của cuộc tình quay lại này sẽ ra sao? Liệu việc giải quyết nỗi buồn hiện tại có đủ sức nuôi lớn hạnh phúc gia đình sau khi hàn gắn? Liệu khi quay lại, trong lúc mong đợi “gương vỡ lại lành” chị không thể quên được sự kiện anh ấy ngoại tình, có giúp chị xóa bỏ được các mâu thuẫn về tình cảm hay không? Chỉ khi nào chị xác định được tương lai của tình yêu hàn gắn, chị hãy mạnh dạn tha thứ, bỏ qua lỗi cũ của chồng, xây dựng lại hạnh phúc từ đầu. Đừng vì sự mủi lòng với chút thương cảm hay tội nghiệp nhất thời mà quay trở lại, khi trái tim chị đã khô héo, lí trí đã không ưng, vì điều này sẽ dẫn đến kết cục buồn về sau. Nhắm mắt và thiếu sáng suốt trong lựa chọn sẽ làm chị khổ thêm một lần nữa, vì lần đổ vỡ thứ hai này sẽ có thể tệ hại hơn nhiều. Nếu tha thứ, chị nên quyết định dứt khoát thì khi chọn lựa “đường ai nấy đi” chị càng phải dứt khoát hơn. Với những điều gợi ý nêu trên, tôi tin tưởng rằng chị đủ sáng suốt trong việc đánh giá anh ấy, đánh giá bản thân và tự chọn cho mình con đường thích hợp, có khả năng mang lại hạnh phúc, xây dựng tương lai.

Thích Nhật Từ